(Cảm nhận về những suy tư của Ô. NTB.)
---------------
Nhiều người phê phán NTB thích tự khoe nhằm đánh bóng tên tuổi; tức là mắc phải bệnh háo danh của người Việt. Thật ra tôi cho rằng đó chủ yếu là cách thức để ông chuyển chủ đề câu chuyện một cách khôn ngoan.Dĩ nhiên như mọi người bình thường khác, ông cũng có quyền tự hào về bản thân nhưng đa số trường hợp tự khoe đều có nguyên nhân khả dĩ chấp nhận được. Đó là khi người ta tự lăng xê mình chút đỉnh trong quá trình trò chuyện với những đối tác nặng ký nhằm thiết lập một tư thế “ngang vai”. Hơn nữa ông không phải quan chức, chỉ là “phó thường dân”, lại không có bằng TS-GS vậy cần một chút tự giới thiệu cũng là cần thiết , nhất là từ các mối quan hệ với nhiều đối tác khác nhau có thể nảy sinh các vấn đề tư duy. Bởi vậy kể lể ra những cuộc gặp ông nọ bà kiav.v. không quan trọng bằng những nội dung mới mẻ do những cuộc gặp ấy đem lại.Cho nên có lẽ cần một sự cảm thông với “người nghĩ” này nhiều hơn là định kiến vụn vặt. Với phương pháp tư tưởng đó, tôi xin nêu lên vài ba điều suy ngẫm từ cái mà người ta gọi là “Hiện tượng NTB” để các cụ đọc chơi.
Trước hết, tôi đánh giá cao lòng dũng cảm và năng lực tư duy tự do của ông. Có thể nói những bộ óc như ông ở VN hiện nay không nhiều.Ông không chịu để cho “suy tưởng “của mình bị ràng buộc bởi bất kỳ người nào,dù chức tước, học hàm học vị và sự nổi tiếng ghê răng đến đâu! không bị trói vào bất kỳ hệ thống lý luận có sẵn nào, dù chính thống hay không chính thống. Cái ông cần chính là sự thật không bị nhào nặn đã và đang tồn tại khách quan ở đâu đó trong cuộc sống chúng ta. Phải chăng đây là dấu hiệu bước đầu đáng mừng của sự phát triển trí tuệ Việt trong giai đoạn mới? NHìn nhận dưới góc độ đó thì NTB xứng đáng là một nhà tư tưởng tiên phong đang khai phá con đường tự do tư duy ở nước ta thời hiện đại.
Ai cũng biết ,mọi cuộc biến thiên xã hội theo hướng tiến bộ trong lịch sử loài người đều bắt đầu từ những tư duy mới. Không thể có CMTS Pháp nếu không có thế kỷ ánh sáng với các nhà triết học tiên phong. Khó có cuộc CM Tân Hợi nếu không có tư duy kiểu Lỗ Tấn. Ở nước ta,nếu không có “” đổi mới tư duy “ sẽ không có đổi mới lần 1 về kinh tế tại ĐH6 v.v..
Tuy vậy có một thực tế đáng buồn : Hiện nay chúng ta chưa có những nhân tố tư duy mới có khả năng tạo cơ sở vững chắc cho đổi mới lần hai nếu xem xét từ nội bộ tổ chức chính trị cầm quyền.( Từ dùng của Ô NG Trung ) . Về mặt tư duy lý luận, chúng ta đang rơi vào trạng thái cái cũ đã già cỗi,không còn sức sống nhưng cái mới chưa thành hình. Đó là một bi kịch mang tinh thời đại. Nếu cuộc đổi mới lần thứ nhất diễn ra khá suôn sẻ với sự đồng thuận cao thì cuộc tái sinh lần này xem ra rất chậm chạp và đầy bất trắc vì thiếu hệ thống lý luận hiện đại dẫn đường.
Ngay cả những lực lượng phản biện XH cũng mới chỉ đưa ra một số kiến nghị cụ thể ,lẻ tẻ mang tính đối phó từng vụ việc chứ chưa có những thành tựu tư duy mới dẫn đến hệ thống lý luận mới có khả năng làm cơ sở cho những đổi thay căn bản và đầy thuyết phục cả về lý thuyết cũng như thực hành trên con đường hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
Nhìn xa hơn : người VN chúng ta nói chung, trí thức nói riêng dường như ít coi trọng triết học tức khoa học tư duy có tính khái quát cao nhất, trừu tượng nhất. Lịch sử văn hiến Việt để lại quá ít những nhà triết học đích thực so với nhiều QG dân tộc văn minh khác. Đó là một sự kém cỏi đáng tiếc,một hậu quả của ngàn năm Bắc thuộc . Nó đẻ ra những đội quân nô lệ tư duy đông đảo trong đội ngũ trí thức, quan lại cũng như toàn dân tộc nói chung,cho đến nay vẫn chủ yếu sống nhờ vào dòng sữa tư duy ngoại . Công lao của ông Bạt chính là đã mở ra một thời kỳ mà muốn hay không dân tộc ta phải tự tìm ra con đường giải thoát về tư tưởng triết học để tiến lên phía trước. .Chỉ có như vậy mới có thể thoát ra khỏi tình trạng sương khói tù mù về hệ tư tưởng như hiện nay.Nếu nói thẳng thắn kiểu NTB thì chúng ta đang “sống mòn “*( tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nam Cao ) vì tư duy cũ cũng đồng nghĩa với “chết mòn” vì ôm lấy những giáo điều đã úa vàng nhưng chưa tìm ra “cây đời “ xanh tươi thay thế..
