Trang

22 tháng 4, 2015

Phải chăng chúng ta đang mộng du? (Bài 2)

Tiếp tục bài 1 về chuyên đề “gợi ra để suy ngẫm", hôm nay mỗ xin nêu lên một khía cạnh mới của định đề chắc như đinh đóng cột từ lâu, đến nỗi thành thuộc lòng “VN đang xây dựng CNXH”.

Có mấy cái lý sau đây khiến cả một chủ trương đường lối vốn cực kỳ quan trọng trong cuộc sống chúng ta bỗng trở nên ... vô lý.

1. Như bài trước đã nêu, CNXH trước hết là một hệ thống lý thuyết về quá trình phát triển của xã hội loài người; Vậy, nói “xây dựng CNXH" cũng có nghĩa là xây dựng một mớ lý thuyết trên sách vở. Điều này vô lý.

Có người lại cho rằng CNXH là một thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa v.v... tiên tiến nhất thời đại; vì thế xây dựng CNXH cũng đồng nghĩa với xây dựng thể chế ấy và được coi là mục tiêu cao nhất của những người CS VN (xây dựng thành công CNXH).

Điều này cũng vô lý nốt.

Bởi lẽ, một thể chế chính trị-kinh tế bất kỳ v.v... về bản chất chỉ là một mô hình phát triển, một phương thức tổ chức đời sống cộng đồng dân tộc và những biện pháp thực hiện nhằm đi đến mục tiêu tối cao, lâu dài hơn là xây dựng đât nước văn minh tiến bộ, phát triển phồn vinh hạnh phúc v.v... Nói cách khác, CNXH không phải là mục đích cuối cùng của chúng ta, chỉ là con đường đi đến mục đích cao hơn đẹp hơn, lấu bền hơn như nói trên. Lâu nay, chúng ta đã phạm phải sự ngộ nhận chết người: lấy biện pháp thay mục tiêu, lấy con đường thay đích đến, do đó luôn đề cao biện pháp ngắn hạn, làm lu mờ mục tiêu dài hạn. Một số biểu hiện của tình trạng trên là: Coi trọng thể chế chính trị hơn lợi ích quốc gia, coi hệ tư tưởng quan trọng hơn lợi ích dân tộc, coi đảng quan trọng hơn Tổ quốc, coi “bảo vệ đảng” quan trọng hơn bảo vệ dân, trọng Chính quyền hơn quần chúng, trọng tập trung, trấn áp hơn mở rộng dân chủ, trọng thành tích hào nhoáng hơn hiệu quả thực tế, sợ cấp trên hơn sợ sự thật, coi trọng lý luận có sẵn hơn học tập các nước trên thế giới để sáng tạo cái mới v.v.

2. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Nếu chúng ta thực sự cầu thị, nhìn lại ngọn nguồn của lý luận về CNXH được du nhập vào VN, chúng ta sẽ thấy thêm nhiều sự thật khiến ta có cảm giác như đang ... mộng du - đi trong mơ!...

Mỗ tôi không dám làm phiền các quí cụ bằng những trích dẫn dông dài, chỉ xin gạch đầu dòng mấy ý tóm lược như sau:

- Theo Mác và đặc biệt là Ănghen thời kỳ cuối, CNXH không thể ra đời bằng cưỡng bức ở các nước lạc hậu mà phải chuyển hóa dần từng bước ở những nước tư bản đã phát triển với trình độ rất cao về mọi mặt. (td Đức, Anh). V.Lênin phủ định tư tưởng đó, cho rằng nước Nga (nửa PK, nông nô, nửa tư bản) và nhiều nước lạc hậu khác (như Mông cổ du mục) vẫn có thể "bỏ qua" giai đoạn phát triển TBCN để “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc” lên CNXH. LX ra đời để chứng minh cho luận điểm đó. Nhưng sau 70 năm thí nghiệm trên lưng nhân dân, mô hình CNXH ở LX, Đông Âu sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của lý thuyết “bỏ qua”...

