PHẦN 1
Tác giả : Phúc Kỳ
Nhân vật: 1. Ông Sinh: - Cựu chiến binh, chủ Trang trại..52 tuổi..Bố Trần Vinh.
2. Ô . Phong, bạn của ông Sinh thời chiến. Đại tá về hưu.58 tuổi, anh họ ông Dần .
3. Ô . Vi Dần.Trước tên là Bung..Cán bộ lãnh đạo một Huyện ,trong chiến tranh,có thời gian cùng đơn vị với Ô Sinh. khoảng 53 tuổi.
4 . Bà vợ ông Dần .
5. Vân - con gái Ô Dần , cán bộ KHKT.
6. Trần Vinh, 28-30 tuổi, cán bộ khuyến lâm Huyện, người yêu của Vân.
. Một số nhân vật phụ.
Lời dẫn : .. Đại tá Phong mới về nghỉ chờ quyết định hưu trí đợc mấy tháng nay ; ông không thích ở thành phố với đứa con trai nên quyết định xây lại ngôi nhà thừa tự rồi dọn về làng sau bao nhiêu năm chinh chiến . Hôm nay ông đang ngồi trước bàn nước hý hoáy ghi ghi chép chép thì bỗng có tiếng gọi ngoài cổng.Rồi một ngời đàn ông luống tuổi mặc bộ đại cán đã sờn xuất hiện:
Khách : - Ông Phong có nhà không ?
Ô Phong : - Có tôi đây, ai đấy, mời vào.
Khách : - Chào ông đại tá,thế nào, có nhận ra ai đây không?
Ô. Phong : - Ông ...Ông là.. thôi đúng rồi .. Sinh...Sinh số 2...ba bẩy hai nòng , phải không ?
Khách ( từ nay gọi là Ô Sinh):
- Không chệch một ly...Trí nhớ ông khá thật, gần 40 năm rồi mới gặp lại nhau, vậy mà ông vẫn gọi đúng tên thời chiến của tôi, phục ông sát đất đấy.
Ô Phong : - Có gì đâu, đồng đội cũ mà, ...tôi vẫn nhớ hồi ấy ông thính tai lắm, mới thoáng nghe đã nhận ngay ra thằng nào là F5 thần sấm, F4 con ma, hoặc A4 hải quân...chà chà nhanh thật.. mới đó mà đã mấy chục năm... à mà làm sao ông biết tôi ở đây...ơ kìa, sao cứ đứng thế, ngồi xuống đã ...
Ô Sinh : - Tôi phục viên về quê , có thằng con đang làm ở lâm nghiệp Huyện này. Hôm nọ gặp một anh bạn CCB ghi cho cái địa chỉ, thế là hôm nay tiện đường đến chỗ thằng con, tôi tạt vào thăm ông, có phiền gì không đấy.
Ô Phong : - Bạn chiến đấu cũ, còn được trông thấy nhau là quí quá rồi, khách sáo làm gì. Cứ ở đây mấy ngày chơi cho khoẻ, tôi sắp nhận sổ, chả đi đâu phải vội.... ( gọi với vào trong ) Này...thằng cu Tý chạy ra chợ gọi bà về , bảo ông có khách quí...nhá...
Dẫn : Bữa đó, hai ông bạn gìa nhậu lai rai, chuyện nọ sang chuyện kia, lúc cời như pháo nổ, lúc laị trầm ngâm như những nhà hiền triết. Cuối bữa tiệc,ông Phong mới hỏi bạn, giọng đã hơi dinh dính:
Ô Phong : - Nào,.. nốt chén này.Thế ..lúc nãy ông bảo thằng con trai làm sao.?
Ông Sinh - Khà, cái thứ" cao gạo" quê ông ...êm đáo để.. Tôi cũng không thật tỏ tường..chỉ nghe bọn bạn nó bảo ..hình như ..thằng này..đấu tranh ...chống vụ phá rừng gì đó... rồi bị trù úm .....có khi phải giảm biên chế...cho về vườn..Ngày mai,tôi vào xem sao, nếu quả vậy thì gọi nó về luôn.
Ô Phong : - Không được, ông tính thế là thủ tiêu đấu tranh..nghe chửa. Muốn đi đâu thì đi, vẫn phải làm rõ thật hư cái đã...à phải rồi, để tôi viết lá thư giới thiệu ông đến chỗ thằng em con ông chú ruột ; nó là lãnh đạo Huyện từ khoá trước...
Ô . Sinh : - Thôi ông ơi, chả ăn thua gì đâu, tôi biết tính thằng con tôi, nó có năng lực nhng tồ tồ... nóng nảy... hơi tý là đốp luôn nên chả được lòng ông thủ trưởng nào cả.
Ô Phong : - Ông nói lạ, việc gì ra việc nấy, này... nếu đụng vào nguyên tắc, phạm vào pháp luật thì phải làm đến nơi đến chốn, lơ mơ thế nào được...ông cứ đến gặp thằng em tôi.Nó cũng từng là lính đấy.
Ô Sinh : - ông ấy cũng cựu chiến binh à, nếu vậy thì may ra...
Ô Phong : - Nói thật..Tôi mới về, chưa nắm hết tình hình...chỉ nghe loáng thoáng vài dư luận quần chúng. Người thì khen, người thì bảo nó chả giỏi giang gì, chỉ láu cá vặt... ở bộ đội về, nó bỏ tên cũ, khai tên mới trong lý lịch là Vi Dần.
Ô Sinh : - Tên hay quá,... .. Vi Dần .. Vi Dần...nói lái đi là Vì dân.Tuyệt vời. Nhưng.. tôi cứ xin nói thẳng nhá..tôi ngại đến nhà các quan lắm.
Ô Phong : - Ông học đâu cái lối nói năng ấy đấy? ngày mai chủ nhật , ông cứ đến thẳng nhà nó nói chuyện cho rõ ngọn ngành.Để tôi viết mấy chữ, nhân tiện nhắc về việc sinh hoạt Hội CCB lần tơí.
Ô Sinh : - Hay là ông đi với tôi cho đỡ ngại.
Ô Phong : - Ngày mai tôi phải chủ trì đám ăn hỏi con cháu gái nên không đi được; ông chả có gì phải ngại; ngày xưa ông nổi tiếng gan lỳ cơ mà..
Ô Sinh : - ờ..Thôi thì tôi xin nghe lời ông, cũng thử một chuyến xem sao.
Dẫn : Ngày hôm sau, trong ngôi nhà 3 tầng sang trọng ngự giữa thị xã Thành Xuân mới thành lập, vợ chồng ông Dần đang vừa nói chuyện vừa nhâm nhi tách cà phê do đứa cháu gái đưa lên.
Bà: - Ông ơi, cái Vân nhà mình năm nay 24,25 tuổi rồi mà tôi chả thấy nó nói chuyện chồng con gì cả, ông xem thế nào chứ ..con gái lỡ thì, lắm chuyện thị phi đấy.
Ông Dần : - Bà vẫn tư duy theo kiểu cũ; thanh niên chúng nó bây giờ khác xưa nhiều rồi, con trai 30 , con gái 25,26 tuổi mới xây dựng gia đình là chuyện thường.
Bà - Tôi với ông có mỗi mụn con gái , rõ là được ngời được nết...bao nhiêu con nhà danh giá đánh tiếng, vậy mà nó chả duyệt đứa nào .
Ô Dần : - Bà đừng lo cho nó, tự khắc nó biết lấy chồng; Hiện giờ, tôi đang tập trung giải quyết dứt điểm mấy vụ việc nổi cộm ở Huyện , bà đừng làm tôi phân tán tư tởng.
Bà : - Lại vụ phá rừng chứ gì, ôi dào, việc bé như con muỗi, chẳng qua cái bọn ghen ăn tức ở nó chọc ngoáy, định thừa cơ lật ông đấy thôi.
