Trang

3 tháng 12, 2015

XIN CÓ Ý KIẾN

(Mình định giảm bớt viết lách vì lý do sức khỏe nhưng đọc ĐVHùng thấy các cụ tranh luận sôi nổi liền nổi máu..gõ, viết bài này).
*      *      *
Tôi cho rằng việc giao lưu, trao đổi những suy nghĩ đa chiều về mọi v/đ trong cuộc sống giữa các cụ Làng ta đều rất lý thú và bổ ích, thiết nghĩ nên duy trì đều đều. Gần đây, theo định hướng của cụ Mõ Cala đầy bản lĩnh, các cụ bám rất sát thời cuộc khiến cho không khí sôi động hẳn lên, không ai có thể vô cảm trước tình hình đất nước. Ấy là điều rât đáng quí vậy. 

Bài do Cụ ĐVH từ xa đưa về là một thí dụ. Ngoại trừ vài ba câu chữ tranh biện chưa có gì nghiêm trọng khi trao đổi, tôi xin phép phát biểu ý kiến riêng như vầy.

Tội ác của CN đế quốc,thực dân nói chung, HK nói riêng đối với nhân loại và dân tộc ta là sự thật lịch sử không thể phủ nhận và không ai được phép quên. Tuy nhiên,có lẽ chúng ta không nên chỉ dừng lại ở giới hạn của một dạng hoạt động thần kinh TW: quên hay không quên những tội ác đó? Do nhiều nguyên nhân sâu xa, tôi buộc phải đi sâu phân tích bài viết trên của tác giả NMT bằng cách đặt ra và trả lời những câu hỏi dưới đây .

1. Đứng trên lập trường nào để giải quyết v/đ nên hay không nên quên tội ác của cựu thù.?

+ Đó phải là lập trường dứt khoát đặt lợi ích dân tộc lên trên hết; không thể vì ý thức hệ hay tình cảm hận thù riêng tư, hoặc là một thói quen tư duy đám đông đã hằn thành nếp.

Có lẽ lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhớ lại lời Cụ Hồ năm xưa trước khi sang Pháp đã căn dặn cụ Huỳnh “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Điều “bất biến” ở đây chính là lợi ích dân tộc, sự tồn vong của đất nước, là độc lập tự do, toàn ven lãnh thổ, hạnh phúc của nhân dân v.v... trong bối cảnh lịch sử mới. Điều “vạn biến” ở đây là sự thay đổi bất thường, khó lường của tình hình thế giới, của từng quốc gia, dân tộc với những mâu thuẫn xung đột lợi ích khác nhau khiến cho mọi mối quan hệ truyền thống bị đảo lộn đến gốc rễ.

Ngô Thời Nhậm xưa cũng có câu nói khảng khái để đời trước khi bị chém đầu về lý do tại sao theo Tây Sơn: “Thế chiến quốc thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế”. Hiện nay lại có một nguyên tắc rất quan trọng trong bang giao giữa các QG: “Không có bạn bè và kẻ thù vĩnh cửu, chỉ có lợi ích dân tộc là tồn tại mãi mãi”. Lịch sử quan hệ quốc tế hiện nay có biết bao minh chứng cho phương pháp tư duy biện chứng đó khiến chúng ta không thể không tính đến.

Hãy lấy thí dụ từ Nhật Bản: sau thế chiến 2, bị HK và đồng minh đánh bại với biết bao chết chóc đau thương nhưng họ đã tự nguyện làm đồng minh của cựu thù để được hỗ trợ xây dựng lại đất nước và được bảo vệ bởi cái ô hạt nhân, nhờ đó có thể tập trung toàn lực phát triển kinh tế với khẩu hiệu: "thua trong chiến tranh nhưng Nhật nhất dịnh sẽ thắng trong hòa bình”. Quả nhiên chỉ sau hơn ba thập kỷ, họ đã vươn lên thành cường quốc kinh tế toàn cầu. Nếu họ cứ căm thù Mỹ mãi mãi thì sẽ ra sao? Sự lựa chọn vì lợi ích dân tộc đã đúng. Còn có thể kể ra rất nhiều thí dụ tương tự.

2.  Khi trình bày lich sử, phải luôn khách quan khoa học và công bằng, không cắt xén, né tránh sự thật. CN đế quốc, thực dân gây tại họa cho nhân loại nhưng những học thuyết đầy ảo tưởng, sai lầm cực đoan như CN CS không gây ra tai họa cho ai ư? Theo thống kê sơ bộ dưới thời ô. Elsin, riêng thời kỳ Stalin và Đảng CSLX thống trị LX, ít nhất cũng có hàng chục triệu người chết thảm vì tù đầy, thanh trừng nội bộ; Còn ở TQ, con số đó còn cao hơn 3-4 lần, tính từ CMVH cho đến đàn áp “pháp luân công”. Những sai lầm của hệ tư tưởng CS tả khuynh cũng gây bao thảm họa cho nhân dân ta, thiết tưởng không cần nhắc lại. Vậy nhưng tác giả lờ đi theo một ý đồ có sẵn để đánh lạc hướng dư luận.

3. Vì sao đúng lúc này, NMT lại tung ra một bài tổng kết công phu nhằm thuyết phục người đọc căm thù Mỹ như vậy? mục đích thật sự của việc làm này là gì. Tại sao anh ta không nói một câu nào về tội ác của quân xâm lược TQ đối với nhân dân ta năm 1979? Phải chăng tác giả muốn chúng ta quên đi, chỉ kích động hướng căm thù vào Mỹ?

Để hiểu thêm thâm ý của bài viết, cần đặt lại câu hỏi: Nhớ tội ác cựu thù để làm gì ? Trong bối cảnh đất nước bị đe dọa thường xuyên, với chiến lược đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, nếu có thời cơ, điều kiện liên kết với bất kỳ ai để bảo vệ Tổ quốc thì sao lại từ chối, cứ khư khư ôm mãi mối thù? ai sẽ được thủ lợi từ sự lựa chọn sai lầm đó, chắc chắn là TQ. Đây chẳng phải là một âm mưu ly gián rất thâm độc ư?

4. Từ phân tích trên, chúng ta thử suy ngẫm thêm điều này: tác giả bài báo là ai? Tôi cho rằng, đây rất có thể là một nhóm chuyên gia chuyên chống phá VN do chính TQ tổ chức, hoặc có thể là bọn Việt gian tay sai TQ nằm ngay trong nội bộ ta. 

Không phải ngẫu nhiên xuất hiện bài đó giữa lúc đất nước bị phân tâm, kể cả lờ đờ cũng đang “băn khoăn đứng giữa đôi dòng nước, chọn một dòng hay để nước trôi” (Tố Hữu). Có thể hình dung, nếu trước đây, toàn dân cùng hướng về một mục tiêu chiến đấu cho độc lập tự do thì hiện nay, từ trên xuống dưới đang nhìn về nhiều phương khác nhau với những phe phái và lợi quyền rất khác nhau, không thể đồng nhất. Trong bối cảnh đó, bài viết nhằm vào ai? Định hướng tư tưởng cho ai, nhằm mục đích gì?

5. Mọi người đều biết: để một một dân tộc tồn tại và phát triển trong bối cảnh lịch sử mới đầy mâu thuẫn, xung đột như hiện nay, dân tộc đó buộc phải xác định chính xác ai là TA-BẠN-THÙ. VN cũng không thể là ngọai lệ. Nếu cả hệ thống lờ đờ vẫn coi mọi cá nhân, mọi ý kiến phản biện, trái chiều là “thế lực thù địch” thì làm sao đất nước phát triển? Nếu chỉ coi những người dễ bảo, dễ nghe lời trong đảng và bộ máy lợi ích nhóm là Ta thì làm sao có đại đoàn kết toàn dân tộc để đi lên? Về Bạn cũng vậy. Nếu vẫn căm thù tất cả phe đế quốc thực dân thì làm sao tìm thấy chỗ dựa cho đất nước trước họa ngoại xâm? Ai sẽ bênh vực ta, đứng về phía ta nếu ta bị xâm lược? Vậy cần xác định cho rõ : lúc này, ai là bạn ta? Bạn - đó là mọi lực lượng ủng hộ VN xây dựng và bảo vệ đất nước dưới mọi hình thức và biện pháp khác nhau, dù trước đó họ là ai. Nói về thù, hiện ai đe dọa và trên thực tế chống phá nước ta, bắn giết ngư dân, coi BĐ là ao nhà của họ v.v..., thì kẻ đó tự biến thành kẻ thù của VN. HK ư ? Không, Nhật Bản ư? Cũng không. Chỉ còn duy nhất một kẻ thù của VN là CN bành trướng TQ, không có ai khác. Về sách lược, dù chúng ta không công khai tuyên bố và cũng không nên tuyên bố nhưng về tư tưởng chỉ đạo, cần dứt khoát nhận diện đúng kẻ đang và sẽ phá hoại sự nghiệp xây dựng Tổ quốc ta bằng mọi thủ đoạn, kể cả sử dụng vũ lực ( Gần đây lại rộ lên những kế hoạch dự tính đánh chiếm VN trong 3 ngày, phá TP HCM trong 1 giờ v.v.) Có thể nói hiện nay không có QG nào trực tiếp đe dọa VN như “thế lực phản động” trong bộ máy lãnh đạo Đảng và NN TQ. Trong khi đó lợi ích của HK, Nhật bản, Ấn Độ, ASEAN v.v... với VN trong thời gian dài trước mắt là cơ bản song trùng, đặc biệt trên hướng BĐ. Vậy tại sao ta phải căm thù họ để làm mất đi một sức mạnh liên minh vì lợi ích dân tộc?

Dĩ nhiên không ai trong chúng ta ngây thơ hoàn toàn đặt miềm tin tuyệt đối vào đối tác HK. Mỹ vẫn lập lờ, không kiên quyết do lợi ích kinh tế với TQ. Obama là một nhạc sĩ đang thổi tiếng kèn ngập ngừng khi ở vào cuối nhiệm kỳ.

Do đó phải tỉnh táo, không “nhất biên đảo” đi hẳn với bên này chống lại bên kia; rất dễ trở thành lính xung kích cho một phía như đã từng; mặt khác cần tận dụng tối đa mâu thuẫn Mỹ - Trung để bảo vệ lợi ích dân tộc. Liên kết, hợp tác có điều kiện với HK và các QG khác có cùng lợi ích tương đồng để bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và tranh thủ thời gian xây dựng đất nước mạnh lên, thoát khỏi nguy cơ bị TQ xâm lược, thôn tính, trước hết ở BĐ. Trong đó, có mô hình hợp tác Hải quân đa QG tổ chức tuần tra thường xuyên bảo vệ tự do hàng hải, hàng không tại TBD nói chung, BĐ nói riêng. Đó phải chăng là thượng sách sinh tồn của chúng ta trong bối cảnh một thế giới đầy rẫy biến động khó lường?

22 tháng 10, 2015

Sao không ‘quyết liệt’ chặt bỏ “cái đuôi” ?


Phát biểu tại Quốc hội Việt Nam hôm 20/10/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các qui luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nam Nguyên phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội về vấn đề liên quan.