- Những lý tưởng cao đẹp của CNXH rất phù hợp với nguyện vọng độc lập tự do của dân tộc VN nên đã được các nhà CM nước ta tiếp thu để đấu tranh giành độc lập tự do; nhưng toàn bộ hệ thống lý luận về CNXH ở VN sau này thật ra lại không bắt nguồn từ những tư tưởng lớn của C.Mác, Ănghen mà từ ... Stalin. Vào những năm 30 TK trước, ĐCS LX đã tập hợp hàng nghìn nhà khoa học, nhà lý luận v.v... để viết lại học thuyết Mác dưới sự chi phối của CN Lênin và chủ nghĩa chủ quan duy ý chí, sùng bái cá nhân thô bạo của Stalin, trong đó nhấn mạnh một chiều chuyên chính vô sản, NN xô viết, tập trung quan liêu bao cấp, đề cao kinh tế QD, tập thể v.v... Thực tế chứng minh mô hình đó đã thất bại do không phù hợp với qui luật khách quan của cuộc sống... Như vậy một hệ thống lý luận sai lầm của người “anh cả“ đã được truyền thụ trung thành đến từng câu chữ cho “người em” VN thì tại sao lại biến thành mục tiêu cao nhất của dân tộc ta?

Sau khi LX và Hệ thống XHCN tan rã, chúng ta đã kịp thời đổi mới, tìm ra những giải pháp tạm thời thoát khỏi sụp đổ nhưng con đường phía trước xây dựng CNXH vô cùng tù mù, đầy mâu thuẫn, khó hình dung (td nền KTTT định hướng XHCN là gì) v.v... Ấy vậy nhưng chúng ta vẫn cứ dựa vào hệ thống lý luận cũ kỹ đó để ... đi mãi trên con đường vạn dặm mịt mù với đầy ảo ảnh sáng láng trong đầu. Đó không phải là ... mộng du sao?

19 tháng 4, 2015

Gợi ra để suy ngẫm ( Bài 1)

Trên con đường xây dựng một nước VN mới, phồn vinh hạnh phúc v.v... ,chúng ta đang làm phức tạp rối rắm thêm nhận thức của mình bằng rất nhiều khái niệm tưởng như là chân lý vĩnh cửu nhưng lại thiếu tính khoa học, xa rời thực tiễn. Đã từ lâu, trong xã hội chúng ta hình thành một thói quen bất lợi: nói đi nói lại rất nhiều lần một câu, một mệnh đề, một khẩu hiệu v.v... rồi dần dần thành thói quen, xuôi tai, và nghiễm nhiên trở thành khuôn mẫu không ai dám bác bỏ, mặc dù nội dung rất mơ hồ, không thể định tính định lượng. Hiển nhiên đây là hiện tượng không thể “măckeno”, đặc biệt là những khẩu hiệu mang tính định hướng tư duy, hành động của cả dân tộc…

Để mở đầu cho loạt bài này, hôm nay mỗ tôi xin liều mình bưng lên một món ăn tinh tình, trí tuệ rất mới lạ để hầu các cụ nhâm nhi.

Mọi người đều biết trong các thể loại giấy tờ, nói năng, phát biểu chính thức của quan chức ta từ thấp đến cao ở trong nước cũng như đi vi hành nước ngoài, một câu cửa miệng được nhấn mạnh nhiều lần như một niềm tự hào không ai có, đó là:

” Nhân dân VN đang ra sức phấn đấu xây dựng CNXH”.

Vâng, khẩu hiệu "xây dựng CNXH” chính là đề tài của bài bình loạn ngắn này.

Nói viết như vậy có chuẩn không? Liệu có nên đặt câu hỏi: "xây dựng CNXH” là xây cái gì không?

Theo định nghĩa thông thường thì CNXH là “Tổng hợp các tư tưởng phản ảnh các cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột giữa giai cấp bị áp bức, bóc lột và giai cấp bóc lột đang là giai cấp thống trị; Là tổng hợp các tư tưởng phản ảnh những ước mơ, nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu của con người mà trước hết là những người lao động nghèo khổ về một xã hội tương lai tốt đẹp không có áp bức bóc lột”.

NHư vậy, CNXH trước hết là một trào lưu tư tưởng, một hệ thống lý thuyết được những nhà sáng lập xây dựng nên dưới dạng câu chữ, sách vở, chứ không phải là một thực thể vật chất có thể cảm nhận được bằng giác quan con người (định nghĩa vật chất của Lênin).

Suy ra,nội hàm của “xây dựng CNXH" tức là xây dựng một hệ thống lý luận,một nguyện vọng, ước mơ chứ không phải là xây dựng những cái cụ thể nhằm phục vụ cuộc sống con người?

