Trang

17 tháng 4, 2013

Gặp gỡ

Kính cáo các Cụ ! Vừa rồi lục lọi đống giấy tờ lộn xộn trong tủ,mỗ tôi  bỗng tìm thấy cái truyện ngắn này .  Đây là câu chuyện vừa có thật vừa bịa ra từ hồi tôi  còn đi quản lý lao động ở vùng Viễn đông LX cũ, được tạp chí Văn nghệ Quân đội đăng từ năm 1991.
Nhận thấy hắn có nội dung còn mang tính thời sự, nên tôi trình lên để các cụ đọc chơi, chỉ xin lỗi trước vì tuy truyện ngắn nhưng …hơi dài !
Gặp Gỡ.
(Truyện ngắn)
Vào những ngày cuối tháng 3 ở vùng bình nguyên Pêtrôpka này, mùa xuân phương Bắc đang hối hả trở về.
Dường như để bù lại quãng thời gian đã mất sau một giấc ngủ dài mê mệt dưới lớp băng tuyết mênh mông, mặt đất, cỏ cây háo hức vươn mình thức dậy, vồn vã chào đón những tia nắng mặt trời lung linh và ấm áp.
Từ cửa sổ nhìn ra mảnh vườn trước mặt, Nguyễn Minh trông thấy một bụi phúc bồn tử đang rung rinh trong gió nhẹ; những cành khô bị gió rét mùa đông làm cho sạm đen, nay đang tươi tắn trở lại: “Thế là sắp qua một mùa đông nữa…”.Nguyễn Minh vừa khoác chiếc áo lông đen vào người vừa nghĩ thầm.
Hôm nay, theo thói quen, anh đi làm sớm 15 phút .  Minh  lên xe đi nửa tiếng thì đến nhà máy sợi, nơi anh làm việc đã hai năm kể từ ngày sang đây.
Thả bộ theo con đường nhỏ láng xi măng dẫn đến cửa ra vào, hai bên đường trồng thông xanh, Minh chợt thấy cồn cào một nỗi nhớ nhà da diết.  Đôi mắt tròn, đen nhánh, có hàng mi dài cong cong như mắt con gái thoáng  hiện một nét buồn xa xăm.  Khuôn mặt hơi gầy với hai gò má xương xương, cái trán cao có những nếp nhăn hằn sâu, nước da hơi sạm, tất cả toát lên một vẻ suy tư thâm trầm và từng trải.  “Giờ này ở nhà hai mẹ con đang làm gì nhỉ?”.  Bất giác, Minh nhớ lại lá thư gần đây,  Liên – vợ anh vừa gửi sang cho anh với những lời lẽ đầy âu yếm, nhớ thương, dằn vặt.  Dù Liên cố dấu nhưng anh cũng có thể được được đằng sau những dòng chữ run rẩy đó tình cảnh gia đình anh bấn bách thế nào.  Bố mất, mẹ già yếu gần như mù lòa, một đứa em gái, vợ và đứa con trai đã đến tuổi đi học, ngần ấy con người chui ra chui vào một căn hộ tập thể 16 mét vuông ở trường cấp III  - nơi Liên dạy học. Đồng lương của Liên, chút lời lãi nơi gánh rau vụn của cô em chạy chợ làm sao nuôi nổi bấy nhiêu người? Minh nhớ như in hôm cả nhà mời mấy người bà con bạn bè đến liên hoan một bữa tiễn chân anh đi xa, đang ngồi trò chuyện ăn uống bỗng cái giường đổ sụm xuống khiến cả nhà bị một bữa hoảng vía.  Nhiều lần kể lại chuyện đó, Minh không hiểu nên cười hay nên khóc? Việc anh đột ngột xin đi lao động ở nước ngoài kéo theo sự hẫng hụt ghê gớm cả về tình cảm cả về thu nhập của gia đình anh, ít nhất trong thời gian đầu, trước khi anh có thể gởi về cái gì đó cho những người ở nhà.  Biết vậy nhưng Minh vẫn quả quyết ra đi, hy vọng sẽ làm ăn chăm chỉ, dành dụm chắt bóp để có thể có một món tiền kha khá giúp anh làm cuộc đổi đời…
Treo mũ, áo khoác ở phòng gửi đồ, Minh cố xua đuổi những ý nghĩ tản mạn, nhanh nhẹn bước vào phân xưởng sợi.  
Ở đó Vũ Phương, người bạn cùng phòng với Minh đang đi tua lần cuối cùng trước khi giao ca cho anh.  Vũ Phương nói to cố át tiếng máy chạy rào rào:
-         Này!  Thợ cả nó bảo đóng máy làm tổng vệ sinh ngay,  Minh thắc mắc:
-         Hôm qua làm rồi cơ mà?
