Trang

18 tháng 9, 2015

Bài thơ giải sầu: Một khúc thơ đời

(Thân gửi Cụ BaBê và các bạn QL)

Ai ơi buồn làm chi
Ta đưa nhau về bên kia sông Nhớ*
Sông Nhớ trôi đi trong tiếng hát thầm thì
Xuôi về một thời non trẻ.
Ừ nhỉ
Nay đã thu tàn, sao vẫn còn buồn tẻ?
Vui lên, vui lên!
Ta cứ ở bên nhau trong dòng chảy triền miên
Miệt mài con chữ
Đây tiểu thuyết, văn chương
Đây phẩm bình thế sự
Đây trăng non, đây hoa lá, thơ đời…
Cuộc sống vẫn mọng căng, hoa trái vẫn sinh sôi
Dẫu bóng tối rập rình, lẩn khuất
Gieo nỗi buồn thấm sâu vào lòng đất
Tưởng đâu héo hết mầm tươi.
Ta vẫn muốn dang tay ôm trọn niềm vui
Dù rất mảnh mai, nhỏ nhẹ.
Rất lâu mới gặp nhau, sao như con cùng một mẹ
Rạng rỡ nụ cười, tay nắm chặt tay
Hát hò như tỉnh như say
Bởi đã có một thời để yêu, để nhớ...

18/9/2015
(* Mượn thơ cụ Hoàng Cầm)

16 tháng 9, 2015

Quả nhiên… chán phè

Sau nhiều tháng chờ đợi, vậy là cuối cùng mọi người cũng đã được đọc Bản Dự thảo báo cáo Chính trị tại ĐH sắp tới. Xin mời các Cụ vô xem bản tóm tắt tại nhiều trang báo điện tử chính thức của NN cùng với lời kêu gọi góp ý …
Tối qua, mỗ tôi đã háo hức đọc “nó“ với niềm hy vọng vào chút ánh sáng mới mẻ cuối đường hầm. Nhưng than ôi, xin nói thật, thất vọng luôn.

Hẵng khoan nói tới chuyện góp ý rồi người ta có nghe hay không; riêng nội dung đã thấy cũ kỹ công thức như cách đây vài chục năm. Không biết mỗ có khó tính không nhưng đọc “nó”xong, bỗng có cảm tưởng mấy cha thư ký đóng cửa lại, ngồi trong phòng lạnh để hì hục viết cho được lòng cấp trên. Những mong mỏi của chúng ta về một “ĐH đổi mới lần hai” đã không trở thành hiện thực. Đây mới là những cảm tưởng ban đầu của một cá nhân thuộc diện “những người thích nghĩ”, chưa đi sâu vào nội dung cụ thể. Xin hẹn hồi sau trao đổi cùng các cụ làng ta dăm câu ba điều.

9 tháng 9, 2015

Một hiện tượng văn học độc đáo (Phần 2)

