Trang

12 tháng 4, 2014

Một vài suy nghĩ mới về tham nhũng

Về quan điểm tư tưởng, Ðảng nên coi đấu tranh PCTN là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, liên quan chủ yếu đến vận mệnh đất nước, không phải chỉ là việc trong nội bộ đảng, chỉ liên quan đến sự tồn vong của Ðảng, của chế độ như trước nay vẫn tuyên truyền, lại càng không phải là những miếng đòn nhằm nâng uy tín người này, hạ bệ người kia…
Chống tham nhũng là tạo ổn định lâu dài, thực chất, bền vững cho đất nước, không phải chỉ là vấn đề đạo đức, phẩm chất, năng lực và sức chiến đấu của Ðảng.…


Xuất phát từ cách nhìn nhận đó, rõ ràng PCTN cần và có thể là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân trực tiếp thực hiện, không thể chỉ là công việc của một số cơ quan chức năng, dù số lượng nhiều và quyền hạn cao đến đâu.
Thực tế hiện nay cho thấy: một bộ phận lớn nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức về bản chất tham nhũng, những nguy cơ của nó đối với đất nước; không ít người lại bi quan chán nản, thiếu tin tưởng vào kết quả chống tham nhũng; đa số còn thờ ơ vô cảm, coi như không liên quan hoặc e ngại, đứng ngoài cuộc đấu tranh, khiến cho hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Không mạnh dạn phát động nhân dân tham gia, cuộc chiến PCTN sẽ không bao giờ đi đến đích.

Do đó, các cơ quan tuyên truyền lý luận cần phân tích vạch trần bản chất tham nhũng để nhân dân thấy rõ hơn nhờ đó có quyết tâm tham gia trừ diệt: Xét đến cùng tham nhũng là bóc lột, ăn cắp, xấu xa nhất trong mọi sự xấu xa, trái hẳn với bản chất chế độ. Tham nhũng là biểu hiện cơ bản của suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, chứ không phải những người có ý kiến khác biệt; là lực lượng thù địch của nhân dân, sẵn sàng tiếp tay cho ngoại xâm, chứ không phải chỉ những hoạt động chống phá từ bên ngoài.

Ðồng thời,cần làm sâu sắc thêm nhận thức về hậu quả vô cùng to lớn do tham nhũng gây ra:

- Về kinh tế: Tham nhũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây lãng phí lớn nhất cho nền KTQD.. Trước kia ta nói: dốt nát cộng với nhiệt tình thành phá hoại. Ngày nay cần khẳng định: “tham nhũng cộng dốt nát thành tội ác“. Không ít người dân còn chưa thấy rõ mối liên hệ chặt chẽ phức tạp giữa tham nhũng và lãng phí, nhiều khi chỉ xót xa vài tỷ tham nhũng, mà quên đi hàng trăm ngàn tỷ bị mất đi do phung phí tài sản quốc gia.

Cần nghiên cứu công phu, tìm ra con số cụ thể, tình hình và nguồn gốc đích thực của hiện tượng lãng phí do tham nhũng trong từng chủ trương, dự án, từng ngành, địa phương và toàn quốc trong từng giai đoạn v.v.. Thí dụ: Do mục đích tham nhũng nên những người nắm quyền lực và tài chính trong tay thường chỉ coi trọng những lĩnh vực hoặc xét duyệt dự án có khả năng rút ruột, bớt xén, biếu tặng nhưng khó phát hiện v.v. mà ít quan tâm đến những dự án có lợi cho dân cho nước nhưng khó kiếm ăn. Có thể kể đến những dự án thu hồi đất của dân để làm quá nhiều sân gôn, khu công nghiệp v.v. rồi bán lại đất thu hồi cho doanh nghiệp để ăn chênh lệch giá, xây dựng tràn lan nhà ở thương mại cao cấp gây tồn đọng nợ xấu, xây trụ sở với qui mô quá hoành tráng sang trọng, làm ảo thuật đối với tiền ngân hàng để ăn lãi xuất chênh lệch v.v.; Trong khi chưa đầu tư đúng mức cho phát triển KHCN nội sinh, chưa coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, đi kèm với công nghiệp chế biến sâu v.v.

Từ đó, khiến cho hiệu quả chung của nền kinh tế nước ta còn thấp, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho khoảng cách tụt hậu ngày càng xa so với các nước xung quanh. (tham khảo bài viết của TS Trần văn Thọ: VN - giấc mơ trở thành Quốc gia thượng đẳng “). Có thể hình dung chuỗi phản ứng dây chuyền nói trên như sau: Tham nhũng -> lãng phí -> hiệu quả kém -> tụt hậu.