Đó có phải là mục tiêu, khẩu hiệu, định hướng của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta? Tôi cho rằng: không!

Cái chúng ta cần xây dựng là đất nước, quê hương yêu dấu, là cuộc sống con người cụ thể, chứ không phải những lý thuyết, tín điều, giấc mơ trừu tượng với vô vàn câu chữ khó hiểu. Phải vậy chăng?

15 tháng 4, 2015

Lạm bàn về khái niệm "Tin cậy chính trị”

Trong cuộc đi thăm TQ vừa qua của TBT, người ta thấy hai bên nhấn mạnh đến một khái niệm rất mới và rất quan trọng: “sự tin cậy (hay lòng tin) chính trị”.
Trong bài tổng kết chuyến đi,có đoạn: “Hai bên đã nhất trí ra Thông cáo chung 9 điểm thể hiện các nhận thức chung quan trọng về truyền thống quan hệ 65 năm qua, về quan hệ Việt-Trung, về việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác đầy đủ, thiết thực, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đưa quan hệ song phương phát triển lành mạnh, bền vững”. ( ND số ngày 10/4).
Mọi người còn nhớ, cách đây ít lâu, TT ta đã nói đến “lòng tin chiến lược” giữa các nước và được đón nhận tích cực, nay ông Tổng lại tung ra khái niệm mới hơn: “sự tin cậy chính trị!”.
Dưới góc độ nghiên cứu nội bộ trong làng CL, mỗ tôi xin có vài lời bàn thảo về cái sự "tin cậy chính trị” vừa được các vị lãnh đạo đưa ra . Vì sao cần làm rõ nội hàm đích thực ẩn đằng sau câu chữ ấy? Vì nó liên quan đến chiến lược xác định bạn - thù, địch - ta của cả dân tộc trong giai đoạn lịch sử mới, không đơn giản chỉ là chuyên chơi chữ. Mọi người đều biết, đã đánh giá sai Ta - Bạn - Thù thì mọi việc cũng sai theo, hậu quả thật khó lường…
Theo suy nghĩ riêng,cái ý ẩn đằng sau từ này có thể suy ra là: hai nước V-Tr có cùng hệ thống chính trị, cùng hệ tư tưởng, “vừa là đồng chí vừa là anh em” v.v... thì tất yếu cần và có thể xây dựng được lòng tin vững chắc vào nhau, được gọi là "tin cậy chính trị”; ngược lại, những nước nào không cùng thể chế chính trị thì khó có lòng tin ấy!
Câu hỏi lớn cần được đặt ra: có đúng vậy không?
Tôi cho rằng: Không đúng! Vâng, từ xưa đến nay và từ nay về sau, sự tin cậy giữa các QG, dân tộc chủ yếu chỉ có thể hình thành dựa trên cơ sở lợi ích chung giữa các bên liên quan, chứ không thể căn cứ vào hệ tư tưởng, thể chế chính trị v.v... Theo nguyên lý của phép biện chứng thì mọi hệ tư tưởng,học thuyết, lý luận v.v... chỉ có giá trị trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, do đó, quan hệ bạn và thù cũng sẽ thay đổi theo. Chỉ có lơi ích dân tộc là vĩnh cửu làm nền tảng cho mọi mối quan hệ giữa các Nhà nước.
Khi đã không chung lợi ích thì không bao giờ có lòng tin nói chung, kể cả lòng tin chính trị, kinh tế hay quân sự!
Dưới đây xin tóm lược một vài luận chứng:
1. Về thực chất,xét theo mọi tiêu chí,TQ hiện nay không thể được coi là nước XHCN đích thực; Về bản chất tư tưởng, họ không còn là ML, CS đúng nghĩa v.v..., mà hiện nguyên hình là CN thực dụng cực đoan hòa trộn với CN DT nước lớn, theo hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo của Khổng Tử. (Tu thân …bình thiên hạ). Trong thâm tâm, họ luôn đánh giá VN là nước nhỏ, yếu, lạc hậu kiểu Nam man ngày xưa, lại hỗn láo, bướng bỉnh, cần phải “dạy dỗ” thường xuyên kể cả bằng súng đạn vào bất kỳ lúc nào thấy cần thiết. Vậy đó có phải là quan hệ giữa những người CS theo lý tưởng “bốn phương vô sản đều là anh em” hay không? Điều này không phải do mỗ suy diễn mà căn cứ vào phát biểu của Ô Tâp vào dịp đón đoàn ta. Trong mọi diễn văn, khác với phía VN, ông ta không bao giờ đả động đến việc xây dựng CNXH, tư tưởng ML, tiến lên v.v... mà chỉ nói TQ đang xây dựng một “XH khá giả, theo luật pháp v.v...”. Đó là trên lời nói, còn việc làm thì sao? Dù ai muốn quên đi nhưng nhân dân ta sẽ không bao giờ quên được bài học từ cuộc chiến 1979 để rồi vô tư cùng TQ xây dựng “lòng tin chính trị” khá là mơ hồ. Bởi lẽ đơn giản, về nguyên tắc, đã là CS thứ thiệt thì không bao giờ được đem quân đi xâm lược bắn giết đồng bào của đồng chí mình, lại càng không được dùng xương máu nhân dân hai nước để lấy lòng đế quốc! Chính họ thừa nhận TQ đánh VN cho Mỹ xem ,giết người Việt để rửa hận cho Mỹ, để chứng minh lòng thành nhằm nhận được viện trợ của KH v.v... (Lưu Á Châu). Vậy có nên coi họ là cùng hệ tư tưởng? Để rồi xây lâu đài tin cậy chính trị?