Nam Nguyên: Thưa Giáo sư có nhận định gì về những tín hiệu kinh tế thị trường thực sự, mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa gởi tới Quốc hội?

Ông Ngô Trí Long

PGS.TS Ngô Trí Long: Nói chung trong hội nhập thì một điều kiện hết sức cơ bản là nền kinh tế Việt Nam phải thực sự hoạt động theo kinh tế thị trường, hay là một nền kinh tế thị trường thực thụ. Có vậy, mới tránh được những sự tranh chấp thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam . Trước bối cảnh đó thì việc tiến tới kinh tế thị trường thực thụ là chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rất nhiều lần trong khi tính khả thi thì hạn chế rất là lớn. Trong thông điệp đầu năm 2014 ông Dũng nói rất nhiều vấn đề hoàn toàn phù hợp với kinh tế thị trường. Nhưng trong quá trình triển khai thực thi thì hầu như không tiến triển được là bao và không đúng như lời nói. Có nghĩa hành động và lời nói của ông ấy không đi đôi với nhau, bây giờ ông ấy lại nói như vậy nhưng theo tôi nghĩ là cứ ‘hãy đợi đấy’.

Nam Nguyên: Trong bài nói chuyện trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau, nên thể chế xây dựng tiếp theo chưa phù hợp với kinh tế thị trường. Nói như cách nói của ông Dũng thì có thể hiểu là muốn giải quyết thì phải làm từ gốc chứ không phải là cắt ngọn tỉa cành. Cái gốc ở đây chính là cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Thưa giáo sư nhận định gì về vấn đề này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Thực chất ngay như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nói, chúng ta đi xây dựng một mô hình mà tìm mãi, mò mãi không thấy nó. Cho nên hiện nay mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải nói là có lẽ chỉ riêng Việt Nam có thôi. Quan điểm của giới nghiên cứu chúng tôi, thế giới người ta đã đi con đường kinh tế thị trường thực thụ này rồi, thì tại sao mình không đi theo mà phải cố gắng có cái nét riêng của nó.
Những gì các ông ấy nói về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa cũng không khác gì bản chất của nền kinh tế thị trường thực thụ, chẳng có gì khác. Phải chăng ở đây móc cái đuôi ấy vào để xác định là không bị đổi hướng. Tôi nghĩ đó chính là điều nan giải cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Từ lý lẽ cái đuôi định hướng thị trường đã dẫn tới sự chậm trễ chuyển sang kinh tế thị trường, chậm trễ chính là vì cái đuôi đó.

Nam Nguyên: Vâng, thưa GS trước Quốc hội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết từ nay đến 2020 sẽ bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Nhưng Hiến pháp 2013 qui định kinh tế nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo, như thế làm thế nào để làm được điều thủ tướng cam kết?

PGS.TS Ngô Trí Long: Ta thấy là các cam kết của các ông lãnh đạo Việt Nam chỉ là cam kết để trên giấy thôi. Còn thực thi triển khai các cam kết đó có thực hiện được hay không là một vấn đề khác. Khi Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tổ chức này không hy vọng sự cam kết mà buộc Việt Nam phải có luật rõ ràng cụ thể. Chính vì vì vậy khi vào WTO Việt Nam đã phải ồ ạt sửa và thông qua rất nhiều luật, nhưng khi quá trình triển khai trong cuộc sống thì nhiều luật không thực thi được, không có hiệu quả.




Thủ tướng có hứa, sẽ thực thi các cam kết với các tổ chức, các hiệp định thương mại. Nhưng tôi nghĩ, nếu không cẩn thận sẽ dựa theo đường mòn, theo đường cũ mà khó khăn không thể thực thi, nói để đấy thôi và thực tế những vấn đề đấy không đi vào cuộc sống. Nó cũng không thể hiện diện trên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Nam Nguyên: Thưa Giáo sư, Thủ tướng cũng cam kết việc xây dựng chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường, có thể hiểu vấn đề này như thế nào? Vì phân bổ nguồn lực là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam, người ta cho rằng có đặc quyền, không công bằng cũng chẳng minh bạch, đặc biệt lại còn qui định kinh tế chủ đạo của nhà nước trong hiến pháp?

PGS.TS Ngô Trí Long: Hiến pháp là bộ luật mẹ, luật quan trọng nhất từ đó sẽ tới các luật con. Trong quá trình luật gốc đã như vậy thì những luật khác khó trái được với nó. Còn những vấn đề Việt Nam cam kết và những vấn đề Thủ tướng nói thì đã nói rất nhiều rồi. Nhưng quá trình triển khai hầu như rất chậm và thực thi vấn đề đó thì không được là bao.

Thí dụ hiện nay nói thay đổi thể chế, thể chế là gì, là luật chơi là Hiến pháp là Luật là Nghị định, phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nhưng thực chất nhiều cái không phù hợp. Hoặc những cái đưa ra rất trúng rất hay nhưng thực tế triển khai lại khác, lời nói không đi đôi với hành động, có nghĩa còn những rào cản khác nữa. Thủ tướng hôm nay nói không phải là lần đầu tiên, mà đã nói rất nhiều lần. Tôi nghĩ hôm nay cũng có những điểm khác trước, nhưng tôi tin rằng với điều kiện với tư duy với những rào cản hiện nay thì khó vượt qua thành lũy đó.

Nam Nguyên: Thưa GS cơ chế ở Việt Nam thì một người, dù là đứng đầu chính phủ cũng không thể một mình hứa hẹn điều này điều kia. Mà đàng sau là Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và cao nhất là Tổng Bí thư nữa. Vậy thì khi thủ tướng hứa hẹn cải cách như thế, ông có đại diện cho cả hệ thống chính trị hay không?

PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi nghĩ, có thể những tư duy những đổi mới thì mọi người đều thừa nhận. Nhưng đi vào vấn đề đó cuối cùng mọi việc đều phải bàn bạc tập thể. Thí dụ nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng rào cản lớn nhất là vấn đề “vua tập thể”, mọi cái đưa ra tập thể bàn, mà với tư duy cũ theo đường mòn như vậy thì sự tiếp cận tư duy mới chắc chắn sẽ bị hạn chế và chính nó sẽ bị rào cản. Cho nên theo tôi nghĩ, đối với cơ chế Việt Nam thì một cá nhân chưa thể quyết định mọi vấn đề. Và chính vấn đề mang tính tập thể, lãnh đạo tập thể đã tạo ra những rào cản trì trệ của nền kinh tế.

Nam Nguyên: Cảm ơn GS Ngô Trí Long đã trả lời phỏng vấn.

7 tháng 10, 2015

Việt Nam sẽ phải làm gì khi gia nhập TPP

Mặc Lâm, biên tập viên RFA,


Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015
Việt Nam được biết là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 thành viên gia nhập TPP, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó còn rất nhiều rào cản mà doanh nghiệp cũng như nhà nước phải vượt qua nếu không cuộc chơi sẽ gặp trở ngại và không khéo có thể mất những cơ hội thành công trong thị phần khổng lồ này. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương để tìm hiểu thêm vấn đề.

Mặc Lâm: TPP vừa ký kết xong và VN được xem là nước hưởng nhiều nguồn lợi nhất trong các đối tác. Theo TS thì điều thuận lợi nào mà ông cho là có khả năng xảy ra nhất thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam gia nhập TPP thì sẽ có 11 nước đối tác trong đó phần lớn các nước có trình độ phát triển cao hơn chúng ta nhiều cho nên Việt Nam sẽ có một cơ cấu kinh tế bổ xung cho các nước đó và hàng hóa của Việt Nam và các nước bổ xung cho nhau và ít cạnh tranh hơn. Nếu như so sánh giữa Việt Nam và ASEAN thì chúng ta có thể thấy là ASEAN và Việt Nam cạnh tranh với hàng hóa của Thái Lan, dệt may của Campuchia và cạnh tranh hàng điện tử của Malaysia. Nhưng trong trường hợp của TPP thì Việt Nam có điều kiện dễ dàng hơn rất nhiều.
Sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tập trung vào các lãnh vực như dệt may da giày túi xách hay các mặt hàng đồ gỗ, hay các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như café hồ tiêu và các mặt hàng khác sẽ rất thuận lợi. Vì vậy cho nên cái thuận lợi của Việt Nam nó nằm trong cơ cấu kinh tế.

TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của VN

TS Lê Đăng Doanh

Hơn thế nữa Nhật Bản rất quan tâm hợp tác với Việt Nam về nông nghiệp, sản xuất rau quả tươi để xuất khẩu sang Nhật và hai bên có thể hợp tác vì lợi ích của cả hai. Đấy là những điều tôi nghĩ rất thuận lợi đối với Việt Nam.

Mặc Lâm: Như TS vừa nói thì dệt may và da giày là hai mối lợi xuất khẩu thiết thực nhất, tuy nhiên rào cản kỹ thuật của TPP ghi rõ là nguyên liệu dành cho sản xuất phải mua từ các nước có tên trong hiệp định. Công nghệ may gia công của VN đang nhập nguyên liệu của Trung Quốc là chính do đó VN phải giải quyết nút thắt này như thế nào thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Việc TPP yêu cầu có hàm lượng sợi trong TPP khoảng 70%, tôi không rõ là Việt Nam có thỏa thuận được điều kiện nào thuận lợi hơn hay không nhưng với tình hình như vậy thì tôi nghĩ nó cũng có cái lý của nó đó là TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam

Mặc Lâm: Các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ gặp rào cản lớn trong vấn đề thành lập công đoàn cho công nhân độc lập với công đoàn của nhà nước, mặc dù hiện nay VN có thời gian là 5 năm để chuẩn bị cho yêu cầu nghiêm ngặt này. TS có nghĩ rằng vì lợi ích kinh tế của quốc gia Việt Nam sẽ vượt qua được nút thắt này hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam đã chấp nhận các điều kiện như vậy và tôi nghĩ rằng nếu có quyết tâm thực hiện và tổ chức tốt thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này.

Mặc Lâm: Riêng về khung pháp luật phù hợp với TPP thì hiện nay chúng ta vẫn còn trong tình trạng soạn thảo, liệu có đủ thời gian để làm công việc phức tạp này hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Vâng, Việt Nam đã thấy điều đó, thí dụ như Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp làm việc với các Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để giảm bớt để giàm bớt các thủ tục và gần đây nhất vào ngày 12 tháng 3 năm 2015 thì chính phủ đã có ban hành cái nghị quyết 19 và hiện nay đang tích cực thực hiện nghị quyết này để giảm bớt chi phí và thời gian đối với doanh nghiệp. Tôi nghĩ việc gia nhập TPP và Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện những điều kiện của TPP sẽ là đòn bẫy từ bên ngoài để thúc đẩy Việt Nam cải cách.

Mặc Lâm: Tin VN gia nhập TPP giống như một làn sóng lớn ập xuống doanh nghiệp và cả chính phủ với hàng ngàn việc cần phải làm. Theo ông khả năng hòa nhập cũng như thích hợp với thị trường mới của doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng chưa trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.

TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ Việt Nam đang có thời gian để đẩy mạnh việc thực hiện. Bởi vì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ không có điều kiện để có thể hiểu biết và quan tâm nhiều đến các yêu cầu về TPP.

Vì vậy tôi nghĩ trong thời gian mà Quốc hội các nước còn phải thông qua thì Việt Nam nên tranh thủ việc tổ chức thực hiện, cũng như giúp đỡ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thể chế. Tôi nghĩ rằng đó là những điều Việt Nam đã nhận thức và có thể làm được trong thời gian tới.


Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh.

1 tháng 10, 2015

Ngẫu hứng

Già thì già tóc già râu
Trái tim vẫn trẻ, nó đâu có già
Ra ngoài gặp bạn gần xa
Vẫn cười vần hát như là thanh niên
Về nhà lưng mỏi triền miên
Hai tay đấm bóp thay phiên đêm ngày
Đôi khi tý toáy, tỉnh say
Răng rụng gần hết, nụ cười vẫn xinh!
Tuổi cao vẫn tỉnh tình tinh
Bao giờ Trời gọi, thì mình “Dạ vâng”.


18 tháng 9, 2015

Bài thơ giải sầu: Một khúc thơ đời

(Thân gửi Cụ BaBê và các bạn QL)

Ai ơi buồn làm chi
Ta đưa nhau về bên kia sông Nhớ*
Sông Nhớ trôi đi trong tiếng hát thầm thì
Xuôi về một thời non trẻ.
Ừ nhỉ
Nay đã thu tàn, sao vẫn còn buồn tẻ?
Vui lên, vui lên!
Ta cứ ở bên nhau trong dòng chảy triền miên
Miệt mài con chữ
Đây tiểu thuyết, văn chương
Đây phẩm bình thế sự
Đây trăng non, đây hoa lá, thơ đời…
Cuộc sống vẫn mọng căng, hoa trái vẫn sinh sôi
Dẫu bóng tối rập rình, lẩn khuất
Gieo nỗi buồn thấm sâu vào lòng đất
Tưởng đâu héo hết mầm tươi.
Ta vẫn muốn dang tay ôm trọn niềm vui
Dù rất mảnh mai, nhỏ nhẹ.
Rất lâu mới gặp nhau, sao như con cùng một mẹ
Rạng rỡ nụ cười, tay nắm chặt tay
Hát hò như tỉnh như say
Bởi đã có một thời để yêu, để nhớ...

18/9/2015
(* Mượn thơ cụ Hoàng Cầm)

16 tháng 9, 2015

Quả nhiên… chán phè

Sau nhiều tháng chờ đợi, vậy là cuối cùng mọi người cũng đã được đọc Bản Dự thảo báo cáo Chính trị tại ĐH sắp tới. Xin mời các Cụ vô xem bản tóm tắt tại nhiều trang báo điện tử chính thức của NN cùng với lời kêu gọi góp ý …
Tối qua, mỗ tôi đã háo hức đọc “nó“ với niềm hy vọng vào chút ánh sáng mới mẻ cuối đường hầm. Nhưng than ôi, xin nói thật, thất vọng luôn.

Hẵng khoan nói tới chuyện góp ý rồi người ta có nghe hay không; riêng nội dung đã thấy cũ kỹ công thức như cách đây vài chục năm. Không biết mỗ có khó tính không nhưng đọc “nó”xong, bỗng có cảm tưởng mấy cha thư ký đóng cửa lại, ngồi trong phòng lạnh để hì hục viết cho được lòng cấp trên. Những mong mỏi của chúng ta về một “ĐH đổi mới lần hai” đã không trở thành hiện thực. Đây mới là những cảm tưởng ban đầu của một cá nhân thuộc diện “những người thích nghĩ”, chưa đi sâu vào nội dung cụ thể. Xin hẹn hồi sau trao đổi cùng các cụ làng ta dăm câu ba điều.

9 tháng 9, 2015

Một hiện tượng văn học độc đáo (Phần 2)

- Trước khi tiếp tục, xin có đôi dòng ngoài lề. Dường như được “thần giao cách cảm” nên đã có sự trùng hợp thú vị giữa nội dung cuốn sách của bạn XH mà tôi đang giới thiệu với những bài vừa xuất hiện mấy ngày qua trên Blog LSQL. Đó là vấn đề về vai trò và thân phận của tầng lớp trí thức nước ta từ xưa tới nay. Có lẽ “những suy nghĩ đúng thường gặp nhau” nên cụ Ca mới đưa về nhiều bài rất đáng đọc có cùng chủ đề với cuốn “Huyền thoại...”. Qua tác phẩm, XH dường như cũng muốn chứng minh một sự thật trước nay chưa được nhấn mạnh đúng mức: Dân tộc VN không chỉ có truyền thống anh dũng hy sinh, liều mình chiến đấu chống ngoại xâm, mà còn có truyền thống sáng tạo khoa học kỹ thuật rất đáng tự hào. Nghĩa là VN không phải là “man di” như bọn Tầu thường gọi mà là một đất nước anh tài trí tuệ từ lâu. Nếu không thông minh tài giỏi thì làm sao có thể tồn tại được bên cạnh gã láng giềng to đùng luôn thèm muốn ăn tươi nuốt sống chúng ta? Tuy nhiên từ ngày xưa cho đến sau này, chiến thắng ngoại xâm rồi, gần như đời nào cũng có, tầng lớp trí thức đầy tự trọng thường bị thanh trừng, sát hại kiểu “Nhân văn giai phẩm” đầy máu và nước mắt! Thương thay!
… Một cuốn tiểu thuyết hay tất yếu phải có cốt truyện hay. Nhưng nếu kể trước ra hết thì lại thành... vô duyên, vậy tôi chỉ xin thập thò vài chi tiết sau đây. Không gian tiểu thuyết trải dài từ Thủ Đô Yên Kinh nước Đại Minh đến Thăng Long Đại Việt, vào đến Nghệ An, Đức Thọ, từ núi cao đến biển lớn, từ công nghệ chế thuốc súng khô khan đến tình yêu ướt át, thỉnh thoảng xen một chút sex khá bạo nhưng đầy chất lãng mạn thanh tao. Xin mạn phép trích một đoạn: "Dù ở đây không có hoa Ban, và mùa này hoa Ban cũng chưa nở. Nhưng mãi mãi vẫn còn đêm đầu ngọt ngào với chàng dưới gốc Ban, cây hoa ngọt năm nào. Đêm hôm đó, có ánh sao rơi vào lòng”. Tả cuộc giao hoan của đôi trai gái như thế, kể cũng là khéo lắm. Đọc rồi, ta sẽ được biết vì sao Hồ Nguyên Trừng chịu ở lại phục vụ nhà Minh, bí quyết chế thuốc súng từ đâu mà có, ai là người chế ra thiết nhuyễn đất Giao Châu, (gần như thép ngày nay), liệu có liên quan gì đến cây cột sắt ngàn năm không rỉ còn bí ẩn tại Ấn Độ? Từ đó sẽ giải mã bí mật của chữ Nôm “Kim Thiếp” được dịch sang tiếng Việt là gì? Ta cũng sẽ biết ai là cha đẻ của loại súng “thần cơ thương” linh diệu hơn hẳn vũ khí của quân Minh, Lê Lợi và chư tướng khởi binh ra sao, mưu lược của Nguyễn Chích thế nào, sau biến động thời cuộc, ai còn ai mất,      ai chạy sang tận Okinawa? v.v... Đặc biệt không thể không kể đến những chi tiết vừa là sự thật vừa như phủ một lớp khói sương mờ ảo lung linh về dòng dõi Trần Gia hiển hách mà tác giả gửi gắm vào đó tất cả lòng kinh trọng và tự hào qua từng câu chữ…
Có thể nói một cốt truyện phức tạp, đa phương, đa chiều, những sự kiện lịch sử đất nước và bi kịch cá nhân một thời tao loạn chồng chất và đan xen vào nhau, không dễ nhớ, dễ kể lại bằng lời để mua vui vài ba trống canh.
Về thủ pháp nghệ thuật: Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử VN hiếm hoi được viết theo hình thức chương hồi, tương tự như “Tam quốc chí” bên Tầu. Tất cả gồm 14 chương, 36 hồi, dài 420 trang. Mỗi chương hồi đều có lời đề dẫn bằng những câu thơ, triết lý của cha ông xưa, hoặc lấy từ kho tàng trí tuệ nhân loại, chẳng thèm sao chép Khổng Mạnh; vài ví dụ: "Phan Liêu oán giận, Quí Hữu ngại ngần, Trương Phụ điều quân, Trùng Quang thất trận”. "Non Hồng rọi bóng nước trong veo, chốn vắng nhàn cư kẻ sĩ nghèo” v.v..
Một tác phẩm văn học sống được bao lâu trong lòng độc giả lại phải nhờ vào các nhân vật được người viết dựng lên bằng bút pháp nghệ thuật riêng biệt. Bởi vậy người ta gọi là "các hình tượng nhân vật” của tác phẩm và thường dành nhiều thời gian công sức đi sâu phân tích mổ xẻ. Chẳng hạn nói đến Lỗ Tấn, ta liền nhớ đến AQ, nhắc đến Nam Cao liền nhớ ngay đến Chí Phèo v.v... Trong cuốn “Huyền thoại...” chúng ta không thấy có nhân vật chính nào xuyên suốt toàn bộ tác phẩm từ đầu đến kết thúc, kiểu như GiăngvanGiăng trong “Những người khốn khổ“, Grigori trong “Sông Đông êm đềm” v.v... Dường như XH tuân thủ một đặc điểm của tiểu thuyết chương hồi là dựng lên nhiều nhân vật cùng lúc, không tập trung vào một vài hình tượng nào... Trong số hàng trăm nhân vật của “Huyền Thoại…”, tôi rất ấn tượng với Phan Liêu, tồn tại đến chương 12 thì tử trận. Đây là một dũng tướng dòng dõi Nhà Trần, lúc đầu do bất mãn với Trùng Quang vì cả nhà bị giết oan nên Phan đã đầu hàng nhà Minh, chống lại non sông. Sau thấy quân Minh dã man tàn ác quá độ, bèn quay giáo theo Lê Lợi đánh giặc, lập nhiều công tích. Cuối cùng hy sinh tại trận tiền. Đây là một hình tượng nhân vật có tâm lý phức tạp, khá điển hình: vì thù nhà mà theo giặc nhưng bởi yêu nước mà hối cải, quay về với chính nghĩa. Thử hỏi trong những cuộc chiến tranh chống xâm lược sau này, đã có biết bao nhiêu bi kịch kiểu Phan Liêu?
… Trong thơ văn thường có hiện tượng gọi là “ý tại ngôn ngoại”. Không thể khẳng định nhưng tôi cứ trăn trở với ý nghĩ này: Kể ra câu truyện có thể kết thúc ở chương Lê Lợi chiến thắng sau 10 năm “gian lao mà anh dũng”, nhưng lại kéo dài đến đoạn Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo, Ức Trai bị hại, thành ra một kết cục buồn. Nhưng sự thật lịch sử không thể bị che dấu, nó nói lên một chân lý bất di bất dịch: Nếu sau chiến thắng, giành được quyền lực vào tay mà nhà cầm quyền bất kỳ thời nào hư hỏng, thối nát thì đất nước lại rơi vào cái họa ngoại xâm. Phải chăng đó là bài học cho chính dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay và cả mãi mãi muôn đời con cháu về sau. Cuốn sách cũng nhờ vậy mà thêm phần giá trị.
Lời kết: Có thể nói, tác giả hơi kỹ tính, đưa vào nhiều tư liệu, trích dẫn, bằng chứng khoa học sâu sắc, tầm trí tuệ rất cao siêu nên có lẽ không phải ai cũng dám đọc và thích đọc cuốn tiểu thuyết chương hồi “Huyền thoại...”; đặc biệt là lớp trẻ. Bởi vậy công chúng đích thực của tác phẩm này sẽ không phải là một số đông bạn đọc rộng rãi mà sẽ khuôn lại trong một số đối tượng hạn hẹp nhất định. Mặc dù vậy, không thể không khẳng định: đây là một thành công đáng khâm phục của nhà văn trẻ Thâm Giang Trần Gia Ninh - thành viên làng Quế Lư, một hiện tượng văn học độc đáo hiếm hoi trong nền văn chương hiện đại VN, khi mà những cuốn sách được in ra ngày càng bị bội nhiễm bởi mùi kim tiền!
… Việc tìm đọc cuốn sách, xin các cụ làng ta hỏi thăm tác giả, kẻ thất phu này không dám hồi đáp. Ý tưởng của Cụ Ca về một cuộc hội thảo nội bộ là quá hay, xin giơ cả hai tay bái vọng!
Xin hết!
  