- Trước khi tiếp tục, xin có đôi dòng ngoài lề. Dường như được “thần giao cách cảm” nên đã có sự trùng hợp thú vị giữa nội dung cuốn sách của bạn XH mà tôi đang giới thiệu với những bài vừa xuất hiện mấy ngày qua trên Blog LSQL. Đó là vấn đề về vai trò và thân phận của tầng lớp trí thức nước ta từ xưa tới nay. Có lẽ “những suy nghĩ đúng thường gặp nhau” nên cụ Ca mới đưa về nhiều bài rất đáng đọc có cùng chủ đề với cuốn “Huyền thoại...”. Qua tác phẩm, XH dường như cũng muốn chứng minh một sự thật trước nay chưa được nhấn mạnh đúng mức: Dân tộc VN không chỉ có truyền thống anh dũng hy sinh, liều mình chiến đấu chống ngoại xâm, mà còn có truyền thống sáng tạo khoa học kỹ thuật rất đáng tự hào. Nghĩa là VN không phải là “man di” như bọn Tầu thường gọi mà là một đất nước anh tài trí tuệ từ lâu. Nếu không thông minh tài giỏi thì làm sao có thể tồn tại được bên cạnh gã láng giềng to đùng luôn thèm muốn ăn tươi nuốt sống chúng ta? Tuy nhiên từ ngày xưa cho đến sau này, chiến thắng ngoại xâm rồi, gần như đời nào cũng có, tầng lớp trí thức đầy tự trọng thường bị thanh trừng, sát hại kiểu “Nhân văn giai phẩm” đầy máu và nước mắt! Thương thay!
… Một cuốn tiểu thuyết hay tất yếu phải có cốt truyện hay. Nhưng nếu kể trước ra hết thì lại thành... vô duyên, vậy tôi chỉ xin thập thò vài chi tiết sau đây. Không gian tiểu thuyết trải dài từ Thủ Đô Yên Kinh nước Đại Minh đến Thăng Long Đại Việt, vào đến Nghệ An, Đức Thọ, từ núi cao đến biển lớn, từ công nghệ chế thuốc súng khô khan đến tình yêu ướt át, thỉnh thoảng xen một chút sex khá bạo nhưng đầy chất lãng mạn thanh tao. Xin mạn phép trích một đoạn: "Dù ở đây không có hoa Ban, và mùa này hoa Ban cũng chưa nở. Nhưng mãi mãi vẫn còn đêm đầu ngọt ngào với chàng dưới gốc Ban, cây hoa ngọt năm nào. Đêm hôm đó, có ánh sao rơi vào lòng”. Tả cuộc giao hoan của đôi trai gái như thế, kể cũng là khéo lắm. Đọc rồi, ta sẽ được biết vì sao Hồ Nguyên Trừng chịu ở lại phục vụ nhà Minh, bí quyết chế thuốc súng từ đâu mà có, ai là người chế ra thiết nhuyễn đất Giao Châu, (gần như thép ngày nay), liệu có liên quan gì đến cây cột sắt ngàn năm không rỉ còn bí ẩn tại Ấn Độ? Từ đó sẽ giải mã bí mật của chữ Nôm “Kim Thiếp” được dịch sang tiếng Việt là gì? Ta cũng sẽ biết ai là cha đẻ của loại súng “thần cơ thương” linh diệu hơn hẳn vũ khí của quân Minh, Lê Lợi và chư tướng khởi binh ra sao, mưu lược của Nguyễn Chích thế nào, sau biến động thời cuộc, ai còn ai mất,      ai chạy sang tận Okinawa? v.v... Đặc biệt không thể không kể đến những chi tiết vừa là sự thật vừa như phủ một lớp khói sương mờ ảo lung linh về dòng dõi Trần Gia hiển hách mà tác giả gửi gắm vào đó tất cả lòng kinh trọng và tự hào qua từng câu chữ…
Có thể nói một cốt truyện phức tạp, đa phương, đa chiều, những sự kiện lịch sử đất nước và bi kịch cá nhân một thời tao loạn chồng chất và đan xen vào nhau, không dễ nhớ, dễ kể lại bằng lời để mua vui vài ba trống canh.
Về thủ pháp nghệ thuật: Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử VN hiếm hoi được viết theo hình thức chương hồi, tương tự như “Tam quốc chí” bên Tầu. Tất cả gồm 14 chương, 36 hồi, dài 420 trang. Mỗi chương hồi đều có lời đề dẫn bằng những câu thơ, triết lý của cha ông xưa, hoặc lấy từ kho tàng trí tuệ nhân loại, chẳng thèm sao chép Khổng Mạnh; vài ví dụ: "Phan Liêu oán giận, Quí Hữu ngại ngần, Trương Phụ điều quân, Trùng Quang thất trận”. "Non Hồng rọi bóng nước trong veo, chốn vắng nhàn cư kẻ sĩ nghèo” v.v..
Một tác phẩm văn học sống được bao lâu trong lòng độc giả lại phải nhờ vào các nhân vật được người viết dựng lên bằng bút pháp nghệ thuật riêng biệt. Bởi vậy người ta gọi là "các hình tượng nhân vật” của tác phẩm và thường dành nhiều thời gian công sức đi sâu phân tích mổ xẻ. Chẳng hạn nói đến Lỗ Tấn, ta liền nhớ đến AQ, nhắc đến Nam Cao liền nhớ ngay đến Chí Phèo v.v... Trong cuốn “Huyền thoại...” chúng ta không thấy có nhân vật chính nào xuyên suốt toàn bộ tác phẩm từ đầu đến kết thúc, kiểu như GiăngvanGiăng trong “Những người khốn khổ“, Grigori trong “Sông Đông êm đềm” v.v... Dường như XH tuân thủ một đặc điểm của tiểu thuyết chương hồi là dựng lên nhiều nhân vật cùng lúc, không tập trung vào một vài hình tượng nào... Trong số hàng trăm nhân vật của “Huyền Thoại…”, tôi rất ấn tượng với Phan Liêu, tồn tại đến chương 12 thì tử trận. Đây là một dũng tướng dòng dõi Nhà Trần, lúc đầu do bất mãn với Trùng Quang vì cả nhà bị giết oan nên Phan đã đầu hàng nhà Minh, chống lại non sông. Sau thấy quân Minh dã man tàn ác quá độ, bèn quay giáo theo Lê Lợi đánh giặc, lập nhiều công tích. Cuối cùng hy sinh tại trận tiền. Đây là một hình tượng nhân vật có tâm lý phức tạp, khá điển hình: vì thù nhà mà theo giặc nhưng bởi yêu nước mà hối cải, quay về với chính nghĩa. Thử hỏi trong những cuộc chiến tranh chống xâm lược sau này, đã có biết bao nhiêu bi kịch kiểu Phan Liêu?
… Trong thơ văn thường có hiện tượng gọi là “ý tại ngôn ngoại”. Không thể khẳng định nhưng tôi cứ trăn trở với ý nghĩ này: Kể ra câu truyện có thể kết thúc ở chương Lê Lợi chiến thắng sau 10 năm “gian lao mà anh dũng”, nhưng lại kéo dài đến đoạn Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo, Ức Trai bị hại, thành ra một kết cục buồn. Nhưng sự thật lịch sử không thể bị che dấu, nó nói lên một chân lý bất di bất dịch: Nếu sau chiến thắng, giành được quyền lực vào tay mà nhà cầm quyền bất kỳ thời nào hư hỏng, thối nát thì đất nước lại rơi vào cái họa ngoại xâm. Phải chăng đó là bài học cho chính dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay và cả mãi mãi muôn đời con cháu về sau. Cuốn sách cũng nhờ vậy mà thêm phần giá trị.
Lời kết: Có thể nói, tác giả hơi kỹ tính, đưa vào nhiều tư liệu, trích dẫn, bằng chứng khoa học sâu sắc, tầm trí tuệ rất cao siêu nên có lẽ không phải ai cũng dám đọc và thích đọc cuốn tiểu thuyết chương hồi “Huyền thoại...”; đặc biệt là lớp trẻ. Bởi vậy công chúng đích thực của tác phẩm này sẽ không phải là một số đông bạn đọc rộng rãi mà sẽ khuôn lại trong một số đối tượng hạn hẹp nhất định. Mặc dù vậy, không thể không khẳng định: đây là một thành công đáng khâm phục của nhà văn trẻ Thâm Giang Trần Gia Ninh - thành viên làng Quế Lư, một hiện tượng văn học độc đáo hiếm hoi trong nền văn chương hiện đại VN, khi mà những cuốn sách được in ra ngày càng bị bội nhiễm bởi mùi kim tiền!
… Việc tìm đọc cuốn sách, xin các cụ làng ta hỏi thăm tác giả, kẻ thất phu này không dám hồi đáp. Ý tưởng của Cụ Ca về một cuộc hội thảo nội bộ là quá hay, xin giơ cả hai tay bái vọng!
Xin hết!
  

