Đọc một loạt bài "mênh mông thời sự"do Cụ Ca trưởng Làng, ông anh Fio, bạn LTH v.v. đưa về, tôi xin phát biểu đôi điều. Xin không nhắc lại những nội dung của các tác giả, chỉ cố gắng nêu lên một số v/đ có tính mới hoặc chưa hiểu rõ...
- Vận dụng chủ trương "đa phương hóa, đa dạng hóa" quan hệ với thế giới vào đối sách của VN với HK và TQ như thế nào luôn là một câu hỏi cần giải đáp thỏa đáng.
Thực tế những năm qua cho thấy, có hai xu hướng đã và dường như vẫn đang tồn tại: Xu hướng thỏa hiệp đến mức gắn bó với TQ và xu hướng dựa hẳn vào HK để chống TQ. Mọi phức tạp hiểm nguy cũng từ đó mà sinh ra. Vậy làm thế nào để có thể giữ thăng bằng trên dây? giữ khoảng cách đều nhau giữa hai ông kễnh, khiến cho ta ở giữa được lợi? Theo tôi, trước tiên cần bắt đầu từ một xuất phát điểm cơ bản: gác lại ý thức hệ, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Nếu không "chuyển dịch" nhận thức cho tương thích với thực tiễn thì sẽ rất dễ phạm sai lầm theo cả hai xu hướng nói trên. Sau đó, cần dứt khoát trả lời cho được câu hỏi quyết định: ai là bạn, ai không thể là bạn của ta trước mắt cũng như lâu dài? Nếu còn mơ hồ điều cơ bản này thì mọi kế sách đều không thể được coi là đúng đắn.
Xét về lợi ích dân tộc thì hiện nay và lâu dài, ai trong hai siêu cường luôn là mối đe dọa thường trực đối với độc lập, chủ quyền và lãnh thổ VN? HK hay TQ? Câu trả lời đã rõ ràng: TQ. Ai sẽ có thể giúp VN phát triển và mạnh lên? HK. Suy ra, lợi ích lâu dài của dân tộc ta tương đồng với lợi ích của HK nhiều hơn. Vậy, làm thế nào trong bối cảnh oái oăm của lịch sử nêu trên, chúng ta lại không được dựa nước này, chống nước kia, để giữ được hòa bình, tránh né được chiến tranh? Liệu độc chiêu "đu đưa" có qua mắt được đám Bành trướng BK và cả HK?? Tôi cho rằng rất khó. Bởi mấy lý do sau.. Về lý luận, nếu các vị tự cho ML đầy mình thì không thể không thuộc lòng học thuyết đấu tranh giai cấp, giữ vững lập trường "CM không ngừng" (Một tác phẩm của V. Lênin) để đứng về một phía, chứ không thể lập lờ đứng giữa làm "bạn với tất cả", kể cả cừu và sói! Lâu nay người ta vẫn gọi những người như vậy là... phần tử cơ hội! Nếu ai phủ định luận điểm cơ bản trên của ML thì coi như họ đã rời bỏ tư tưởng CS, chỉ còn là tự xưng! Nói cách khác, chính các vị đang “tự diễn biến” (có lợi cho dân cho nước), bởi vậy đừng mắng mỏ lo sợ những người đã tự diễn biến từ lâu!. Hoàn toàn có thể cảm thông với các vị từng tôn thờ, thậm chí thành danh nhờ một học thuyết đã có lúc đúng, nhưng giờ đây buộc phải lột xác.. Vẫn có thể là XHCN nhưng nên là “XHCN hiện đại” với một tổ chức chính trị cầm quyền thực sự dân chủ, trong sạch, sáng suốt, lấy lợi ích dân tộc làm kim chỉ nam. Từ thực tế đó, xin chân tình đề nghị: hãy “tạm gác” CN ML sang một bên khi quan hệ với cả hai siêu cường HK có nhiều yếu tố XHCN và nhà nước TBCN mang màu sắc Trung Hoa!
- Không thể không thừa nhận những thành công bước đầu về mặt ngoại giao, danh nghĩa, uy tín v.v. của ông Tổng trong chuyến Mỹ du vừa qua. Nói “bước đầu” vì chủ yếu mới chỉ trên nhận thức, lời nói, câu chữ, còn về hành động cụ thể, HK còn phải "tham khảo" ý kiến và nghe ngóng thái độ ông chủ nợ ba Tầu! (hiện Mỹ nợ TQ khoảng 1.300 tỷ USD). Dù sao chuyến đi cũng đã đạt được mục tiêu vừa thể hiện quan điểm thật sự "muốn làm bạn" với HK, vừa đánh tiếng để TQ hiểu rằng đã đến thời điểm VN không hoàn toàn đơn độc trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của mình. (Như trong chiến tranh 1979). Vậy nên TQ hơi giật mình vội cử tay phó Thủ sang ngay và bác Tổng đã rất vui mừng, coi như một minh chứng của đường lối đu đưa đúng đắn!..
Điều đó chỉ đúng một phần. Thực tế cuộc sống không đơn giản như vậy. Trên thế giới chỉ có một số nước nhỏ, vị trí không quan trọng có thể trung lập gần như hoàn toàn trong một thời gian dài trước mọi biến cố lịch sử. Vị trí địa chính trị của VN quá nhạy cảm, quá quan trọng, nên xét về lâu dài sẽ rất khó duy trì thế cân bằng lý tưởng để đi lên.
Vậy phải chăng nên hiểu về bản chất chính sách cầu hòa đa phương, không theo ai chống ai v.v.v. của VN như sau: Chúng ta cần hòa bình nên cần khôn khéo hóa giải mọi nguy cơ xung đột vũ trang, không làm lính xung kích cho bất kỳ ai để đánh ai, giữ vững ổn định, ra sức tranh thủ thời gian, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi nhằm đưa đất nước nhanh chóng tiến lên trở thành QG hùng mạnh về mọi mặt, (đặc biệt là về quân sự) đủ sức đánh bại mọi âm mưu xâm phạm lợi ích dân tộc ta, trước hết là từ CN bành trướng BK. Vì vậy, về đối ngoại, chừng nào còn nguy cơ bành trướng, còn cần cảnh giác cao độ, không thể coi lập trường "không ngả sang bên nào” là mục tiêu lâu dài, cân bằng vĩnh viễn, là tuyệt đối trung lập, thậm chí thỏa hiệp vô nguyên tắc với kẻ không thể là bạn trăm năm. Về đối nội, làm suy yếu đất nước do kiên định mô hình CNXH cũ, nặng tay với người dân, nhẹ tay với tham nhũng, tự mâu thuẫn nội bộ do phe phái, chậm chuyển đổi thể chế v.v. tất cả sẽ tạo ra nguy cơ tiềm ẩn vừa mất nước vừa mất luôn chế độ. Nói cách khác, cần phân biệt rõ ràng dứt khoát giữa mục tiêu chiến lược lâu dài của cả dân tộc với kế sách khôn ngoan, chiến thuật phù hợp trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh cụ thể, tạo cơ hội giữ được hòa bình càng lâu càng tốt; không thể lẫn lộn với nhau, lấy cái nọ thay cho cái kia, dễ dẫn đến thất bại.
Đó cũng là lý do khiến chúng ta bình tĩnh tự tin, vui nhưng không lạc quan tếu, lo nhưng không hoang mang, lại càng không thể vô cảm trước vận mệnh đất nước và tương lai con cháu.