- Cần làm cho mọi người dân hiểu rằng, trong một nền kinh tế bất kỳ, vấn đề không phải chỉ là làm được cái gì, số lượng bao nhiêu v.v. mà là làm ra những cái đó như thế nào, bằng công nghệ gì, phải chi phí bao nhiêu, kể cả vốn đầu tư hữu hình và vô hình. Chính vì vậy, không nên chỉ căn cứ vào con số thành tích, tăng trưởng GDP để đánh giá hoạt động kinh tế, bởi những con số đó không thể phán ánh đúng hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế nước ta. Ngay cả tỷ suất lợi nhuận cũng chỉ cho biết hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp, một vài mặt hàng cụ thể, nhưng toàn bộ nền kinh tế thì sao? Phải chăng đã đến lúc cần tìm ra một chỉ số khác để phản ánh đúng hơn thực trạng của nền kinh tế thông qua hiệu quả thực của nó, không thể thỏa mãn với những số liệu thống kê đã được điều chỉnh do bệnh thành tích và rất khó thẩm định. Thí dụ: một chỉ số phản ánh mối quan hệ giữa số tiền nộp thuế của dân cho Nhà Nước với số tiền họ nhận được từ Nhà nước dưới mọi hình thức v.v.? (NHân tiện xin nói thêm, về mặt nhận thức tư tưởng nên coi một trong nguyên nhân cơ bản khiến Liên Xô và hệ thống XHCN sụp đổ chính là mô hình kinh tế xã hội của họ rất kém hiệu quả so với nhiều nước tiên tiến trong thế giới hiện đại. Ðây là đề tài lớn, xin không đề cập ở bài này).

- Về xã hội: Tham nhũng làm phân hóa giàu nghèo, gây ra tình trạng bất công, bất bình đẳng, tao ra một tầng lớp giàu có mới do ăn cắp của công, không do lao động chân chính đem lại. Từ đó, xã hội bị chia rẽ, mất đoàn kết, dễ xung đột phe phái, nhóm lợi ích, người dân không phấn khởi,yên tâm làm ăn. Sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng chính trị của các nhóm lợi ích nhờ tham nhũng ngày càng lớn tạo ra nguy cơ mất còn của đất nước và thể chế.. Nhiều người đặt vấn đề: Cha ông chúng ta làm CM hy sinh bao xương máu để xóa bỏ giai cấp tư sản địa chủ cũ để rồi ngày nay lại rước lấy một đám tư sản địa chủ mới mang danh CS ư?? Không thể chấp nhận điều đó.

- Về lòng dân: Còn giữ được lòng tin của dân thì còn Tổ Quốc, còn chế độ, mất lòng dân là mất tất cả. Thực tế chứng tỏ, tham nhũng làm sói mòn lòng tin vào Ðảng, Chính phủ, bộ máy cán bộ, gây hoài nghi đối với mọi chủ trương chính sách, đồng thời tạo ra những lực lượng đối lập từ bên trong hoặc những phần tử chống đối từ bên ngoài. Tham nhũng cũng luôn đi đôi với mất dân chủ, thậm chí sợ dân chủ, rất dễ rơi vào tình trạng độc đoán chuyên quyền, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chế độ để qui kết mọi ý kiến không tương đồng là chống đối nên dễ sử dụng bạo lực quá mức, sai đối tượng, vi phạm nhân quyền. Hậu quả là càng thêm mất lòng dân.. Kinh nghiệm các nước trên thế giới vừa qua cho thấy: bất ổn chính trị luôn bắt nguồn từ tệ nạn tham nhũng.

- Về văn hóa: Tham nhũng làm băng hoại đạo đức xã hội, khiến văn hóa xuống cấp, truyền thống dân tộc bị xói mòn. Người dân theo gương quan tham nhũng vừa hối lộ quan vửa hối lộ thánh thần để đạt mọi mục tiêu cá nhân dung tục, do đó chùa chiền xây cất khắp nơi nhưng mất dần sự linh thiêng, biến thành nơi kinh doanh rất trắng trợn. Quan hệ gia đình tộc họ, hàng xóm lãng giềng,người – người biến thành quan hệ người - tiền, trong đó đồng tiền chi phối tất cả, làm biến dạng các chuẩn mực đạo đức được hình thành từ ngàn xưa…