-         Thì đã hẳn!  Hôm qua ta đã phải đi quét lại vôi tường, dùng “sút” đánh bộ cửa sổ, lau bệ máy đến bóng lộn lên, vậy mà hôm nay vẫn phải làm lại lần nữa – chắc là có thủ trưởng cỡ bự đến thăm.
Vừa lúc đó, người thợ cả to béo có bộ râu hung hung như râu ngô đi đến chỗ hai người – Ê! Các chàng trai, đóng máy lau chùi 15 phút, máy nào bẩn, tôi cắt thưởng tháng này, rõ chưa nào?
Giọng ông ta ồm ồm, khàn, sặc mùi rượu.
Vũ Phương tắt máy, đưa cho Minh nắm dẻ lau rồi vừa khịt mũi, vừa đi thu nhặt mấy cọc sợi vương vãi dưới đất bỏ vào nơi quy định.  Lát sau một đoàn cán bộ nhà máy: giám đốc, kỹ sư trưởng  quản đốc phân xưởng, kéo nhau vào gian máy sợi đi kiểm tra từng chỗ làm việc của công nhân.  Họ chỉ trỏ bàn bạc, lấy tay di vào mặt máy tìm vết bụi, khen chê một chặp rồi lại kéo nhau sang phân xưởng khác.
Nguyễn Minh mở máy làm việc.  Những sợi len màu từ cọc sợi bên dưới luồn lách qua các khe lọc tạp rồi quấn vào búp sợi to ở phía trên mặt máy.  Anh đã là thợ bậc 3, có thể đứng được cả mặt máy 45 cọc.  Năng suất lao động của Minh bao giờ cũng vào loại cao nhất phân xưởng, ngày công đảm bảo, thường đi sớm về muôn… Vì vậy, anh được thợ cả và quản đốc phân xưởng rất quý mến.  Họ chỉ chê anh ít nói, luôn tư lự như ông cụ non, lại không biết hút thuốc , uống rượu, những “chuẩn mực” thông thường đối với người đàn ông xứ lạnh.  Trong con mắt của họ, Nguyễn Minh là một anh chàng hơi khó hiểu, lù khù, chỉ cắm cổ làm việc , ít hiểu biết.  “Dĩ nhiên rồi vì đất nước nhỏ bé đó đã chịu đựng 30 năm chiến tranh liên tục cơ mà”.  Họ bảo nhau như vậy.  có lần trong một cuộc trò chuyện giữa giờ giải lao, ông thợ cả to béo hỏi Minh với vẻ đầy thông cảm:
-         Ở Việt Nam các cậu có trường đại học không?
Minh, Phương và những công nhân khác nhìn ông ta như từ trên trời rơi xuống, cố nhịn cười, trả lời bằng cách viết lên bàn tay:
-         Chúng tôi có hàng trăm trường Đại học, và Cao đẳng….
Hiểu ra, ông ta cười hềnh hệch, nghĩ rằng đám này bốc phét trêu ông cho vui.
Minh cắm cúi nối một nút sợi vừa đứt bằng một thao tác rất thành thạo, bỗng anh thấy người thợ cả đang ngồi ở bàn, tính toán, vụt đức phắt dậy, lập cập đi ra phái cửa.  Minh nhìn theo, thấy một đoàn mấy người Âu lạ mặt, sang trọng đang cùng vào với giám đốc và kỹ sư trưởng.  Anh khẽ hỏi người công nhân bạn ở mặt máy đối diện:
-         Pêđô ơi ! Những người nào kia?
-         Phái đoàn của một công ty Mỹ đấy, họ đến để xem xét khả năng đầu tư ..
“ À ra thế”, Minh chợt thốt lên. Tưởng ông Bộ trưởng nào tới thăm hóa ra mấy Mistơ1 giàu có đến làm ăn.  Anh kín đáo liếc nhìn những vị khách Mỹ.  Họ chỉ có ba người, tất cả đều bận com lê may bằng loại vải đẹp, trang nhã, chiếc ca vát nổi bật trên nền cổ sơ mi hồ cứng.  Mùi nước hoa thoang thoảng.
Trong số họ, Minh chợt để ý tới một người có dáng ông chủ, cao dong dỏng, tóc bạch kim, mắt xanh nhạt đang chăm chú ngắm nghía những dàn máy cũ kỹ với vẻ thành thạo.  Họ tiến đến gần chỗ Minh, nhìn anh rồi đưa mắt cho nhau.  Một người béo lùn, lớn tuổi nói với người tóc bạch kim:
-         Thưa ngài Giôn, thế hệ máy này của họ lạc hậu hơn của chúng ta ít nhất vài chục năm.
