07/02/2015 22:18
Quảng Ninh vốn nổi tiếng là tỉnh dẫn đầu cả nước về việc dành tỉ lệ ngân sách lớn nhất cho khoa học - công nghệ, nay lại là nơi chính thức kiến nghị hợp nhất một loạt cơ quan cấp ủy và chính quyền
Trong khi chờ trung ương cho chủ trương hợp nhất, Quảng Ninh đề xuất thực hiện chủ trương nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo quản lý cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, như Tổ chức - Nội vụ , Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra, Tuyên giáo - Thông tin truyền thông, trưởng Ban Dân vận kiêm chủ tịch Ủy ban MTTQ. Quảng Ninh còn kiến nghị thực hiện thí điểm bầu cử trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn...
Theo thiển nghĩ của người viết bài này, đề xuất của Quảng Ninh rất phù hợp, cần nhất thể hóa bộ máy của Đảng và các bộ phận nối dài với chính quyền (hành pháp). Song, nhất thể hóa vẫn chưa đủ mà cái gốc của vấn đề là vấn nạn phình biên chế của các bộ máy trong hệ thống chính trị.
Nước Mỹ có diện tích 9.826.630 km2, dân số 320 triệu người nhưng công chức chỉ 2,1 triệu người. Trong khi đó, Việt Nam chỉ rộng 331.210 km2, dân số chỉ 90 triệu nhưng số công chức lên đến 2,8 triệu người. Điều đó có nghĩa Mỹ chỉ cần 3/4 số công chức ở nước ta để quản lý, tổ chức, điều hành đất nước họ (chưa nói là điều hành cả thế giới). Cũng có nghĩa 160 người dân Mỹ chỉ nuôi 1 công chức, trong khi 40 người dân Việt Nam phải nuôi 1 công chức (chưa kể chuyện tham nhũng, sách nhiễu của giới này).
Đầu thập niên 1990, tôi đi khảo sát ở một xã của Thái Lan. Công chức, viên chức ăn lương nhà nước của họ chỉ gồm 5 cảnh sát, 2 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, 2 cán bộ y tế và toàn bộ giáo viên công lập. HĐND xã không có lương, chủ tịch chỉ hưởng trợ cấp từ ngân sách xã, hết nhiệm kỳ thì thôi.
Công chức Việt Nam, nói theo ngôn ngữ của người dân là đông đáng sợ! Thế nhưng, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 30% công chức Việt Nam chỉ hưởng lương chứ không làm việc. Họ không làm việc, hưởng mức lương bị cho là “còm” nhưng vẫn đầu tư tiền tỉ để mua chiếc ghế hưởng lương ấy (nhất là ở vị trí có thẩm quyền) và sống khỏe re, cũng có nghĩa là làm giàu nhanh nhất.
Trong lĩnh vực xã hội, đẳng thức thường phức tạp, khó giải hơn nhiều so với toán học. Phải chăng chính trị thống nhất lợi ích toàn dân nghĩa là tiến bộ, thắng lợi; còn chính trị vi phạm thống nhất lợi ích toàn dân, hậu quả là lạc hậu, thất bại?
Trên thế giới, chỉ có bộ máy các nước chuyên lo “quản lý xã hội” mới đẻ ra thật đông người. Vậy nên, chính trị (phương thức cai trị) phải lấy xã hội (dân tộc, cộng đồng) làm đích, làm chuẩn, nhất cử nhất động đều phải phụng sự cái đích tối thượng đó.
Đầu năm 2007, tôi đã viết bài “Suy nghĩ về cách tiếp cận và lộ trình cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam” - trong đó đề cập rõ cần phải nhất thể hóa, được trình bày báo cáo ở hội nghị cải cách hành chính toàn quốc tại Hà Nội.
Kiến nghị chính thức của Quảng Ninh là mệnh lệnh của cuộc sống, là xung lực để tỉnh này đột phá vươn lên. Không phải tình cờ mà cách đây khoảng 1 tháng, Hội đồng Lý luận trung ương cùng Tỉnh ủy - UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tổng kết việc thí điểm đổi mới thể chế chính trị trước tình hình mới.
Ở nước lớn như Trung Quốc, nhỏ như Lào, việc nhất thể hóa đã được thực hiện từ lâu. Việc nhất thể hóa các cơ quan Đảng, chính quyền và một số tổ chức cánh tay nối dài của Đảng ở Việt Nam là xu hướng hợp thời. Tuy nhiên, phải tiến hành quá trình này trên cơ sở mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa dân chủ trong Đảng và toàn xã hội.
Tin hay quá. Bây giờ em mới được đọc. Cám ơn anh!
Trả lờiXóaRất mừng đã có địa phương dám đột phá. Giá mà (Giá như, nếu như) Hà Nội hay Tp.HCM mà "đột" thì sẽ "phá" hơn QN nhiều. (Dù sao có còn hơn không).
Trả lờiXóaDưng mà,tôi hơi lo là cái Hội đồng LLTW mà chủ trì tổng kết thì có khi lại.... "Cù như Vẫn".(Vì người chủ trì vẫn là các ông "Bảo văn Thủ" thì còn chờ đến ...'khuya). Ý Cụ thế nào?.
Các cụ dạy chí phải! Tôi tải bài này về vì đúng là có vài tín hiệu mới,đáng mừng tại QN trong khi mọi nơi vẫn như đang ca bài "em của ngày hôm qua". Còn nhớ hồi 1985 thế kỷ trước ở Viện QLKT TW,tôi cũng đã được cử đi nghiên cứu tình hình vài địa phương,đơn vị- nơi có những đột phá về cơ chế quản lý kiểu như QN hiện nay.Chính nhờ có những người lãnh đạo và nhân dân địa phương tại Đồ Sơn,Long An,Thái Bình, Vĩnh Phú , Thương nghiệp HCM của bà Ba Thi v.v.dám phá rào làm chui ngược với chỉ đạo của TW nên mới có NG/Q 6 về đổi mới năm 1986. Sự thật là trí ruệ của quần chúng, cán bộ địa phương đã phá vỡ những tư tưởng bảo thủ của một số lãnh đạo cấp trên trong mọi cuộc đổi mới đất nước. May mắn là dịp đó, Ông TBT cũ họ Lê đã mất, thay vào đó là những người biết nghe dân,dám nhìn thẳng vào sự thật v.v. nên cuộc đổi mới lần một đã diễn ra. Giờ đây đã đến lúc buộc phải đổi mới lần hai, những tư duy mới như QN là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên so sánh hai giai đoạn,tôi thấy lần này cái thai đổi mới quặt quẹo,yếu ớt hơn nhiều. Lý do quan trọng là thiếu một thuyền trưởng,một bà đỡ có tư tưởng đột phá ,đồng thời thiếu đi động lực chung khiến tất cả cùng nhìn về một phía. Hiện nay, mỗi người, mỗi nhóm quyền lực sinh ra từ lợi ích đều có những "định hướng " khác nhau,khiến cái mới rất vất vả khi ra đời. Tôi cho rằng chỉ khi nào có một bộ phận lãnh đạo dám làm dám chịu,thật lòng vì nước vì dân thì những cuộc thí nghiệm kiểu QN mới có cơ hội được thừa nhận và nhân rộng thành quốc sách; nhờ đó đưa nước nhà thoát khỏi vũng lầy tụt hậu...Phải thế chăng?
Trả lờiXóa