2. Có thể nói, do đặc điểm lịch sử và địa chính trị nên ở tầm vĩ mô, từ hàng ngàn năm nay, hai nước chưa bao giờ có lợi ích cơ bản tương đồng. Thời nay, TQ đã và sẽ là nước siêu cường đang nuôi tham vọng vươn lên thống trị thế giới nên luôn coi VN là trở ngại cần chinh phục bằng mọi cách từ phỉnh nịnh, mua chuộc, làm cho mất cảnh giác, (như vụ đón rước linh đình vừa qua) đến đe dọa, lấn chiếm, chia rẽ, can thiệp, khi thời cơ đến thì chiếm lấy trong vòng 3 ngày đến 1 tuần! v.v... Tất cả nhằm mở thông con đường bành trướng xuống BĐ và ĐNÁ, triển khai kế hoạch “con đường tơ lụa" mới thế kỷ 21 v.v... Trong khi đó VN là nước nhỏ, nghèo, muốn hòa bình để “xây dựng thành công CNXH”, kết bạn với mọi QG, dân tộc, nhằm đảm bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Nhân dân VN lại có ý chí và truyền thống chống ngoại xâm, không muốn phụ thuộc ngoại bang, không muốn trở thành bộ phận của TQ v.v Vậy làm thế nào xây dựng được lòng tin chính trị đây?

3. Trong hành động cụ thể, TQ chưa bao giờ coi trọng lợi ích thật sự của VN, kể cả trong KC chống Pháp cũng như chống Mỹ. Mọi sự giúp đỡ của họ cho ta chủ yếu là vì lợi ích của chính họ! Sau khi ta dành thắng lợi 1975 thì TQ càng cay cú, hậm hực, lập tức xúi bẩy, viện trợ cho Khơme đỏ đánh VN, tạo cớ để “dạy cho VN bài học" v.v... Trong xây dựng hòa bình, các “đồng chí TQ” làm được gì cho sự phát triển của VN? Họ khoe kim ngạch TM hai nước phát triển rất mạnh nhưng VN nhập siêu của TQ 26 tỷ đô, vậy lợi ở đâu? Nếu sắp tới tăng lên nữa thì càng thua thiệt nhiều. Những công trình đầu tư, tổng thầu v.v lại càng tệ: cái thì lỗ vì công nghệ lạc hậu như Boxit Tây Nguyên, cái thì chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư, thi công mất an toàn, buôn bán tiểu ngạch ở biên giới thì làm khổ nông dân (vụ nhãn vải, dưa hấu những năm trước và hiện nay), hàng thực phẩm, đồ chơi trẻ em, dụng cụ gia đình của họ đưa sang VN đều tẩm chất độc hại v.v..., Thương lái vào sâu nội địa đặt hàng độc để triệt hạ hồi, quế, cây nguyên liệu,cây ăn quả quí hiếm v.v... Thật lòng mỗ tôi chưa thấy có hành động nào của TQ có tác động tích cực đến sự phát triển của nước ta.

Còn ở BĐ thì khỏi nói. Ký tuyên bố chung chưa ráo mực, TQ đã tuyên bố công khai quân sự hóa BĐ, tiếp tục mở rộng 7 đảo ở TS của VN v.v.