-         Đúng thế! Nhà máy phải được tái trang bị nếu muốn cạnh tranh.  Người có tên là Giôn trạc  ba bẩy,  ba tám tuổi, khuôn mặt sáng sủa, bảnh bao, một vệt xanh mờ của bộ râu mới cạo ôm lấy chiếc căm vuông tôn thêm vẻ tự tin trong giọng nói.  Đôi mắt xanh, sáng hấp háy đôi nét khôi hài, cánh mũi  rộng, cặp môi mỏng luôn giữ một nụ cười cởi mở.  Anh ta bỗng nhìn Minh rồi hỏi Giám đốc nhà máy, giọng chậm rãi:
-         Những người này thuộc nước nào đến đây làm thuê cho các ngài?
Minh giật mình như bị kim châm.  Anh nghe rõ mồn một từng tiếng và hiểu  tất cả, nhất là cái từ “ kẻ làm thuê” (Employe) khiến anh cáu tiết.  Minh ném cho người có tên là Giôn một cái nhìn không mấy thiện cảm và suýt nữa sổ ra một tràng tiếng Anh để trả lời. Minh thừa sức làm điều đó, vốn tiếng Anh của Minh đâu có xoàng, đã mấy năm nay, anh không có điều kiện sử dụng đến nó, thành ra nghe mấy người khách Mỹ nói chuyện với nhau, anh hơi tò mò, hồi hộp, vừa muốn tự kiểm tra lại khả năng nghe của mình, vừa muốn biết họ nghĩ gì về anh, về bạn bè anh ở đây.  Trong khi đó Giôn đã đứng ngay bên phải Minh, nhìn anh rất chăm chú.  Thông dịch viên bạn trả lời anh ta:
-         Đây là những người Việt Nam.  Họ đến làm việc chỗ chúng tôi cách đây vài năm.
Giôn thoáng ngạc nhiên chỉ vào Minh:
-         Người Việt Nam à.  Ô! Xin lỗi các ngài, chờ cho một phút.  Anh này làm thuê ở đây à?
Một thoáng im lặng trôi qua.
Đến lúc này, Minh không thể nén được nữa.  Anh lên tiếng cảii chính bằng một thứ tiếng Anh thuần thục, đúng ngữ điệu khiến cho những người xung quanh trố mắt kinh ngạc:
-         Thưa ngài Giôn, chúng tôi không phải là những người làm thuê.  Chúng tôi đến đây theo một hiệp định tương trợ giữa hai chính phủ!
Giôn mừng rỡ thốt lên:
-         Ô, ông này biết tiếng Anh.  Vâng, Vâng.  Tôi hiểu, xin lỗi nhưng nếu tôi không nhầm thì .. hình như ông đã từng là một “visi” vùng Tây Ninh, năm 1972?...
Bây giờ đến lượt Minh ngạc nhiên.  Anh liếc nhanh Giôn từ đầu đến chân, đề phòng:
-         Ông hỏi để làm gì?
-         Ồ không! Lạy Chúa, ông đừng hiểu lầm tôi… tôi, tôi có một người bạn, một “visi” chính cống hồi chiến tranh Việt Nam.  Anh ấy đã cứu tôi và bị thương, một vết ở cánh tay, một vết ở tai phải.  Tên anh ta là “Uen” !
Minh thoáng rùng mình, vô thức đưa tay lên như che lấy cái tai bên phải bị đứt nửa dưới, nửa trên hơi quăn lại như mẩu mọc nhĩ.  Tay áo anh tuột xuống để lộ một vết sẹo to chạy dài từ khuỷu đến cổ tay .
Gion gần như reo lên:
-         Đúng rồi! Lạy Chúa tôi! “visi Uen”.
…Những ngày xa xôi và kinh khủng đó, Gion và những tù bình Mỹ khác đã gọi anh theo cách của những người Âu như thế.  Việt cộng Nguyễn – Visi Uen! Bây giờ thì Gion đứng đó, đầu lắc lắc, mắt sáng lên nửa như khẳng định nửa như không tin vào mắt mình.  Minh cũng đã nhận ra người quen cũ.  Anh cười độ lượng, bình tĩnh:
-         Gion Smit! Tôi cũng đã nhận ra ông.  Bàn tay trái của ông cụt hai ngón! Người Mỹ giơ bàn tay trái lên, ở đó chỉ còn ngón cái, ngón trỏ và ngón út. Gion Smit và Minh bắt tay nhau thật chặt trong ánh mắt sửng sốt của những người sung quanh. 