7 tháng 9, 2015

Một hiện tượng văn học độc đáo (phần 1)

Cách đây mấy tháng, một lần đến chơi nhà Xuân Hoài, tôi được bạn tặng một cuốn sách mới có cái tên đầy bí ẩn "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn”. Nhìn tên sách đã thấy lạ, cứ nghĩ của nhà văn thâm nho nào mới cho ra lò tác phẩm gây sốt mà mình lạc hậu chưa biết. Đến khi nhìn trang bìa, chỗ ghi tên tác giả “Thâm giang Trần Gia Ninh”.  tôi liền giật mình, ngạc nhiên, vừa mừng vừa tự hào vì tác giả chính là ông bạn già thâm niên đang đứng trước mặt, với đôi mắt hơi sâu, ngời sáng và mái tóc trắng bạch kim thật đẹp. Lúc đó XH mới giới thiệu:

- Sách tớ viết vừa được nhà XB văn học in đấy, cậu về đọc nhá, cho vui thôi…

À ra thế, một ông TSKH có kiến thức vật lý sâu rộng đến mức đủ để đi dạy ở nhiều trường ĐH của HK, Đức v.v... nay lại nhảy một cú ngoạn mục sang lĩnh vực văn học cấp cao. Tôi nói vậy vì để được NXB Văn học in tiểu thuyết thật chẳng dễ dàng gì. Mình phải thế nào người ta mới in chứ! Sở dĩ tôi nhận ra ngay tác giả vì cái bút danh đặc biệt chẳng giống ai, cũng nhờ chút ít chữ Nho còn lưu lại trong đầu. “THÂM GIANG” là dòng sông sâu. Sau này đọc xong cuốn sách, tôi mới hiểu thêm, hình ảnh con sông Ngàn Sâu, Ngàn Suối, sông La, sông Lam ... nơi quê hương tác giả cứ tái hiện nhiều lần như những dòng ký ức sâu thẳm không bao giờ phai. “TRẦN GIA" thì rõ rồi, bạn họ Trần thuộc một trong những danh gia vọng tộc nước Đại Việt xưa. Vào thời DCCH, cụ thân sinh từng là cán bộ cao cấp của Bộ GTVT, có nhiều công lao, đóng góp cho CM. Còn chữ “NINH” thì phải suy nghĩ, tìm tòi để hiểu cho thấu ý nghĩa sâu xa... Có 2 chữ NINH, một chữ với nghĩa là “yên ổn”, không chịu khuất phục, một chữ với nghĩa là có tài nhưng bướng với quan quyền! Phải chăng đó là nét đặc trưng của tính cách họ Trần Gia từ xa xưa mà ngày nay một trong những truyền nhân đang tiếp nối?

Nhớ hồi học ĐHSP Vinh, (1960 ) một lần tôi cũng đã từng đi du ngoạn đến một số địa danh nổi tiếng ở Đức Thọ, nay đọc lại trong cuốn sách của bạn bỗng như được đắm mình trong ký ức một thời trai trẻ khó quên. Những cánh rừng hoang vu bí ẩn hai bên sông Ngàn Sâu trầm ngâm trôi xuôi, núi Trùng Quang, thành Lục Niên xa mờ, huyền bí, bến Linh Cảm thanh tịnh bình yên lúc chiều tà, nước sông La trong xanh đến đáy…Tất cả gợi cho ta cảm giác về một miền địa linh nhân kiệt, thiên nhiên, hồn người như hòa quyện vào nhau. Cũng xin thú thật, tại đó, qua một cuộc gặp tình cờ, suýt nữa tôi đã xe duyên cùng một cô giáo cấp hai xinh đẹp, thùy mỵ đến nao lòng. Sau này, tôi được biết đã từ lâu lắm, người Pháp và cac Cụ ta đã coi con gái Đức Thọ thuộc hàng “xinh nhất xứ Đông Dương” , vừa ngoan hiền vừa giỏi giang. Ấy vậy nhưng bà Nguyệt không xe cho nên duyên phận đành lỡ làng.
… Tôi háo hức đọc cuốn sách lần thứ nhất, để ngấm một thời gian, rồi đọc lần hai. Đến nay thú thật vẫn chưa thể coi là đã thấu hiểu được ý tứ của tác giả, tuy nhiên vẫn cứ xin sẻ chia cùng các Cụ trong Làng, chả dám đăng đàn ở đâu. Thêm nữa. Vẫn biết đã có nhiều người, nhiều bài viết về cuốn tiểu thuyết của XH nhưng tôi cố tình chưa đọc của họ để khỏi mang tiếng “ăn theo, nói leo”. Tôi muốn giữ cho mình những cảm xúc riêng và cách nhìn riêng không giống ai về một tác phẩm của người bạn của chúng ta, thông minh đa tài nhưng không chịu “tiến thân bằng đầu gối”. Bởi vậy, nếu bài viết này có chỗ nào không chuẩn, cũng xin tác giả và bạn đọc lượng thứ.

Theo nguyên lý phê bình văn học, để đánh giá đúng một tác phẩm,trước hết người ta cần xác định chính xác thể loại của nó. Vậy cuốn tiểu thuyết của XH thuộc thể loại nào?

Căn cứ vào từ “Huyền thoại” có thể có người cho đây là một tiểu thuyết dã sử, hư cấu (bịa đặt) căn cứ vào một vài câu chuyện hoang đường do nhân dân tưởng tượng ra, không có trong chính sử. Còn tác giả lại cho đây là một cuốn “tiểu thuyết khảo luận, học thuật” ( Cẩn bạch)... Tôi thì cho rằng đây thật sự là một tiểu thuyết lịch sử. Bởi lẽ tác giả đã bám rất sát các sự kiện lịch sử ,các nhân vật có thật được chứng minh, tra cứu công phu chi ly đến ngày giờ, được sử sách ghi chép, mọi người đều biết. Thí dụ: quân Minh đánh chiếm nước Đại Ngu của Hồ Quí Ly, Hồ Nguyên Trừng chế súng, bị bắt về Yên Kinh, Vương Thông, Mã Kỳ, Liễu thăng, Lê lợi, Trịnh Khả v.v... Dĩ nhiên những sự kiện, con người có thật trong lịch sử phải được “văn học hóa” thành những hình tượng nhân vật có hình, có hồn, thông qua thủ pháp sáng tạo mạnh bạo mới có thể sống được trong tiểu thuyết. Ấy là cái khó và cũng là cái tài của người viết vậy. Nếu đọc kỹ những chú thích trong sách, nhiều khi ta có cảm tưởng đây là một cuốn khảo cứu khoa học lịch sử, địa lý, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục v.v... rất nghiêm túc, chính xác đến từng chi tiết. Qua đó, hiểu biết của người đọc được mở rộng rất nhiều , kể cả những nhà thông thái! Sách dã sử không cần và không thể làm vậy.

Về đề tài,có thể nói đây dường như là cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên của văn học VN lấy bối cảnh một giai đoạn lịch sử đầy khổ đau, vừa oai hùng vừa bi tráng của dân tộc ta thời phong kiến. Đó là thời kỳ cuối nhà Hồ, Nhà Minh thôn tính, cuộc khởi nghĩa Lê Lợi và những năm đầu nhà Hậu Lê dựng lại cơ đồ…

Vì sao tác giả lại chọn giai đoạn này để ngòi bút tung hoành trên trang giấy? Hẳn phải có những lý do riêng mà chúng ta chưa biết nhưng theo tôi có thể đưa ra giả thiết sau.

- Tuy chỉ thống trị nước ta 10 năm (1407-1417) nhưng đế chế nhà Minh Trung Hoa là một trong những kẻ xâm lược tàn ác nhất, thâm độc nhất, chủ trương hủy diệt dân tộc Việt, trí tuệ ,văn hóa Việt tệ hại nhất. Không kể những cuộc xâm lăng khác, chỉ kể từ thế kỷ 12, quân Nguyên Mông tràn sang 3 lần, mới chỉ kịp đốt phá xóm làng đã bị đuổi về nước. Sang thế kỷ 18, quân Thanh ào đến, cũng chưa kịp cướp bóc đã bị Quang Trung đánh cho tan tác phải ôm đầu máu rút chạy. Còn nhà Minh thì trong 10 năm chiếm được nước ta đã chủ trương triệt hạ dân tộc Việt đến cùng, bắt hoặc giết hết người tài, đốt hết sách vở, văn bia, công trình văn hóa v.v... hòng đồng hóa dân tộc ta. Bởi vậy cuộc chiến đấu vì tồn vong của Tổ quốc diễn ra vô cùng khốc liệt, không khoan nhượng, với đầy rẫy xung đột kịch tính từ thù trong đến giặc ngoài, từ quí tộc cũ đến giai tầng mới, từ người dân thường đến tâng lớp trí thức, từ xã hội đến gia đình, từ thời chiến đến thời bình, v.v... Viết để lên án tội ác của bọn xâm lược phương Bắc thời xưa cũng đồng nghĩa với một lời cảnh báo về những ảo tưởng đâu đó về thiện chí của chúng trong thời nay. Việc đó hẳn cần lắm, chẳng phải thích hay không thích.