Ô Dần : - Bà đừng phát ngôn lung tung; chung qui chỉ tại thằng cháu bà cậy thế làm càn; không thu xếp êm thấm thì tôi bị ảnh hưởng là cái chắc.
Bà : - Vậy ..tôi... tôi xin nói thật, nó cũng đưa tôi một khoản kha khá, dồn mấy món vào, tôi mua thêm một mảnh đất nữa ngoài Hà Nội, kín như bưng ông ạ.
Ông Dần : - Trời ơi, thế là bà hại tôi rồi, tôi đã nhắc bao nhiêu lần mà bà có nhớ cho đâu: Những vụ quá lộ liễu thì đừng đụng vào, hiểu chưa.
Bà - Thì ai học đợc chữ ngờ, chỉ tại cái bọn ranh con chúng nó tố giác, nếu không thì cũng xuôi rồi
Ông Dần : - Cụ thể bọn nào ,bà biết chưa, Mà thôi, để tôi hỏi cậu trưởng Phòng Nông nghiệp xem sao.(quay số điện thoại) ..
- Alô, Lĩnh đấy à, Cậu nói đi,các cậu giải quyết vụ gỗ lạt đến đâu rồi.?
(Tiếng Lĩnh trong điện thoại):
- Báo cáo anh,thằng cháu gọi chị nhà bằng cô xin khai thác 3 ha rừng trồng đến tuổi, nhưng móc ngoặc với kiểm lâm chặt hạ thêm mấy trăm khối gỗ quí tại rừng phòng hộ, có người tố cáo, thế là ồn cả lên.Kể ra, không có đứa chọc gậy bánh xe thì cũng êm rồi anh ạ.
Ô Dần: - Tôi đã nhắc bao lần , sao các cậu không chịu nhớ, hả. Cậu vừa hay quên vừa thiếu sâu sát trong công việc , tác phong như vậy là không đổi mới đâu. . Thế đã điều tra ra kẻ gây rối chưa.
Lĩnh - Xác định rồi. nó là thằng Trần Vinh bên khuyến lâm.
Ô Dần : - Bây giờ thế này: Thứ nhất, các cậu sẽ phải kiểm điểm trước thờng vụ Huyện uỷ; thứ hai:phải tịch thu số gỗ khai thác lậu còn sót lại,không được để dấu vết gì tại hiện trường; thứ ba:.Sắp tới có đợt giảm biên chế, các cậu linh hoạt vận dụng chủ trương của trên, không để ảnh hưởng tới uy tín lãnh đạo địa phơng. Nhớ chưa? Thôi, khẩn trương giải quyết ngay đi . Tuần sau báo cáó tôi, đừng quên đấy.
Dẫn: Đúng lúc đó bỗng có tiếng chuông ngoài cổng " bính boong" khiến ông Dần giật thót mình; lát sau cô bé giúp việc vào báo có một cụ già xin vào gặp, ông chưa kịp hiểu chuyện gì thì người khách đã vào đến nơi.
Ông Sinh: -Chào ông bà... tôi ..tôi xin lỗi..chả là có lá thư gửi ông bà..
Ô Dần : (Hơi khó chịu) - Lại đơn thư khiếu nại , sao bác không để ngày mai ra phòng tiếp dân giải quyết. cứ đến nhà riêng thế này là không đúng nguyên tăc đâu, mà tôi hỏi.. ai giới thiệu bác đến đây?
Ô Sinh : -Tôi...tôi là bạn ông Phong, ông ấy có gửi đồng chí lá thư .
Ông Dần : -Lại thư tay ông Phong, thôi được rồi, bác đưa tôi xem nào. (Tiếng giấy sột soạt)..
.Ô Sinh : - Báo cáo ... tôi quê mùa không thạo cái sự nói năng, mong đồng chí thông cảm, chả là tôi có thằng con làm bên lâm nghiệp Huyện ta...
Ô Dần : - Tên nó là Trần Vinh, đúng không?
Ô Sinh : - Vâng, đúng đấy ạ. Đồng chí quả là sâu sát cấp dưới, nhớ đến cả nhân viên thường trong hàng trăm cán bộ của Huyện.
Ô Dần : - Thôi được rồi, thế này nhá,Ông Phong có viết cho tôi về vấn đề của cậu Vinh ..nhưng việc này không giải quyết được đâu.
Ô Sinh : - Vâng, tôi cũng biết là khó, nhưng nể tình đồng ...à không , nể ông Phong, mong đồng chí thông cảm giúp cho..
ô Dần: - Việc này thuộc thẩm quyền Phòng Nông nghiệp, đáng lẽ bác phải đến đó trực tiếp đề đạt.Nhưng nể ông Phong,mà bác lại là bạn ông ấy, nên tôi chỉ có thể nêu ý kiến thế này: Theo báo cáo của đơn vị thì thằng con bác thuộc diện vô tổ chức, vô kỷ luật, hay xúi dục anh em chống đối lãnh đạo; bởi vậy dù rất quí bác nhưng tôi không thể can thiệp vào việc của ngành dọc được. Làm như vậy là sai nguyên tắc, bác hiểu không?
Ô Sinh : - Nghĩa là..
Ô Dần : - Bác cứ về nói với Ô Phong là việc của tổ chức, không thể giải quyết theo con đường thư tay cá nhân như vậy; cứ để anh em người ta làm cho đúng nguyên tắc.
Ô Sinh - Nhưng, thằng con tôi nói nó bị trù úm vì đã tố giác vụ phá rừng chứ không phải.. .
Ô Dần - Hả, bác nói gì, nói lại xem nào, ai phá rừng? phá hồi nào? ở đâu? ..tôi chưa nhận đợc báo cáo chính thức của cơ quan chức năng, vì vậy chưa thể có ý kiến gì... nhưng mà con bác phải cẩn thận đấy, nếu mắc vào cái tội khiếu nại vượt cấp, gây mất đoàn kết nội bộ thì nặng lắm ..không ai cứu nổi đâu.
Ô Sinh : - Nhưng ...trước đó thằng con tôi vẫn thuộc diện cảm tình Đảng..
Ô Dần : -( gắt gỏng) ơ hay, Tôi nói thế mà bác vẫn "con tôi, con tôi"; vậy bác tin tôi hay tin con bác, hả? ( Dịu dọng)..Tốt nhất, bác nên khuyên bảo nó cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên giao, đừng gây khó khăn cho lãnh đạo, có vậy tôi mới có cơ sở nâng đỡ nó chứ, bác hiểu chưa.
Ô Sinh : - Vâng, Tôi hiểu , nếu thằng con tôi hư đốn như đơn vị nhận xét thì nó liệu hồn với tôi, nó không được bôi xấu thanh danh gia đình cựu chiến binh, nhưng nếu nó vô tội mà bị trù úm thì tôi sẽ làm đơn …
Ô Dần : - Sao ? bác làm đơn...bác định cùng với nó kiện cáo chống đối tổ chức phải không..
Ô Sinh - Không, tôi cũng đã từng được rèn luyện trong quân ngũ nên biết chứ, tôi sẽ làm đơn xin cho nó nghỉ luôn để về đỡ đần tôi việc nhà , thôi, xin vô phép, tôi về..
Bà : (Giọng mơn trớn, xoa dịu) - ấy, bác ...hẵng hượm để tôi có ý kiến với bác đã.Ta là bậc cha mẹ, cứ phải bình tĩnh tháo gỡ khó khăn cho con cháu. Theo tôi, bác nên khuyên bảo cháu suy tính cho hết nước cờ; cá nhân mà đối chọi với tập thể thì chỉ có mẻ đầu sứt trán.. vì vậy ta nên dĩ hoà vi quí để chờ thời cơ tiến bộ ,phải không bác. ...
Ô Sinh - Vâng, tôi hiểu ý ông bà. Nghĩa là tốt nhất cứ ngậm miệng lại, phải không ạ.Thôi, có lẽ chẳng có gì để nói nữa, tôi xin phép về, chào ông bà.