Vậy thì làm sao có thể xây dựng được sự tin cậy chính trị giữa hai nước nhỉ.

Để thấy rõ hơn vấn đề, có lẽ nên so sánh quan hệ V-TR với Việt - Nga. Rõ ràng, với Nga, VN không bao giờ là lực cản cho sự phát triển của họ. Ngược lại, Nga cũng không có tham vọng lãnh thổ, biển đảo, hành lang kinh tế v.v... của VN. Nói cách khác, lợi ích cơ bản giữa hai bên là thống nhất. Đó chính là cơ sở vững chắc để chúng ta xây dựng sự “tin cậy chính trị" với Nga. (Đáng buồn là trong một thời gian dài, quan hệ hai nước chưa xứng tầm tiềm năng; sau chuyến đi vừa qua của ông Thủ tướng Metvedep, một thời kỳ mới sẽ mở ra chăng?).
Tiến thêm một bước, chúng ta hãy xem xét quan hệ VN - HK trong giai đoạn lịch sử mới. Cá nhân tôi cho rằng hiện nay và trong tương lai, lợi ích của hai nước không có xung đột lớn mặc dù về ý thức hệ không tương đồng. Cần chỉ ra rằng, ngày nay, những cuộc xung đột quốc tế không còn do mâu thuẫn ý thức hệ để hình thành hai phe đối đầu như trước. LX và hệ thống phe XHCN sụp đổ khiến cho bản đồ chính trị thế giới thay đổi theo hướng lợi ích toàn cầu mâu thuẫn với lợi ích cục bộ QG, sắc tộc, tôn giáo, với những mối đe dọa phi truyền thống, biến đổi khí hậu v.v.. Vì lẽ đó, nước ta hoàn toàn có cơ sở để xây dựng lòng tin chiến lược, hoặc tin cậy chính trị với HK, dĩ nhiên có điều kiện đi kèm để tránh biến thành con tốt trong tay bất kỳ nước nào... Liệu trong chuyến viễn du sắp tới ,ông Tổng có làm được việc ấy ? Hãy đợi xem sao.
4. Tuy nhiên, dù không thể “tin cậy chính trị” trong thực tế, nhưng chúng ta cũng không dại gì công khai, chủ động chống TQ như thời kỳ ông LD. Ta mong muốn chung sống hòa bình với họ, tôn trọng lợi ích lẫn nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế nhưng luôn phải nâng cao "cảnh giác chính trị”, không để bị bất ngờ ăn quả lừa như hồi 1979, càng không để mất độc lập tự chủ, lãnh thổ, biển đảo, hy sinh lợi ích dân tộc để chạy theo tình hữu nghị và hệ tư tưởng hão huyền v.v... Phải thế chăng?