7 tháng 9, 2015

Một hiện tượng văn học độc đáo (phần 1)

Cách đây mấy tháng, một lần đến chơi nhà Xuân Hoài, tôi được bạn tặng một cuốn sách mới có cái tên đầy bí ẩn "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn”. Nhìn tên sách đã thấy lạ, cứ nghĩ của nhà văn thâm nho nào mới cho ra lò tác phẩm gây sốt mà mình lạc hậu chưa biết. Đến khi nhìn trang bìa, chỗ ghi tên tác giả “Thâm giang Trần Gia Ninh”.  tôi liền giật mình, ngạc nhiên, vừa mừng vừa tự hào vì tác giả chính là ông bạn già thâm niên đang đứng trước mặt, với đôi mắt hơi sâu, ngời sáng và mái tóc trắng bạch kim thật đẹp. Lúc đó XH mới giới thiệu:

- Sách tớ viết vừa được nhà XB văn học in đấy, cậu về đọc nhá, cho vui thôi…

À ra thế, một ông TSKH có kiến thức vật lý sâu rộng đến mức đủ để đi dạy ở nhiều trường ĐH của HK, Đức v.v... nay lại nhảy một cú ngoạn mục sang lĩnh vực văn học cấp cao. Tôi nói vậy vì để được NXB Văn học in tiểu thuyết thật chẳng dễ dàng gì. Mình phải thế nào người ta mới in chứ! Sở dĩ tôi nhận ra ngay tác giả vì cái bút danh đặc biệt chẳng giống ai, cũng nhờ chút ít chữ Nho còn lưu lại trong đầu. “THÂM GIANG” là dòng sông sâu. Sau này đọc xong cuốn sách, tôi mới hiểu thêm, hình ảnh con sông Ngàn Sâu, Ngàn Suối, sông La, sông Lam ... nơi quê hương tác giả cứ tái hiện nhiều lần như những dòng ký ức sâu thẳm không bao giờ phai. “TRẦN GIA" thì rõ rồi, bạn họ Trần thuộc một trong những danh gia vọng tộc nước Đại Việt xưa. Vào thời DCCH, cụ thân sinh từng là cán bộ cao cấp của Bộ GTVT, có nhiều công lao, đóng góp cho CM. Còn chữ “NINH” thì phải suy nghĩ, tìm tòi để hiểu cho thấu ý nghĩa sâu xa... Có 2 chữ NINH, một chữ với nghĩa là “yên ổn”, không chịu khuất phục, một chữ với nghĩa là có tài nhưng bướng với quan quyền! Phải chăng đó là nét đặc trưng của tính cách họ Trần Gia từ xa xưa mà ngày nay một trong những truyền nhân đang tiếp nối?

Nhớ hồi học ĐHSP Vinh, (1960 ) một lần tôi cũng đã từng đi du ngoạn đến một số địa danh nổi tiếng ở Đức Thọ, nay đọc lại trong cuốn sách của bạn bỗng như được đắm mình trong ký ức một thời trai trẻ khó quên. Những cánh rừng hoang vu bí ẩn hai bên sông Ngàn Sâu trầm ngâm trôi xuôi, núi Trùng Quang, thành Lục Niên xa mờ, huyền bí, bến Linh Cảm thanh tịnh bình yên lúc chiều tà, nước sông La trong xanh đến đáy…Tất cả gợi cho ta cảm giác về một miền địa linh nhân kiệt, thiên nhiên, hồn người như hòa quyện vào nhau. Cũng xin thú thật, tại đó, qua một cuộc gặp tình cờ, suýt nữa tôi đã xe duyên cùng một cô giáo cấp hai xinh đẹp, thùy mỵ đến nao lòng. Sau này, tôi được biết đã từ lâu lắm, người Pháp và cac Cụ ta đã coi con gái Đức Thọ thuộc hàng “xinh nhất xứ Đông Dương” , vừa ngoan hiền vừa giỏi giang. Ấy vậy nhưng bà Nguyệt không xe cho nên duyên phận đành lỡ làng.
… Tôi háo hức đọc cuốn sách lần thứ nhất, để ngấm một thời gian, rồi đọc lần hai. Đến nay thú thật vẫn chưa thể coi là đã thấu hiểu được ý tứ của tác giả, tuy nhiên vẫn cứ xin sẻ chia cùng các Cụ trong Làng, chả dám đăng đàn ở đâu. Thêm nữa. Vẫn biết đã có nhiều người, nhiều bài viết về cuốn tiểu thuyết của XH nhưng tôi cố tình chưa đọc của họ để khỏi mang tiếng “ăn theo, nói leo”. Tôi muốn giữ cho mình những cảm xúc riêng và cách nhìn riêng không giống ai về một tác phẩm của người bạn của chúng ta, thông minh đa tài nhưng không chịu “tiến thân bằng đầu gối”. Bởi vậy, nếu bài viết này có chỗ nào không chuẩn, cũng xin tác giả và bạn đọc lượng thứ.

Theo nguyên lý phê bình văn học, để đánh giá đúng một tác phẩm,trước hết người ta cần xác định chính xác thể loại của nó. Vậy cuốn tiểu thuyết của XH thuộc thể loại nào?

Căn cứ vào từ “Huyền thoại” có thể có người cho đây là một tiểu thuyết dã sử, hư cấu (bịa đặt) căn cứ vào một vài câu chuyện hoang đường do nhân dân tưởng tượng ra, không có trong chính sử. Còn tác giả lại cho đây là một cuốn “tiểu thuyết khảo luận, học thuật” ( Cẩn bạch)... Tôi thì cho rằng đây thật sự là một tiểu thuyết lịch sử. Bởi lẽ tác giả đã bám rất sát các sự kiện lịch sử ,các nhân vật có thật được chứng minh, tra cứu công phu chi ly đến ngày giờ, được sử sách ghi chép, mọi người đều biết. Thí dụ: quân Minh đánh chiếm nước Đại Ngu của Hồ Quí Ly, Hồ Nguyên Trừng chế súng, bị bắt về Yên Kinh, Vương Thông, Mã Kỳ, Liễu thăng, Lê lợi, Trịnh Khả v.v... Dĩ nhiên những sự kiện, con người có thật trong lịch sử phải được “văn học hóa” thành những hình tượng nhân vật có hình, có hồn, thông qua thủ pháp sáng tạo mạnh bạo mới có thể sống được trong tiểu thuyết. Ấy là cái khó và cũng là cái tài của người viết vậy. Nếu đọc kỹ những chú thích trong sách, nhiều khi ta có cảm tưởng đây là một cuốn khảo cứu khoa học lịch sử, địa lý, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục v.v... rất nghiêm túc, chính xác đến từng chi tiết. Qua đó, hiểu biết của người đọc được mở rộng rất nhiều , kể cả những nhà thông thái! Sách dã sử không cần và không thể làm vậy.

Về đề tài,có thể nói đây dường như là cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên của văn học VN lấy bối cảnh một giai đoạn lịch sử đầy khổ đau, vừa oai hùng vừa bi tráng của dân tộc ta thời phong kiến. Đó là thời kỳ cuối nhà Hồ, Nhà Minh thôn tính, cuộc khởi nghĩa Lê Lợi và những năm đầu nhà Hậu Lê dựng lại cơ đồ…

Vì sao tác giả lại chọn giai đoạn này để ngòi bút tung hoành trên trang giấy? Hẳn phải có những lý do riêng mà chúng ta chưa biết nhưng theo tôi có thể đưa ra giả thiết sau.

- Tuy chỉ thống trị nước ta 10 năm (1407-1417) nhưng đế chế nhà Minh Trung Hoa là một trong những kẻ xâm lược tàn ác nhất, thâm độc nhất, chủ trương hủy diệt dân tộc Việt, trí tuệ ,văn hóa Việt tệ hại nhất. Không kể những cuộc xâm lăng khác, chỉ kể từ thế kỷ 12, quân Nguyên Mông tràn sang 3 lần, mới chỉ kịp đốt phá xóm làng đã bị đuổi về nước. Sang thế kỷ 18, quân Thanh ào đến, cũng chưa kịp cướp bóc đã bị Quang Trung đánh cho tan tác phải ôm đầu máu rút chạy. Còn nhà Minh thì trong 10 năm chiếm được nước ta đã chủ trương triệt hạ dân tộc Việt đến cùng, bắt hoặc giết hết người tài, đốt hết sách vở, văn bia, công trình văn hóa v.v... hòng đồng hóa dân tộc ta. Bởi vậy cuộc chiến đấu vì tồn vong của Tổ quốc diễn ra vô cùng khốc liệt, không khoan nhượng, với đầy rẫy xung đột kịch tính từ thù trong đến giặc ngoài, từ quí tộc cũ đến giai tầng mới, từ người dân thường đến tâng lớp trí thức, từ xã hội đến gia đình, từ thời chiến đến thời bình, v.v... Viết để lên án tội ác của bọn xâm lược phương Bắc thời xưa cũng đồng nghĩa với một lời cảnh báo về những ảo tưởng đâu đó về thiện chí của chúng trong thời nay. Việc đó hẳn cần lắm, chẳng phải thích hay không thích.

- Hơn nữa, chính trong giai đoạn này, lòng yêu nước và tài năng đức độ của những nhà trí thức đương thời, trong đó có gia tộc họ Trần đã được tỏa sáng đúng lúc, góp phần làm nên những chiến công hiển hách sử sách còn ghi. Đặc biệt là những đóng góp của họ vào sự phát triển khoa học công nghệ chế tạo vũ khí khí tài đánh địch. Đó chính là mảng đề tài rất mới mẻ, độc đáo mà tác giả dụng công khai thác và chép lại để hậu duệ Trần Gia biết, nhớ và noi theo tiên Tổ. Việc ấy há chẳng phải rất nên làm ư?

Bởi thế,tác giả chia sẻ trong phần Cẩn bạch “quyển sách này nhắc cho hậu thế về những thân phận con người,về số phận bi hùng của những anh tài trí tuệ đất Việt xưa trong thăng trầm của lịch sử.. “
Thiết nghĩ đây cũng chính là chủ đề chính làm nên giá trị của tác phẩm.

4 tháng 9, 2015

Vượt lên nhân cách

KyVinhHung: Một người bạn gửi qua maill cho tôi bài viết mới của nhà nghiên cứu Ngyễn Khắc Mai. Tôi đọc một mạch, thấy có nhiều ý rất mới, rất thẳng,rất hay về ĐH 12 sắp tới . Xin cóp về trình các Cụ nhâm nhi. Bài hơi dài nhưng do tôn trọng tác giả nên không thể cắt bỏ hoặc tóm lược được đoạn nào. Mong thông cảm.
----------------------

Nguyễn Khắc Mai - Vượt lên nhân cách “Homo-Robotus" [1] để tiến vào Đại Hội XII


Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai.

Từ rất lâu trong lịch sử, người ta đã nhận thấy xuất hiện trong xã hội, đặc biệt là trong tầng lớp kẻ sĩ, những mẫu hình người của “cộng thể”. Họ ăn nói cùng một kiểu, hở một chút là “Tử viết Thi vân” (Cụ Khổng dạy rằng, Kinh thi nói…) Từ vua cho chí quan đều nghĩ, nói theo một kiểu, họ bị lịch sử kết án là hủ nho (nhà nho lạc hậu, thối nát - hủ là nát). Họ là sản phẩm của một nền quân chủ Tống nho, là sản phẩm của một nền giáo dục “chi hồ dã giả”, giáo điều tệ hại, mọi quy chiếu đều lấy Trung Hoa làm chuẩn đích, mọi quan hệ đều lấy “thánh chỉ” là giường mối…

Không ngờ, ngày nay tuy không thể còn hủ nho, nhưng lại nảy nòi một hạng ngừời được gọi bằng một tên mới là “hủ Mác”. Hủ Mác là những kẻ mồm tụng Mác mà không biết Mác là ai là gì, cứ tụng như vẹt, lừa mình dối người trâng tráo. Quan sát mấy Đại hội chuẩn bị cho Đại Hội XII của một số tổ chức đảng cấp huyện trở lên, đáng chú ý trong đó nhũng Đại Hội của một số Bộ Ngành, không thể không liên tưởng tới cái hiện tượng xưa kia là hủ nho, và nay là hủ Mác. Nhiều người trong số đại biểu là trí thức có bằng cấp, học hàm học vị hoành tráng. Nhưng không hề thấy đưa tin đã có những ý kiến sắc sảo, cấp tiến, dám sống khác thời phong kiến, dám vượt lên dẫu là: “thánh chỉ”, để mổ xẻ tận nơi những căn bệnh trầm kha của đất nước của xã hội do chính họ, chính cái thể chế do họ điều hành gây nên. Có thể vẫn còn một đa số hủ Mác, nhưng sao không có một Gallilee dám nói dù sao trái đất vẫn quay quanh mặt trời, sao không có một “minh triết” rất hồn nhiên nói toẹt “vua đang cởi truồng”. Mặc dầu chỉ thị của BCHTW vẫn kêu gọi mở rộng dân chủ, góp ý thẳng thắn, nhìn rõ sự thật. Các ý kiến trong mấy đại hội đã biết vẫn chỉ là giả sự thật. Thậm chí có đại hội rất khôn đã hoàn toàn không có ý kiến gì, khiến truyền hình thấy chướng đã phải làm một phóng sự rồi mời ông tổng biên tập tạp chí Cộng sản đến phỏng vấn.

Người ta đang cố ý nhầm lẫn đại hội đảng, tức là một sinh hoạt chính trị của một chính đảng, với hội nghị công nhân viên chức. Thì đấy, mấy đại hội ngành chủ yếu cũng chỉ là bàn những vấn đề kỹ thuật, nhiệm vụ của ngành, phương thức hoạt động của ngành. Tôi không cho rằng những việc ấy là vô bổ. Vấn đê là nếu chỉ như thế, thì cần gì tiến hành Đại Hội, cứ mở hội nghị thật dân chủ của công nhân viên chức là xong. Một Đại Hội chính trị của một đảng chính trị cầm quyền phải khác. Đặc biệt là với Đại Hội nhiệm kỳ toàn quốc, hơn nữa, đây là một Đại Hội của một chu kỳ, mà Dân Nước đang đứng trước một khúc quanh mới của lịch sử. Không được lảng tránh những câu hỏi lớn đang được xã hội nêu ra.

Đành rằng, không thể chối bỏ những thay đổi đáng kể trên quê hương mấy chục năm qua, nhưng những thành tựu ấy có xứng với cái giá của dân tộc phải trả không. Cớ gì cũng ngần ấy thời gian, ngần ấy công sức đầu tư mà thiên hạ quanh ta đã làm được còn chúng ta thì mọi chuyện đều nham nhở, chưa đên đầu đến đũa gì. Điều chắc chắn là những kết quả ấy không xuất phát từ chủ nghĩa Mác-Lê, kể cả tư tưởng Hồ chí Minh. Nếu có mối quan hệ nào thì chính những nhân tố ấy cùng với phương thức lãnh đạo của đảng, đã khiến luật lệ không đồng bộ, hệ thống cầm quyền chồng chéo lẫn nhau, nạn tham nhũng không chỉ là khuyết tật của hệ thống mà chính là thuộc bản chất của hệ thống, một khi đã độc quyền thì không tham nhũng mới là dị thường. Thật ra mối quan hệ của chủ nghĩa Mác Lê, đường lối của đảng với tình trạng có đôi chút phát triển hôm nay, chỉ là quan hệ trùng hợp hình thức, giống như chuyện ngụ ngôn La Fontaine: một con nhặng bay vo ve bên cổ xe ngựa đang lên dốc. Khi lên đến đỉnh, con ngựa đứng nghỉ, mồ hôi nhễ nhại, còn con nhặng thì cho rằng nếu không có mình vo ve thì cỗ xe không lên được đến dốc!

Đảng cộng sản Việt Nam, tuy luôn xưng mình có tư duy biện chứng, thực chất chỉ là tư duy hình thức, bởi phép biện chứng bao giờ cũng nhìn nhận mỗi thực trạng xã hội, con người từ nguyên nhân đến kết quả từ chiều sâu, cốt lõi của vấn đề. Vì thế mới có câu ca dao nhận xét và phê phán rất tinh tế: “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa nhờ có thiên tài đảng ta!” Hầu hết nhũng văn kiện cũng như phát ngôn của nhũng người lãnh đạo luôn luôn chỉ là cái công thức tức là cái vỏ mà không bao giờ có ruột, những khẩu hiệu vô hồn vô cảm vô bổ! TS Nguyễn Vi KHải đã thử làm một tổng hợp 3,4 Đaị hội của đầu thế kỷ 21 đã khẳng định chỉ có tráo đổi chữ nghĩa, như đặt dân chủ ở sau rồi đưa lên trước, những đánh giá chỉ thay đổi vài định ngữ, nhiệm vụ thì cũng sao chép na ná như nhau. Những vấn đề to đùng của Dân, Nước, như sự lệ thuộc nguy hiểm với Trung Hoa, nguyên nhân lỗi hệ thống nào khiến VN lạc hậu xa so những nước lân bang… không thấy đề cập đúng tầm, có trách nhiệm. Gần đây có thể là nhằm định hướng cho các đại hội, đã có mấy bài báo tràng giang đại hải của một số VIP, thấy đề cập nào đổi mới nền quản trị quốc gia, nào kiểm soát quyền lực, nào nâng cao trí tuệ, thúc đẩy khí phách, nào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xhcn có sự quản lý của nhà nước, v…v, không thống kê xiết. Tuy nhiên vẫn chỉ là công thức, chưa thấy rõ nội dung của những vấn đề to lơn ấy.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị được đưa xuống Đại Hội XII các cấp, ban lãnh đạo không dám nhìn vào sự thật, mà cũng không thấy đưa tin các đại biểu, trong đó nhiều trí thức và cán bộ cấp TƯ của đảng đưa vấn đề ra thảo luận. Như đã nhận xét, họ chủ yếu bàn những vấn đề của ngành, của địa phương. chẳng khác gì một cuộc họp Hội đồng nhân dân hay hội nghị công nhân viên chức.
Có năm văn đề cốt tử của sự còn, mất, phục hưng, phát triển hay tiếp tục thân phận lệ thuộc, gia công hay nói một cách “cười ra nước mắt” như chị Phạm Chi Lan: Việt Nam là nước không muốn phát triển!

Thứ nhất: Tại sao khi dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, thì chủ quyền bị xâm hại, nhiều vùng biên giới và hai đảo bị Trung Hoa xâm lược, cưỡng chiếm. Sự lệ thuộc vào Trung Hoa về chính trị, kinh tế văn hóa, an ninh quốc phòng, thậm chí cả đối ngoại ngày càng nghiêm trọng!?Đường lối đối ngoại lệ thuộc Trung Hoa đã gây nên những tiêu cực, tích cực gì cho thế phát triển VN?.
Trong tình hình thế giới hiện nay có nhất thiết theo cái triết lý “độc lập dân tộc gắn với CNXH không? Đa số các dân tộc hiện nay trên thế giới đâu cần cái triết lý ấy. Cái nhân tố CNXH có thật là lẽ đúng và tốt không? Cớ sao TBT Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên bố “trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở nước ta”, lại vẫn ép đa số đảng viên trong QH thông qua HP tiến lên chủ nghĩa xã hội. Điều ấy có phải là chính trị ma giáo hay không. Điều thật kỳ lạ là một Dân tộc vốn xưng văn hiến đã lâu, một chính đảng cầm quyền luôn xưng mình là “đạo đức”, là “văn minh” (chữ của HCM) mà không dám để cho nhân dân được quyền tự do học thuật, tranh luận, nghiên cứu cho ra ngô ra khoai cái chủ nghĩa “mác-lê”, nếu quả thật có chút gì là trí tuệ thì giữ lấy, nếu chỉ là “hư hỏng, cũ kỹ” (cũng là chữ của HCM) thì cương quyết loại bỏ. Cả một Ban Tuyên Giáo, một Hội đồng lý luận TƯ không dám đối thoại với người dân trong xã hội. Văn hóa đối thoại của họ hủ lậu, cũ rích cả hai ngàn năm.[2] Có phải mô hình của chế độ ban đầu là “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng, tiến vững chắc lên cnxh”, nay là chế độ “Cộng Hòa XHCN” với cái triết lý được điều chỉnh cho đỡ “quê” là “định hướng xhcn”, mà nhiều ủy viên TƯ đã ngậm ngùi “không biết có hay không mà tìm kiếm!” là tác nhân chính của mọi trì trệ, hư hỏng, cũ kỹ của VN, một trì trệ, hư hỏng cũ kỹ kéo dài cả ngót thế kỷ. Hơn nữa, ta cứ đeo đuổi một chế độ mà một đa số nhân loại tiến bộ đã lập tòa án kết tội nó là vô đạo, là tội ác phản nhân loại.Ta đeo đuổi một thứ thể chế mà nhân loại đã lên án thì hay ho nỗi gì vinh hạnh nỗi gì? Nay, các đảng viên đại biểu dự Đại Hội phải bàn cho đên nơi dến chốn. Người dân VN không đần độn, lao động VN học nghề nhanh có tay nghề tốt, tố chất con người Việt có nhiều mặt ưu tú, truyền thống văn hóa nếu gạt qua những yếu tố tiêu cực của xã hội tiểu nông, thì những giá trị nhân văn và đạo đức của người Việt đủ để làm nền móng cho những thăng hoa phát triển mới hiện đại, không thua kém gì những dân tộc quanh ta, tài nguyên không giàu có như thiên hạ, nhưng cũng rất dồi dào,đặc biệt là vị trí địa-kinh tế lại khá thuận lợi cho thị trường toàn cầu hóa.Thế thì cái gì khiến VN nên nỗi bi thảm như ngày nay, nếu không nói đó là do thể chế chính trị và đội ngũ quan chức cộng sản đã trở nên ngày càng hư hỏng cũ kỹ, như chính Hô chí Minh từng dự báo. Đại Hội XII hãy tiến hành một cuộc chiến xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ như Hô chí Minh từng di chúc. Đây chính là thời cơ thích hợp nhất. Bỏ qua cơ hội này Đảng Cộng sản VN sẽ trở thành tội đồ của Dân tộc trước lịch sử.!

Thứ hai: Đại hội hãy tranh luận và thảo luận một cách có văn hóa và đi đến những kết luận sau:
-Thay đổi thể chế chính trị. Một thể chế chính trị tốt và đúng, phù hợp với tiến tình lịch sử hiện đại là thể chế cộng hòa đại nghị với mô hình Nhà nước Tam quyền phân lập thật sự (chứ không thể như quan niệm lừa mị, đánh tráo khái niệm chỉ là sự phân công của ba cơ quan quyền lực). Nhà nước pháp quyền ấy chỉ là một thành tố quan trọng trong nền quản trị quốc gia tân tiến hiện đâị. Bên cạnh Nó là nhân quyền và dân quyền được hình thành có chất lượng, là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, không cần thêm một cái đuôi nào để dễ bị xuyên tạc và lợi dụng, một nền kinh tế mà quyền sở hữu từ đất đai, nhà xưởng, ngân hàng, tín dụng do tư nhân tức là những công dân của Nhà nước làm chủ[3]. Cái gọi là chủ đạo nền kinh tế thì không phải là bất kỳ một hình thức sở hữu nào mà phải là nhũng đơn vị, những ngành mũi nhọn đủ năng lực dẫn dắt nền kinh tế dân tộc phát triển. Đề cao dân trí với nền báo chí, xuất bản tự do, tôn trọng tự do ngôn luận, tư tưởng, thực hiện cuộc cải cách giáo dục theo triết lý dân tộc, khai phóng, khoa học và dân chủ. Đề cao ba lớp người mới là chủ thể của xã hội, chúng tôi gọi là”Tam Bảo Mới” của Dân tộc. Đó là lớp Trí thức hiền tài (của tất cả các lĩnh vực) là “Doanh nhân cấp tiến”,và Chính khách nhân văn. Họ mới chính là nhóm người chống đỡ cho tòa nhà Việt Nam hiện đại và hậu hiện đại. Cái gọi là nhà nước công nông đầu tiên ở Châu Á thực chất là sự tuyên truyền lừa mị không có chút giá trị nào.

Thứ ba: Nền độc lập thống nhất mới của dân tộc phải thực sự xây dựng trên đạo lý hòa giải và kết tụ dân tộc. Hãy tuyên bố tính hợp pháp của Chính Phủ Việt Nam Cộng hòa, xây dựng một nhà nước mới,tuyên bố sự kế thừa những Chính phủ từng thực thi quyền lực và có công với dân với nước từ 1945 đến nay. Có thế Dân tộc Việt Nam mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để tranh đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo. Phải thành tâm thừa nhận những sai lầm của cải cách ruộng đất, cải tạo công thương ở cả hai miền, đặc biệt là sự đối xử không theo đạo lý của dân tộc đối với người dân và cán binh của chính phủ VNCH. (Sau đó sẽ tiến hành thương thảo nhân văn thân ái để đền bù danh dự cho những thương tổn). Làm được điều này Việt Nam sẽ nhân lên gấp bội nội lực của mình cả tinh thần và vật chất. Đây chính là Sự nghiệp xây dựng một đường băng hiện đại cho sự cất cánh của Việt Nam. Hòa giải, hóa giải, hòa hợp dân tộc phải trở thành đạo nghĩa, đạo lý chính trị mới của dân tộc.
Thứ tư: Các đại biểu của Đại hội cương quyết vứt bỏ cái nhân cách Homo- Robotus, thật sự làm một người công dân Việt Nam có nhân cách tự do. Được như thế thì Trí tuệ chân thiện mỹ sẽ xuất hiện trở lại, vượt qua được cái mà nhà Phật gọi là “vô minh” (tức là ngu muội, u mê ám chướng), cái bản ngã minh triết được hồi sinh, cái khí phách mới của dân tộc sẽ phục hồi tráng kiện làm nên một sức mạnh tinh thần và đạo đức, làm nên “nhóm định hướng xã hội” mới, tiến bộ, nhân văn, tâm hồn trong sáng, nhân cách cao đẹp có đức, có tài có trí để kiến tạo một nền Dân chủ, một nền văn hóa -chính trị mới, thực hiện sứ mệnh canh tân, thay đổi Đất Nước, xã hội, đoàn tụ dân tộc, làm cho Việt nghĩa là siêu việt lên, phục hưng và phát triển, hạnh phúc và tự do.

Thứ năm: Là một Đại Hội kết thúc một chu kỳ sản nhiều công nhưng vô tích. 85 năm nhiều hành động, nhiều hy sinh nhưng cũng nhiều tội lỗi.Thực tế ngày càng chứng minh lời nói thiện của một chí sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục là Cụ Nguyễn Hữu Cầu vào 1946, trước khi mất: “Ngày nay chúng ta đã quá tây, quá tàu, chúng ta là lũ giáo điều ba rọi, là những kẻ xã hội chủ nghĩa độc tài”[4]. Hồ chí Minh trước lúc mất cũng để lại di chúc phải mở cuộc chiến đấu chống lại những hư hỏng cũ kỹ.Học giả, nhà yêu nước Trần Trọng Kim trong thư gởi Hoàng Xuân Hãn năm 1947 cũng khẳng định "Việt Minh công chi thủ, tội chi khôi” nghĩa là Việt minh công to mà tội cũng hàng đầu!

Đại hội này phải là Đại Hội cải tổ Đảng. Về lý thuyết, chủ nghĩa Mác Lê là sai lầm, nó không nhất quán, giữa Mác và Lê Nin không có gì giống nhau cả. Lê nin chỉ nhai lại cái bã mà Mác đã nhả bỏ từ lâu. Những tư duy hợp lý của Mác thì không hề có trong cái gọi là chủ nghĩa mác lê. Về lý tưởng thì Mác đã từ bỏ nó, coi nó là sai lầm. Mác đề cao báo chí tự do, lên án chế độ kiểm duyệt, thậm chí coi nó là quái thai, là thây ma được tẩm nước hoa! Mác chủ trương đa nguyên, đa đảng thì cộng sản VN ăn phải bả Lê-nin chống lại, thậm chí có hai đảng “đồng cốt” do Hồ lập ra thì cũng bị xóa sổ. Ngay cái tên đảng cộng sản cũng là dịch sai. Bởi cái tên mà Mác và Ăng Ghen đặt là Komunism chỉ có nghĩa là chủ nghĩa cộng đồng, không có từ tố nào là sản cả!

Phải đặt lại tên đảng cho chính danh, phải từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê cho phải đạo. Phải trở về đường lối vì Dân, vì Nước cho chính nghĩa. Lấy dân tộc, nhân dân làm chủ thể của đất nước và xã hội, coi công nông là đối tượng để phục vụ. Từ bỏ cái lý thuyết giai cấp vô sản là giai cấp lãnh đạo. Bởi thân phận của cái gọi là giai cấp vô sản thì Mác đã quan niệm lúc đầu vào (1884) trong Tuyên ngôn là kẻ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Nhưng vào cuối đời Mác đã dự báo chính xác thành hiện thực cay đắng ở Nga, Tàu, Việt Nam, Triều Tiên, Cu ba và ở tất cả những nước theo cộng sản, rằng “một khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy thành lập một chính quyền ủy trị, để một nhóm người tự ứng cử và bầu cử nhằm cai trị họ (GCVS). Ngay lập tức họ sẽ rơi tõm vào sự dối trá và lệ thuộc. Sau một hồi say sưa hưng phấn cách mạng, trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, con rối và con mồi cho những tham vọng mới. [5]

Đai Hội XII phải là đại hôi xét lại. Phải xét lại toàn bộ từ học thuyết, đường lối, chủ trương và lỗi lầm, hệ thống tổ chức, sinh hoạt dân chủ trong đảng, phương thức hoạt động… từ trước cho đên nay. Nói như Mác là phải sám hối vì sám hối thật tâm thì mới có cơ cứu rỗi.

Phải từ bỏ nguyên tắc sai lầm tiếm quyền là “tập trung dân chủ”. Hãy lắng nghe lời cảnh báo của Ăng Ghen: “Phải chấm dứt ngay một tình hình tế nhị. cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi các quan chức của đảng là đầy tớ để bảo ban, phê bình, thì lại coi họ như một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”. Dự báo hoàn toàn chính xác và hiện thực đối với tất tật các ban lãnh đạo cộng sản của tất cả các nước!

Vì thế phải thay đổi công thức chọn cán bộ lãnh đạo của Đại hội, theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Xin chớ theo lối xôi thịt của làng xã lạc hậu ngày xưa.Tất cả các ủy viên TƯ nhất là các vị định ứng cử vào Bộ chính trị, ban Bí thư nhất thiết phải trình cương lĩnh và chương trình hành động của mỗi người trong nhiệm kỳ mới hãy học tập việc tranh cử của các nền chính trị hiện đại. Các ủy viên TƯ, ủy viên Bộ chính trị nhất thiết phải được nhân dân nhận xét và phê duyệt, vị họ sẽ đóng vai người lãnh đạo đất nước. Mỗi người phải chọn một ngành để ứng cử làm lãnh đạo ngành ấy. Chúng ta phải thay đổi để có thể chọn được người Thao Lược chứ không phải kẻ “đồng hội, đồng lõa theo nhóm lợi ích cánh hẩu, con ông cháu cha”. Nhóm tinh hoa này nhất định phải chọn ra, càng tinh càng tốt, để họ sẽ cùng trí thức nhân sĩ xã hội sau Đại Hội có thể hợp tác tiến hành xây dựng cương lĩnh phát triển đất nước trong tình hình mới, sửa đổi luật, sửa đổi Hiến pháp để có một Quốc hội tinh hoa, chuyên nghiệp.

Có một vấn đề pháp lý của đảng cần phải đặt ra. Hiện nay trên nước ta, mọi cá nhân, tổ chức, thiết chế xã hội đều được điều tiết bằng Hiến định và luật định. Duy chỉ có đảng CS là đang hoạt động phi pháp,vì chỉ có một điêu 4 mà cũng chưa có văn bản nào của quốc hội giải thích cụ thể những câu chữ ấy.Cần một đạo luật về tổ chức và hoạt động đảng phái chính trị của Việt Nam. Có thế, những chức năng nhà nước của đảng mới chính thống.Chúng ta không thể tham gia quản trị quốc gia theo lối đã hư hỏng cũ kỹ và vô thiên vô pháp được nữa.

Nếu làm được như vậy, các vị sẽ có công lớn, thúc đẩy cho lịch sử Việt Nam sang trang mới. Bỏ lỡ thời cơ này, các vị sẽ đời đời mang tiếng là loại nhân cách homo-Robotus, là kẻ thiểu trí, thiểu khí phách, tội đồ của lich sử, ô danh, nhục nhã vô cùng.