Trang

9 tháng 9, 2015

Một hiện tượng văn học độc đáo (Phần 2)

- Trước khi tiếp tục, xin có đôi dòng ngoài lề. Dường như được “thần giao cách cảm” nên đã có sự trùng hợp thú vị giữa nội dung cuốn sách của bạn XH mà tôi đang giới thiệu với những bài vừa xuất hiện mấy ngày qua trên Blog LSQL. Đó là vấn đề về vai trò và thân phận của tầng lớp trí thức nước ta từ xưa tới nay. Có lẽ “những suy nghĩ đúng thường gặp nhau” nên cụ Ca mới đưa về nhiều bài rất đáng đọc có cùng chủ đề với cuốn “Huyền thoại...”. Qua tác phẩm, XH dường như cũng muốn chứng minh một sự thật trước nay chưa được nhấn mạnh đúng mức: Dân tộc VN không chỉ có truyền thống anh dũng hy sinh, liều mình chiến đấu chống ngoại xâm, mà còn có truyền thống sáng tạo khoa học kỹ thuật rất đáng tự hào. Nghĩa là VN không phải là “man di” như bọn Tầu thường gọi mà là một đất nước anh tài trí tuệ từ lâu. Nếu không thông minh tài giỏi thì làm sao có thể tồn tại được bên cạnh gã láng giềng to đùng luôn thèm muốn ăn tươi nuốt sống chúng ta? Tuy nhiên từ ngày xưa cho đến sau này, chiến thắng ngoại xâm rồi, gần như đời nào cũng có, tầng lớp trí thức đầy tự trọng thường bị thanh trừng, sát hại kiểu “Nhân văn giai phẩm” đầy máu và nước mắt! Thương thay!
… Một cuốn tiểu thuyết hay tất yếu phải có cốt truyện hay. Nhưng nếu kể trước ra hết thì lại thành... vô duyên, vậy tôi chỉ xin thập thò vài chi tiết sau đây. Không gian tiểu thuyết trải dài từ Thủ Đô Yên Kinh nước Đại Minh đến Thăng Long Đại Việt, vào đến Nghệ An, Đức Thọ, từ núi cao đến biển lớn, từ công nghệ chế thuốc súng khô khan đến tình yêu ướt át, thỉnh thoảng xen một chút sex khá bạo nhưng đầy chất lãng mạn thanh tao. Xin mạn phép trích một đoạn: "Dù ở đây không có hoa Ban, và mùa này hoa Ban cũng chưa nở. Nhưng mãi mãi vẫn còn đêm đầu ngọt ngào với chàng dưới gốc Ban, cây hoa ngọt năm nào. Đêm hôm đó, có ánh sao rơi vào lòng”. Tả cuộc giao hoan của đôi trai gái như thế, kể cũng là khéo lắm. Đọc rồi, ta sẽ được biết vì sao Hồ Nguyên Trừng chịu ở lại phục vụ nhà Minh, bí quyết chế thuốc súng từ đâu mà có, ai là người chế ra thiết nhuyễn đất Giao Châu, (gần như thép ngày nay), liệu có liên quan gì đến cây cột sắt ngàn năm không rỉ còn bí ẩn tại Ấn Độ? Từ đó sẽ giải mã bí mật của chữ Nôm “Kim Thiếp” được dịch sang tiếng Việt là gì? Ta cũng sẽ biết ai là cha đẻ của loại súng “thần cơ thương” linh diệu hơn hẳn vũ khí của quân Minh, Lê Lợi và chư tướng khởi binh ra sao, mưu lược của Nguyễn Chích thế nào, sau biến động thời cuộc, ai còn ai mất,      ai chạy sang tận Okinawa? v.v... Đặc biệt không thể không kể đến những chi tiết vừa là sự thật vừa như phủ một lớp khói sương mờ ảo lung linh về dòng dõi Trần Gia hiển hách mà tác giả gửi gắm vào đó tất cả lòng kinh trọng và tự hào qua từng câu chữ…
Có thể nói một cốt truyện phức tạp, đa phương, đa chiều, những sự kiện lịch sử đất nước và bi kịch cá nhân một thời tao loạn chồng chất và đan xen vào nhau, không dễ nhớ, dễ kể lại bằng lời để mua vui vài ba trống canh.
Về thủ pháp nghệ thuật: Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử VN hiếm hoi được viết theo hình thức chương hồi, tương tự như “Tam quốc chí” bên Tầu. Tất cả gồm 14 chương, 36 hồi, dài 420 trang. Mỗi chương hồi đều có lời đề dẫn bằng những câu thơ, triết lý của cha ông xưa, hoặc lấy từ kho tàng trí tuệ nhân loại, chẳng thèm sao chép Khổng Mạnh; vài ví dụ: "Phan Liêu oán giận, Quí Hữu ngại ngần, Trương Phụ điều quân, Trùng Quang thất trận”. "Non Hồng rọi bóng nước trong veo, chốn vắng nhàn cư kẻ sĩ nghèo” v.v..