*  *  *

8 tháng 4, 2015

Chiếc bẫy tiền

Sau một thời gian P&R rầm rộ ,đến nay TQ đã đạt được những thành công quan trọng trong việc hình thành một định ché tài chính mới tại Châu Á do họ khởi xướng và làm chủ.- AIIB. Đến nay đã có khoảng hơn 30 GQ thông báo sẽ tham gia AIIB..
Để hiểu đúng bản chất của AIIB, có lẽ câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là : Vào thời điểm hiện nay,TQ “sáng chế” ra AIIB nhằm mục đích gì?
Cá nhân tôi cho rằng:
1. Việc BK chủ động đưa ra sáng kiến thành lập AIIB là một trong những bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa” với tham vọng biến TQ thành một siêu cường hàng đầu thế giới, có vai trò ngày càng quan trọng trong các mối quan hệ toàn cầu. Với số tiền hào phóng sẵn sàng cho vay,đầu tư trong AIIB, TQ muốn cải thiện vị thế của mình,vẽ lại bộ mặt đã bị vấy bẩn trên khắp thế giới trong những thập kỷ qua, đặc biệt là ở BĐ. Rõ ràng với AIIB, TQ đang đưa ra một “củ cà rốt” thật to để nhử mồi các nước nhỏ, hy vọng “thằng mà không cần chiến”,trước hết nhằm vào các QG quanh BĐ, trong đó có VN.
Về thực chất,họ nuôi tham vọng tập họp lực lượng cạnh tranh với Quĩ tiền tệ Q tế IMF, Ngân hàng thế giới WB của Mỹ và đặc biệt là Ngân hàng phát triển Châu Á - ADB do Nhật nắm giữ.
2 .Đây là một cú phản đòn của TQ trước nguy cơ Hiệp định TPP sắp được ký kết( cuối năm nay hoặc đầu năm sau); Theo đó, các nước xuyên TBD từ Đông sang Tây sẽ tập họp nhau lại trong một Tổ chức thương mại tự do rất rộng lớn do Mỹ thành lập mà TQ không được phép tham gia..
TPP sẽ liên kết kinh tế đến 12 nước với dân số 750 triệu người,Tổng GDP 25-29 ngàn tỷ đôla. Ai cũng thấy rõ, HK đã dành cho TPP sự chú ý đặc biệt đến mức nào. Vừa qua,Ô. Ashton Carter- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh TPP là một trong những phần quan trọng nhất trong nỗ lực của chính quyền để chuyển sự chú ý nhiều hơn đến châu Á-Thái Bình Dương, sau hơn một thập kỷ tập trung vào các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Ông cho biết TPP quan trọng đối với ông giống như một tàu sân bay mới.
Khi đi vào hoạt động, TPP sẽ làm sâu sắc hơn những mối quan hệ Kinh tế-Thương mại-KHCN-Đầu tư và tự do hàng hải giữa các nước thành viên, nhờ đó làm giảm mức độ phụ thuộc vào BK về thị trường tiêu thụ, nguyên vật liệu, phụ kiện v.v.Đồng thời các nước trong TPP sẽ coi Biển Đông là con đường giao thông huyết mạch của họ nên tất yếu sẽ không thể chấp nhận “cái lưỡi bò” của TQ. Hơn nữa, như lịch sử đã chứng minh, khi lợi ích kinh tế của một số QG đã gắn bó chặt chẽ với nhau thì lợi ích an ninh, QF cũng sẽ từng bước được tăng cường, không có cách nào ngăn cản được. Hiển nhiên đó là điều TQ không hề mong muốn.Họ không thể phá được TPP nên phải tìm lối thoát bằng cách lôi kéo một số nước vào cài rọ AIIB nhằm tạo thế cân bằng quyền lực với đối thủ cạnh tranh..
3. TQ đã rất khôn ngoan đề xướng lập Ngân hàng chung với một số nước , chứ không đi vào lĩnh vực hợp tác thương mại,đầu tư cụ thể nào. Bởi lẽ, ai cũng biết để phát triển sản xuất kinh doanh tất yếu phải có vốn. Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều nước đang thiếu vốn, nợ xấu lên đến 50-60 % GDP,thâm hụt ngân sách, bội chi v.v.trong khi TQ lại đang đứng trước nguy cơ ..thừa ngoại tệ ( theo số liệu công bố thì dự trữ ngoại hối của họ đã lên đến gần 4 ngàn tỷ đôla). Như vậy TQ đã lấy chỗ mạnh của mình để chọi lại chỗ yếu của người khác, theo đúng binh pháp Tôn Tử.Khi đó, họ luôn chiếm thế thượng phong, bảo gì, người yếu hơn, nghèo hơn trong cái “ao nhà” của họ buộc phải nghe,kể cả khi không cần dành quyền phủ quyết.
Chính vì lẽ đó, họ đề ra nguyên tắc TQ phải nắm giữ 50 % tổng vốn cổ phần,do đó sẽ luôn có tiếng nói quyết đinh trong mọi v/đ! Chẳng hạn khi ai đó đã được vay số tiền lớn, lãi suất ưu đãi, thời hạn lâu, ân hạn dài v.v.thì bên đi vay buộc phải cho họ đấu thầu với giá rẻ,mua máy móc thiết bị của chủ nợ, đó chính là dịp để TQ tiêu thụ sản phẩm, kể cả loại công nghệ đã lạc hậu. Hàng loạt nhà máy xi măng lò đứng của TQ ở VN những năm trước đây là bài học khó quên.
4. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất. TQ lập ngân hàng chỉ để xây dựng hạ tầng cho Châu Á mà thôi, không làm việc gì khác. Tại sao như vây? Về danh nghĩa, HTCS luôn phải đi trước một bước ở mọi QG đang phát triển; đầu tư vào đó là trúng ý đối phương, dễ được lòng dân, dễ kể công,dễ thu phục tay chân v.v. Nhưng về thực chất, TQ âm mưu dùng tiền đầu tư HTCS để dễ dàng thâm nhập vào lãnh địa các nước Châu Á,nắm lấy các yết hầu giao thông, đưa người sang lao động đồng thời là đội quân thứ 5 chui sâu leo cao, ẩn mình chờ thời, khi cần sẽ động thủ, trước hết là những nước như VN. Thực tế ở Vũng Áng,Tân Rai, v.v. là những sự thật minh chứng cho điều đó.
5 Đối sách của VN
- Trước hết, gạt sang một bên mọi lời nói về hệ tư tưởng,những cử chỉ, nụ cười, những chuyến thăm cấp cao liên tục,, sự đón tiếp trọng thị, ồn ào v.v.chúng ta cần nhận rõ mục đích nham hiểm của siêu cường đang trỗi dậy khi họ bỏ cả đống tiền để mua sự mất cảnh giác của các nước nhỏ,nghèo đang cần tiền để phát triển HTCS ;Trong đó VN có thể là mục tiêu nhắm tới trước tiên. Có một nguyên tắc trong KTTT” không ai cho không ai cái gì”. Về lâu dài,TQ không bao giờ thực lòng muốn giúp để VN mạnh lên, đó là sự thật đã được lịch sử chứng minh từ lâu. Như vậy AIIB về bản chất là chiếc bẫy tiền không dễ thoát ra một khi đã mắc vào.
- Hiện chúng ta đã có quan hệ mật thiết với WB, ADBv.v.chính nhờ những định chế tài chính đó, VN mới đạt được những thành tựu kinh tế nhất định như vừa qua. Nay nếu có thêm AIIB, có lẽ ta vẫn nên tương kế tựu kế, tham gia có điều kiện để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thực tế chứng tỏ, tiền thì không thiếu, vấn đề là sử dụng tiền có hiệu quả không mà thôi.
- Bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần hết sức chặt chẽ, không để bị lợi dụng và phải được công khai minh bạch trước nhân dân , đặc biệt là những điều kiện ràng buộc đi kèm.Dứt khoát từ chối những khoản vay, đầu tư v.v.trong đó ép ta để trúng thầu xây dựng, chấp nhận đưa lao động TQ tràn sang làm việc,ép phải cho thuê ,mua đất, rừng, các công trình trọng điểm QG tại những địa bàn có ý nghĩa chiến lược về KT-QFv.v..
Dù còn lâu AIIB mới đi vào hoạt động nhưng nhận rõ thực chất v/đ và có đối sách đúng ngay từ đầu sẽ không bao giờ thừa.
 