- Hơn nữa, chính trong giai đoạn này, lòng yêu nước và tài năng đức độ của những nhà trí thức đương thời, trong đó có gia tộc họ Trần đã được tỏa sáng đúng lúc, góp phần làm nên những chiến công hiển hách sử sách còn ghi. Đặc biệt là những đóng góp của họ vào sự phát triển khoa học công nghệ chế tạo vũ khí khí tài đánh địch. Đó chính là mảng đề tài rất mới mẻ, độc đáo mà tác giả dụng công khai thác và chép lại để hậu duệ Trần Gia biết, nhớ và noi theo tiên Tổ. Việc ấy há chẳng phải rất nên làm ư?

Bởi thế,tác giả chia sẻ trong phần Cẩn bạch “quyển sách này nhắc cho hậu thế về những thân phận con người,về số phận bi hùng của những anh tài trí tuệ đất Việt xưa trong thăng trầm của lịch sử.. “
Thiết nghĩ đây cũng chính là chủ đề chính làm nên giá trị của tác phẩm.

4 tháng 9, 2015

Vượt lên nhân cách

KyVinhHung: Một người bạn gửi qua maill cho tôi bài viết mới của nhà nghiên cứu Ngyễn Khắc Mai. Tôi đọc một mạch, thấy có nhiều ý rất mới, rất thẳng,rất hay về ĐH 12 sắp tới . Xin cóp về trình các Cụ nhâm nhi. Bài hơi dài nhưng do tôn trọng tác giả nên không thể cắt bỏ hoặc tóm lược được đoạn nào. Mong thông cảm.
----------------------

Nguyễn Khắc Mai - Vượt lên nhân cách “Homo-Robotus" [1] để tiến vào Đại Hội XII


Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai.

Từ rất lâu trong lịch sử, người ta đã nhận thấy xuất hiện trong xã hội, đặc biệt là trong tầng lớp kẻ sĩ, những mẫu hình người của “cộng thể”. Họ ăn nói cùng một kiểu, hở một chút là “Tử viết Thi vân” (Cụ Khổng dạy rằng, Kinh thi nói…) Từ vua cho chí quan đều nghĩ, nói theo một kiểu, họ bị lịch sử kết án là hủ nho (nhà nho lạc hậu, thối nát - hủ là nát). Họ là sản phẩm của một nền quân chủ Tống nho, là sản phẩm của một nền giáo dục “chi hồ dã giả”, giáo điều tệ hại, mọi quy chiếu đều lấy Trung Hoa làm chuẩn đích, mọi quan hệ đều lấy “thánh chỉ” là giường mối…

Không ngờ, ngày nay tuy không thể còn hủ nho, nhưng lại nảy nòi một hạng ngừời được gọi bằng một tên mới là “hủ Mác”. Hủ Mác là những kẻ mồm tụng Mác mà không biết Mác là ai là gì, cứ tụng như vẹt, lừa mình dối người trâng tráo. Quan sát mấy Đại hội chuẩn bị cho Đại Hội XII của một số tổ chức đảng cấp huyện trở lên, đáng chú ý trong đó nhũng Đại Hội của một số Bộ Ngành, không thể không liên tưởng tới cái hiện tượng xưa kia là hủ nho, và nay là hủ Mác. Nhiều người trong số đại biểu là trí thức có bằng cấp, học hàm học vị hoành tráng. Nhưng không hề thấy đưa tin đã có những ý kiến sắc sảo, cấp tiến, dám sống khác thời phong kiến, dám vượt lên dẫu là: “thánh chỉ”, để mổ xẻ tận nơi những căn bệnh trầm kha của đất nước của xã hội do chính họ, chính cái thể chế do họ điều hành gây nên. Có thể vẫn còn một đa số hủ Mác, nhưng sao không có một Gallilee dám nói dù sao trái đất vẫn quay quanh mặt trời, sao không có một “minh triết” rất hồn nhiên nói toẹt “vua đang cởi truồng”. Mặc dầu chỉ thị của BCHTW vẫn kêu gọi mở rộng dân chủ, góp ý thẳng thắn, nhìn rõ sự thật. Các ý kiến trong mấy đại hội đã biết vẫn chỉ là giả sự thật. Thậm chí có đại hội rất khôn đã hoàn toàn không có ý kiến gì, khiến truyền hình thấy chướng đã phải làm một phóng sự rồi mời ông tổng biên tập tạp chí Cộng sản đến phỏng vấn.

Người ta đang cố ý nhầm lẫn đại hội đảng, tức là một sinh hoạt chính trị của một chính đảng, với hội nghị công nhân viên chức. Thì đấy, mấy đại hội ngành chủ yếu cũng chỉ là bàn những vấn đề kỹ thuật, nhiệm vụ của ngành, phương thức hoạt động của ngành. Tôi không cho rằng những việc ấy là vô bổ. Vấn đê là nếu chỉ như thế, thì cần gì tiến hành Đại Hội, cứ mở hội nghị thật dân chủ của công nhân viên chức là xong. Một Đại Hội chính trị của một đảng chính trị cầm quyền phải khác. Đặc biệt là với Đại Hội nhiệm kỳ toàn quốc, hơn nữa, đây là một Đại Hội của một chu kỳ, mà Dân Nước đang đứng trước một khúc quanh mới của lịch sử. Không được lảng tránh những câu hỏi lớn đang được xã hội nêu ra.

Đành rằng, không thể chối bỏ những thay đổi đáng kể trên quê hương mấy chục năm qua, nhưng những thành tựu ấy có xứng với cái giá của dân tộc phải trả không. Cớ gì cũng ngần ấy thời gian, ngần ấy công sức đầu tư mà thiên hạ quanh ta đã làm được còn chúng ta thì mọi chuyện đều nham nhở, chưa đên đầu đến đũa gì. Điều chắc chắn là những kết quả ấy không xuất phát từ chủ nghĩa Mác-Lê, kể cả tư tưởng Hồ chí Minh. Nếu có mối quan hệ nào thì chính những nhân tố ấy cùng với phương thức lãnh đạo của đảng, đã khiến luật lệ không đồng bộ, hệ thống cầm quyền chồng chéo lẫn nhau, nạn tham nhũng không chỉ là khuyết tật của hệ thống mà chính là thuộc bản chất của hệ thống, một khi đã độc quyền thì không tham nhũng mới là dị thường. Thật ra mối quan hệ của chủ nghĩa Mác Lê, đường lối của đảng với tình trạng có đôi chút phát triển hôm nay, chỉ là quan hệ trùng hợp hình thức, giống như chuyện ngụ ngôn La Fontaine: một con nhặng bay vo ve bên cổ xe ngựa đang lên dốc. Khi lên đến đỉnh, con ngựa đứng nghỉ, mồ hôi nhễ nhại, còn con nhặng thì cho rằng nếu không có mình vo ve thì cỗ xe không lên được đến dốc!

Đảng cộng sản Việt Nam, tuy luôn xưng mình có tư duy biện chứng, thực chất chỉ là tư duy hình thức, bởi phép biện chứng bao giờ cũng nhìn nhận mỗi thực trạng xã hội, con người từ nguyên nhân đến kết quả từ chiều sâu, cốt lõi của vấn đề. Vì thế mới có câu ca dao nhận xét và phê phán rất tinh tế: “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa nhờ có thiên tài đảng ta!” Hầu hết nhũng văn kiện cũng như phát ngôn của nhũng người lãnh đạo luôn luôn chỉ là cái công thức tức là cái vỏ mà không bao giờ có ruột, những khẩu hiệu vô hồn vô cảm vô bổ! TS Nguyễn Vi KHải đã thử làm một tổng hợp 3,4 Đaị hội của đầu thế kỷ 21 đã khẳng định chỉ có tráo đổi chữ nghĩa, như đặt dân chủ ở sau rồi đưa lên trước, những đánh giá chỉ thay đổi vài định ngữ, nhiệm vụ thì cũng sao chép na ná như nhau. Những vấn đề to đùng của Dân, Nước, như sự lệ thuộc nguy hiểm với Trung Hoa, nguyên nhân lỗi hệ thống nào khiến VN lạc hậu xa so những nước lân bang… không thấy đề cập đúng tầm, có trách nhiệm. Gần đây có thể là nhằm định hướng cho các đại hội, đã có mấy bài báo tràng giang đại hải của một số VIP, thấy đề cập nào đổi mới nền quản trị quốc gia, nào kiểm soát quyền lực, nào nâng cao trí tuệ, thúc đẩy khí phách, nào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xhcn có sự quản lý của nhà nước, v…v, không thống kê xiết. Tuy nhiên vẫn chỉ là công thức, chưa thấy rõ nội dung của những vấn đề to lơn ấy.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị được đưa xuống Đại Hội XII các cấp, ban lãnh đạo không dám nhìn vào sự thật, mà cũng không thấy đưa tin các đại biểu, trong đó nhiều trí thức và cán bộ cấp TƯ của đảng đưa vấn đề ra thảo luận. Như đã nhận xét, họ chủ yếu bàn những vấn đề của ngành, của địa phương. chẳng khác gì một cuộc họp Hội đồng nhân dân hay hội nghị công nhân viên chức.
Có năm văn đề cốt tử của sự còn, mất, phục hưng, phát triển hay tiếp tục thân phận lệ thuộc, gia công hay nói một cách “cười ra nước mắt” như chị Phạm Chi Lan: Việt Nam là nước không muốn phát triển!

Thứ nhất: Tại sao khi dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, thì chủ quyền bị xâm hại, nhiều vùng biên giới và hai đảo bị Trung Hoa xâm lược, cưỡng chiếm. Sự lệ thuộc vào Trung Hoa về chính trị, kinh tế văn hóa, an ninh quốc phòng, thậm chí cả đối ngoại ngày càng nghiêm trọng!?Đường lối đối ngoại lệ thuộc Trung Hoa đã gây nên những tiêu cực, tích cực gì cho thế phát triển VN?.
Trong tình hình thế giới hiện nay có nhất thiết theo cái triết lý “độc lập dân tộc gắn với CNXH không? Đa số các dân tộc hiện nay trên thế giới đâu cần cái triết lý ấy. Cái nhân tố CNXH có thật là lẽ đúng và tốt không? Cớ sao TBT Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên bố “trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở nước ta”, lại vẫn ép đa số đảng viên trong QH thông qua HP tiến lên chủ nghĩa xã hội. Điều ấy có phải là chính trị ma giáo hay không. Điều thật kỳ lạ là một Dân tộc vốn xưng văn hiến đã lâu, một chính đảng cầm quyền luôn xưng mình là “đạo đức”, là “văn minh” (chữ của HCM) mà không dám để cho nhân dân được quyền tự do học thuật, tranh luận, nghiên cứu cho ra ngô ra khoai cái chủ nghĩa “mác-lê”, nếu quả thật có chút gì là trí tuệ thì giữ lấy, nếu chỉ là “hư hỏng, cũ kỹ” (cũng là chữ của HCM) thì cương quyết loại bỏ. Cả một Ban Tuyên Giáo, một Hội đồng lý luận TƯ không dám đối thoại với người dân trong xã hội. Văn hóa đối thoại của họ hủ lậu, cũ rích cả hai ngàn năm.[2] Có phải mô hình của chế độ ban đầu là “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng, tiến vững chắc lên cnxh”, nay là chế độ “Cộng Hòa XHCN” với cái triết lý được điều chỉnh cho đỡ “quê” là “định hướng xhcn”, mà nhiều ủy viên TƯ đã ngậm ngùi “không biết có hay không mà tìm kiếm!” là tác nhân chính của mọi trì trệ, hư hỏng, cũ kỹ của VN, một trì trệ, hư hỏng cũ kỹ kéo dài cả ngót thế kỷ. Hơn nữa, ta cứ đeo đuổi một chế độ mà một đa số nhân loại tiến bộ đã lập tòa án kết tội nó là vô đạo, là tội ác phản nhân loại.Ta đeo đuổi một thứ thể chế mà nhân loại đã lên án thì hay ho nỗi gì vinh hạnh nỗi gì? Nay, các đảng viên đại biểu dự Đại Hội phải bàn cho đên nơi dến chốn. Người dân VN không đần độn, lao động VN học nghề nhanh có tay nghề tốt, tố chất con người Việt có nhiều mặt ưu tú, truyền thống văn hóa nếu gạt qua những yếu tố tiêu cực của xã hội tiểu nông, thì những giá trị nhân văn và đạo đức của người Việt đủ để làm nền móng cho những thăng hoa phát triển mới hiện đại, không thua kém gì những dân tộc quanh ta, tài nguyên không giàu có như thiên hạ, nhưng cũng rất dồi dào,đặc biệt là vị trí địa-kinh tế lại khá thuận lợi cho thị trường toàn cầu hóa.Thế thì cái gì khiến VN nên nỗi bi thảm như ngày nay, nếu không nói đó là do thể chế chính trị và đội ngũ quan chức cộng sản đã trở nên ngày càng hư hỏng cũ kỹ, như chính Hô chí Minh từng dự báo. Đại Hội XII hãy tiến hành một cuộc chiến xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ như Hô chí Minh từng di chúc. Đây chính là thời cơ thích hợp nhất. Bỏ qua cơ hội này Đảng Cộng sản VN sẽ trở thành tội đồ của Dân tộc trước lịch sử.!