Một tác phẩm văn học sống được bao lâu trong lòng độc giả lại phải nhờ vào các nhân vật được người viết dựng lên bằng bút pháp nghệ thuật riêng biệt. Bởi vậy người ta gọi là "các hình tượng nhân vật” của tác phẩm và thường dành nhiều thời gian công sức đi sâu phân tích mổ xẻ. Chẳng hạn nói đến Lỗ Tấn, ta liền nhớ đến AQ, nhắc đến Nam Cao liền nhớ ngay đến Chí Phèo v.v... Trong cuốn “Huyền thoại...” chúng ta không thấy có nhân vật chính nào xuyên suốt toàn bộ tác phẩm từ đầu đến kết thúc, kiểu như GiăngvanGiăng trong “Những người khốn khổ“, Grigori trong “Sông Đông êm đềm” v.v... Dường như XH tuân thủ một đặc điểm của tiểu thuyết chương hồi là dựng lên nhiều nhân vật cùng lúc, không tập trung vào một vài hình tượng nào... Trong số hàng trăm nhân vật của “Huyền Thoại…”, tôi rất ấn tượng với Phan Liêu, tồn tại đến chương 12 thì tử trận. Đây là một dũng tướng dòng dõi Nhà Trần, lúc đầu do bất mãn với Trùng Quang vì cả nhà bị giết oan nên Phan đã đầu hàng nhà Minh, chống lại non sông. Sau thấy quân Minh dã man tàn ác quá độ, bèn quay giáo theo Lê Lợi đánh giặc, lập nhiều công tích. Cuối cùng hy sinh tại trận tiền. Đây là một hình tượng nhân vật có tâm lý phức tạp, khá điển hình: vì thù nhà mà theo giặc nhưng bởi yêu nước mà hối cải, quay về với chính nghĩa. Thử hỏi trong những cuộc chiến tranh chống xâm lược sau này, đã có biết bao nhiêu bi kịch kiểu Phan Liêu?
… Trong thơ văn thường có hiện tượng gọi là “ý tại ngôn ngoại”. Không thể khẳng định nhưng tôi cứ trăn trở với ý nghĩ này: Kể ra câu truyện có thể kết thúc ở chương Lê Lợi chiến thắng sau 10 năm “gian lao mà anh dũng”, nhưng lại kéo dài đến đoạn Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo, Ức Trai bị hại, thành ra một kết cục buồn. Nhưng sự thật lịch sử không thể bị che dấu, nó nói lên một chân lý bất di bất dịch: Nếu sau chiến thắng, giành được quyền lực vào tay mà nhà cầm quyền bất kỳ thời nào hư hỏng, thối nát thì đất nước lại rơi vào cái họa ngoại xâm. Phải chăng đó là bài học cho chính dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay và cả mãi mãi muôn đời con cháu về sau. Cuốn sách cũng nhờ vậy mà thêm phần giá trị.
Lời kết: Có thể nói, tác giả hơi kỹ tính, đưa vào nhiều tư liệu, trích dẫn, bằng chứng khoa học sâu sắc, tầm trí tuệ rất cao siêu nên có lẽ không phải ai cũng dám đọc và thích đọc cuốn tiểu thuyết chương hồi “Huyền thoại...”; đặc biệt là lớp trẻ. Bởi vậy công chúng đích thực của tác phẩm này sẽ không phải là một số đông bạn đọc rộng rãi mà sẽ khuôn lại trong một số đối tượng hạn hẹp nhất định. Mặc dù vậy, không thể không khẳng định: đây là một thành công đáng khâm phục của nhà văn trẻ Thâm Giang Trần Gia Ninh - thành viên làng Quế Lư, một hiện tượng văn học độc đáo hiếm hoi trong nền văn chương hiện đại VN, khi mà những cuốn sách được in ra ngày càng bị bội nhiễm bởi mùi kim tiền!
… Việc tìm đọc cuốn sách, xin các cụ làng ta hỏi thăm tác giả, kẻ thất phu này không dám hồi đáp. Ý tưởng của Cụ Ca về một cuộc hội thảo nội bộ là quá hay, xin giơ cả hai tay bái vọng!
Xin hết!
  

3 nhận xét:

  1. Ngay khi nhận được sách tác giả tặng, tôi đã đọc và sơ bộ có lời giới thiệu cùng dân làng ta. Tôi cũng cho rằng việc ra đời cuốn tiểu thuyết lịch sử "Huyên thoại Kim Thiếp Vũ Môn"của Thâm Giang Trần Gia Ninh ( TSKH Trần Xuân Hoài) xứng đáng là 1 hiện tượng trong Văn học Việt Nam 2015. Ngoài giá trị văn học, sử liệu, kỹ thuật v.v..., tác phẩm còn là 1 đóng góp không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ . Nói như 1 nhà nghiên cứ thì "... dân tộc ta có một quá khứ dựng nước và giữ nước đầy nhọc nhằn và kiêu dũng, không thua kém một dân tộc nào, nhưng sao thế giới biết đến ta quá ít. Cũng bởi bộ môn tiểu thuyết lịch sử của ta chậm phát triển. Đến nỗi thanh thiếu niên của chúng ta rất thông thạo sử Tầu, sử Ấn, sử Hy - La, sử Anh, sử Pháp, v.v...". Trong khi đó họ lại không biết rõ các nhân vật lịch sử của nước nhà . Điều này đã thôi thúc các nhà văn sáng tác tiểu thuyết lịch sử để giáo dục lịch sử cho người dân Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ."
    Ngoài ra, tiểu thuyết lịch sử còn có mục đích là mượn lịch sử để bàn về hiện tại. Lịch sử giống như một kho kinh nghiệm cho con người của thời đại ngày nay. Có vẻ như có nhiều vấn đề của ngày nay, nếu được nói bằng hình tượng lịch sử thì sẽ có hiệu quả thẩm mỹ hơn bất cứ một phương thức nào khác. Vì thế tác động thẩm mỹ và tác động xã hội của tiểu thuyết lịch sử trong giai đoạn đương đại đang tỏ ra cần thiết hơn bao giờ hết. Và vì thế tiểu thuyết lịch sử đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà văn hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử văn học Việt Nam.
    Hoan nghênh cụ Kyvi đã "nổ phát pháo" đầu tiên khơi mào cho cuộc hội thảo mni trên Blog Làng lusonquelam. Mong các cụ đọc và cho thế ý kiến.

    Trả lờiXóa
  2. Nhất trí với phân tích của cụ CaLa.. Chúng ta đang rất cần những tiểu thuyết lịch sử như cuốn KTVM.. Giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa xã hội của loại hình văn học này rất to lớn nếu được viết ra bởi những tác giả thật sự có Tâm, có Tầm, có Tài...Đáng quí thay, lớp chúng ta lại có thể tự hào vì một "nhà văn trẻ" ở tuổi ngoại thất thập. Nghĩ mình bất tài, chả có cái chi chi, cũng thấy ..xấu hổ với đời. nhỉ..

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn cụ Huy Châu đã có lời “khen” sau khi đọc lời com của tôi trên đình Làng. Sau khi viết com ấy vì đã quá muộn rồi bận rộn nên bây giờ tôi mới đọc một mạch cả hai phần bài viết này của cụ. Mấy lời tâm đắc của tôi trên đình Làng chỉ là những cảm nhận về tính lãng mạn, tính nhân văn của tác phẩm, còn giá trị về đề tài và nội dung của nó thì đã được phân tích rõ và chí lí trong bài viết này. Tôi hoàn toàn nhất chí và cho rằng chính những điều đó cộng văn chương hoàn hảo, độc đáo đượm mầu lãng mạn đã và sẽ làm cho sáng tác của cụ bạn QL chúng ta có tầm cỡ và xứng đáng là một hiện tượng tươi sáng mới mẻ trong văn học đương đại VN.

    Trả lờiXóa