Dẫn : Ông Sinh bước vội ra khỏi cổng, lòng cảm thấy buồn không phải vì chuyện thằng con mà vì một chuyện khác hẳn. Ông lẩm bẩm: " quái nhỉ, chẳng nhẽ.. . ". Trong khi đó , vợ chồng ông Dần nhìn nhau lắc đầu, coi như không thèm chấp một ông lão nghèo khổ nói những câu lẩn thẩn của người già. Bên ngoài bỗng có tiếng xe máy hãm phanh.
Vân : - Chào bố, mẹ, ai vừa đến nhà ta đấy ạ.
Bà : - Vân đã về hử, Ôi dào, cái ông bạn dở hơi của bác Phong , đến nhờ giải quyết việc riêng ấy mà ; thôi vào uống cà phê đã; loại chồn số 8 ngon lắm con ạ.
Ô Dần : - Mấy hôm nay con đi đâu, cơ quan người ta đang tìm đấy.
Vân : - ơ kìa, con đang kỳ nghỉ phép năm cơ mà, còn những 3 ngày nữa mới phải đi làm. Mới lại con đã xin phép bố mẹ đi thăm một cơ sở nhân giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại.
Bà : - Thôi ông ơi,để nó nghỉ phép cho thoải mái, lúc nào cũng công việc, còn thời gian đâu mà lo chuyện chồng con.
Vân - Hoan hô mẹ, rất chi là tâm lý.(Ngập ngừng, vẻ ngợng ngiụ)..Bố... mẹ..tiện đây con cũng xin báo cáo...con..con đã nhận lời một người..
Bà : - Thế hử, vậy thì còn gì bằng, nó ở đâu, làm gì , bố mẹ nó làm doanh nghiệp hay chức vụ gì , kinh tế khá không hả con?
Ô Dần: -Bà làm gì mà cật vấn nó như liên thanh thế. Cứ để từ từ nó tâm sự cho nghe; con gái mình xinh xắn, có trình độ, lại thuộc diện cán bộ nguồn của Tỉnh chứ có xoàng đâu. V/đ là phải chọn được một thằng rể tương xứng, nhiều triển vọng để cùng hỗ trợ nhau tiến bộ không ngừng.
Bà: - Ông nói phải, tôi mừng là vì nó tìm được người vừa ý; đãi cát mãi thì cũng phải ra vàng chứ. Nói thật với ông, tôi vẫn muốn nó lấy được người có chức quyền ở Tỉnh ta, vì...cứ hễ dính vào tý chức quyền là sẽ có tiền; nhiều khi tự nhiên người ta đưa đến bắt phải nhận chứ mình cũng chẳng yêu cầu.Khi đã có quyền lại có tiền thì khắc có danh, danh lại đẻ ra tiền, cứ thế mà lên , ông ạ.
Ô Dần : - Bà rất giỏi đếm cua đấy .
Bà - Vâng, tôi không biết tính toán,không đếm từng "con cua" trong cái huyện này thì còn lâu ông mới được như bây giờ, nhá.
Vân : - Thôi , con xin bố mẹ, con đã kịp nói gì đâu mà .
Bà: - Phải đấy, con kể bố mẹ nghe xem anh chị quen nhau từ bao giờ, quê quán nó ở đâu, bố mẹ chức vụ gì, nhà cửa đất đai ra sao. Này,mẹ thích nhất đợc cái nhà mặt đường gần chợ con ạ.
Vân : - Mẹ , anh ấy là cán bộ thường, bố là nông dân , quê mãi trên mạn trung du Tỉnh bên cạnh.
Ô Dần : - Thế hử, nhưng nó làm nghề gì, cơ quan nào?
Vân : - Anh ấy là cán bộ khuyến lâm của Huyện ta.
Ô. Dần : -Hả, khuyến lâm, khuyến lâm..thế tên nó là gì?
Vân : - Anh ấy tên là Vinh, Trần Vinh..
Bà - Vinh, Vinh khuyến lâm, thôi chết tôi rồi ..ông ơi , không khéo..
Ông : - Bà bình tĩnh nào, để con nó nói hết đã.
Vân : - Vâng, chúng con gặp nhau trong Hội nghị tổng kết những đề tài ứng dụng KHKT vào nông lâm nghiệp do Huyện Đoàn tổ chức hồi năm ngoái. Anh ấy là một thanh niên giàu nghị lực, có ý chí và rất thẳng thắn ... chúng con định cuối năm tổ chức..con xin phép bố mẹ .Sắp tới gia đình bên ấy sẽ sang đặt vấn đề chính thức..Nhưng mà hình như bố mẹ biết anh âý?
Bà : - à.. không, có ai biết nó đâu, nhưng mẹ bảo này , đám ấy không được đâu con ạ.
Ông : - Bố hỏi, con đã nghĩ kỹ chưa , con quên những điều bố dặn rồi sao; Việc hôn nhân là vô cùng hệ trọng đối với đời con gái, tại sao con không tỉnh táo lựa chọn một người thích hợp hơn, bố cũng thấy... đám này không ổn.
Vân : - Tại sao hả bố, chúng con rất hợp nhau và yêu nhau cơ mà.
Bà : -( Nóng nảy, cao dọng) Không phải nhiều lời,đã bảo không là không, chị tưởng chị lớn rồi , thời buổi kinh tế thị trường ,con cái muốn làm gì thì làm, hả.Tưởng chọn được đứa nào hoá ra bị cái thằng chuyên chọc ngoáy nghèo rớt mồng tơi nó lừa .
Vân : - Mẹ, mẹ không nên xúc phạm anh ấy.Mẹ đã biết người ta thế nào đâu.
Bà : - Biết hay không , tao cũng cấm mày quan hệ với thằng ấy,Nghe chưa. Việc gì cũng chiều nhưng lấy thằng ấy là dứt khoát không được..
Ông : - ơ kìa bà, bình tĩnh nào...( Nhẹ nhàng với con gái) Con phải nhớ một điều: tự do hôn nhân không có nghĩa là con cái phớt lờ cha mẹ muốn lấy ai thì lấy, muốn làm gì thì làm, đúng không nào...
Vân : - Nhưng con cũng có quyền đi tìm hạnh phúc riêng của mình chứ. Con chỉ lấy người nào con yêu, chứ không muốn biến thành bậc thang cho người khác leo lên danh vọng.
Bà : - Hả , mày nói cái gì, mày ám chỉ ai, hả?
Vân : - Tự bố mẹ cũng biết . Tất cả cái đám con trai do bố mẹ cho phép đến đây tán tỉnh con đều như đồng cô, khoe tiền khoe của ,cậy thần cậy thế, ăn tiêu như phá, nhưng cái đầu thì rỗng tuyếch.
Ông : - Vân , con không được nhìn người cực đoan thế, bố mẹ chỉ mong con có một cuộc sống xứng đáng..
Bà : - ( Hờ khóc) .. ông ơi, thế này thì tôi thà chết quách cho xong...ông ơi, nuôi nó khôn lớn có lông có cánh, rồi nó cãi giả như hát hay thế này thì còn mặt mũi nào nhìn thấy ai nữa đây hả giời...
Vân : - Thôi, đã thế, bố mẹ không phải bận tâm về con nữa, nếu bố mẹ nhất quyết không cho con lấy anh ấy thì ...( Khóc) thì con..con .. ở vậy suốt đời...hu.. hu..( chạy ra )
Ông : - Kìa Vân , con ơi, nghe bố đã nào, Vân..( Với bà )Khổ quá, Bà phải lựa lời dỗ dành nó, rồi dần dần nó nghe ra,chứ chưa chi đã chồm chồm lên như hổ vồ, nó không chịu đâu; tôi lạ gì tính nó.
Bà : - Nhưng mà tôi tức anh ách, chẳng lẽ lại rước cái thằng khốn ấy vào nhà mình à, vậy thì còn ra thể thống gì nữa hả ông.
