Mọi người đều biết, một đảng cầm quyền, một cá nhân lãnh đạo trong nhiệm kỳ của mình phải luôn đề ra được những câu khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu, nhất quán, xác định mục tiêu chiến lược của toàn dân tộc trong từng thời kỳ lịch sử nhất định.
Đảng CSVN từ đại hội VIII đến nay cũng đã đưa ra được những câu khẩu hiệu xác định mục tiêu phấn đấu của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta... Dưới đây xin trích dẫn tóm tắt.
- ĐH 8 (7/96) đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, xây dựng nước VN độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh theo định hướng XHCN, vì hạnh phúc của nhân dân, vì tình hữu nghị và sự hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
- ĐH 9 (2001)xác định mục tiêu chung của CMVN là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dân giàu, nước mạnh, XH công bằng, dân chủ, văn minh.
- ĐH 10 (2006) xác định: “XH XHCN mà Đảng và nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân lao động làm chủ.
- ĐH 11 (1/11) chủ trương đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đọc lại những câu chữ quan trọng trên đây, chúng ta có thể nêu lên một vài cảm nhận sau:
Một: Khẩu hiệu chiến lược tại mỗi kỳ Đại hội không giống nhau, thay đổi, thêm bớt một số nội dung, câu chữ rất quan trọng, thể hiện sự lúng túng, thiếu nhất quán. Một khẩu hiệu CM mang tính chiến lược phải có ý nghĩa tương đối lâu dài, ít nhất cũng được vài ba chục năm,nếu không nói hàng trăm năm, không nên thay đổi liên tục theo nhiệm kỳ. Đó chính là lối tư duy ngắn, (tư duy nhiệm kỳ), đối phó, tù mù, trừu tượng nên rất khó đưa vào thực tiễn cuộc sống. Liệu ĐH 12 sắp tới có khẩu hiệu gì mới không?
Hai: Chỉ có ĐH 8,9 nói về độc lập dân tộc, những ĐH sau không đưa nội dung độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vào khẩu hiệu (mục tiêu). Đó là điều rất không bình thường, nhất là trong bối cảnh TQ đang thực hiện âm mưu can thiệp, chi phối và gặm dần lãnh thổ trên biển trên bộ,tiến tới thôn tính nước ta. Thử hỏi: tư tưởng HCM về “Độc lập-tự do” biến đi đâu? Ai lo độc lập cho VN đây? phải chăng đã có “đ/c 4 tốt” lo hộ?
Giờ đây, sau ĐH 11, chúng ta ai cũng thuộc lòng câu khẩu hiệu quan trọng bậc nhất xác định nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược của đất nước ta, ít nhất đến năm 2016. Đó là câu: xây dựng một nước VN “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Lâu dần nói mãi, trích mãi thành quen, không ai còn để ý đến tính khoa học, tính thực tiến của nó đến đâu, nói cách khác câu ấy đúng hay chưa đúng, thừa thiếu ra sao v.v...
Thật lòng, đã từ lâu, mỗ tôi cứ băn khoăn thấy câu khẩu hiệu trên có nhiều nội dung vừa thừa vừa thiếu, rất phản cảm, thậm chí là phản động! Xin tóm tắt mấy luận giải ngắn gọn sau đây:
1. Tách rời dân và nước là không phù hợp thực tế. Không thể có nước nếu không có dân, ngược lại dân không có nước thì thành …người ta. Dân và nước phải là một thể thống nhất hữu cơ, tại sao tách rời? Người ta nói “dân có giàu nước mới mạnh” là nhằm giải thích mối quan hệ tương hỗ khăng khít vốn có giữa hai yếu tố đó, đồng thời nhắc nhở lãnh đạo phải trước tiên đặt lợi ích nhân dân lên trên hết v...., chứ không phải để tách riêng ra theo thứ tự tầm quan trọng một - hai - ba! v.v... Hơn nữa, thực tế đã có trường hợp, dân rất giàu mà nước chưa chắc mạnh. Ngược lại có nước, dân nghèo đói nhưng lãnh đạo tập trung phát triển vũ khí, rèn ý chí độc lập tự cường, v.v... nên nước vẫn mạnh khiến khối anh giàu phải chờn. Một đất nước được coi là mạnh phải hội đủ nhiều điều kiện đồng bộ, không chỉ có dân giàu là hiển nhiên nước sẽ mạnh. Bởi vậy, xưa nay không phải cứ nước nghèo thì thua nước giàu do không mạnh bằng. Trong khẩu hiệu của các QG, cương lĩnh tranh cử của cá nhân v.v... không ai tách ra như vậy, bao giờ cũng đề cao dân tộc, đất nước, Tổ quốc (Ngay TQ còn có “giấc mơ Trung Hoa” kia mà.)
2. Đưa nội dung “dân giàu” lên đầu dẫn đến nhiều hậu quả tai hại: Vô tình khuyến khích quan tham, dân gian, hối hả làm giàu bằng mọi giá, bất chấp pháp luật, vứt bỏ truyền thống văn hóa, nhân nghĩa của dân tộc, coi rẻ danh dự đất nước, tạo ra lối sống dối trá, lừa đảo, chụp dựt nhằm hưởng thụ vật chất tối đa. (Có thể nói trên thế giới không ở đâu người dân “làm giàu” bằng cách rải đinh trên xa lộ, cắt trộm dây điện cao thế, tháo đinh ốc, tà vẹt đường ray tầu hỏa để bán sắt vụn,tiêu diệt mọi loài cá bằng ném mìn xuống biển, ăn trộm trong siêu thị nước ngoài v.v...). NHư vậy câu khẩu hiệu đã, đang và sẽ phá hoại sự nghiệp đất nước, con người VN, không phải thế lực phản động thì là gì?