Thứ hai: Đại hội hãy tranh luận và thảo luận một cách có văn hóa và đi đến những kết luận sau:
-Thay đổi thể chế chính trị. Một thể chế chính trị tốt và đúng, phù hợp với tiến tình lịch sử hiện đại là thể chế cộng hòa đại nghị với mô hình Nhà nước Tam quyền phân lập thật sự (chứ không thể như quan niệm lừa mị, đánh tráo khái niệm chỉ là sự phân công của ba cơ quan quyền lực). Nhà nước pháp quyền ấy chỉ là một thành tố quan trọng trong nền quản trị quốc gia tân tiến hiện đâị. Bên cạnh Nó là nhân quyền và dân quyền được hình thành có chất lượng, là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, không cần thêm một cái đuôi nào để dễ bị xuyên tạc và lợi dụng, một nền kinh tế mà quyền sở hữu từ đất đai, nhà xưởng, ngân hàng, tín dụng do tư nhân tức là những công dân của Nhà nước làm chủ[3]. Cái gọi là chủ đạo nền kinh tế thì không phải là bất kỳ một hình thức sở hữu nào mà phải là nhũng đơn vị, những ngành mũi nhọn đủ năng lực dẫn dắt nền kinh tế dân tộc phát triển. Đề cao dân trí với nền báo chí, xuất bản tự do, tôn trọng tự do ngôn luận, tư tưởng, thực hiện cuộc cải cách giáo dục theo triết lý dân tộc, khai phóng, khoa học và dân chủ. Đề cao ba lớp người mới là chủ thể của xã hội, chúng tôi gọi là”Tam Bảo Mới” của Dân tộc. Đó là lớp Trí thức hiền tài (của tất cả các lĩnh vực) là “Doanh nhân cấp tiến”,và Chính khách nhân văn. Họ mới chính là nhóm người chống đỡ cho tòa nhà Việt Nam hiện đại và hậu hiện đại. Cái gọi là nhà nước công nông đầu tiên ở Châu Á thực chất là sự tuyên truyền lừa mị không có chút giá trị nào.

Thứ ba: Nền độc lập thống nhất mới của dân tộc phải thực sự xây dựng trên đạo lý hòa giải và kết tụ dân tộc. Hãy tuyên bố tính hợp pháp của Chính Phủ Việt Nam Cộng hòa, xây dựng một nhà nước mới,tuyên bố sự kế thừa những Chính phủ từng thực thi quyền lực và có công với dân với nước từ 1945 đến nay. Có thế Dân tộc Việt Nam mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để tranh đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo. Phải thành tâm thừa nhận những sai lầm của cải cách ruộng đất, cải tạo công thương ở cả hai miền, đặc biệt là sự đối xử không theo đạo lý của dân tộc đối với người dân và cán binh của chính phủ VNCH. (Sau đó sẽ tiến hành thương thảo nhân văn thân ái để đền bù danh dự cho những thương tổn). Làm được điều này Việt Nam sẽ nhân lên gấp bội nội lực của mình cả tinh thần và vật chất. Đây chính là Sự nghiệp xây dựng một đường băng hiện đại cho sự cất cánh của Việt Nam. Hòa giải, hóa giải, hòa hợp dân tộc phải trở thành đạo nghĩa, đạo lý chính trị mới của dân tộc.
Thứ tư: Các đại biểu của Đại hội cương quyết vứt bỏ cái nhân cách Homo- Robotus, thật sự làm một người công dân Việt Nam có nhân cách tự do. Được như thế thì Trí tuệ chân thiện mỹ sẽ xuất hiện trở lại, vượt qua được cái mà nhà Phật gọi là “vô minh” (tức là ngu muội, u mê ám chướng), cái bản ngã minh triết được hồi sinh, cái khí phách mới của dân tộc sẽ phục hồi tráng kiện làm nên một sức mạnh tinh thần và đạo đức, làm nên “nhóm định hướng xã hội” mới, tiến bộ, nhân văn, tâm hồn trong sáng, nhân cách cao đẹp có đức, có tài có trí để kiến tạo một nền Dân chủ, một nền văn hóa -chính trị mới, thực hiện sứ mệnh canh tân, thay đổi Đất Nước, xã hội, đoàn tụ dân tộc, làm cho Việt nghĩa là siêu việt lên, phục hưng và phát triển, hạnh phúc và tự do.

Thứ năm: Là một Đại Hội kết thúc một chu kỳ sản nhiều công nhưng vô tích. 85 năm nhiều hành động, nhiều hy sinh nhưng cũng nhiều tội lỗi.Thực tế ngày càng chứng minh lời nói thiện của một chí sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục là Cụ Nguyễn Hữu Cầu vào 1946, trước khi mất: “Ngày nay chúng ta đã quá tây, quá tàu, chúng ta là lũ giáo điều ba rọi, là những kẻ xã hội chủ nghĩa độc tài”[4]. Hồ chí Minh trước lúc mất cũng để lại di chúc phải mở cuộc chiến đấu chống lại những hư hỏng cũ kỹ.Học giả, nhà yêu nước Trần Trọng Kim trong thư gởi Hoàng Xuân Hãn năm 1947 cũng khẳng định "Việt Minh công chi thủ, tội chi khôi” nghĩa là Việt minh công to mà tội cũng hàng đầu!

Đại hội này phải là Đại Hội cải tổ Đảng. Về lý thuyết, chủ nghĩa Mác Lê là sai lầm, nó không nhất quán, giữa Mác và Lê Nin không có gì giống nhau cả. Lê nin chỉ nhai lại cái bã mà Mác đã nhả bỏ từ lâu. Những tư duy hợp lý của Mác thì không hề có trong cái gọi là chủ nghĩa mác lê. Về lý tưởng thì Mác đã từ bỏ nó, coi nó là sai lầm. Mác đề cao báo chí tự do, lên án chế độ kiểm duyệt, thậm chí coi nó là quái thai, là thây ma được tẩm nước hoa! Mác chủ trương đa nguyên, đa đảng thì cộng sản VN ăn phải bả Lê-nin chống lại, thậm chí có hai đảng “đồng cốt” do Hồ lập ra thì cũng bị xóa sổ. Ngay cái tên đảng cộng sản cũng là dịch sai. Bởi cái tên mà Mác và Ăng Ghen đặt là Komunism chỉ có nghĩa là chủ nghĩa cộng đồng, không có từ tố nào là sản cả!

Phải đặt lại tên đảng cho chính danh, phải từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê cho phải đạo. Phải trở về đường lối vì Dân, vì Nước cho chính nghĩa. Lấy dân tộc, nhân dân làm chủ thể của đất nước và xã hội, coi công nông là đối tượng để phục vụ. Từ bỏ cái lý thuyết giai cấp vô sản là giai cấp lãnh đạo. Bởi thân phận của cái gọi là giai cấp vô sản thì Mác đã quan niệm lúc đầu vào (1884) trong Tuyên ngôn là kẻ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Nhưng vào cuối đời Mác đã dự báo chính xác thành hiện thực cay đắng ở Nga, Tàu, Việt Nam, Triều Tiên, Cu ba và ở tất cả những nước theo cộng sản, rằng “một khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy thành lập một chính quyền ủy trị, để một nhóm người tự ứng cử và bầu cử nhằm cai trị họ (GCVS). Ngay lập tức họ sẽ rơi tõm vào sự dối trá và lệ thuộc. Sau một hồi say sưa hưng phấn cách mạng, trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, con rối và con mồi cho những tham vọng mới. [5]

Đai Hội XII phải là đại hôi xét lại. Phải xét lại toàn bộ từ học thuyết, đường lối, chủ trương và lỗi lầm, hệ thống tổ chức, sinh hoạt dân chủ trong đảng, phương thức hoạt động… từ trước cho đên nay. Nói như Mác là phải sám hối vì sám hối thật tâm thì mới có cơ cứu rỗi.

Phải từ bỏ nguyên tắc sai lầm tiếm quyền là “tập trung dân chủ”. Hãy lắng nghe lời cảnh báo của Ăng Ghen: “Phải chấm dứt ngay một tình hình tế nhị. cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi các quan chức của đảng là đầy tớ để bảo ban, phê bình, thì lại coi họ như một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”. Dự báo hoàn toàn chính xác và hiện thực đối với tất tật các ban lãnh đạo cộng sản của tất cả các nước!

Vì thế phải thay đổi công thức chọn cán bộ lãnh đạo của Đại hội, theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Xin chớ theo lối xôi thịt của làng xã lạc hậu ngày xưa.Tất cả các ủy viên TƯ nhất là các vị định ứng cử vào Bộ chính trị, ban Bí thư nhất thiết phải trình cương lĩnh và chương trình hành động của mỗi người trong nhiệm kỳ mới hãy học tập việc tranh cử của các nền chính trị hiện đại. Các ủy viên TƯ, ủy viên Bộ chính trị nhất thiết phải được nhân dân nhận xét và phê duyệt, vị họ sẽ đóng vai người lãnh đạo đất nước. Mỗi người phải chọn một ngành để ứng cử làm lãnh đạo ngành ấy. Chúng ta phải thay đổi để có thể chọn được người Thao Lược chứ không phải kẻ “đồng hội, đồng lõa theo nhóm lợi ích cánh hẩu, con ông cháu cha”. Nhóm tinh hoa này nhất định phải chọn ra, càng tinh càng tốt, để họ sẽ cùng trí thức nhân sĩ xã hội sau Đại Hội có thể hợp tác tiến hành xây dựng cương lĩnh phát triển đất nước trong tình hình mới, sửa đổi luật, sửa đổi Hiến pháp để có một Quốc hội tinh hoa, chuyên nghiệp.