Trong bối cảnh đó, tinh thần dũng cảm dám đương đầu với một Tổ chức đầy quyền uy chuyên về lý luận do chính quyền dung dưỡng để hướng tư duy đến những chân trời rất mới lạ của NTB có thể được xem là những đóng góp rất có ý nghĩa , rất đáng khâm phục và hoan nghênh.
Vì vậy đã đến lúc nhà cầm quyền cần cho phép, thậm chí khuyến khích người VN tự do tư duy , phát hiện vđ, đánh giá sự kiện, tổng kết thực tiến và nâng lên thành hệ thống nhận thức mới. Tự do không phải là một phạm trù trừu tượng mơ hồ do ai đó ban phát. Nó là một phương thức tồn tại thuộc bản tính của con người ngay từ khi mới xuất hiện trên trái đất; và biểu hiện đầu tiên của tự do phải là tự do tư duy.( Nhân đây xin nhấn mạnh: không nên khoanh vùng ý nghĩa câu nói của Bác Hồ về độc lập tự do vào chỉ trong cuộc chiến dành chính quyền, bảo vệ Tổ quốc.) Mỗi con người cũng như cả dân tộc chỉ có thể được tự do độc lập và quyền con người thật sự để tiến đến tương lai sáng sủa hơn khi họ được tự do tư duy như những thực thể tồn tại có trí tuệ sáng tạo và đầy trách nhiệm. Khuyến khích tự do tư duy chính là giải pháp cơ bản phát huy trí tuệ nhân dân phục vụ sự nghiệp của nhân dân, không có con đường nào khác. Chừng nào những người cầm quyền coi tư duy lý luận, tìm kiếm chân lý là đặc quyền của một số ít người do họ chỉ định, phong tặng,trả lương v.v. thì mọi lời hứa về tự do đều vô nghĩa. Vì vậy chúng ta không nên lo sợ trào lưu tư tưởng tự do tư duy, trăn trở tìm tòi sự thật ẩn náu trong đời sống muôn màu của dân tộc đang chuyển mình. Chống lại tự do tư duy cũng tương tự như chống lại loài người, nó chỉ đem đến sự hủy diệt về suy nghĩ và hành động của cộng đồng. Mặt khác trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, cấm đoán tự do tư duy chẳng khác nào cấm thức dậy lúc bình minh!
Dĩ nhiên, tự do tư duy muốn đạt những thành tựu được nhân dân thừa nhận thì bắt buộc phải sử dụng các công cụ khoa học hiện đại, khách quan, chính xác, nhằm đem lại những cách nhìn nhận mới phù hợp với thực tiễn đất nước trong thời đại hội nhập.
Điều kiện hàng đầu để làm được điều đó không chỉ nằm ở lòng dũng cảm vô song,tâm hồn khoáng đạt , kiến thức sâu rộng mà trước hết phải ở trái tim: người ta có thể nghĩ sao cũng được ,viết gì cũng tốt miễn là thực lòng vì nước vì dân.
Tuy nhiên,lòng dũng cảm “dám nghĩ khác” của NTB xuất phát từ lòng “yêu con người “mới chỉ là một nửa phẩm chất tốt đẹp mà ông có được, tức đạt được chữ “DŨNG “ tạo nên một trí thức chân chính. Còn một nửa kia ( chữ TRÍ ) thì sao?
Thật khó có thể đánh giá những đóng góp về tư duy lý luận của ông qua hàng loạt cuốn sách, bài báo đã công bố trong mấy năm qua mà tôi đã tìm đọc với sự háo hức và đầy “ngạc nhiên “ như cụ Trương làng ta..
Dưới đây chỉ xin tóm tắt một số nôi dung quan trọng nhất và ý kiến bình luận của người viết.
-“ Quyền con người là động lực cơ bản để phát triển của thế kỷ XXI”: Một phát hiện rất đúng và trúng, nên đưa vào giáo trình lý luận mới.
-“Nếu chúng ta không giải phóng con người thì chúng ta chỉ thay thế nhà cầm quyền này bằng một nhà cầm quyền khác” : rất chính xác.
“ Trường Đảng là một tổ chức bảo thủ” : Một đánh giá khá liều lĩnh và than ôi lại…. không sai!
- “Nước Mỹ là một Quốc gia XHCN hay CSCN nhất trên toàn thế giới” : rất mạnh bạo và ..khó xơi. Đặc biệt là ông chỉ căn cứ vào một đặc điểm duy nhất : sự di dân, cộng đồng dân cư đa sắc tộc …như một biểu hiện của thế giới đại đồng! Nếu có thể thì theo tôi,chính các QG Bắc Âu mới là những nước XHCN đích thực không dựa vào CM vô sản mà nhờ vào cải cách thể chế liên tục một cách ôn hòa trong thời gian dài. Nên nhớ rằng ở đó ít xảy ra các cuộc biểu tình bạo động hoặc đảo chính nhất thế giới. Giá NTB dành thêm tâm trí cho các nước đó thì chắc sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị và bổ ích.
