Trang

7 tháng 10, 2015

Việt Nam sẽ phải làm gì khi gia nhập TPP

Mặc Lâm, biên tập viên RFA,


Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015
Việt Nam được biết là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 thành viên gia nhập TPP, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó còn rất nhiều rào cản mà doanh nghiệp cũng như nhà nước phải vượt qua nếu không cuộc chơi sẽ gặp trở ngại và không khéo có thể mất những cơ hội thành công trong thị phần khổng lồ này. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương để tìm hiểu thêm vấn đề.

Mặc Lâm: TPP vừa ký kết xong và VN được xem là nước hưởng nhiều nguồn lợi nhất trong các đối tác. Theo TS thì điều thuận lợi nào mà ông cho là có khả năng xảy ra nhất thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam gia nhập TPP thì sẽ có 11 nước đối tác trong đó phần lớn các nước có trình độ phát triển cao hơn chúng ta nhiều cho nên Việt Nam sẽ có một cơ cấu kinh tế bổ xung cho các nước đó và hàng hóa của Việt Nam và các nước bổ xung cho nhau và ít cạnh tranh hơn. Nếu như so sánh giữa Việt Nam và ASEAN thì chúng ta có thể thấy là ASEAN và Việt Nam cạnh tranh với hàng hóa của Thái Lan, dệt may của Campuchia và cạnh tranh hàng điện tử của Malaysia. Nhưng trong trường hợp của TPP thì Việt Nam có điều kiện dễ dàng hơn rất nhiều.
Sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tập trung vào các lãnh vực như dệt may da giày túi xách hay các mặt hàng đồ gỗ, hay các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như café hồ tiêu và các mặt hàng khác sẽ rất thuận lợi. Vì vậy cho nên cái thuận lợi của Việt Nam nó nằm trong cơ cấu kinh tế.

TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của VN

TS Lê Đăng Doanh

Hơn thế nữa Nhật Bản rất quan tâm hợp tác với Việt Nam về nông nghiệp, sản xuất rau quả tươi để xuất khẩu sang Nhật và hai bên có thể hợp tác vì lợi ích của cả hai. Đấy là những điều tôi nghĩ rất thuận lợi đối với Việt Nam.

Mặc Lâm: Như TS vừa nói thì dệt may và da giày là hai mối lợi xuất khẩu thiết thực nhất, tuy nhiên rào cản kỹ thuật của TPP ghi rõ là nguyên liệu dành cho sản xuất phải mua từ các nước có tên trong hiệp định. Công nghệ may gia công của VN đang nhập nguyên liệu của Trung Quốc là chính do đó VN phải giải quyết nút thắt này như thế nào thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Việc TPP yêu cầu có hàm lượng sợi trong TPP khoảng 70%, tôi không rõ là Việt Nam có thỏa thuận được điều kiện nào thuận lợi hơn hay không nhưng với tình hình như vậy thì tôi nghĩ nó cũng có cái lý của nó đó là TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam

Mặc Lâm: Các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ gặp rào cản lớn trong vấn đề thành lập công đoàn cho công nhân độc lập với công đoàn của nhà nước, mặc dù hiện nay VN có thời gian là 5 năm để chuẩn bị cho yêu cầu nghiêm ngặt này. TS có nghĩ rằng vì lợi ích kinh tế của quốc gia Việt Nam sẽ vượt qua được nút thắt này hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam đã chấp nhận các điều kiện như vậy và tôi nghĩ rằng nếu có quyết tâm thực hiện và tổ chức tốt thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này.

Mặc Lâm: Riêng về khung pháp luật phù hợp với TPP thì hiện nay chúng ta vẫn còn trong tình trạng soạn thảo, liệu có đủ thời gian để làm công việc phức tạp này hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Vâng, Việt Nam đã thấy điều đó, thí dụ như Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp làm việc với các Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để giảm bớt để giàm bớt các thủ tục và gần đây nhất vào ngày 12 tháng 3 năm 2015 thì chính phủ đã có ban hành cái nghị quyết 19 và hiện nay đang tích cực thực hiện nghị quyết này để giảm bớt chi phí và thời gian đối với doanh nghiệp. Tôi nghĩ việc gia nhập TPP và Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện những điều kiện của TPP sẽ là đòn bẫy từ bên ngoài để thúc đẩy Việt Nam cải cách.

Mặc Lâm: Tin VN gia nhập TPP giống như một làn sóng lớn ập xuống doanh nghiệp và cả chính phủ với hàng ngàn việc cần phải làm. Theo ông khả năng hòa nhập cũng như thích hợp với thị trường mới của doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng chưa trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.

TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ Việt Nam đang có thời gian để đẩy mạnh việc thực hiện. Bởi vì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ không có điều kiện để có thể hiểu biết và quan tâm nhiều đến các yêu cầu về TPP.

Vì vậy tôi nghĩ trong thời gian mà Quốc hội các nước còn phải thông qua thì Việt Nam nên tranh thủ việc tổ chức thực hiện, cũng như giúp đỡ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thể chế. Tôi nghĩ rằng đó là những điều Việt Nam đã nhận thức và có thể làm được trong thời gian tới.


Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh.