Có một vấn đề pháp lý của đảng cần phải đặt ra. Hiện nay trên nước ta, mọi cá nhân, tổ chức, thiết chế xã hội đều được điều tiết bằng Hiến định và luật định. Duy chỉ có đảng CS là đang hoạt động phi pháp,vì chỉ có một điêu 4 mà cũng chưa có văn bản nào của quốc hội giải thích cụ thể những câu chữ ấy.Cần một đạo luật về tổ chức và hoạt động đảng phái chính trị của Việt Nam. Có thế, những chức năng nhà nước của đảng mới chính thống.Chúng ta không thể tham gia quản trị quốc gia theo lối đã hư hỏng cũ kỹ và vô thiên vô pháp được nữa.

Nếu làm được như vậy, các vị sẽ có công lớn, thúc đẩy cho lịch sử Việt Nam sang trang mới. Bỏ lỡ thời cơ này, các vị sẽ đời đời mang tiếng là loại nhân cách homo-Robotus, là kẻ thiểu trí, thiểu khí phách, tội đồ của lich sử, ô danh, nhục nhã vô cùng.



16 tháng 8, 2015

Độc đoán chuyên quyền và thực thi dân chủ

Tham vọng quyền lực và sự tha hóa
 Ts. VŨ NGỌC HOÀNG

Quyền lực làm tha hóa con người nhanh nhất, nhanh không thể tưởng nổi. Chỉ cần sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, người có quyền lực ấy có thể bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, ra oai hơn, cách nói cũng vậy, thấy phát ngượng lên nhưng chính họ không biết, cứ như là việc đương nhiên vậy, nghĩa là nó đã thấm rất nhanh vào máu, thành phản xạ tự nhiên.

Công việc quan trọng bậc nhất của Đảng hiện nay là phải nghĩ ra các cơ chế để đảng viên, nhân dân và pháp luật kiểm soát những cá nhân được giao quyền lực. Khi quyền lực gắn với chữ “tham” thì không thể gửi trứng cho ác, đem sự nghiệp của dân của nước trao vào tay họ. Đó là ý kiến của TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực ban Tuyên giáo T.Ư trong bài viết gửi riêng báo Thanh Niên.

Thanh Niên Online xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Trong buổi bình minh của nhân loại, khi con người còn hoang sơ, cuộc sống còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, người ta đã nghĩ và tin rằng, quyền lực thuộc về tự nhiên, do các thần linh nắm giữ. Sau đó, nhờ trình độ nhận thức tăng lên, con người đã dần dần nhận ra và phân biệt được sức mạnh của tự nhiên và sức mạnh của con người biết chế ngự tự nhiên và quản lý xã hội. Từ đó quyền lực bắt đầu xuất hiện.


Quyền lực, khởi nguyên là của nhân dân, của cộng đồng. Không phải cá nhân ai bỗng nhiên có được. Khi mọi người tự nguyện đồng lòng tôn vinh ai đó là thủ lĩnh, là người phụ trách, thay mặt họ để xử lí công việc chung, thì đồng thời kèm theo, trao quyền lực cho người ấy. Bắt đầu từ đó, người thủ lĩnh, người phụ trách có quyền lực. Về bản chất thì quyền lực không phải của họ, mà họ được nhân dân trao quyền, ủy quyền, để sử dụng cho mục đích chung.

Khi quyền lực được trao cho người có nhân cách tốt thì nó được sử dụng đúng mục đích, bảo vệ và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Người xưa có câu “Đức trọng, quyền cao”. Câu ấy theo cách tôi hiểu là trên cơ sở của đạo đức, nhân cách, mà trao quyền lực. Người có đạo đức là mười thì có thể trao quyền lực đến bảy, tám, tức là trao quyền lực ít hơn, càng không trao vượt quá. Người có đạo đức ít, thấp mà trao quyền lực nhiều, cao thì vô cùng nguy hiểm, giống như “gởi trứng cho ác”, sai lầm, tai họa là nhất định không tránh khỏi. Theo đó, người có chức quyền càng lớn thì đạo đức, nhân cách phải càng lớn hơn. Không biết từ bao giờ, người ta lại nói chệch sang là “chức trọng, quyền cao”, tức là trọng chức tước chứ không phải trọng nhân cách.

Khi quyền lực trao cho người không đủ nhân cách, thì nó trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân, “lợi ích phe nhóm”, thậm chí là công cụ để làm việc ác. Trong lịch sử thế giới và Việt Nam, đã có nhiều trường hợp nhân dân trao quyền và mất quyền, trở thành đối tượng cho quyền lực cai trị. Như vậy quyền lực có thể đem lại công bằng, hạnh phúc và cũng có thể đem lại tai họa, sự đau khổ cho con người. Điều đó phụ thuộc vào việc quyền lực được trao vào tay ai.

Trong thực tế đời sống xã hội có nhiều trường hợp quyền lực của một cộng đồng bị người khác (hoặc một nhóm người) đã dùng thủ đoạn tước đoạt, tranh cướp mất.

Quyền lực vốn là của nhân dân, nhưng trong chế độ nô lệ, các chủ nô đã chiếm giữ và sử dụng, để cai trị xã hội, biến nhân dân (vốn là chủ nhân của quyền lực) thành những người mất quyền, phải làm nô lệ. Trong chế độ phong kiến, quyền lực của nhân dân rơi vào tay vua và tập đoàn phong kiến, còn nhân dân thì nói chung không có quyền, họ chỉ có một số quyền ít ỏi nào đó do nhà vua ban cho. Ngay cả đến quyền sống cũng không có, ý vua là ý trời, vua đại diện cho pháp luật, muốn giết ai thì giết, thậm chí giết luôn cả dòng họ, cả mấy đời (tru di tam tộc, tru di cửu tộc).

Thời kỳ đầu của chế độ tư bản, quyền lực do giai cấp tư sản – nhất là giới tài phiệt chi phối, chiếm giữ và sử dụng. Ngày nay, CNTB hiện đại đã tiến bộ rất nhiều theo hướng dân chủ, tuy vậy, nhìn chung, giới tài phiệt ở các nước vẫn còn chi phối đáng kể quyền lực. Riêng ở những nước tư bản phát triển nhất, tính chất xã hội hóa cao, họ thực hiện khá tốt vấn đề dân chủ, thậm chí hơn nước ta nhiều, thì nơi đó, phần đáng kể quyền lực đã thuộc về nhân dân, và họ từng bước hình thành các nhân tố của một xã hội mới, đó sẽ là xã hội XHCN.

Điều vừa nói, chính C. Mác đã dự báo. Việc ở một số nước TBCN phát triển hiện đại dân chủ hơn ở nước ta là do trình độ phát triển. Dân chủ là một vấn đề khách quan, tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nước, nhất là trình độ dân trí, quan trí và sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội.

Quyền lực luôn có mặt trái là nó làm tha hóa những người nắm giữ và sử dụng quyền lực nếu như họ không đủ độ chín về nhân cách. Quyền lực càng lớn thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Người giữ chức vụ càng cao trong bộ máy quyền lực thì đối mặt với nguy cơ càng lớn về sự tha hóa. Một người khi giữ chức vụ thấp hơn thì nguy cơ tha hóa ít hơn và ngược lại.

Mặc dù vậy, nói chung phần lớn quan chức đều thích có nhiều quyền lực. Không có gì hấp dẫn, cám dỗ bằng quyền lực. Nó là “ma túy” gây nghiện, là “ma quỷ” xui khiến. Khi có quyền lực là có thể có gần như tất cả, nếu muốn. Vì vậy quyền lực hấp dẫn bằng các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Người ta đam mê nó, suốt ngày nghĩ về nó, dùng mọi thủ đoạn sống chết để giành và giữ lấy nó, dù phải mất nhân cách, dù phải làm việc ác. Có quyền lực rồi thì muốn có quyền lực lớn hơn, lớn rồi vẫn chưa đủ lại muốn lớn hơn nữa. Cứ thế, gần như không có điểm dừng, không cần biết có nhiều quyền lực để làm gì. Bản thân việc ấy đã là biểu hiện của sự tha hóa.

Quyền lực làm tha hóa con người nhanh nhất, nhanh không thể tưởng nổi. Chỉ cần sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, người có quyền lực ấy có thể bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, ra oai hơn, cách nói cũng vậy, thấy phát ngượng lên nhưng chính họ không biết, cứ như là việc đương nhiên vậy, nghĩa là nó đã thấm rất nhanh vào máu, thành phản xạ tự nhiên.

Quyền lực không chỉ làm tha hóa mấy con người cụ thể, mặc dù đúng là bắt đầu từ đó, nó còn làm tha hóa lớn hơn – tha hóa một chế độ, một vương triều. Nhiều trường hợp khi thắng đến đỉnh cao rồi thì đó là lúc bắt đầu thua chính mình; khi có trong tay tất cả thì bắt đầu mất dần.

Thử nhìn lại các triều đại phong kiến Việt Nam: Hầu hết, lúc đầu được nhân dân ủng hộ lên nắm quyền, làm được nhiều việc lớn cho đất nước, dân tộc nhưng sau đó thì bị tha hóa bởi quyền lực, từ tha hóa một số người đến một bộ phận rồi thành việc phổ biến của một vương triều, rồi sụp đổ, vương triều khác sau đó lên thay, một thời gian cũng lặp lại y như vậy.

Nhà Ngô, nhà Đinh, Tiền Lê có công như vậy, nhưng mỗi triều đại chỉ tồn tại trong vòng 15-30 năm; nhà Lý, nhà Trần có công lớn, nhiều lần đánh thắng quân Tống và quân Nguyên, nhờ biết lấy dân làm gốc mà chiến thắng, cầm quyền vào loại lâu nhất, trên dưới 200 năm mỗi triều đại, dù vậy, nhưng cuối cùng cũng bị tha hóa mà kết thúc; nhà Hồ thì quá ngắn, mặc dù có một số tư tưởng và chủ trương cải cách nhưng ngay từ khi mới lên đã không được dân chúng đồng tình, mâu thuẫn quyền lực trong giới quý tộc và mất nước vào tay ngoại xâm; nhà Hậu Lê (Lê sơ) mặc dù lúc đầu được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, đứng lên làm khởi nghĩa Lam Sơn, thắng giặc Minh hung bạo, nhưng khi lên cầm quyên rồi lại tha hóa, giết các trung thần vì họ can ngăn những việc làm sai trái và sợ họ chi phối quyền lực, Nguyễn Trãi cũng bị giết trong giai đoạn này, sau nhờ có minh quân mà nhà Hậu Lê gượng lại được một thời gian, và rồi cuối cùng cũng tha hóa, tồn tại chưa được trăm năm; nhà Mạc cũng vậy, chỉ tồn tại khoảng 65 năm; tiếp theo là thời kỳ vừa có vua và có chúa, chúa giành nắm hết quyền lực, nhiều khi vua chỉ là hình thức cho có vì, các chúa cũng tranh giành nhau quyền lực, đến mức phải cắt cứ vùng này, vùng kia, chia cắt đất nước ra để mỗi bên cai trị một vùng; đến Tây Sơn cũng vậy, chiến công oanh liệt, lẫy lừng là thế, vậy mà sau khi Quang Trung mất thì tha hóa, tham nhũng và sụp đổ, tồn tại chỉ có 24 năm.