Vị khách Mỹ quay sang những người cùng đi:
-         Xin lỗi các ngài.  Tôi đã làm phiền các ngài.  Tôi sẽ bố trí thời gian làm việc bổ sung.  Nhưng tôi không thể không sung sướng nói rằng: Tại đây, tôi đã gặp lại một người bạn của mình trong những năm chiến tranh:  ông Nguyễn Minh, một sĩ quan “visi” nói tiếng Anh rất cừ.
Chờ cho phiên dịch nói xong, Gion trở lại điềm đạm.
-         Bây giờ chúng ta tiếp tục chương trình làm việc.   Còn ông Minh, đúng mười giờ ngày mai, tôi xin hân hạnh mời ông ra khách sạn chỗ tôi đang ở, mong ông không từ chối!
Mấy người Mỹ đi khỏi, ông thợ cả bước đến bên Minh, vỗ vai thân mật!
-         Cừ lắm! Thế ra cậu khá hơn chúng tôi tưởng đấy! Hôm này ít sợi, cho cậu về sớm hai giờ, được chứ?
Minh tỏ ra không mặn mà:
-         Tôi sẽ làm bù vào ngày khác.
Anh lại cắm cúi nối sợi, mở máy dường như quên luôn sự việc vừa rồi.
Thật ra, trong lòng anh như có cơn giông, những mẩu hồi ức từ hơn hai chục  năm trước lần lượt hiện về.
…Sau khi tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Tiếng Anh, Minh xung phong  nhập ngũ và  vào chiến trường ngay ,được phân công công tác trong một trại tù binh của Quân khu miền Đông.  Ở đây, có lần cấp trên giao cho anh áp giải một số tù binh về tuyến sau.  Trong đó có tù binh Mỹ Gion Smit, một thanh niên trẻ măng có bộ tóc bạch kim  dễ nhận, đôi mắt xanh nhat  ánh lên vẻ chất phác, thông minh. Anh ta vừa sang miền Nam Việt Nam được ba tháng, làm cố vấn thông tin cho tiểu đoàn ngụy ở mặt trận Tây Ninh.. Chưa kịp đánh đấm gì, mới ra trận lần đầu, anh ta đã rơi vào  một chiếc bẫy nghiền thịt giăng sẵn. Mãi đến khi bị đưa về trại tù ninh,Giôn Smít mới hiểu được cái gì đã thực sự  xảy ra với mình.
…  Đoàn người vừa lội qua con suối cạn thì một đàn phản lực rồ đến ném bom, phóng rốc két.  Không gian vỡ răng rắc.  khói lửa mù mịt.  tất cả nhào xuống, tản ra, cố tìm một chỗ trú ẩn.  Minh cũng kéo Gion cùng lao xuống một khe suối với anh.
Sau đó, Gion và Nguyễn Minh gần nhau hơn.  Về phía Gion đó là cảm giác của người chết hụt đối với ân nhân cứu mạng.  Về phần Minh, anh có trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tù binh Gion Smit để bàn giao cho cấp trên.  Sau nữa, chính sự gần gũi Minh đã làm cho Gion hiểu  ra nhiều điều.
Có hôm họ qua những cánh rừng già rộng bạt ngàn bị bom đạn xé nát và chất độc hóa học làm cho xơ xác tiêu điều, Minh cố kìm cơn phẫn nộ, nói:
-         Này Gion, cậu biết không? Một Tổng thống Mỹ đã nói một câu rất hay về đất đai: “Hãy cư xử với đất đai như với thi ca”.  Vậy mà ở đây, nước Mỹ đã đối xử với đất đai của chúng tôi như một tên đồ tể vậy!  Gion nhún vai, không trả lời.  Anh ta kể cho Minh về quê hương miền Tây Caliphoocnia đầy ánh nắng mặt trời đượm mùi nước biển, về cô vợ chưa cưới xinh đẹp, mỗi tuần gửi cho Gion một lá thư, về gia đình anh ta giàu có lên nhờ kinh doanh ngành dệt, may mặc…Gion sang Việt Nam trong tâm trạng hoang mang mất phương hướng vì ngay bố, mẹ anh em trong gia đình cũng chia làm mấy phe, nhưng rốt cuộc không ai lý giải được một cách rõ ràng: vì sao Gion phải đi đánh nhau ở cái xứ sở xa xôi huyền bí đó? 
Một hôm, đang nằm trong binh trạm N trước khi đến chỗ bàn giao cuối cùng, Gion ngập ngừng hỏi Minh:
-         Thưa ngài sĩ quan. Tôi quan sát thấy dường như binh lính của các ngài có vẻ như không sợ chết?