- Về ý thức pháp luật: Có thể nói chính quan chức tham nhũng tạo ra tình trạng “nhờn luật pháp“ của người dân, nhất là lớp trẻ. Tội phạm ngày càng tăng và trẻ hóa có một phần nguyên nhân từ tình trạng tham nhũng, tội phạm không bị phát hiện và trừng trị kịp thời nghiêm khắc theo đúng luật pháp. Có thể khẳng định: tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng nặng nề trong các tầng lớp nhân dân là do quan chức tham nhũng gây ra (thượng bất chính hạ tắc loạn) Tâm lý tội phạm phổ biến là: không sợ pháp luật nên cứ phạm tội rồi hối lộ quan chức để khỏi bị trừng trị. Từ đó làm nảy sinh một xã hội “quan tham, dân gian“ ở mọi nơi, mọi việc, dễ dàng đánh mất lòng tự trọng dân tộc trước thế giới.

- Về bộ máy: Các phần tử tham nhũng thường ưa thích tăng biên chế, ban phát quyền lợi để tạo vây cánh, khiến cho bộ máy quản lý điều hành vừa cồng kềnh, chồng chéo vừa có nhiều kẽ hở, luôn che dấu khuyết điểm, rất sợ công khai minh bạch, thường ngụy tạo thành tích, phô trương hình thức, ngày càng quan liêu xa rời nhân dân, dẫn đến những chủ trương, qui hoạch kế hoạch sai lầm, gây thiệt hại chung nhưng được lợi riêng .


- Về nhân sự, tình trạng tham nhũng không thể tạo điều kiện thuận lợi cho những người tài đức đứng ra giúp nước, ngược lại thường để lọt nhiều phần tử cơ hội, không xứng đáng chui vào bộ máy lãnh đạo quản lý thông qua mua bằng cấp, chạy chức quyền nhằm mục đích tham nhũng; sau đó, lại tham nhũng nhiều hơn để lấy lại vốn bỏ ra. Ðể làm điều đó, họ thường co cụm, móc ngoặc với nhau làm phát sinh bè phái, nhóm lợi ích. Thời gian công sức dành cho đấu đá nội bộ, bàn mưu tính kế bòn rút của công, xóa dấu vết phạm tội v.v. nhiều hơn so với lo việc hoàn thành nhiệm vụ chức trách được giao vì nước vì dân.

- Về cơ chế: Các phần tử tham nhũng khi đã nắm được quyền lực, luôn tìm cách trốn tránh trách nhiệm cá nhân, ẩn mình vào danh nghĩa tập thể; xây dựng hệ thống qui tắc, luật lệ chằng chịt làm lu mờ trách nhiệm cá nhân, làm vô hiệu hóa chức năng giám sát của nhân dân. Do đó, tham nhũng rất sợ trách nhiệm cá nhân. Thực tế chứng tỏ, thiếu cơ chế nhằm qui trách nhiệm cá nhân là điểm yếu chí tử trong bộ máy điều hành của chúng ta.

- Về môi trường : Chính các phần tử tham nhũng đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngoài nước và người dân khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản, bán nguyên liệu thô cho nước ngoài, chặt phá rừng đầu nguồn, v.v. gây hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng v.v.
Tóm lại, muốn PCTN thành công phải phát động được quần chúng tham gia, mở rộng cuộc chiến ra toàn dân, không nên chỉ đóng cửa làm trong nội bộ Ðảng; Muốn người dân tham gia lại cần bồi dưỡng dân khí, nâng cao dân trí, từ đó gây lòng căm hận bọn người tham nhũng…
Nếu không làm được như vậy, mọi cố gắng sẽ có nguy cơ biến thành con số không…

7 nhận xét:

  1. Như một chuyên đề, rất rành rọt và chas85t chẻ, chúc bạn bình an và hạnh phúc mãi nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Rất vui được bạn Mẫn sang chia sẻ. Cảm ơn bạn nhiều. Chúc bạn ngày CN thật vui vẻ hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  3. Mình rất phục cách viết của cụ ! Mình đọc từ dòng đầu đến dòng cuối cùng, mặc dù ( phải nói thật), lập luận của cụ không mới. Tất cả hình như đã đọc đã nghe ở đâu đó ai đó nói nhiều rồi. Tức là ko có gì mới .
    Theo tôi, đối tượng của tham nhũng mà ta phải chống trước hết là các quan chức ( có chức có quyền). Họ có điều kiện thì mới tham nhũng ! Bài này lại lấy đối tượng tuyên truyền là " Nhân dân" thì không ổn !
    Cụ chỉ đạo ngành Tuyên giáo : " ...Do đó, các cơ quan tuyên truyền lý luận cần phân tích vạch trần bản chất tham nhũng để nhân dân thấy rõ hơn nhờ đó có quyết tâm tham gia trừ diệt ..." . Dân biết rồi, biết rất rõ và chính họ chịu hậu quả trực tiếp của nạn tham những . Họ phẫn nộ. Họ tố cáo v.v...nhưng các quan lờ đi và ...trả thù ! Ngay mở đầu cụ đã nói rất hùng hồn về " Quan điểm tư tưởng của Đảng " trong việc chống tham nhũng ". Nhưng thưa cụ. Quan điểm thì cứ quán triệt mà " Lợi ích nhóm" thì cứ " quyết liệt" thực thi ! Tóm lại , theo tôi, nói cụ đừng giận nhé : Cụ là BS nhưng bắt mạch không trúng bệnh rồi !

    Trả lờiXóa
  4. Cụ Kyvinhhung- HC viết rất công phu.
    Nhiều "người am hiểu" đã chỉ ra "trúng bệnh" và "kê đơn và vạch phác đồ điều tri" từ lâu rồi.
    Họ diễn tả theo nhiều cách khác nhau, bằng ngôn từ không giống nhau.
    Nhưng tôi ưng nhất cách "chẩn đoán" cho "quốc nạn Tham nhũng" sau:
    -Tên bệnh ( thì quá rõ ) : UNG THƯ.
    - HIện trạng (mức độ trầm trọng): DI CĂN GIAI ĐOẠN CUỐI.
    - Phương pháp và thuốc chữa trị: Hiện có rất nhiều, rất công hiệu (nhiều nước đã áp dụng có hiệu quả).
    Nhưng theo tôi điều quan trọng nhất có tính quyết định là BỆNH NHÂN CÓ MUỐN CHỮA TRỊ THẬT HAY KHÔNG?.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ 3B phán như thế là rất đúng và kín kẽ ! Bệnh nhân là ai đã rõ. Bệnh nhân thích bệnh thì BS cũng bó tay !

      Xóa
  5. He he..rất vui khi đọc mấy cái còm của các Cụ. Để câu chuyện thêm xôm tụ, mỗ tôi xin có đôi lời đáp lễ. Số là tháng trước, một đơn vị nghiên cứu có gợi ý mời tôi viết về đề tài PCTN. Tôi nhận lời, thế là một bài dài 15 trang ra đời, lấy tiêu đề : "Huy động lực lượng toàn dân tham gia PCTN "; trong đó có đoạn đưa lên bog cá nhân để các cụ xem chơi. Bởi vậy có vài chỗ không thích hợp cần sửa nhưng mỗ đã vội nên không sửa. Ấy là cái lỗi đáng tiếc.Mỗ rất tâm đắc với ý kiến ngắn gọn, đúng mức và chuẩn của cụ Ba.. Vđ cốt lõi suy cho cùng vẫn là câu hỏi mà chúng ta từng băn khăn ngay từ khi NG/ Q.4 mới ra đời.: lđ có thực lòng muốn chống tham nhũng không ? Nếu Đ không muốn thì mọi việc triển khai NGQ, lập Ban nọ, Ban kia, đưa ông này về, nhấc ông kia đi , phê tự phê trong nội bộ v.v. đều ít ý nghĩa. Tuy vậy, cũng đã có tiền lệ, mặc dù biết chắc họ không thèm nghe nhưng kiến nghị 72 vẫn ra đời. Để làm gì? Có lần tôi hỏi một vị, ổng trả lời : cứ đưa ra công luận để góp phần nâng dân trí, cũng là việc đáng làm vì lương tâm trách nhiệm....Hầu hết câu chuyện thời sự chính trị ở đình làng ta cũng thế thôi: các cụ nhà mình viết ra, tải về từ khắp các nguồn rất đa dạng đa phương cũng chỉ để đọc cho biết, như buôn chuyện , chứ có nhằm nhò gì đâu...Các cụ nhẩy...

    Trả lờiXóa
  6. Nước ta còn tham nhũng nhiều quá, bây giờ cho hết tham nhũng đây
    tin nhanh,van hoa giao thong,tin tuc kinh te,tin the gioi

    Trả lờiXóa