Trang

14 tháng 3, 2014

Đôi điều suy ngẫm về lời nhắn nhủ của Đại Tướng


Mọi người đều biết lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của tầng lớp doanh nhân nước ta trong giai đoạn lịch sử mới. Mỗi khi có dịp, Ông lại dành cho doanh nhân những lời dặn dò vô cùng sâu sắc. Năm 2004, Ông là một trong những nhà lãnh đạo ủng hộ nhiệt tình nhất sự ra đời của "Ngày Doanh nhân Việt nam" và ngay lá thư đầu tiên đã căn dặn mọi doanh nhân phải "quyết và biết" dấn thân hoạt động sản xuất kinh doanh đem lại sự giàu mạnh cho đất nước cũng như hạnh phúc của mỗi người dân. Ngày 13.10.2013 trước lúc đi xa, Đại tướng đã kịp khởi thảo và gửi lá thư cuối cùng nhân ngày Doanh nhân VN với lời nhắn nhủ hết sức sáng tạo, táo bạo, vừa mang tính thời đại vừa bám rất sát thực tiễn nước ta. Lá thư có đoạn: Doanh nhân VN cần  "Luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn".


Thật vậy. Nước ta với những điều kiện tự nhiên,dân số, vị trí địa lý chế độ chính trị v.v... có nhiều thuận lợi, lại bước ra thị trường thế giới với tư thế của người chiến thắng, nhưng sau gần 40 năm tính từ ngày thống nhất đất nước, chúng ta vẫn chưa thể trở thành một nước có nền kinh tế phát triển xứng tầm so với những nước trong khu vực. Khoảng cách tụt hậu có nguy cơ ngày càng doãng ra. 

Theo khái quát của Đại tướng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất chinh là trong thời gian dài, chúng ta vẫn bị "ràng buộc của lối mòn". Đó là những lối mòn nào? Phải chăng chính là tư duy kinh tế cũ kỹ từ một thời tập trung quan liêu bao cấp kéo dài được biến tướng dưới những vỏ bọc khác nhau, mà đặc điểm quan trọng nhất là cơ chế "xin-cho"?, đi liền với nó là chủ nghĩa hình thức và tệ dối trá? là những quyết định chủ quan xa thực tế, coi nhẹ qui luật thị trường, là những định kiến đối với tầng lớp doanh nhân cùng vai trò của họ trong lịch sử? là lối làm ăn chụp dựt mạnh ai nấy lo, khó hợp tác với nhau, cũng có thể là cung cách tư duy tiểu nông, tự cấp tự túc, manh mún loanh quanh khu ruộng nhỏ với công nghệ và công cụ tồn tại hàng ngàn năm, rất xa lạ với lối làm ăn lớn?

Tất cả đã “ràng buộc” suy nghĩ và hành động của chúng ta trong một thời gian dài, làm hạn chế thắng lợi, gây lãng phí của cải, tài nguyên, phá hoại môi trường, đặc biệt làm phát sinh tiêu cực xã hội mà điển hình là vấn nạn tham nhũng. Hậu quả tai hại nhưng không dễ thấy của những lối mòn nêu trên chính là hiệu quả chung của nền kinh tế không tương xứng với nhân tài, vật lực bỏ ra và tiềm năng của đất nước nói chung. Kết quả đạt được của nền kinh tế là không nhỏ nhưng những cái mất đi không đáng mất cũng rất to lớn. Bởi xét đến cùng, một nền kinh tế chỉ được coi là tiên tiến khi nó đạt được hiệu quả cao so với những chi phí tổng hợp mà nó bị mất đi, cả về vật chất lẫn tinh thần, cả con người, xã hội và môi trường thiên nhiên. Do đó hiệu quả thực tế chính là thước đo quan trọng nhất đối với mọi hoạt động của chúng ta, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường thời hội nhập. Làm ra sản phẩm hàng hóa gì và số lượng bao nhiêu cũng quan trọng nhưng làm sản phẩm đó bằng cách nào còn quan trọng hơn.

Như vậy theo tư duy chiến lược của Đại Tướng, mọi doanh nhân Việt Nam hiện nay trước hết phải dám và biết cách đổi mới tư duy đến mức triệt để, từ bỏ mọi lối mòn cũ kỹ từ lâu, phấn đấu “nghĩ những điều chưa ai nghĩ". Nói theo thuật ngữ hiện hành thì họ phải “tái cơ cấu tư duy” của bản thân trước khi tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nhờ đó tái cơ cấu cả nền kinh tế nói chung, không chỉ là tái cơ cấu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó tiến lên “làm những điều chưa có tiền lệ”, cụ thể là không ngừng sáng tạo ra những ý tưởng kinh doanh mới, chiến lược và mô hình hoạt động mới, gắn liền với những sản phẩm và dịch vụ độc đáo có giá trị kinh tế cao trước đó chưa hề có, dựa vào những công nghệ hàng đầu chưa từng biết tới v.v...

Đó chính là những yếu tố cơ bản của một nền kinh tế tri thức mà cả thế giới văn minh đang hướng tới, trong đó Việt Nam không thể là ngoại lệ nếu không muốn ngày càng tụt hậu thêm nữa. Chúng ta sẽ luôn là người đi sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu nếu không hướng tới nền kinh tế sáng tạo lấy tri thức làm nền tảng. Vì vậy, có thể nói nền kinh tế tri thức chính là nền kinh tế sáng tạo và ngược lại. Cho nên dường như đã đến lúc cần một định hướng mới cho mọi hoạt động xã hội trong đó có kinh doanh: chúng ta “phải xây dựng một xã hội học tập và sáng tạo”, thay vì chỉ khuyến khích học tâp. (xã hội học tập). Bởi lẽ, học tập là hành vi thu nhận, thậm chí có khi là học vẹt, sáo mòn, thuộc lòng những điều người khác đã nghĩ hộ từ lâu, hơn nữa nếu ai đó chỉ có học nhằm mục đích thăng quan tiến chức thì rất có thể gây hại…

Sáng tạo mới là cho, là công hiến thông qua ứng dụng những điều học được.

Lời dăn dò cuối cùng của vị Đại Tướng đáng kính nhân ngày doanh nhân Việt Nam chính là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của các doanh nhân cũng như mỗi người dân chúng ta nói chung nhằm đạt được những kết quả thực tế trong mọi công việc thường ngày, nhờ đó, tăng thêm sức cạnh tranh cho nền kinh tế nước ta trong thời đại hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét