Trang

22 tháng 10, 2015

Sao không ‘quyết liệt’ chặt bỏ “cái đuôi” ?


Phát biểu tại Quốc hội Việt Nam hôm 20/10/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các qui luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nam Nguyên phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội về vấn đề liên quan.

Nam Nguyên: Thưa Giáo sư có nhận định gì về những tín hiệu kinh tế thị trường thực sự, mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa gởi tới Quốc hội?

Ông Ngô Trí Long

PGS.TS Ngô Trí Long: Nói chung trong hội nhập thì một điều kiện hết sức cơ bản là nền kinh tế Việt Nam phải thực sự hoạt động theo kinh tế thị trường, hay là một nền kinh tế thị trường thực thụ. Có vậy, mới tránh được những sự tranh chấp thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam . Trước bối cảnh đó thì việc tiến tới kinh tế thị trường thực thụ là chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rất nhiều lần trong khi tính khả thi thì hạn chế rất là lớn. Trong thông điệp đầu năm 2014 ông Dũng nói rất nhiều vấn đề hoàn toàn phù hợp với kinh tế thị trường. Nhưng trong quá trình triển khai thực thi thì hầu như không tiến triển được là bao và không đúng như lời nói. Có nghĩa hành động và lời nói của ông ấy không đi đôi với nhau, bây giờ ông ấy lại nói như vậy nhưng theo tôi nghĩ là cứ ‘hãy đợi đấy’.

Nam Nguyên: Trong bài nói chuyện trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau, nên thể chế xây dựng tiếp theo chưa phù hợp với kinh tế thị trường. Nói như cách nói của ông Dũng thì có thể hiểu là muốn giải quyết thì phải làm từ gốc chứ không phải là cắt ngọn tỉa cành. Cái gốc ở đây chính là cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Thưa giáo sư nhận định gì về vấn đề này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Thực chất ngay như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nói, chúng ta đi xây dựng một mô hình mà tìm mãi, mò mãi không thấy nó. Cho nên hiện nay mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải nói là có lẽ chỉ riêng Việt Nam có thôi. Quan điểm của giới nghiên cứu chúng tôi, thế giới người ta đã đi con đường kinh tế thị trường thực thụ này rồi, thì tại sao mình không đi theo mà phải cố gắng có cái nét riêng của nó.
Những gì các ông ấy nói về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa cũng không khác gì bản chất của nền kinh tế thị trường thực thụ, chẳng có gì khác. Phải chăng ở đây móc cái đuôi ấy vào để xác định là không bị đổi hướng. Tôi nghĩ đó chính là điều nan giải cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Từ lý lẽ cái đuôi định hướng thị trường đã dẫn tới sự chậm trễ chuyển sang kinh tế thị trường, chậm trễ chính là vì cái đuôi đó.

Nam Nguyên: Vâng, thưa GS trước Quốc hội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết từ nay đến 2020 sẽ bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Nhưng Hiến pháp 2013 qui định kinh tế nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo, như thế làm thế nào để làm được điều thủ tướng cam kết?

PGS.TS Ngô Trí Long: Ta thấy là các cam kết của các ông lãnh đạo Việt Nam chỉ là cam kết để trên giấy thôi. Còn thực thi triển khai các cam kết đó có thực hiện được hay không là một vấn đề khác. Khi Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tổ chức này không hy vọng sự cam kết mà buộc Việt Nam phải có luật rõ ràng cụ thể. Chính vì vì vậy khi vào WTO Việt Nam đã phải ồ ạt sửa và thông qua rất nhiều luật, nhưng khi quá trình triển khai trong cuộc sống thì nhiều luật không thực thi được, không có hiệu quả.




Thủ tướng có hứa, sẽ thực thi các cam kết với các tổ chức, các hiệp định thương mại. Nhưng tôi nghĩ, nếu không cẩn thận sẽ dựa theo đường mòn, theo đường cũ mà khó khăn không thể thực thi, nói để đấy thôi và thực tế những vấn đề đấy không đi vào cuộc sống. Nó cũng không thể hiện diện trên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Nam Nguyên: Thưa Giáo sư, Thủ tướng cũng cam kết việc xây dựng chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường, có thể hiểu vấn đề này như thế nào? Vì phân bổ nguồn lực là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam, người ta cho rằng có đặc quyền, không công bằng cũng chẳng minh bạch, đặc biệt lại còn qui định kinh tế chủ đạo của nhà nước trong hiến pháp?