Minh trầm ngâm trả lời:
-         Họ cũng sợ chứ! Nhưng có những điều còn đáng sợ hơn cái chết.
-         Đó là cái gì, thưa ngài?
-         Đó là sống trong nỗi nhục.
-         Xin lỗi, tôi hơi tò mò, nhưng theo các ngài thì thế nào là sống nhục?
-         Có hai điều làm cho mỗi con người và cả một dân tộc phải sống trong nỗi nhục và vì vậy tôi có mặt ở đây,  một là mất độc lập, tự do.  Hai là…
Đúng phút giây đó, Minh nghe thấy tiếng ầm ì nặng nề xa tít trên không trung.  Chưa kịp nhận ra B.52, mọi người đã nghe tiếng bom xé gió lao xuống, rú rít điên cuồng như một bầy thú . Những  tiếng nổ long óc. Chớp sáng lòe. Anh lao ra hầm , đẩy Giôn ngã xuống rồi nằm đè lên trước khi ngất đi. Tỉnh lại Mình thấy nóng rát bên tai phải và cánh tay tê dại hẳn .Những người bị thương vào trạm quân y Tiền phương.  May mắn vết thương của Mình và Gion đều không  nặng, Điều trị một thời gian, Mình ra viện nhận nhiệm vụ mới, còn Gion theo ô tô ra Bắc rồi được giao cho phía Hoa Kỳ trong một đợt trao trả tù bình.
Hôm chia tay, Gion thực sự cảm động
-         Ông Nguyễn, ông có cho rằng chúng ta sẽ gặp lại nhau không?
Minh nói theo thói quen:
-         Khó đấy! nhưng biết đâu, trái đất vẫn luôn tròn..
…Được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị lao động, Minh gặp thương gia Gion Smít trong một bữa tiệc thịnh soạn do anh ta chiêu đãi ngày hôm sau, tại khách sạn “ Bông Lúa” thuộc loại sang của Thành phố.. Họ chuyện trò thoải mái như 2 người bạn lâu ngày mới gặp. Sau cốc rượu khai vị, Gion trở nên hồ hởi, vui vẻ hơn. Anh ta khoe với Minh đã viết gần xong một cuốn hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam, tiêu đề là” 43 ngày đêm trong tay Việt Cộng ”. Trong đó Giôn dành hẳn một chương đề nói về người Sỹ quan Việt cộng “ uen “ mà anh ta rất mến mộ.
-         Ông Nguyễn Minh! Ông còn nhớ trận bom ngày đó chứ? Ông nghĩ sao nếu tôi bị chết dạo ấy?
-         Trước tiên, tôi có thể  bị kỷ luật vì không làm tròn nhiệm vụ áp giải tù binh, thứ hai, nước Mỹ sẽ mất một nhà doanh nghiệp trẻ tuổi đầy tài năng, có thể là một ứng cử viên Tổng thống tương lai. Thứ ba tôi sẽ mất một người bạn và dĩ nhiên không gặp ông ở đây!
-         Ông vẫn hóm hỉnh thông minh như xưa! Nhưng tôi không hoạt động chính trị, tôi chỉ muốn làm ăn buôn bán với tất cả mọi người, tôi đã chán ngấy những cuộc bắn giết…
-         Tôi biết , đa số  người Mỹ có suy nghĩ như ông. 
     Minh hỏi lại :
-         Vậy ông nghĩ gì nếu hồi ấy tôi bị B52 của các ông cho tan xác?
Gion đăm chiêu một lúc:
-         A…. Đó là điều ngu ngốc nhất trong những điều ngu ngốc mà loài người gây ra cho nhau.  Gion bỗng như sực nhớ ra điều gì
-         Ông Nguyễn Minh, trong cuốn sách của tôi, tôi có ghi lại cuộc nói chuyện giữa chúng ta, dạo ấy, ở trong rừng về cái sống cái chết, về hai điều sống nhục, ông mới nói cho tôi biết điều thứ nhất, còn điều thứ hai chưa kịp nói gì thì bị bom B.52 cắt ngang.  Ông còn nhớ chứ?
-         Hình như thế?
-         Vậy điều thứ hai khiến người ta sống trong tủi nhục là gì?
Minh nhìn đăm đăm vào một điểm trước mặt, giọng trầm xuống.
-         Tôi quan niệm rằng, một con người, một dân tộc chỉ có thể có cuộc sống xứng đáng khi họ thật sự được độc lập tự do và không rơi vào vũng bùn nghèo nàn, lạc hậu.