8 nhận xét:

  1. Cánh cửa hẹp nhưng VN đã lọt qua . Vận nước vẫn còn, các cụ nhỉ ? Nếu trong thời gian tới chúng ta được chứng kiến sự thay đổi cơ bản của thể chế thì lại thêm một dấu son nữa trong cuộc đời 7-80 năm sống của chúng ta ! Hãy cố mà sống các cụ ơi !

    Trả lờiXóa
  2. Trong khi các sự kiện Nga tham chiến ở Syria,người tỵ nạn tràn ngập Châu Âu v.v. đang thu hút sự chú ý của thế giới thì việc 12 nước chính thức ký thoả thuận TPP nổi lên như một tiếng sấm rền. Tôi cho là như vậy. Ngoài những bình luận, phân tích của các nước thành viên, TQ cũng đã bắt đầu tỏ thái độ. Họ gọi TPP là "NATO kinh tế"...Riêng đối với VN thì TS Lê Đăng Doanh đã trả lời khá đầy đủ. (Về Ông này, từng có lần tôi đã phác thảo vài dòng chân dung, nay xin không nhắc lại.) Ở đây chỉ nêu hai ý , mong chia sẻ cùng các cụ. Một là : Đã ký tham gia TPP có nghĩa là VN đã buộc phải chấp nhận một số đòi hỏi cải cách thế chế chính trị, chứ không chỉ về kinh tế như trước nay mấy vị cứ lẩn như trạch.. Chẳng hạn, v/đ quyền con người, mở rộng quyền tự chủ của Doanh nghiệp tư nhân, giảm bớt chi phối của DN Nhà nước, thành lập công đoàn độc lập v.v.. Mọi người đều biết, từ khi có Đảng CS đến nay,, công đoàn các cấp luôn được coi là tỗ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân do Đãng trực tiếp lãnh đạo. Nay công nhân được quyền tự bàu ra lãnh tụ công đoàn riêng của mình không theo chỉ đạo của Đảng thì sẽ thế nào? Liệu khi đó có xuất hiện những "công đoàn Đoàn Kết " kiểu Balan hồi trước CM màu ở Đông Âu? Dĩ nhiên mấy ổng sẽ có cách "lách luật TPP" để tiếp tục duy trì vị thế "lãnh đạo" nhưng dù sao đây vẫn là một bước tiến đáng kể trên con đường dân chủ hóa đất nước. Hai là. Khi TPP_ chính thức hoạt động, sự đi lại giao thương trên BĐ giữa các nước sẽ được tăng cường đáng kể với một vị thế pháp lý công khai và mạnh mẽ hơn rất nhiều . Vậy TQ sẽ làm gì với cái lưỡi bò khủng do họ tưởng tượng ra? cấm đoán ư? không thể, vì TQ có thể bắt nạt VN, Phi, thậm chí đe nẹt cả Nhật v.v. nhưng không thể đụng đến lợi ích của 12 nước đã liên kết với nhau thành một chuỗi mắt xích liên hoàn. Như vậy mặc nhiên,VN sẽ có chỗ dựa pháp lý quốc tế mạnh mẽ trong việc bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình trước mối đe dọa từ TQ. Đó chính là ý nghĩa lịch sử sâu xa và tầm quan trọng chiến lược to lớn của TPP mà VN chúng ta càn tận dụng khai thác tối đa, không được phép bỏ lỡ thời cơ...Phải thế chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Kyvi phân tích rất chí lý. Cụ lẽ ra phải làm cố vấn cho LĐ cấp cao mới đúng. HiHi!!

      Xóa
  3. Iem chả dám mô! Cứ nghĩ sao nói thẳng vậy, không biết luồn lách, nịnh bợ,kiếm chác v.v. thì rồi có ngày ăn quả ung thư...Bạn LTH nói đùa vậy, mình cũng đùa tý cho vui thôi; mỗi người đều có số má cả...

    Trả lờiXóa
  4. Gia nhập TPP Việt Nam phải làm gì ư. Vấn đề quá lớn, ít nhiều từ ông Doanh, kể cả các ông to hơn, bé hơn... rồi các Cụ Làng ta đã đề cập đến phần nào...
    Nhưng khó có ai có thể liệt kê hêt các viêc cụ thể mà VN cần phải làm trong 1 bài viết.
    Vây.xin ngằn gọn: Để gia nhập TPP, VIỆC PHẢI LÀM trước hết và quyêt đinh của VN là phải thay đổi, từ 1 Nước "KHÔNG CHỊU PHÁT TRIÊN" thành Nước "MONG MUỐN PHAT TRIÊN".

    Trả lờiXóa
  5. Em cũng không ảo tưởng ( đúng hơn là hy vọng ) lớn vào TPP sẽ làm thay đổi nhanh chóng diện mạo kinh tế VN...nhưng ít ra các Cụ LĐ cũng phải cắt bớt mấy cái đuôi đã đeo đẳng trong nhận thức và hành động của họ mà chúng ta đã quá mệt mỏi!

    Trả lờiXóa
  6. Khá là nhiều vấn đề chúng ta sẽ gặp phải khi gia nhập TTP bên cạnh mặt lợi thì vẫn có những mặt hại của nó. Riêng vấn đề công nghiệp hoá hiện đại hoá cũng có nhiều khía cạnh chưa tốt rồi.
    Nhân tiện nếu có thắc mắc thêm về thẩm mỹ cắt mắt hai mí giá bao nhiêu thì có thể liên hệ để được tư vấn ạ.

    Trả lờiXóa