(Có tiếng chuông cửa, tiếng ông Phong)
Ô Phong : - Chào chú thím, gớm cái đám ăn hỏi rườm rà quá, mãi bây giờ mới xong, tôi tranh thủ sang thăm chú thím. Có chuyện gì mà cái Vân nó khóc rưng rức thế
.Bà : (Giọng sởi lởi) - Vâng, mời bác vào chơi uống nước,nhà em cũng có ý đợi bác đấy ạ.
Ông Dần : - Chắc anh sang đây cũng vì cái vụ con trai ông bạn ..
Ô Phong : - Cũng là một việc, thế chú định giải quyết theo hướng nào.Theo tôi vụ phá rừng là nghiêm trọng đấy, nếu không cương quyết xử lý sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Ô Dần : - Đành rằng vậy nhưng phải để cho anh em nghành dọc họ thực thi nhiệm vụ, đó là nguyên tắc, mình can thiệp vào là sai .
Ô Phong : - Thì tôi có bảo chú can thiệp gì đâu, chỉ muốn chú kiểm tra tìm cho ra thực chất vấn đề để có kết luận và phương pháp xử lý đúng đắn.Mục đích là xử cho đúng người đúng việc, không bỏ xót nhưng cũng đừng làm oan.
Ô Dần : - Anh mới về chưa nắm hết tình hình Huyện nhà, phức tạp lắm anh ạ; nội bộ có v/đ..
Ô Phong : - Tôi cũng nghe phong thanh, chính vì cán bộ mất đoàn kết do nhóm lợi ích nên phong trào trong Huyện rất trầm lắng , cho tới nay vẫn chưa có một điển hình nào về chuyển đổi cơ cấu kinh tế; mà không chuyển đổi, cứ bám mãi vào cây lúa thì còn lâu, đời sống người dân mới khá lên được.
Ô Dần : - Anh nói đúng, nhưng địa phơng còn rất nhiều vấn đề bất cập, chẳng hạn, Tỉnh không đầu tư, không rót vốn cho thì lấy gì mà chuyển đổi..
Ô Phong : - Tôi đi các nơi thấy có tình trạng này: dân thì ngong ngóng xã cho tiền, xã lại chờ huyện rót xuống, huyện chờ Tỉnh chi ngân sách ...đó phải chăng là cái vòng luẩn quẩn của cơ chế XIN- CHO đang kìm hãm đà tiến của chúng ta?
Ô Dần : - Lý luận thì như thế nhng thực tế không đơn giản anh ạ.
Ô Phong : - Vâng,tôi hiểu, tôi cũng chỉ nêu vài suy nghĩ riêng thế thôi, chứ công việc của chú trên đe dưới búa, khó theo ý mình lắm...Này, thế bao giờ thì cái Vân cho bác nó ăn cỗ đấy.
Bà : - Ôi dào, em đang rầu hết cả ruột bác ạ. Chọn ai không chọn, nó lại vơ ngay phải cái thằng...
Ô Dần: - Thôi đi bà, chuyện đâu có đó, bác Phong là thần tượng của nó, bác ấy nói nó nghe ngay. Chuyến này chắc phải nhờ anh ra tay giúp cho.
Ô Phong : - Nói phải củ cải mới nghe, thật ra chuyện yêu đương của lớp trẻ bây giờ không đơn giản như bọn chúng ta ngày xưa, rất khó thuyết phục vì hai quan niệm, hai cách sống quá xa nhau.Theo tôi, chú thím chỉ nêu nguyên tắc chung còn tự chúng phải quyết định lấy hạnh phúc của mình...
Bà : - Mặc kệ các ông , tôi là tôi dứt khoát không gả cái Vân cho thằng ấy.
Dẫn: Tthời gian trôi qua. Tại trang trại của bố con ông Sinh, hôm nay có một đoàn khách quí đến tham quan. Đó là đoàn đại biểu Hội cựu chiến binh Tỉnh X do ông đại tá Phong dẫn đầu. Họ gặp nhau tay bắt mặt mừng mà nớc mắt rng rng...
Ô Phong : - Chà, chà, thằng cha này thế mà khá quá; tẩm ngẩm tầm ngầm dựng lên cái trang trại gần 5 hecta, bây giờ có bạc tỷ chứ chả chơi..
Một người : -( Bỗng reo to ) Kìa, Sinh đấy à, tưởng ai hoá ra quân 37 hai nòng hồi ở Vĩnh linh, đúng chưa?
Ô Sinh : - Lăng, Lăng đo xa...đúng rồi, trông cậu vẫn phong độ nhỉ, chỉ có mái tóc là bạc trắng cả, khoẻ chứ...
Một người : - Này, ông chủ trại, nhìn đi, có nhớ ai đây không?
Ô Sinh : - Từ từ, già quá rồi, khó nhận đây(Bỗng kêu lên)...thôi đúng rồi, ông Lâm B trưởng thông tin, đúng trăm phần trăm, tôi quên thủ trưởng sao được..
Một người - Tôi vừa đọc quyển sổ ghi cảm tưởng của khách đến tham quan Trang trại Ông Sinh. Để tôi đọc vài đoạn các ông nghe nhá, ( Đọc từng tiếng chậm rãi)....." Là một nhà nghiên cứu kinh tế, tôi cho rằng, đây có thể là một trang trại mẫu về sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp ở vùng trung du, miền núi nước ta; ở đây có sự kết hợp khéo léo giữa quá trình đa dạng hoá sản phẩm và chuyên canh hoá; giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa lao động giản đơn và cơ khí hoá..."
Một bà lại viết " ...Tôi rất khâm phúc ý chí vươn lên chiến thắng đói nghèo của ông Sinh, một CCB năm xưa..
Một cậu thanh niên ghi: ... Được tham quan trang trại Bác Sinh, cháu thích lắm; nhất là cái hồ nuôi ba ba; bác thả một nghìn con, nếu tính giá 10-15 đô một cân thì vụ này bác cũng bỏ túi vài trăm triệu ngon lành..."
B trưởng : - ( Trầm ngâm ) Các ông ngồi xuống đây, vừa ăn hoa quả sản phẩm cây nhà lá vườn của ông Sinh , ta vừa ôn chuyện cũ. Tôi kể trường hợp bị thương của ông Sinh cho các ông nghe. Hồi ấy, đơn vị chúng tôi bảo vệ một trận địa tên lửa bên bờ bắc sông Bến hải...
....( Phục hiện trận chiến đấu,tiếng máy bay gầm rú, tiếng súng, tiếng bom nổ, pháo thủ hô..)
Tiếng một người:- -( gào to) .. Alô, alô, tiểu đoàn đâu, trả lời...báo cáo Trung đội trưởng, hữu tuyến đứt, mất liên lạc .
B trưởng - Đi nối ngay, Đồng chí Bung đâu...Bung đâu..
Một người : - Báo cáo, cậu ấy đang dưới hầm
B trưởng : - Gọi lên ngay, nhanh lên.
Bung - - ( Run rẩy ,mặt xanh như tàu lá ) Báo... cáo ...em...em... đánh rơi.. cái kìm nối dây..
B trưởng : - Đồ con khỉ... Đồng chí Sinh đâu, đi thay cậu Bung, nhanh lên, bằng mọi giá phải khôi phục được liên lạc, rõ chưa, đội mũ sắt vào .
Sinh hồi trẻ : - Rõ !
B trưởng - Bung, đứng cạnh tôi, cầm máy. Cậu sẽ bị kỷ luật vì làm mất khí tài chiến đấu... chỉ được cái dẻo mồm tán gái..
Tiếng hô : - Đại đội chú ý, tốp F 4, hướng đông nam, máy bay bổ nhào, bắn...( Từng loạt đạn vang lên)
Một người : - Báo cáo, hữu tuyến thông suốt, đã liên lạc được với tiêủ đoàn..
B trưởng : - Tốt lắm, Sinh về chưa?
Một người : - Báo cáo, đ/c Sinh bị thương, đã đưa về tuyến sau..