3 tháng 4, 2015

Mỹ-Việt hoạt động hải quân chung

Việt Nam và Hoa Kỳ đang kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.


Hải quân Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có đợt hoạt động chung lần thứ sáu bắt đầu từ ngày 6/4 tới, theo thông cáo của Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM.
Đợt hoạt động này trùng kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước từng có thời chiến tranh với nhau.
Theo thông cáo, lễ đón sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng.
Lãnh sự quán Mỹ cho hay đợt hoạt động chung này kéo dài 5 ngày, tập trung vào nhiều sự kiện trao đổi về các mảng quân y, tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, công tác cộng đồng...
Như thường lệ, các quân nhân Mỹ sẽ thăm viếng chính quyền địa phương và giao hữu thể thao.
Đặc biệt, sẽ có một hoạt động chung ngắn trên biển để thực hành Quy tắc Tiếp xúc không định trước trên biển (CUES), tìm kiếm cứu nạn và vận hành tàu.
Hai tàu hải quân Mỹ tham gia đợt hoạt động này là USS Fitzgerald (DDG 62) và USS Fort Worth.
Tàu USS Fort Worth sẽ mở cửa đón khách tham quan.
Trước đó, chiều thứ Ba 31/3 không quân Việt Nam và Hoa Kỳ đã có một số trao đổi nghiệp vụ tại sân bay Đà Nẵng.
Truyền thông Việt Nam cho hay không quân Mỹ vừa kết thúc thành công chương trình nhân đạo mang tên "Thiên thần Thái Bình Dương" từ ngày 23/3- 30/3 tại tỉnh Quảng Ngãi.
Trước khi trở về căn cứ, phía Hoa Kỳ đã tổ chức cho các phóng viên tham quan máy bay C-130 Hercules khi chiếc máy bay này hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.