-         À à, tôi hiểu ý ông.  Nhân dân các ông còn nghèo, rất nghèo… ông nội tôi cũng bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng nên tôi hiểu các ông.  Tôi có một ước mơ là dược sang thăm lại Việt Nam vào dịp gần đây để tìm kiếm khả năng đầu tư phát triển ngành dệt may của các ông mà tôi biết có những cơ sở khá mạnh.
Minh tủm tỉm cười:
-         Và không chừng….
-         Vâng, đúng thế, biết đâu chúng ta lại chẳng gặp nhau trong một công ty liên doanh nào đó….
Khi chia tay ra về, Gion rút trong túi ra một gói giấy :
-         Ông Minh, tôi..thành thật xin lỗi,..đây là món tiền nhỏ  , tôi mong ông nhận cho, coi  như một chút quà kỷ niệm ngày gặp gỡ .., tôi được biết ..lương  các ông rất thấp …
Minh nhìn thẳng vào mắt Giôn, giọng hơi đanh lại
:-  Giôn Smit, nếu ông còn muốn là bạn tôi, ông hãy cất cái gói ấy đi.
Nói xong anh bắt tay Giôn rồi quay ra, bước những bước dài về phía của.
Chưa kịp cởi áo ngoài, Minh đã thấy Vũ Phương hớt hải chạy vào phòng.
-         Minh! Dẹp mọi chuyện lại đã, nhanh lên. Cửa hàng đằng sau vừa về rất nhiều chậu nhôm cỡ lớn, mai ra đánh một quả kẻo bọn khác hớt mất!
Hai người ra đến nơi thì đã có nhiều người Việt Nam đứng đó, một số đang năn nỉ dân đại phương mua giúp vài chiếc chậu, một số đứng xếp hàng, mắt hau háu nhìn vào quầy, ai cũng cố nặn ra một nụ cười hướng về cô bán hàng trẻ tuổi mặt lạnh như kem.
Làm thế nào đó không biết nhưng một lúc sau Vũ Phương khệ nệ bê ra hai chồng chậu sáng loáng.
Trên đường về, Minh lầm lì không nói gì, trong khi Vũ Phương hí hố kể lại chiến công của mình.  “Có gì đâu, cho con bé thỏi son, và hứa cho một hộp phấn, thế là xong”.  Về nhà, Vũ Phương nói với Minh như ra lệnh:
-         Phần mày 20, phần tao 5 chiếc, miễn ý kiến.  Sắp đóng hàng rồi mà mày đã mua được gì đâu.  Quàng lên chứ.
Minh vẫn như người mất hồn, không tỏ ra hào hứng chút nào.  Vũ Phương hỏi:
-         Mày làm sao đấy? ốm hử?
-         Không, nói thật với mày, tao thấy nhục quá! Con bé đáng tuổi em tao mà nó chửi tao như chửi thằng ăn cắp.
Vũ Phương khịt khịt mũi:
-         Thôi mày “sĩ” vừa vừa chứ cho tao nhờ.  Tao hỏi: mày sang đây làm gì nào? Hai năm rồi mới được một chuyến hàng vớ vẩn, mày định bắt cái Liên và thằng cu chui rúc mãi trong cái ổ chuột đó đến bao giờ?
-         Nhưng tao không thể kiếm tiền bằng cách bán rẻ danh dự.
Vũ Phương đang buộc chồng chậu, bật đứng dậy, mặt đỏ bừng, nói một thôi một hồi:
-         Mày nói gì? Mày tưởng tao không có lòng tự trọng phỏng? Xoàng ra tao cũng đã tốt nghiệp trường sư pham Tỉnh đây! Mày là cựu sĩ quan, từng chiến đấu, được huân chương, đúng cả nhưng hiện giờ mày là ai? Là kẻ làm thuê không hơn không kém! Hiểu chưa? Hiểu chưa? Cứ khư khư ôm lấy cái vinh quang đã qua để mà đói nghèo ngu dốt mãi thì đó là một sai lầm, một tội ác!
Phương hét lên như chửi một kẻ vô hình nào đó.  “Tao bảo cho mày biết: Bây giờ thiên hạ không quét lại vôi tường để đón rước cái túi rỗng đựng huân chương đâu, mà đón cái túi đựng đôla kia ! hiểu chưa ? Đồ khỉ!”.
Minh im lặng.  Anh biết trong cách nghĩ, cách sống của Phương có cái gì đó thật cực đoan, không thể chấp nhận được.  Nhưng… nhiều điểu cậu ấy nói đúng. Anh buồn bã nhìn ra cửa sổ.  Cây phúc bồn tử đầu nhà đã trút hết những bông tuyết cuối cùng, cành non lên nhựa như đang mưng, chỉ chờ một đợt gió ấm tràn về là lá xanh bật lên, hối hả.  Trên các nẻo đường, băng dần tan.