( Ngừng phục hiện)
Ông Phong: - Này, Ông kể Bung nào đấy, tôi có thằng em họ cũng tên Bung, hồi đẻ nó , cả nhà chú tôi toàn phải ăn ngô bung nên đặt như vậy,nó kể, cũng có dạo chiến đấu ở VĩnhLinh .
Ô Sinh : - Ông Phong này, bây giờ tôi mới xin nói thật, Ông Vi Dần em ông đích thị là Bung đấy. Vâng, dạo nọ đến nhà, chỉ một lúc sau, tôi nhận ra ông ấy ngay nhưng ông ấy không nhận ra tôi, có lẽ tôi già quá, nhưng .. thế lại hoá hay. Khỏi mang tiếng "thấy lãnh đạo tạo thân quen". Lần này họp mặt sao ông không mời Bung đến cho vui ?
Ô Phong : - Chết nỗi, thật thế à,nó hoàn toàn không nhận ra ông? vô lý thật, tôi có mời nhưng nó kêu bận, xin đến muộn một lúc, sao bây giờ vẫn chưa thấy đâu?..
(Vừa hay có tiếng còi xe ôtô "bim bim" ngoài cổng và Bung - Vi Dần xuất hiện )
Ô Sinh : - Thiêng thật , vừa nhắc là đến ngay. Sài chiếc ô tô sang nhỉ
Ô Bung - Dần : - Chào các đồng chí, xin lỗi anh Phong và các anh, tôi bận họp đến muộn, mong anh em thông cảm.Thế nào, vui vẻ cả chứ ?
Ô Phong : - Chào anh,mời anh đến đây, tôi xin giới thiệu người chủ chi và chủ trì cuộc họp mặt của chúng ta , một người đồng đội cũ , đã âm thầm phấn đấu bao nhiêu năm nay để xây dựng nên cái cơ ngơi này. Hiện ông ấy được liệt vào hạng giàu có của cả vùng ,lại giúp cho nhiều bà con cùng vươn lên xoá đói giảm nghèo... Nào, mời ông Sinh.
Ô Sinh : - Chào ông Bung, vâng, tôi là Sinh 37 hai nòng với ông đây.
Ô Dần : - Hả...ông ..ông là...
Ô Sinh : (Cười độ lượng)- Phải, hôm ấy..ở nhà ông, quả thật, tôi ăn mặc hơi nhếch nhác, lại để râu, cho nên ông không nhận ra.
Ô Dần : - Ông .. Ông là Sinh hữu tuyến... hồi 72...trời, thế mà tôi ...tôi quên ...giờ thì nhớ ra rồi, nhớ thật rồi.
Ô Sinh : - Mời ông ăn na đầu mùa,giống na dai bán được giá lắm ông ạ.Cũng xin báo cáo để ông mừng, thằng con tôi sau khi về giảm biên liền theo học một lớp quản trị kinh doanh, bây giờ, nó làm giám đốc công ty TNHH " Tư vấn phát triển trang trại".
Ô Dần : - Vâng... hồi ấy...tình hình địa phương quá phức tạp,mong ông thông cảm.
Ô Sinh : - Không sao, chính nhờ thoát ra khỏi cái ô bao cấp của Nhà nước mà nó khá lên đấy. Nó cùng đám thanh niên hùn vốn xây dựng trại nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, bận suốt ngày, chả nghĩ gì đến chuyện lấy vợ.
Ô Dần : - (Ngập ngừng) Thế à, vâng..Vâng...ông Sinh ..tôi thật có lỗi với ông... tôi đã quên một người đồng đội...trong chiến đấu. . Lắm lúc nhớ lại cứ nghĩ : nếu lần ấy, tôi đi nối dây, có khi xanh cỏ rồi cũng nên..Nói thực lòng, tôi vẫn có ý tìm ông, nhưng người ta nói ông chuyển nhà đi đâu không rõ..( Tiếng điện thoại di động tút tút )
. .. Xin lỗi...alô ai đấy,
Tiếng bà Dần trong máy vẻ hốt hoảng:
- Ông ơi, ông về ngay đi, có chuyện rồi. Cậu Lĩnh vừa gọi điện báo Thanh tra trên Tỉnh xuống làm việc về vụ gỗ lạt, con Vân đi đâu hôm qua không về nhà, tôi lo thắt ruột thắt gan, ông bỏ ngay cái cuộc gặp mặt mấy ông già, về ngay kẻo nguy to , ông nghe rõ chưa đấy...
Ô Dần : - (Hơi chột dạ vẻ sợ sệt) Hả...rồi.. Được...được rồi, tôi sẽ về ngay.. (Với mọi người,cố ra vẻ bình tĩnh ) .. Xin lỗi anh Phong và các anh... tôi lại có việc đột xuất ở cơ quan Huyện, phải về ngay để giải quyết, không dự tiếp được, mong các anh hết sức thông cảm. (tiếng ôtô rú ga xa dần)
Một người - Các ông thấy chưa, trong cái sướng có cái khổ đấy. Đến nỗi chả nhớ nổi cả người đã cứu mạng mình. .
Ô Phong : - Các ông ạ,tôi thì tôi lại nghĩ thế này: Trong những năm tháng còn lại của đời mình, chúng ta có thể quên một cái tên, một con người nhưng có những điều thiêng liêng hơn, quí báu hơn rất nhiều, chúng ta không bao giờ được phép quên, phải không các ông?
Nhiều ngời: - Đúng quá rồi còn gì, quên thế nào được.
PHẦN 2
Dẫn 1: Tại nhà ông Dần, một không khí lo lắng, nặng nề bao trùm lên cuộc sống vợ chồng ông. Từ khi Thanh tra của Tỉnh xuống tìm hiểu xác minh đơn thư tố giác về vụ phá rừng phòng hộ lấy gỗ bán cho tư thương , vợ chồng ông mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên, lúc nào cũng cảm thấy như có tấm lới vô hình đang bủa vây xung quanh và thít chặt dần .
Bà : - (thầm thì to nhỏ ) Này , thế ông đã làm việc riêng với anh Toàn bí thư Tỉnh chưa? Anh ấy không chắn cho thì gay đây
Ông : - Rồi, nhưng lần này xem ra không ăn thua…Bà phải bán ngay vài lô đất trên Hà Nội để lo chuyện này, nhớ chưa ?
Bà : - Tôi đã nhờ người rao trên báo rồi, này , thế còn .. đoàn Thanh tra có mấy người, ông đã làm việc với họ chưa, có ai thuộc diện quen thân với mình không?
Ông - Không, không quen ai hết, đám này làm việc khác lắm, do một tay mới được đề bạt làm trưởng đoàn, nghe nói rất rắn . Tôi đã bố trí gặp để thăm dò nhưng họ kín như bưng..
Bà - Thế thì nguy đấy ông ạ, phải nghĩ cách gì chứ đành ngồi nhìn người ta làm thịt mình à...(Hạ giọng ) ..Này, tôi bảo nhá, phải tìm cách tách riêng họ ra rồi tỉa từng đứa một. Trước tiên, đánh đổ trưởng đoàn cái đã.. tôi đã bảo bọn đàn em chuẩn bị thật nhiều đạn, cứ bắn mạnh vào là xỉu ngay ấy mà..
Ông - (Bỗng nổi cáu) Thôi đi bà, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới tiền, tiền. Bà biết không, có lúc tiền đè chết người đấy. Nếu bọn họ dăng bẫy, giả vờ nhận rồi bắt quả tang thì lại thêm cái tội hối lộ, bà hiểu chưa?
Bà: - Vậy ... ông định thế nào thì tuỳ ông,tôi mặc kệ.. nhưng mà phải nhanh lên đấy, kẻo họ mà gặp được bọn viết đơn là coi như xong .
