Trang

7 tháng 9, 2015

Một hiện tượng văn học độc đáo (phần 1)

Cách đây mấy tháng, một lần đến chơi nhà Xuân Hoài, tôi được bạn tặng một cuốn sách mới có cái tên đầy bí ẩn "Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn”. Nhìn tên sách đã thấy lạ, cứ nghĩ của nhà văn thâm nho nào mới cho ra lò tác phẩm gây sốt mà mình lạc hậu chưa biết. Đến khi nhìn trang bìa, chỗ ghi tên tác giả “Thâm giang Trần Gia Ninh”.  tôi liền giật mình, ngạc nhiên, vừa mừng vừa tự hào vì tác giả chính là ông bạn già thâm niên đang đứng trước mặt, với đôi mắt hơi sâu, ngời sáng và mái tóc trắng bạch kim thật đẹp. Lúc đó XH mới giới thiệu:

- Sách tớ viết vừa được nhà XB văn học in đấy, cậu về đọc nhá, cho vui thôi…

À ra thế, một ông TSKH có kiến thức vật lý sâu rộng đến mức đủ để đi dạy ở nhiều trường ĐH của HK, Đức v.v... nay lại nhảy một cú ngoạn mục sang lĩnh vực văn học cấp cao. Tôi nói vậy vì để được NXB Văn học in tiểu thuyết thật chẳng dễ dàng gì. Mình phải thế nào người ta mới in chứ! Sở dĩ tôi nhận ra ngay tác giả vì cái bút danh đặc biệt chẳng giống ai, cũng nhờ chút ít chữ Nho còn lưu lại trong đầu. “THÂM GIANG” là dòng sông sâu. Sau này đọc xong cuốn sách, tôi mới hiểu thêm, hình ảnh con sông Ngàn Sâu, Ngàn Suối, sông La, sông Lam ... nơi quê hương tác giả cứ tái hiện nhiều lần như những dòng ký ức sâu thẳm không bao giờ phai. “TRẦN GIA" thì rõ rồi, bạn họ Trần thuộc một trong những danh gia vọng tộc nước Đại Việt xưa. Vào thời DCCH, cụ thân sinh từng là cán bộ cao cấp của Bộ GTVT, có nhiều công lao, đóng góp cho CM. Còn chữ “NINH” thì phải suy nghĩ, tìm tòi để hiểu cho thấu ý nghĩa sâu xa... Có 2 chữ NINH, một chữ với nghĩa là “yên ổn”, không chịu khuất phục, một chữ với nghĩa là có tài nhưng bướng với quan quyền! Phải chăng đó là nét đặc trưng của tính cách họ Trần Gia từ xa xưa mà ngày nay một trong những truyền nhân đang tiếp nối?

Nhớ hồi học ĐHSP Vinh, (1960 ) một lần tôi cũng đã từng đi du ngoạn đến một số địa danh nổi tiếng ở Đức Thọ, nay đọc lại trong cuốn sách của bạn bỗng như được đắm mình trong ký ức một thời trai trẻ khó quên. Những cánh rừng hoang vu bí ẩn hai bên sông Ngàn Sâu trầm ngâm trôi xuôi, núi Trùng Quang, thành Lục Niên xa mờ, huyền bí, bến Linh Cảm thanh tịnh bình yên lúc chiều tà, nước sông La trong xanh đến đáy…Tất cả gợi cho ta cảm giác về một miền địa linh nhân kiệt, thiên nhiên, hồn người như hòa quyện vào nhau. Cũng xin thú thật, tại đó, qua một cuộc gặp tình cờ, suýt nữa tôi đã xe duyên cùng một cô giáo cấp hai xinh đẹp, thùy mỵ đến nao lòng. Sau này, tôi được biết đã từ lâu lắm, người Pháp và cac Cụ ta đã coi con gái Đức Thọ thuộc hàng “xinh nhất xứ Đông Dương” , vừa ngoan hiền vừa giỏi giang. Ấy vậy nhưng bà Nguyệt không xe cho nên duyên phận đành lỡ làng.
… Tôi háo hức đọc cuốn sách lần thứ nhất, để ngấm một thời gian, rồi đọc lần hai. Đến nay thú thật vẫn chưa thể coi là đã thấu hiểu được ý tứ của tác giả, tuy nhiên vẫn cứ xin sẻ chia cùng các Cụ trong Làng, chả dám đăng đàn ở đâu. Thêm nữa. Vẫn biết đã có nhiều người, nhiều bài viết về cuốn tiểu thuyết của XH nhưng tôi cố tình chưa đọc của họ để khỏi mang tiếng “ăn theo, nói leo”. Tôi muốn giữ cho mình những cảm xúc riêng và cách nhìn riêng không giống ai về một tác phẩm của người bạn của chúng ta, thông minh đa tài nhưng không chịu “tiến thân bằng đầu gối”. Bởi vậy, nếu bài viết này có chỗ nào không chuẩn, cũng xin tác giả và bạn đọc lượng thứ.

Theo nguyên lý phê bình văn học, để đánh giá đúng một tác phẩm,trước hết người ta cần xác định chính xác thể loại của nó. Vậy cuốn tiểu thuyết của XH thuộc thể loại nào?