                                                                         Mùa xuân năm 1991

9 nhận xét:

  1. Câu chuyện của cụ rất hay, không biết nó thật bao nhiêu % và thật về phần nào. Nếu cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy là thật thì quả là rất thú vị. Con người có lòng tự trọng cao như anh Minh trước kia không ít, nhưng ngày nay có lẽ hiếm hơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Chào cụ KVH. Đã hơi bị lâu rồi mới chuyện trò với cụ. Câu chuyện có ... hơi dài như tác giả KVH đã mách cho biết trước; và khi đọc ,phải đổi bắt nhịp như ngày nay xe chạy trong TP nhưng khi thì lên cao tốc, lúc xuống lại nhào theo cầu vượt ... nhưng cuối cùng cũng về đến nơi đến chốn ! Thở phào nhẹ nhõm ,xài ly cà phê ! Câu chuyện trải dài từ miền viễn đông LX cũ Pêtropka, về VN miền nam KC chống Mỹ, và miền Bắc thiếu thốn nghèo nàn, người lính Mỹ suýt chết ở chiến trường VN - ngài tư sản ngày nay Giôn; người chiến sĩ VC (visi Uen)-kỹ sư giỏi khó khăn chống đỡ cái nghèo nơi quê hương và vất vả của vợ con; và anh bạn Phương:"cái đầu thật cực đoan không chấp nhận được...nhưng nhiều điều cậu ấy nói đúng !" Chọn con đường nào đây ? Không có gì hay chịu nỗi nhục ? Huân chương hay đồng đô la ? ! Cho đến ngay hôm nay vẫn là nóng sốt : khen thưởng (danh hiệu)? hay ngân lượng ? Vì dân hay cướp của dân ?

    Trả lờiXóa
  3. Truyện ngắn của cụ tuy hơi dài nhưng hấp dẫn!
    Danh dự hay là Đô La?
    Vẫn giữ được danh dự và có cả Đô La mới là mục tiêu để mỗi người phấn đấu. Ngày nay nhiều người vơ vét Đô La mất hết cả lương tri, đó là điều làm chúng ta luôn bức xúc!

    Trả lờiXóa
  4. Hình ảnh cái bắt tay do bà LTH tặng cho rất hợp với câu chuyện này khiến mỗ tôi rất tâm đắc , Các cụ phê rất trúng, hơi dài dòng, tham nhiều chi tiết, tư tưởng chủ đề chưa thật ổn như Cụ TM nhận xét. Chẳng qua muốn chửi mấy cha làm khổ nhân dân, làm nghèo đất nước vài câu cho bõ tức, vậy thôi. Mong các cụ cứ khỏe re...Nhân dịp này đi du hý khắp nơi

    Trả lờiXóa
  5. Chuyện cụ kể làm tôi nhớ lại mọi chi tiết thời ở Nga, vừa buồn, vừa vui. Đầu năm 1991, tức là vào thời điểm câu chuyện cụ kể, tôi từ Ucraina trở về VN. Tôi không đi quản lý hay XKLĐ mà đi làm việc, nhưng cũng ki cóp đánh hàng về, và cũng có một suy nghĩ như ông Minh trong truyện. Tôi về gấp nên hàng hóa không gửi qua tàu được mà nhờ cậu bạn Ucraina gửi sau, tôi còn đưa cho cậu ấy 3000 Rúp để chi phí, nhưng đến ngày hôm nay vẫn không có gì. Tôi cũng không tiếc, coi như làm từ thiện thôi. Kể câu chuyện nhỏ này để chúng ta nhớ lại và thông cảm cho ông bạn Phương, lực bất tòng tâm mà.