Ông - (Mỉa mai )Hừ, xưa nay, bà lắm mưu nhiều mẹo lắm cơ mà ...sao bây giờ buông sớm thế. Mà xét cho cùng cũng tại cái máu tham muốn giàu nhanh của bà mà ra cả đấy...
Bà - ơ hay, ông nói thế mà nghe được à. Không có ông thì cái loại xuất thân nhân viên quèn như tôi làm được gì nào? Ông cứ ngẫm xem, tôi vơ vào cho ai, cho cái thân già này chắc ? Chẳng qua cũng chỉ vì cơ ngơi bố con nhà ông mà tôi phải lao tâm khổ tứ lăn lộn kiếm chác, lắm lúc nghe người ta chửi bóng chửi gió rát cả ruột mà vẫn phải nuốt giận bỏ ngoài tai ; chứ ông tưởng tôi sung sướng lắm hả...
Ông : - Thôi bà im đi , nói lắm chỉ tổ thêm rối .Lúc này mà nội bộ cắn xé nhau thì tan cửa nát nhà cả nút đấy ... Tôi chỉ bực vì không kìm được cái tính nôn nóng của bà , đáng lẽ phải từ từ để ít nhất cũng trụ được vài khoá,đằng này mới có vài năm,bà đã vơ cho đẫy vào rồi bây giờ không khéo mất sạch.
Bà : - Thì ai học đợc chữ ngờ; tôi đã cẩn thận không ra mặt trực tiếp , chỉ làm việc với kiểm lâm rồi "xi nhan" cho thằng cháu là xong.
Ông : - Chết là ở chỗ ấy đấy. Bọn thằng Vinh nó chộp được tay kiểm lâm, mới doạ mấy câu thằng này đã khai ra ...( Dừng ngắn, vẻ ngẫm nghĩ ) . Bây giờ , chỉ còn một cách duy nhất..
Bà : - Hả, ông bảo sao, có đường thoát rồi à, nói mau lên để tôi còn đi lo liệu.
Ông : - Có người rỉ tai tôi: một ông trong đoàn Thanh tra bắn tin: nếu đương sự rút đơn tố giác thì coi như vụ này cho qua... vậy.. bà lại đây tôi nói nhỏ cho mà nghe..
(Có tiếng lào thào của ông Dần rồi tiếng bà hốt hoảng) :
Bà : - Hả, gọi nó đến...đồng ý...hả..không.. không .. thà tôi chết quách cho xong..
Ông : - Bà bình tĩnh nào, việc này tôi quyết rồi, không bàn cãi nữa. Bây giờ tôi lên phòng làm việc, bà gọi nó xuống rồi thực hiện ngay kẻo không kịp đâu. Bà phải nhớ, thời gian bây giờ không chỉ là vàng bạc mà là sinh mạng đấy.( Tiếng chân lên cầu thang, củă đóng)
Bà: - ( Gọi to) Vân ơi Vân, xuống đây mẹ bảo.
Vân: - Mẹ , mẹ gọi con à..vâng, con xuống ngay đây...ơ thế bố đâu ,con tưởng bố mẹ đang nói chuyện..
Bà: - Bố con mệt, đi nghỉ rồi, ( Thở dài ) Rõ khổ, chả biết được cái giải gì mà quanh năm ngày tháng cứ tất ba tất bật , ăn chẳng ngon, ngủ chẳng yên..
Vân: - Vâng, con thấy dạo này bố gầy đi bao nhiêu, tóc bạc trắng cả, lại hay kêu nhức đầu, choáng váng.
Bà: - Mẹ lo cho sức khoẻ của ông ấy lắm. Một phần cũng tại bố con ngày đêm lo cho tương lai hạnh phúc của con, chừng nào con còn chưa yên bề gia thất, bố mẹ còn chưa thể yên tâm.
Vân: - (Hơi nghẹn ngào).. Vâng, con hiểu ... con xin nghe lời bố mẹ.. con sẽ cắt đứt ..với anh ấy..để bố mẹ vui lòng.
Bà - Không, không phải thế.. hôm nay mẹ gọi con xuống đây để bàn với con một việc hệ trọng..
Vân: - Có chuyện gì thế ạ?
Bà: - (Lúng túng khó nói) à... à...Con là máu mủ ruột thịt của bố mẹ nên mẹ nói thẳng , không dấu con điều gì..
Vân: - Khiếp, mẹ nói ngay đi, cứ vòng vo mãi làm con sợ hết hồn..
Bà: - Thôi được, mẹ nói ngay đây.. số là vừa qua,bố báo cho mẹ biết tin Tỉnh cho phép khai thác gỗ ở khu rừng Ngòi Thia, mẹ liên kết với một số người tát nước theo mưa, chặt thêm một ít...việc lộ ra vì có kẻ tố giác... Kẻ ấy chẳng phải ai xa lạ mà chính là thằng Vinh - người yêu con đấy...
Vân: - Thôi chết, đúng rồi, hôm nọ anh ấy cũng nói với con về chuyện tố giác vụ phá rừng, con cứ tưởng chỉ liên quan tới mấy tay kiểm lâm cấu kết với lâm tặc, ai ngờ...
Bà: - Bây giờ việc đã đến tai cấp trên, đang có một đoàn thanh tra của Tỉnh xuống huyện này để xác minh...Nếu người ta thu thập đủ chứng cứ thì cả mẹ cả bố sẽ khó tránh khỏi tù tội, ít thì cũng mất hết chức quyền( sụt sịt)..lúc ấy thì ...con ơi...tương lai con sẽ ra sao...hu hu..
Vân: - (Kêu lên thảng thốt)..Mẹ, sao lại đến nông nỗi ấy hả mẹ...con có ngờ đâu tai vạ lại giáng xuống nhà mình thế này...
Bà: - Bây giờ chỉ còn một cách duy nhất cứu được bố mẹ , con có làm không?
Vân: - Mẹ cứ nói, việc gì con cũng làm để nhà ta thoát khỏi cái nạn này.
Bà: - Vậy hãy nghe mẹ bảo : Bố mẹ đồng ý cho con lấy cậu Vinh với một điều kiện: cậu ta phải rút lại đơn tố giác, huỷ mọi bằng chứng mua bán gỗ lậu mà nó có trong tay.Con phải thay mặt bố mẹ thuyết phục nó vì mẹ biết nó rất mê con.
Vân: - Thì ra vậy, con hiểu rồi, mẹ cứ nói tiếp đi, con vẫn đang nghe đây.
Bà: - Nếu mọi việc trót lọt, bố mẹ còn cho vợ chồng mày ngôi nhà này, mẹ sẽ nghỉ việc ra Hà nội ở với anh Cả ...Thế nào, con rõ rồi chứ?
Vân: - (Bỗng cời như nắc nẻ)..ha ha..ha..Mẹ ơi.. con hiểu rồi...hiểu rõ lắm rồi... nước cờ của bố mẹ cao tay lắm...Nghĩa là ( nghẹn ngào )... bố mẹ ...bố mẹ...bán con cho anh ta để được yên thân...để trốn chạy khỏi pháp luật...đúng không..hay... hay quá...thật không thể chê vào đâu được..
Bà : - Vân,con sao thế.. con không được nói như vậy...chẳng qua bố mẹ thương con,đã nghĩ lại , muốn cho hai đứa được toại nguyện với nhau, rồi cả nhà sẽ thoát nạn, lại bình yên như xưa ; cho nên mới phải nhờ cậy đến con... (Mếu máo )nếu con không thương bố mẹ thì ...thôi...cứ để chúng tôi chết đi cho xong...
Vân: - Kìa mẹ,con xin lỗi... tại con xúc động quá đấy thôi, mẹ đừng nói gì nữa,con hiểu cả rồi.Mẹ cứ yên tâm, con sẽ làm theo ý bố mẹ.. Bây giờ cụ thể con phải làm gì .