Căn cứ vào từ “Huyền thoại” có thể có người cho đây là một tiểu thuyết dã sử, hư cấu (bịa đặt) căn cứ vào một vài câu chuyện hoang đường do nhân dân tưởng tượng ra, không có trong chính sử. Còn tác giả lại cho đây là một cuốn “tiểu thuyết khảo luận, học thuật” ( Cẩn bạch)... Tôi thì cho rằng đây thật sự là một tiểu thuyết lịch sử. Bởi lẽ tác giả đã bám rất sát các sự kiện lịch sử ,các nhân vật có thật được chứng minh, tra cứu công phu chi ly đến ngày giờ, được sử sách ghi chép, mọi người đều biết. Thí dụ: quân Minh đánh chiếm nước Đại Ngu của Hồ Quí Ly, Hồ Nguyên Trừng chế súng, bị bắt về Yên Kinh, Vương Thông, Mã Kỳ, Liễu thăng, Lê lợi, Trịnh Khả v.v... Dĩ nhiên những sự kiện, con người có thật trong lịch sử phải được “văn học hóa” thành những hình tượng nhân vật có hình, có hồn, thông qua thủ pháp sáng tạo mạnh bạo mới có thể sống được trong tiểu thuyết. Ấy là cái khó và cũng là cái tài của người viết vậy. Nếu đọc kỹ những chú thích trong sách, nhiều khi ta có cảm tưởng đây là một cuốn khảo cứu khoa học lịch sử, địa lý, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục v.v... rất nghiêm túc, chính xác đến từng chi tiết. Qua đó, hiểu biết của người đọc được mở rộng rất nhiều , kể cả những nhà thông thái! Sách dã sử không cần và không thể làm vậy.

Về đề tài,có thể nói đây dường như là cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên của văn học VN lấy bối cảnh một giai đoạn lịch sử đầy khổ đau, vừa oai hùng vừa bi tráng của dân tộc ta thời phong kiến. Đó là thời kỳ cuối nhà Hồ, Nhà Minh thôn tính, cuộc khởi nghĩa Lê Lợi và những năm đầu nhà Hậu Lê dựng lại cơ đồ…

Vì sao tác giả lại chọn giai đoạn này để ngòi bút tung hoành trên trang giấy? Hẳn phải có những lý do riêng mà chúng ta chưa biết nhưng theo tôi có thể đưa ra giả thiết sau.

- Tuy chỉ thống trị nước ta 10 năm (1407-1417) nhưng đế chế nhà Minh Trung Hoa là một trong những kẻ xâm lược tàn ác nhất, thâm độc nhất, chủ trương hủy diệt dân tộc Việt, trí tuệ ,văn hóa Việt tệ hại nhất. Không kể những cuộc xâm lăng khác, chỉ kể từ thế kỷ 12, quân Nguyên Mông tràn sang 3 lần, mới chỉ kịp đốt phá xóm làng đã bị đuổi về nước. Sang thế kỷ 18, quân Thanh ào đến, cũng chưa kịp cướp bóc đã bị Quang Trung đánh cho tan tác phải ôm đầu máu rút chạy. Còn nhà Minh thì trong 10 năm chiếm được nước ta đã chủ trương triệt hạ dân tộc Việt đến cùng, bắt hoặc giết hết người tài, đốt hết sách vở, văn bia, công trình văn hóa v.v... hòng đồng hóa dân tộc ta. Bởi vậy cuộc chiến đấu vì tồn vong của Tổ quốc diễn ra vô cùng khốc liệt, không khoan nhượng, với đầy rẫy xung đột kịch tính từ thù trong đến giặc ngoài, từ quí tộc cũ đến giai tầng mới, từ người dân thường đến tâng lớp trí thức, từ xã hội đến gia đình, từ thời chiến đến thời bình, v.v... Viết để lên án tội ác của bọn xâm lược phương Bắc thời xưa cũng đồng nghĩa với một lời cảnh báo về những ảo tưởng đâu đó về thiện chí của chúng trong thời nay. Việc đó hẳn cần lắm, chẳng phải thích hay không thích.

- Hơn nữa, chính trong giai đoạn này, lòng yêu nước và tài năng đức độ của những nhà trí thức đương thời, trong đó có gia tộc họ Trần đã được tỏa sáng đúng lúc, góp phần làm nên những chiến công hiển hách sử sách còn ghi. Đặc biệt là những đóng góp của họ vào sự phát triển khoa học công nghệ chế tạo vũ khí khí tài đánh địch. Đó chính là mảng đề tài rất mới mẻ, độc đáo mà tác giả dụng công khai thác và chép lại để hậu duệ Trần Gia biết, nhớ và noi theo tiên Tổ. Việc ấy há chẳng phải rất nên làm ư?

Bởi thế,tác giả chia sẻ trong phần Cẩn bạch “quyển sách này nhắc cho hậu thế về những thân phận con người,về số phận bi hùng của những anh tài trí tuệ đất Việt xưa trong thăng trầm của lịch sử.. “
Thiết nghĩ đây cũng chính là chủ đề chính làm nên giá trị của tác phẩm.

4 nhận xét:

  1. Mới đọc phần 1 bài Một hiện tượng Văn học Độc đáo của Hưng Kỳ Vĩnh viết về cuốn tiểu thuyết của Trần Xuân Hoài đã thấy hay rồi., gợi hứng thú và tò mò lắm. Xin tác giả và các bạn cho biết mua cuốn tiểu thuyết này ở đâu?

    Trả lờiXóa
  2. Quả là tác phẩm đã hay, lời bình hay sẽ nâng tầm của tác phẩm...Đón đọc kỳ 2 ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Đây là tác phẩm văn học hay, rất nên đọc ! Nếu có thêm bạn QL đọc Kim Thiếp Vũ Môn chúng ta sẽ mở cuộc hôi thảo mini trên Blog Làng . Mõ rất mong các cụ hưởng ứng .

    Trả lờiXóa
  4. Chính trong giai đoạn này, lòng yêu nước và tài năng đức độ của những nhà trí thức đương thời, trong đó có gia tộc họ Trần đã được tỏa sáng đúng lúc, góp phần làm nên những chiến công hiển hách sử sách còn ghi. Tham khảo phẫu thuật nâng chân mày có đau không.

    Trả lờiXóa