Phát biểu tại Quốc hội Việt Nam hôm 20/10/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các qui luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nam Nguyên phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội về vấn đề liên quan.
Nam Nguyên: Thưa Giáo sư có nhận định gì về những tín hiệu kinh tế thị trường thực sự, mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa gởi tới Quốc hội?
Ông Ngô Trí Long
Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rất nhiều lần trong khi tính khả thi thì hạn chế rất là lớn. Trong thông điệp đầu năm 2014 ông Dũng nói rất nhiều vấn đề hoàn toàn phù hợp với kinh tế thị trường. Nhưng trong quá trình triển khai thực thi thì hầu như không tiến triển được là bao và không đúng như lời nói. Có nghĩa hành động và lời nói của ông ấy không đi đôi với nhau, bây giờ ông ấy lại nói như vậy nhưng theo tôi nghĩ là cứ ‘hãy đợi đấy’.
Nam Nguyên: Trong bài nói chuyện trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau, nên thể chế xây dựng tiếp theo chưa phù hợp với kinh tế thị trường. Nói như cách nói của ông Dũng thì có thể hiểu là muốn giải quyết thì phải làm từ gốc chứ không phải là cắt ngọn tỉa cành. Cái gốc ở đây chính là cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Thưa giáo sư nhận định gì về vấn đề này?
PGS.TS Ngô Trí Long: Thực chất ngay như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nói, chúng ta đi xây dựng một mô hình mà tìm mãi, mò mãi không thấy nó. Cho nên hiện nay mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải nói là có lẽ chỉ riêng Việt Nam có thôi. Quan điểm của giới nghiên cứu chúng tôi, thế giới người ta đã đi con đường kinh tế thị trường thực thụ này rồi, thì tại sao mình không đi theo mà phải cố gắng có cái nét riêng của nó.
Những gì các ông ấy nói về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa cũng không khác gì bản chất của nền kinh tế thị trường thực thụ, chẳng có gì khác. Phải chăng ở đây móc cái đuôi ấy vào để xác định là không bị đổi hướng. Tôi nghĩ đó chính là điều nan giải cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Từ lý lẽ cái đuôi định hướng thị trường đã dẫn tới sự chậm trễ chuyển sang kinh tế thị trường, chậm trễ chính là vì cái đuôi đó.
Nam Nguyên: Vâng, thưa GS trước Quốc hội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết từ nay đến 2020 sẽ bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Nhưng Hiến pháp 2013 qui định kinh tế nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo, như thế làm thế nào để làm được điều thủ tướng cam kết?
PGS.TS Ngô Trí Long: Ta thấy là các cam kết của các ông lãnh đạo Việt Nam chỉ là cam kết để trên giấy thôi. Còn thực thi triển khai các cam kết đó có thực hiện được hay không là một vấn đề khác. Khi Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tổ chức này không hy vọng sự cam kết mà buộc Việt Nam phải có luật rõ ràng cụ thể. Chính vì vì vậy khi vào WTO Việt Nam đã phải ồ ạt sửa và thông qua rất nhiều luật, nhưng khi quá trình triển khai trong cuộc sống thì nhiều luật không thực thi được, không có hiệu quả.
Thủ tướng có hứa, sẽ thực thi các cam kết với các tổ chức, các hiệp định thương mại. Nhưng tôi nghĩ, nếu không cẩn thận sẽ dựa theo đường mòn, theo đường cũ mà khó khăn không thể thực thi, nói để đấy thôi và thực tế những vấn đề đấy không đi vào cuộc sống. Nó cũng không thể hiện diện trên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Nam Nguyên: Thưa Giáo sư, Thủ tướng cũng cam kết việc xây dựng chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường, có thể hiểu vấn đề này như thế nào? Vì phân bổ nguồn lực là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam, người ta cho rằng có đặc quyền, không công bằng cũng chẳng minh bạch, đặc biệt lại còn qui định kinh tế chủ đạo của nhà nước trong hiến pháp?
PGS.TS Ngô Trí Long: Hiến pháp là bộ luật mẹ, luật quan trọng nhất từ đó sẽ tới các luật con. Trong quá trình luật gốc đã như vậy thì những luật khác khó trái được với nó. Còn những vấn đề Việt Nam cam kết và những vấn đề Thủ tướng nói thì đã nói rất nhiều rồi. Nhưng quá trình triển khai hầu như rất chậm và thực thi vấn đề đó thì không được là bao.
Thí dụ hiện nay nói thay đổi thể chế, thể chế là gì, là luật chơi là Hiến pháp là Luật là Nghị định, phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nhưng thực chất nhiều cái không phù hợp. Hoặc những cái đưa ra rất trúng rất hay nhưng thực tế triển khai lại khác, lời nói không đi đôi với hành động, có nghĩa còn những rào cản khác nữa. Thủ tướng hôm nay nói không phải là lần đầu tiên, mà đã nói rất nhiều lần. Tôi nghĩ hôm nay cũng có những điểm khác trước, nhưng tôi tin rằng với điều kiện với tư duy với những rào cản hiện nay thì khó vượt qua thành lũy đó.
Nam Nguyên: Thưa GS cơ chế ở Việt Nam thì một người, dù là đứng đầu chính phủ cũng không thể một mình hứa hẹn điều này điều kia. Mà đàng sau là Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và cao nhất là Tổng Bí thư nữa. Vậy thì khi thủ tướng hứa hẹn cải cách như thế, ông có đại diện cho cả hệ thống chính trị hay không?
PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi nghĩ, có thể những tư duy những đổi mới thì mọi người đều thừa nhận. Nhưng đi vào vấn đề đó cuối cùng mọi việc đều phải bàn bạc tập thể. Thí dụ nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng rào cản lớn nhất là vấn đề “vua tập thể”, mọi cái đưa ra tập thể bàn, mà với tư duy cũ theo đường mòn như vậy thì sự tiếp cận tư duy mới chắc chắn sẽ bị hạn chế và chính nó sẽ bị rào cản. Cho nên theo tôi nghĩ, đối với cơ chế Việt Nam thì một cá nhân chưa thể quyết định mọi vấn đề. Và chính vấn đề mang tính tập thể, lãnh đạo tập thể đã tạo ra những rào cản trì trệ của nền kinh tế.
Nam Nguyên: Cảm ơn GS Ngô Trí Long đã trả lời phỏng vấn.