Bà: - Ngay ngày mai, con gọi nó đến nhà bác Phong để nói chuyện vì chắc hẳn nó không dám đến nhà mình. Bố mẹ chỉ còn hy vọng vào mỗi mình con thôi,lúc này không ai người ta cứu mình đâu ( mếu máo )nếu con không giúp ..thì nhà ta đành tan đàn xẻ nghé thôi con ạ...
Vâng: - Vâng,con sẽ gọi điện cho anh ấy ngay ...bây giờ, mẹ cho con yên tĩnh một mình , được không?
Bà : - Đợc rồi, đợc rồi,để mẹ lên xem bố mày thế nào...
Vân ( độc thoại nội tâm xen trong tiếng nấc và tiếng nhạc xa nhè nhẹ): ...
- ... Anh Vinh ơi...giờ này anh ở đâu? anh đang nghĩ gì? anh có biết em đang vô cùng khổ tâm và bối rối thế nào không? Từ khi quen biết và yêu anh, em cứ tưởng mọi việc rồi sẽ trôi qua thật là êm đẹp. Chúng ta sẽ được sống bên nhau tràn trề hạnh phúc vì chúng ta đã quá hiểu nhau và yêu nhau, những đứa con của chúng ta sẽ lớn lên trong ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười..vậy mà giờ đây...em đang phải đứng trước một thử thách thật trớ trêu...sao số phận em khắc nghiệt đến thế. Nó bắt em phải lựa chọn: Hoặc là anh, hoặc là bố mẹ. Hoặc làm theo lương tâm và lẽ phải, hoặc phải chấp nhận và chung sống với điều sai trái đến suốt đời, để rồi luôn bị dằn vặt bởi mặc cảm tội lỗi. Anh ơi...Em phải làm gì đây? Em yêu anh, nhưng cũng không muốn là kẻ vô ơn bất hiếu với cha mẹ...Và...và còn đứa con của chúng ta nữa...Anh Vinh, hãy nói với em đi, dù chỉ là một lời thôi...em phải làm sao bây giờ ?
( Nhạc)
Dẫn: Ngày hôm sau, biết ông Phong đi họp vắng, bà Dần bố trí cho Trần Vinh và Vân gặp nhau tại nhà ông.
Vinh : - Kìa Vân, em sao thế? ốm à.Anh nom em không được khoẻ...Hôm qua,sau lúc nhận được điện của em, anh cứ thấy nóng ruột thế nào, không làm được viêc gì ra hồn, chỉ mong chóng sáng để đến đây.
Vân : - Anh còn quan tâm đến em thế cơ à? tưởng cô kỹ sư trợ lý giám đốc mới về bắt mất hồn rồi?
Vinh - Thôi nào, đừng làm khổ anh nữa, mới không gặp em mấy ngày mà anh đã bần thần hết cả ngời, lúc nào cũng nhớ như có lửa nung. Anh nói thật, lần này dù bố mẹ em không đồng ý, anh cũng tổ chức cưới em , như những công dân tự do làm đúng pháp luật.
Vân - Anh thì lúc nào cũng luật với lệ, hôm nay em hẹn anh đến để báo tin mừng ...em.. em có rồi...cái hôm ở nhà sàn du lịch sinh thái ấy..
Vinh: (Ôm chầm lấy Vân, reo to)- Thế à,thật không em? Vậy thì tuyệt vời, hoan hô , hoan hô em. Anh trúng số độc đắc rồi, sắp được làm bố rồi...
Vân: - Kìa, anh, bỏ em xuống , đau.
Vinh: - Vậy thì anh bảo này, phải thu xếp cưới ngay , đừng để muộn quá. Anh sẽ về nói với bố anh chuẩn bị luôn.
Vân: - (ngập ngừng) Nhưng.. anh Vinh..anh có thực lòng yêu em không?
Vinh - ơ kìa, em nói gì lạ thế, đến lúc này mà còn hỏi anh như vậy, em thấy đấy ,từ buổi đầu gặp em, anh đã yêu em và gửi trọn niềm tin nơi em, không một chút đắn đo nào. Em biết tính anh rồi , những việc anh cho là đúng thì không gì ngăn cản được anh không làm, kể cả trời sập.
Vân: - Nếu vậy em sẽ báo anh tin mừng thứ hai.
Vinh - Lại có tin mừng nữa à, chà chà, hôm nay quả là tốt ngày.Nào, tin gì nói mau đi, anh đang sốt ruột đây.
Vân: - Bố mẹ em đã đồng ý cho chúng ta lấy nhau ...
Vinh: - Thế ư ?, vậy thì còn trên cả tuyệt vời ,em ạ. Anh cũng không mong gì hơn . Dù sao , bố mẹ có mặt trong lễ cưới của con cái cũng làm tăng thêm hạnh phúc của con cái lên gấp trăm ngàn lần, đúng không em...
Vân: - Nhưng ..có việc này,không biết em có nên nói với anh...
Vinh: - Vân , có việc gì phải không, anh cảm thấy em đang bối rối lắm thì phải. Hãy tin anh, anh có thể giúp em vượt qua mọi khó khăn . Chúng ta đã là của nhau thì đừng dấu nhau điều gì.
Vân - Anh có biết vụ việc phá rừng vừa rồi mà anh là người đứng đơn tố giác..có..có liên quan tới bố mẹ em không?
Vinh: - Hả, em nói sao? các cụ có liên quan, nghĩa là ...cùng đường dây với bọn lâm tặc và một số kiểm lâm thoái hoá biến chất? Trời, thế này thì gay rồi.
Vân - Hiện Tỉnh đã cử đoàn Thanh tra xuống để tìm hiểu tình hình, chỉ nay mai là họ sẽ yêu cầu gặp anh để nghe tờng trình sự việc, anh định xử lý thế nào?
Vinh: - Trời ơi, anh không ngờ bố mẹ em lại dính vào vụ này; anh chỉ muốn tham gia triệt cái đường dây ma quỉ gồm tư thương liên kết với lâm tặc và kiểm lâm biến chất để phá rừng đầu nguồn ở Tỉnh ta. Ai ngờ ra nông nỗi này. Làm thế nào bây giờ..
Vân: - Người ta gợi ý, nếu bên tố giác rút đơn thì không còn lý do gì để điều tra nữa,vụ việc sẽ được khép lại đúng qui định; không biết ý anh ra sao?
Vinh: - Hả , em nói gì ?, rút đơn..rút đơn ..quả thật anh hoàn toàn bị bất ngờ, chưa hề nghĩ tới tình huống này.Em có biết việc rút đơn có nghĩa là gì không?( rất bức xúc) .Trời ơi, nếu anh đầu hàng thì anh sẽ là kẻ hèn nhát trong con mắt bạn bè, người thân, anh sẽ không còn là anh nữa; trước pháp luật anh sẽ là kẻ vu khống, nói xấu lãnh đạo, còn đối với bọn phá rừng, anh sẽ là kẻ hoàn toàn thất bại, chúng sẽ cười vào mặt anh và ngay sau đó, sẽ có những khu rừng khác bị chặt hạ không thương tiếc...Em thấy chưa? em có hình dung ra hậu quả của sự nhu nhược
trước cái xấu trong xã hội ta là như thế nào không...Không, Vân ơi, anh không thể, không thể...nhưng... quả thật.. nếu cứ tiếp tục thì ..trời ơi ..thậm chí anh không dám nghĩ tới những điều khủng khiếp sẽ xảy ra đối với cả em và anh...
Vân: (Thất vọng)- Em đã linh cảm đúng, anh là con người như vậy. Điều đau đớn nhất của em là càng hiểu anh, yêu anh thì gia đình em càng có nguy cơ tan vỡ...rồi bố mẹ em sẽ ra sao đây, anh Vinh( khóc)..thôi,anh ở lại, em về ..( Tiếng chân ra khỏi nhà )
Vinh: - Kìa, Vân, chờ anh một chút, chúng ta phải bàn thêm đã.
Ông Dần (xuất hiện đột ngột) -Cậu Vinh, không cần đâu.