Phần lớn các triều đại ấy đã thoái hóa ngay cuối đời vua thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, chứ không lâu, tất nhiên là trừ một ít trường hợp. Lâu nay lịch sử nước ta đã ghi lại khá rõ các chiến công lừng lẫy của cha ông, nhưng lịch sử chưa viết kỹ về thời kỳ suy thoái, sự tha hóa quyền lực và nhất là nguyên nhân của nó. Đây rất có thể là một khiếm khuyết trong viết sử. Chính vì vậy mà không rút được kinh nghiệm đầy đủ để phòng ngừa, nên cứ bị lặp đi lặp lại.

Liên Xô trước đây cũng vậy, thời kỳ đầu thực hiện khá tốt tư tưởng nhà nước của dân, quyền lực về tay các Xô – Viết là cơ quan thật sự đại diện cho đại đa số nhân dân, làm việc vì nhân dân, đã lập nên nhiều công tích lớn lao, vĩ đại, đánh thắng 14 nước đế quốc bao vây, bảo vệ được chính quyền nhân dân non trẻ, chiến thắng trong đại chiến thế giới thứ 2, cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít, công nghiệp hóa thành công một đất nước khổng lồ trong thời gian ngắn, đưa một nước chủ yếu còn nông nghiệp, thủ công lên thành một nước công nghiệp hàng đầu thế giới, một cường quốc, dẫn đầu nhiều lĩnh vực; vậy mà sau đó không lâu thì bị tha hóa về quyền lực, về đạo đức, bảo thủ và giáo điều, không chịu đổi mới, ai nói khác thì bị quy chụp là “xét lại”, là “muốn đưa đất nước đi theo con đường TBCN”… và cuối cùng thì đổ ào một cái, đến mức khó hiểu nổi.

Trước đây có nhiều lần giải thích rằng, Liên Xô đổ là do các thế lực thù địch phá bằng thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Địch thì lúc nào chẳng phá, do nó phá nên mới gọi là địch, mà phá sao bằng trước đó, 14 nước đế quốc đến bao vây khi nhà nước Xô viết còn non trẻ, đại chiến thế giới thứ 2 quân đội phát xít tập trung toàn lực tấn công Liên Xô làm chết hàng chục triệu người. Nếu địch mà phá ngã đổ Liên Xô như thực tế đã xảy ra thì địch quá giỏi (?) Chẳng phải vậy đâu! Liên xô đổ chính là “tự đổ”, do suy thoái, tha hóa mà đổ. Liên Xô đã tự đánh gục chính mình.

Sự tha hóa về quyền lực có thể dẫn đến cha con giết nhau, anh em, chồng vợ giết nhau, người ta giết cả vua, gây ra những cuộc chiến tranh mất bao nhiêu sinh mạng để tranh giành quyền lực, thậm chí người ta bán rẻ Tổ quốc và đem dân tộc làm nô lệ cho ngoại bang để đổi lấy ngai vàng.

Tất nhiên trong xã hội thời nào cũng có người tốt, nhân cách đáng trọng. Đối với họ, quyền lực được giao là để bảo vệ dân, đất nước và bảo vệ lẽ phải, đạo nghĩa, chống gian trừ tà. Họ luôn sẵn sàng trao trả quyền lực trở lại cho nhân dân khi đủ điều kiện. Đã có những ông quan thanh liêm treo ấn từ quan vì xét thấy mình không còn đủ sức gánh vác chuyện sơn hà hoặc là không muốn có lỗi với dân vì không ngăn cản nổi những điều ngang trái. Đã có những ông vua từ bỏ ngai vàng, trao quyền lực cho lớp người trẻ, kể cả vào chùa để thúc đẩy các công việc thánh thiện cho đời và cho muôn dân.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, giành lại được một đất nước đã mất, người có công lớn nhất lãnh đạo cuộc cánh mạng là Hồ Chí Minh, nhưng lúc đầu Người không chịu làm Chủ tịch, Người nói không muốn làm vua, không muốn công danh quyền lực. Tập thể phân tích đây là trách nhiệm trước quốc dân đồng bào, là gánh vác trọng trách và khó khăn, cuối cùng Người đã nhận lãnh trách nhiệm, phát biểu trước đồng bào sẽ làm hết sức mình để phụng sự nhân dân và mong nhanh có người thay thế để được về vui sống với điền viên, giản dị và thanh bạch.

Ngày ấy có một Huỳnh Thúc Kháng đang sống ẩn sĩ trong vườn mít ở miền Tây Quảng Nam được Hồ Chí Minh mời ra làm Phó Chủ tịch nước, có lúc làm Quyền Chủ tịch nước, cũng một con người như vậy, không cần mong vinh hoa phú quý, chỉ đem toàn bộ tâm lực phục vụ nhân dân. Đó là những con người có nhân cách lớn, quyền lực không đe dọa được và cũng không cám dỗ được.

Ngay cả các nước tư bản cũng có không ít người ra ứng cử để cống hiến cho quốc gia, chứ không phải để làm giàu. Thời gian vừa qua, ở nơi này nơi khác, thỉnh thoảng có những đồng chí bí thư thành ủy, thường vụ tỉnh ủy đã tự nguyện chủ động rút lui sớm, khi chưa hết tuổi và chưa hết nhiệm kỳ, để những vị trí lãnh đạo cho các đồng chí trẻ hơn (như Bí thư Thành ủy Tam Kỳ và Bí thư Thành ủy Hội An ở tỉnh Quảng Nam chẳng hạn)…

Ngược lại, trong xã hội, ở chốn quan trường, không ít người đầy tham vọng quyền lực. Khi quyền lực được gắn với chữ “tham”, lòng tham, thì đó chính là động cơ, nguyên nhân và biểu hiện của tha hóa quyền lực. Không thể hy vọng và tin tưởng gì ở họ, ngược lại phải hết sức cảnh giác, đề phòng bị lừa phỉnh phủ dụ, mị dân, đừng gửi trứng cho ác, đem sự nghiệp của dân của nước trao vào tay họ.

Mặt khác, quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm soát. Không ngây thơ được! Nó là con dao hai lưỡi. Nó có thể biến người sử dụng nó từ một người chưa xấu trở thành người xấu, biến người sử dụng nó thành nô lệ cho nó. Mấy chục năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng. Nội dung các văn bản ấy nhìn chung đều đúng, không sai, việc tổ chức thực hiện cũng tích cực, thậm chí có lúc vất vả nữa, nhưng tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm”, mua quan bán chức…, gọi chung là thoái hóa, không dừng lại mà còn tăng lên, lan rộng hơn, gây nhức nhối hơn, làm cho lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục giảm sút, đến mức nghiêm trọng và báo động. Vì sao vậy?

Chắc chắn không phải việc chống các tiêu cực ấy là ta chủ trương giả vờ, không chống thật. Mà là chống không được, không nổi. Vậy còn thiếu cái gì ? Trên Báo Tuổi trẻ nhân dịp ngày 3.2 năm nay tôi có nhấn mạnh hai vấn đề còn thiếu, coi như chưa làm, mà nếu không làm thì không khắc phục được tình hình, và có thể sẽ tiếp tục xấu hơn, không tránh được. Đó là tập trung kiểm soát quyền lực và bổ sung mạnh các cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội.

Quyền lực như đã nói, luôn có mặt trái là làm tha hóa những người nắm giữ và sử dụng nó mà không đủ nhân cách. Nó như con dao hai lưỡi, con ngựa bất kham, luôn lồng lên quật ngã những người cưỡi nó, nếu họ không đủ nhân cách, bản lĩnh, năng lực cầm cương. Nhất thiết phải kiểm soát quyền lực, không thể chủ quan, lơ là, không thể đùa với lưỡi dao nhọn, đã có rất nhiều bài học thực tiễn rồi, thực tế đã chứng minh rồi. Phải bàn kỹ và có quyết tâm chính trị để thực hiện. Đảng ta phải tập trung cao, tích cực lãnh đạo công việc này. Đây là loại công việc quan trọng vào bậc nhất.

Trong đó có các việc như cơ cấu và phân bổ lại chức năng, quyền hạn của các cơ quan nhà nước theo hướng kiểm soát và điều chỉnh lẫn nhau (để Nhà nước thật sự là một cơ thể thống nhất và tự kiểm soát, tự điều chỉnh được mình, có sức đề kháng cao với căn bệnh thoái hóa quyền lực, có khả năng sửa sai nhanh nhất…), kể cả chuyện Tòa án Hiến pháp cũng nghiên cứu, xem thử người ta làm thế nào, có mặt ưu, mặt nhược gì, ta vì sao không, vì sao nên; đổi mới căn bản nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có phương thức lãnh đạo xây dựng nhà nước thật sự của dân, bảo đảm quyền lực là của nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho nhà nước. Ủy quyền mà không mất quyền. Ủy quyền và kiểm soát được quyền lực, không để lộng quyền.

Một dân tộc muốn tiến lên cần phải có bộ tham mưu chiến lược. Có sự lãnh đạo của một Đảng chân chính và trí tuệ là yêu cầu khách quan. Nhưng khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền thì hoạt động của Đảng không tránh khỏi có nhiều việc liên quan với quyền lực. Tuy vậy, Đảng phải tự mình luôn ý thức về sự lãnh đạo của mình chủ yếu phải bằng giá trị (văn hóa) chứ không phải bằng quyền lực, và Đảng phải nghĩ ra các cơ chế để đảng viên, nhân dân và pháp luật kiểm soát mình, kể cả nhân cách và việc sử dụng quyền lực, để Đảng được rèn luyện liên tục, thường xuyên, từ đó mà không bị thoái hóa và ngày càng trưởng thành hơn. Thực hiện điều ấy bằng cơ chế kiểm soát quyền lực và cơ chế thực thi dân chủ.

Để có thể thành công, bản thân Đảng phải gương mẫu, từng cấp ủy và từng cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, vượt qua chính mình. Đảng phải là “con” của nhân dân, là “con nòi” của dân tộc, là đứa con trung hiếu và trưởng thành, để “lòng dân yêu Đảng như là yêu con” như cách nói của Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu. Làm được như vậy, Đảng sẽ được nhân dân luôn tin yêu, nhờ đó mà giữ vững được vai trò lãnh đạo lâu dài của Đảng, để Đảng làm tròn được sứ mệnh phụng sự nhân dân và Tổ quốc.

VNH/TNO