    Trả lờiXóa
  6. Ngày nghỉ (Giỗ Tổ Hùng Vương), đẻ lòng mình thật thong thả, tôi đọc truyên ngắn của cụ.Tôi không cần biết trong câu chuyện này bao nhiêu % là thực, bao nhiêu % là hư cấu (bịa). Tất cả truyện ngắn toát lên tính chân thực của nó rồi. Cụ viết có nghề .Cốt chuyện không mới nhưng vẫn hấp dẫn. Đặc biệ
    hấp dẫn đối với những ai từng trải qua cái hiện thực phũ phàng ấy ! Cuối năm 1989, đầu 1990 tôi cũng có mặt ở Moscow .Với cương vị trưởng đoàn THVN thực tập tại Đài TH quốc gia Liên Xô , lúc về nước tôi cũng " đánh hàng" nhờ sự giup đỡ của bạn Mai Tâm. Cái nhục của anh Minh anh Phương xếp hàng mua chậu nhôm chưa thấm vào đâu so với cái nhục của chúng tôi lúc gửi hàng (gửi chậm) và lúc qua cửa ải hải quan để vào phòng cách ly lên máy bay về nước !Cái nhục ko chỉ đến với riêng chúng tôi ( Toàn những Biên tập, đạo diễn có thâm niên nghề nghiệp, đi theo diện mời chính thức của UBPTTH Liên Xô !)- Xin nói thêm, anh chàng MC nổi tiếng đình đám hiện nay ,khi ấy chỉ là vai phiên dịch !Cái nhục bao trùm hết thẩy hàng trăm người Việt chầu chực ở sân bay nhiều ngày chờ thoát khỏi Liên Bang Xô Viết. Nhưng cũng có người chịu vượt qua nỗi nhục" để chứng mình cho sức bật của người Việt Nam. Tôi thành thực cảm phục họ. Không ít đại gia hàng đầu VN hiện nay đã từng trải qua con đường như thế !Nhân vật Nguyễn Minh của cụ trong truyện, nếu thức thời, nếu thực tế hơn, biết đâu anh đã trở thành 1 " Vượng mì" trong ngành dệt may nhờ vào mối quan hệ với đại gia cựu binh Mỹ Gion Smit ! Vậy Minh hay Phương , ai sẽ là người mà gia đình và xã hội cần hơn ?

    Trả lờiXóa
  7. Xin tâm sự thật như vầy. Mọi chi tiết trong truyện đều có thật như các Cụ đã xác nhận, nhất là vào thời điểm giao thời hậu LX. Thậm chí còn tệ hơn nhiều như Cụ HP và cụ Ca nhớ lại . NHưng cốt truyện thì bịa đấy. Bởi lẽ hồi ấy trong 7 đơn vị ở vùng tôi phụ trách có một đơn vị toàn sĩ quan QĐ, từ trung úy trở xuống, đáng lẽ ra quân phục viên thì được ưu tiên sang LX làm việc. Họ bị đưa về một vùng vô cùng lạnh giá để ngày ngày đi sửa chữa, quét tuyết trên đường sắt xuyên Xiberi. Hơn nữa trình độ dân trí của người LX thời ấy cũng thấp lắm, rất tù mù về VN, nhưng lại rất coi thường chúng ta. Tôi muốn nâng tầm con người mình lên trong con mắt họ và cả người đọc VN . ( tôi đã dịch miệng cho một số ngừoi Nga nghe, họ tỏ ra rất cảm phục ). Nhưng chủ đề ẩn sâu đằng sau câu chuyện ấy lại nằm ở đúng cái chi tiết mà cụ Ca nhà ta chộp được. Đó là mong muốn hai bên cựu thù sẽ gặp nhau, bắt tay nhau để cùng hàn gắn những vết thương chiến tranh gây nhức nhối đau khổ cho cả hai..và rất có thể hai nhân vật chính sẽ gặp lại nhau trong một Cty, nhờ đó, NG Minh vươn lên, trở thành một ô chủ giàu có chân chính rất đáng nể phục..Hồi đó mà có tư tưởng ấy thì gay go to..Ấy vậy mà chờ mãi đến năm 1995, VN- HK mới bình thường hóa quan hệ, để rồi một trang LS mới mở ra, tuy chỉ là mở he hé ! Và giờ đây, liệu hai bên có "gặp gỡ " nhau thật sự trong bối cảnh chính trị toàn cầu đang thay đổi đến chóng mặt ?

    Trả lờiXóa
  8. Ôi, nhiều cái thực mà buồn lắm! Hồi em ở Nhật, cũng đi lùng xe máy, tủ lạnh cũ...Cả sứ quán mình đóng hàng chở toàn đồ cũ về VN! Nghĩ lại ...mà đau!
    Anh hình như có năng khiếu viết văn bẩm sinh hay sao ấy. Không học văn mà viết thế là quá hay! Thank you!

    Trả lờiXóa
  9. Một câu chuyện hay tưởng chừng cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng của cuộc hội ngộ của 2 kẻ 2 giới tuyến nặng tình nghĩa, nhưng không ngờ câu chuyện đã dẫn dắt chúng ta đi xa hơn chí bằng vài câu trong bức xúc của bạn bè rất chân thực và sâu thẳm để buộc chúng ta suy ngẫm cả một qua trình HY SINH để chúng ta lại phải tiếp tục hái"quả đắng".
    Đất nước chúng ta đã tốn nhiều thời gian quá !

    Trả lờiXóa