PGS.TS Ngô Trí Long: Hiến pháp là bộ luật mẹ, luật quan trọng nhất từ đó sẽ tới các luật con. Trong quá trình luật gốc đã như vậy thì những luật khác khó trái được với nó. Còn những vấn đề Việt Nam cam kết và những vấn đề Thủ tướng nói thì đã nói rất nhiều rồi. Nhưng quá trình triển khai hầu như rất chậm và thực thi vấn đề đó thì không được là bao.

Thí dụ hiện nay nói thay đổi thể chế, thể chế là gì, là luật chơi là Hiến pháp là Luật là Nghị định, phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nhưng thực chất nhiều cái không phù hợp. Hoặc những cái đưa ra rất trúng rất hay nhưng thực tế triển khai lại khác, lời nói không đi đôi với hành động, có nghĩa còn những rào cản khác nữa. Thủ tướng hôm nay nói không phải là lần đầu tiên, mà đã nói rất nhiều lần. Tôi nghĩ hôm nay cũng có những điểm khác trước, nhưng tôi tin rằng với điều kiện với tư duy với những rào cản hiện nay thì khó vượt qua thành lũy đó.

Nam Nguyên: Thưa GS cơ chế ở Việt Nam thì một người, dù là đứng đầu chính phủ cũng không thể một mình hứa hẹn điều này điều kia. Mà đàng sau là Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và cao nhất là Tổng Bí thư nữa. Vậy thì khi thủ tướng hứa hẹn cải cách như thế, ông có đại diện cho cả hệ thống chính trị hay không?

PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi nghĩ, có thể những tư duy những đổi mới thì mọi người đều thừa nhận. Nhưng đi vào vấn đề đó cuối cùng mọi việc đều phải bàn bạc tập thể. Thí dụ nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng rào cản lớn nhất là vấn đề “vua tập thể”, mọi cái đưa ra tập thể bàn, mà với tư duy cũ theo đường mòn như vậy thì sự tiếp cận tư duy mới chắc chắn sẽ bị hạn chế và chính nó sẽ bị rào cản. Cho nên theo tôi nghĩ, đối với cơ chế Việt Nam thì một cá nhân chưa thể quyết định mọi vấn đề. Và chính vấn đề mang tính tập thể, lãnh đạo tập thể đã tạo ra những rào cản trì trệ của nền kinh tế.

Nam Nguyên: Cảm ơn GS Ngô Trí Long đã trả lời phỏng vấn.

7 tháng 10, 2015

Việt Nam sẽ phải làm gì khi gia nhập TPP

Mặc Lâm, biên tập viên RFA,


Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015
Việt Nam được biết là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 thành viên gia nhập TPP, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó còn rất nhiều rào cản mà doanh nghiệp cũng như nhà nước phải vượt qua nếu không cuộc chơi sẽ gặp trở ngại và không khéo có thể mất những cơ hội thành công trong thị phần khổng lồ này. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương để tìm hiểu thêm vấn đề.

Mặc Lâm: TPP vừa ký kết xong và VN được xem là nước hưởng nhiều nguồn lợi nhất trong các đối tác. Theo TS thì điều thuận lợi nào mà ông cho là có khả năng xảy ra nhất thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam gia nhập TPP thì sẽ có 11 nước đối tác trong đó phần lớn các nước có trình độ phát triển cao hơn chúng ta nhiều cho nên Việt Nam sẽ có một cơ cấu kinh tế bổ xung cho các nước đó và hàng hóa của Việt Nam và các nước bổ xung cho nhau và ít cạnh tranh hơn. Nếu như so sánh giữa Việt Nam và ASEAN thì chúng ta có thể thấy là ASEAN và Việt Nam cạnh tranh với hàng hóa của Thái Lan, dệt may của Campuchia và cạnh tranh hàng điện tử của Malaysia. Nhưng trong trường hợp của TPP thì Việt Nam có điều kiện dễ dàng hơn rất nhiều.
Sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tập trung vào các lãnh vực như dệt may da giày túi xách hay các mặt hàng đồ gỗ, hay các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như café hồ tiêu và các mặt hàng khác sẽ rất thuận lợi. Vì vậy cho nên cái thuận lợi của Việt Nam nó nằm trong cơ cấu kinh tế.

TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của VN

TS Lê Đăng Doanh

Hơn thế nữa Nhật Bản rất quan tâm hợp tác với Việt Nam về nông nghiệp, sản xuất rau quả tươi để xuất khẩu sang Nhật và hai bên có thể hợp tác vì lợi ích của cả hai. Đấy là những điều tôi nghĩ rất thuận lợi đối với Việt Nam.

Mặc Lâm: Như TS vừa nói thì dệt may và da giày là hai mối lợi xuất khẩu thiết thực nhất, tuy nhiên rào cản kỹ thuật của TPP ghi rõ là nguyên liệu dành cho sản xuất phải mua từ các nước có tên trong hiệp định. Công nghệ may gia công của VN đang nhập nguyên liệu của Trung Quốc là chính do đó VN phải giải quyết nút thắt này như thế nào thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Việc TPP yêu cầu có hàm lượng sợi trong TPP khoảng 70%, tôi không rõ là Việt Nam có thỏa thuận được điều kiện nào thuận lợi hơn hay không nhưng với tình hình như vậy thì tôi nghĩ nó cũng có cái lý của nó đó là TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam

Mặc Lâm: Các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ gặp rào cản lớn trong vấn đề thành lập công đoàn cho công nhân độc lập với công đoàn của nhà nước, mặc dù hiện nay VN có thời gian là 5 năm để chuẩn bị cho yêu cầu nghiêm ngặt này. TS có nghĩ rằng vì lợi ích kinh tế của quốc gia Việt Nam sẽ vượt qua được nút thắt này hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam đã chấp nhận các điều kiện như vậy và tôi nghĩ rằng nếu có quyết tâm thực hiện và tổ chức tốt thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này.

Mặc Lâm: Riêng về khung pháp luật phù hợp với TPP thì hiện nay chúng ta vẫn còn trong tình trạng soạn thảo, liệu có đủ thời gian để làm công việc phức tạp này hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Vâng, Việt Nam đã thấy điều đó, thí dụ như Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp làm việc với các Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để giảm bớt để giàm bớt các thủ tục và gần đây nhất vào ngày 12 tháng 3 năm 2015 thì chính phủ đã có ban hành cái nghị quyết 19 và hiện nay đang tích cực thực hiện nghị quyết này để giảm bớt chi phí và thời gian đối với doanh nghiệp. Tôi nghĩ việc gia nhập TPP và Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện những điều kiện của TPP sẽ là đòn bẫy từ bên ngoài để thúc đẩy Việt Nam cải cách.

Mặc Lâm: Tin VN gia nhập TPP giống như một làn sóng lớn ập xuống doanh nghiệp và cả chính phủ với hàng ngàn việc cần phải làm. Theo ông khả năng hòa nhập cũng như thích hợp với thị trường mới của doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng chưa trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.

TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ Việt Nam đang có thời gian để đẩy mạnh việc thực hiện. Bởi vì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ không có điều kiện để có thể hiểu biết và quan tâm nhiều đến các yêu cầu về TPP.

Vì vậy tôi nghĩ trong thời gian mà Quốc hội các nước còn phải thông qua thì Việt Nam nên tranh thủ việc tổ chức thực hiện, cũng như giúp đỡ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thể chế. Tôi nghĩ rằng đó là những điều Việt Nam đã nhận thức và có thể làm được trong thời gian tới.


Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh.

1 tháng 10, 2015

Ngẫu hứng

Già thì già tóc già râu
Trái tim vẫn trẻ, nó đâu có già
Ra ngoài gặp bạn gần xa
Vẫn cười vần hát như là thanh niên
Về nhà lưng mỏi triền miên
Hai tay đấm bóp thay phiên đêm ngày
Đôi khi tý toáy, tỉnh say
Răng rụng gần hết, nụ cười vẫn xinh!
Tuổi cao vẫn tỉnh tình tinh
Bao giờ Trời gọi, thì mình “Dạ vâng”.