-“ Trong tất cả các phổ quát của nền văn minh mà chúng ta đang sống thì khái niệm sở hữu là quan trọng nhất “. Câu này không hoàn toàn mới, bởỉ sách kinh điển cũng khẳng định “ Thừa nhận sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất là hòn đá tàng của CN ML “, tuy nhiên NTB nhấn mạnh yếu tố sở hữu trong bối cảnh VN hiện nay là rất cần thiết. Vì ở nước ta, hầu hết xung đột giữa chính quyền và người dân đều diễn ra xung quanh quyền sở hữu đất đai rất tù mù. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân như HP qui định là một kẽ hở lớn để quan chức lợi dụng tham nhũng. Họ giàu nhanh vì “ăn đất “ dự án chứ không phải vài cái phong bì lặt vặt. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta nên đẩy tư duy đến tận cùng ở cung bậc cao hơn : khái niệm sở hữu có phải quan trọng nhất không ? Tôi cho rằng sở hữu chỉ là phương tiện,cách thức để người ta tạo ra lợi ích. Vậy lợi ích mới là quan trọng nhất. Cần phải xem xét mọi hiện tượng xã hội thông qua lăng kính lợi ích để hiều đúng bản chất của nó, gạt sang bên mọi câu chữ và thủ đoạn rườm rà. Lê Nin nói: “Đào xuống, lật ra, xới tung lên những hàng chữ dầy đặc đủ thứ lý thuyết, ta sẽ thấy đằng sau đó lồ lộ hiện ra cái gốc quyền lợi trơ trọi, thô thiển!”. Vâng đúng thế!
( Tôi rất thích và đã nghiền ngẫm đề tài này từ lâu,đến nỗi từng ấp ủ nguyện vọng cuối đời : soạn một cuốn tạp văn tạm lấy tên “ Bàn về lợi ích “. Có Cụ nào hợp tác với tôi chăng?)
- “ Tái cấu trúc lại ý thức của người Việt về kinh tế thị trường tức là tái cấu trúc lại thể chế kinh tế và có những khía cạnh của thể chế chính trị”.
Đây là một luận điểm quan trọng không thể không bàn sâu hơn. Tôi đồng ý với ông khoảng 50 %.. Tái cấu trúc ý thức của người Việt về KTTT là một đòi hỏi khách quan không thể xem nhẹ, bởi lẽ hầu hết chúng ta kể cả những người lãnh đạo chưa kinh qua KTTT đích thực,chưa được rèn luyện trưởng thành trong đó, thậm chí còn nhiều ngộ nhận về nó khi trộn nó với những nguyên lý của CNML về vai trò của Nhà nước CCVS… Khi chúng ta đi tìm sự trỗi dậy của TQ, chúng ta ít để ý đến một sự thật : người Tầu từ lâu đã rất giỏi làm ăn buôn bán theo những qui tắc của KTTT, cả ở trong nước cũng như ở nước ngoài. So với họ, chúng ta kém xa,đặc biệt sau nhiều năm chiến tranh, ý thức về KTTT của chúng ta ngày càng yếu kém, lạc hậu. Làm cho nó trở nên tươi mới phù hợp với thế giới phẳng là nhu cầu tất yếu để đi đến tương lại. Ở khía cạnh này, NTB đã đúng. Tuy vậy, ở đoạn văn trên dường như có hai điều lầm lẫn.
Một : “ý thức về KTTT” và “thể chế KTTT “ không phải là một, vì vậy không thể dùng từ “tức là “ giữa hai khái niệm khá xa nhau đó.
Hai: Hiện nay , nhiều người chủ trương tái cấu trúc ( tái cơ cấu ) thể chế kinh tế nhưng rất dè dặt khi nói tới tái cấu trúc thể chế chính trị ở nước ta. Đó là một sai lầm nghiêm trọng dẫn đến mọi trì trệ, giáo điều.. Và dường như ông B cũng rơi vào tình trạng đó khi chỉ chủ trương tái cấu trúc vài “khía cạnh của thể chế chính trị”. Tôi cho rằng, không thể tái cơ cấu thể chế kinh tế thành công khi không tiến hành tái cơ cầu toàn bộ thể chế chính trị,chí ít cũng phải ở những khâu quan trọng nhất.. Đây là một chuyên đề rất sâu rộng và nhạy cảm cần nhiều thời gian công sức suy nghĩ nên xin không chứng minh ở đây; xin dừng lại để các cụ nghỉ ngơi, tránh tăng HA. Cũng xin có lời cám ơn cụ Trương đã tải về một bài rất đáng đọc.
Chúc các Cụ làng ta luôn mạnh giỏi, tinh thần phấn khởi,chuyện trò hồ hởi,chơi được trống bỏi,không hề mệt mỏỉ, ốm rồi lại khỏi…v.v
Mùa thu 2014