3. Tách rời yếu tố dân - nước với xã hội là không logic. Đầu tiên là nói đến dân rồi đến nước, rồi đến xã hội. Đó là sự chia tách sai lầm vì 3 thành tố ấy vốn là một thể thống nhất. XH cũng là dân là nước, nước cũng là dân là xã hội, trên thực tế không có sự tách rời riêng ra thành 3 mảng như vậy. Hãy lấy một cộng đồng dân cư ở một phường làm thí dụ.
Khi giải quyết các vđ hàng ngày có ai phân biệt rạch ròi: việc này là để dân giàu, việc kia là để nước mạnh, còn việc nọ là xã hội văn minh? Từ ĐH 11, người ta đã bỏ "xã hội" đi nhưng dù sao vẫn chứng tỏ lối tư duy bầy đàn còn rất phổ biến, kể cả ở cấp cao!
4. Mục tiêu dân chủ và công bằng cũng bị trùng lắp, thiếu khoa học.
Thực tế chứng tỏ muốn có dân chủ lại phải dựa trên cơ sở công bằng về mọi mặt đời sống xã hội : quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, vật chất và tinh thần v.v... Trên trái đất này, có nơi nào đầy rẫy bất công mà lại có dân chủ? Ngược lại, nếu đã thực sự dân chủ thì dần dần sẽ có công bằng, vì khi đó không ai có thể độc đoán, chuyên quyền, che dấu sự thật để chiếm đoạt công sức của nhân dân, giàu lên bất chính, trong khi nhân dân vẫn nghèo khổ. Nói cách khác, biểu hiện cụ thể của dân chủ là công bằng; ngược lại, công bằng là điều kiện thực hiện dân chủ, vậy hai mục tiêu là một thể thống nhất, gắn kết với nhau, không nên tách rời. Hơn nữa, làm thế nào để có dân chủ mà lại không có tự do đây? Tự do chính là tiền đề tiến đến dân chủ. Chủ tịch HCM đã nghiền ngẫm cả đời để đưa ra một chân lý được cả thời đại công nhận “không có gì quí hơn độc lập tự do”; Tại sao Bác không nói “Không có gì quí hơn độc lập, dân chủ?.. Vậy chỉ nêu dân chủ mà không nói đến tự do lại là thiếu sót rất nghiêm trọng, là không trung thành với tư tưởng HCM! Không suy thoái tư tưởng thì là gì?
5. Hai yếu tố dân chủ và văn minh cũng không hoàn toàn độc lập với nhau, nên cố nhét cả vào một cái rọ khẩu hiệu cũng thành thừa. Trong thời đại hiện nay, một đất nước được coi là văn minh tất yếu phải là nước thực sự dân chủ; ngược lại, khi đã dân chủ thì sẽ phát huy được sức mạnh toàn dân, xây dựng được thể chế hợp lòng dân, mọi hoạt động theo ý chí nhân dân, kết quả là xã hội phát triển toàn diện, cả vật chất, tinh thần, kinh tế, KHCN, văn hóa, lối sống v.v... tức là trở thành nước văn minh. Không ở đâu, chính quyền mất dân chủ, lại được công nhận là nước văn minh. Vậy cứ phấn đấu dân chủ thực chất đi sẽ khắc có văn minh, việc gì phải kể lể dài dòng?
6. Trong khi có hàng loạt nội dung câu khẩu hiệu bị trùng lắp thì lại thiếu một mục tiêu quan trọng hàng đầu: đó là hạnh phúc của con người. Mưu cầu hạnh phúc là bản chất và quyền lợi tự nhiên vốn có của từng con người cụ thể cũng như cả cộng đồng nói chung và đã được hiến pháp nhiều nước văn minh thừa nhận, sao ở VN lại né tránh, bỏ đi? Hạnh phúc là tổng hợp của rất nhiều yếu tố trong cuộc sống, bao gồm đời sống vật chất được bảo đảm, môi trường trong sạch, có quyền tự do, dân chủ thực sự, đời sống tinh thần, văn hóa rất cao, thuộc đẳng cấp văn minh v.v... không phải chỉ lắm của nhiều tiền. Như vậy, coi nhẹ hạnh phúc của con người là đi ngược lại mục đích của mọi cuộc CM, mọi hoạt động của nhà cầm quyền chính nghĩa, chính danh ở mọi QG. Nếu không thừa nhận hạnh phúc của người dân và phấn đấu trọn đời cho mục tiêu đó thì Đảng, NN tồn tại vì ai đây? Về thực chất,khi đã gạt bỏ hạnh phúc của nhân dân thì mọi câu khẩu hiệu đưa ra dù chắp vá thống kê dài dòng đến mấy cũng đều là mất phương hướng, thiếu tôn trọng quyền con người, thậm chí là lừa mị!
Vậy đã đến lúc phải đổi mới tư duy triệt để, không nên lưu luyến cái cũ để rồi cứ loanh quanh thêm bớt, đổi chỗ vài ba từ đã cùn mòn trong khẩu hiệu cũ. Dẫu biết rằng khó có ai nghe nhưng mỗ tôi không thể không đưa ra một phương án của riêng mình, mong các cụ cảm thông, chia sẻ. Đây là câu khẩu hiệu mới mà theo tôi sẽ khắc phục được những thiếu sót nên trên.