Vinh: - Kìa bác Dần, cháu chào bác...bác vào khi nào...mời bác ngồi ạ.
Ông Dần : - Cậu Vinh, tôi khen cho bản lĩnh của cậu...bao nhiêu năm công tác, tôi chưa gặp một người trai trẻ nào dám đương đầu với sự thật và sẵn sàng trả giá cho niềm tin của mình như vậy. Hơn nữa, tôi với ông cụ cậu có duyên nợ với nhau từ hồi trong chiến tranh. Chúng tôi vừa gặp nhau và nhận ra nhau ngay tại trang trại của gia đình cậu.Thật là một cựu chiến binh kiên cường khiến tôi rất cảm phục.Và tôi cũng biết rằng con gái tôi rất nặng lòng với cậu. Giờ đây, tương lai của nó nằm trong tay cậu đấy, Vinh ạ... nếu chúng tôi có mệnh hệ gì thì chắc nó cũng sẽ không sống nổi đâu.Tôi hy vọng lần này, cậu sẽ tỉnh táo tìm đựoc một lối thoát cho tất cả mọi người.
Vinh: - Vâng, thưa bác, cháu rõ rồi. Cháu cũng mong bác hiểu cho tình cảm chân thành của cháu với em Vân, cháu không cố ý hại hai bác,càng không muốn đánh mất người con gái mà từ lâu cháu đã thương yêu và coi như vợ mình.
Ông Dần : - Vậy thì hãy thể hiện tình yêu và trách nhiệm của cậu đối với nó đi. Người vợ tương lai của cậu cần những việc làm cụ thể chứ không chỉ là những lời nói gió bay .
Vinh: - Vào lúc này, thưa bác..quả thật là cháu vô cùng bối rối... bác cho phép cháu suy nghĩ thêm một thời gian được không?
Ông Dần: - Thời gian gấp lắm rồi; cậu hãy nghĩ cho kỹ rồi quyết định ngay đi. Tôi chỉ nói thêm điều này:cậu nên coi việc sắp làm là một sự hy sinh cho người thân yêu nhất của cậu, như vậy lương tâm sẽ được an ủi, bởi tình yêu không phải chỉ có hưởng thụ mà còn là sự hy sinh cho nhau, đúng không? Thôi bây giờ cậu có thể về.
Vinh: - Vâng ạ, Cháu xin phép bác...
(Tiếng xe máy xa dần)
Ông Phong: (đi họp về )- Chú Dần đấy à, sang lâu cha?
Ô Dần: - Em mới sang, Anh Phong, kết quả phân công sau bầu cử thế nào?
Ô Phong: - Mệt mỏi quá, tưởng nghỉ hưu thì được ở nhà câu cá trồng rau, ai ngờ vẫn phải lọ mọ đi về họp hành tối ngày; họ lại vừa giao cho anh cái chức Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân Huyện..
Ông Dần : - Chúc mừng anh, kết quả bầu cử rất đúng với chỉ đạo của thường vụ, anh mà không đứng ra gánh đỡ cho thì địa phương còn gặp khó khăn hơn nhiều; lớp trẻ trong Huyện non quá, chưa đủ sức.
Ông Phong: - Thôi không nói chuyện tôi nữa, nhân đây chỉ có hai anh em mình, tôi muốn chú nói rõ vụ phá rừng để cùng tìm cách xử lý cho thật đúng đắn .Tôi nghe nhiều dư luận không lợi cho chú đâu.
Ông Dần: - Thế à,... họ đồn đại.. có phần đúng đấy anh Phong ạ.Đến nước này, em cũng chẳng dấu anh nữa. Sự thể là vợ em trực tiếp dính líu , còn em thì đứng đằng sau che chắn...Như vậy cũng đủ để "tha quí toà" phải không anh? ..Chỉ còn một chút hy vọng thoát hiểm đặt vào nơi thằng con rể tương lai. Nếu nó vẫn kiên quyết tố cáo thì coi như mất hết .
Ông Phong: - (Thở dài, buồn) Nói thật , lâu nay, tôi vẫn thấp thỏm lo sợ sẽ xảy ra điều chẳng lành với chú; vì nhìn cung cách mua đất ,làm nhà, tiêu sài quá dư dật của gia đình chú, tôi đã có dự cảm về những khoản thu nhập bất minh. Bây giờ chót đã nhúng chàm, theo tôi , chú đừng hy vọng bấu víu vào đâu để tháo gỡ, có khi lại nặng tội thêm. Tốt nhất , nên thành khẩn và chủ động nhận khuyết điểm để được khoan hồng và hưởng những tình tiết giảm nhẹ của luật pháp...Tôi nghĩ, tình hình cũng chưa đến mức quá nghiêm trọng đâu.
Ông Dần: - Thế nghĩa là..theo anh..nhẹ nhất...em cũng.. mất hết mọi cương vị, rồi về vườn?
Ông Phong: - Rất có thể; nhưng ngay cả trong trường hợp ấy, chú cũng đừng nên cho là mất hết. Ngày trước, khi tôi và chú trốn nhà đi bộ đội vào Nam chiến đấu, có ai trong chúng ta tính toán phải sống để về ngồi ghế nọ ghế kia đâu?
( Nhạc)
Dẫn: Mấy ngày sau, tại công ty " Tư vấn phát triển trang trại" của Trần Vinh, nhiều người ra vào để học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế trang trại và mua các loại cây trồng chất lượng cao, được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Trần Vinh: - Tôi xin trao đổi với anh chị một lần nữa trước khi nghỉ trưa.Hiện anh chị có 3 hécta đất bãi bồi là đủ để lập một trang trại rất vừa tầm. Nhưng trước khi bắt tay vào làm, có lẽ phải hiểu được về thực chất trang trại là gì cái đã. Có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng theo chúng tôi, nên quan niệm trang trại là một loại doanh nghiệp đặc biệt ,tiến hành sản xuất dựa trên một loại tư liệu sản xuất đặc biệt là đất đai. Người chủ trang trại chính là giám đốc của doanh nghiệp ấy. Anh ta phải sử dụng và khai thác tư liệu sản xuất- đất đai sao cho đạt hiệu quả cao nhất, đem lại lợi nhuận ngày càng lớn, trên cơ sở đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm đưa ra thị trường những loại hàng hoá có sức cạnh tranh mạnh.Nếu không thì trang trại rốt cuộc chỉ là chiếc vườn to mà thôi...
Một cô gái vào: - Báo cáo giám đốc...có bác trai đến, đang chờ bên ngoài.
Vinh: - Xin lỗi anh chị, ta tạm nghỉ, chiều 3 giờ làm việc tiếp về kỹ thuật nuôi ba ba và trồng một số cây thuốc nam mà thị trường đang có nhu cầu, lại rất được giá, thế nhé...( Nói với thư ký)...cô mời cụ vào hộ ,rồi khép cửa lại.(Tiếng mở đóng cửa)
Ông Sinh: - Chưa nghỉ ăn cơm cơ à . Dạo này anh phờ phạc lắm,đừng tham công tiếc việc quá, không lợi cho sức khoẻ.
Vinh: - Vâng ạ, mời bố uống nước, dạo này bà con đến tới công ty ngày càng đông,bố ạ; nhất là nông dân các huyện trung du miền núi.Họ đến đây nghe trao đổi thảo luận rút kinh nghiệm về làm trang trại; sau đó đến chỗ bố tham quan nghiên cứu thực tế; nhiều người có vẻ tâm đắc lắm.
Ông Sinh: - Bố thì làm được cái gì, hồi mới bắt đầu, may mà anh đưa cho cuốn sách hướng dẫn làm trang trại, nếu không còn mò mẫm chán.
Vinh - (Phấn chấn hẳn lên) Vừa làm, vừa suy nghĩ, con rất thấm thía điều này bố ạ: Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, về thực chất là quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở nước ta theo hướng sản xuất hàng hoá, trong đó trang trại gia đình đóng vai trào quan trọng.
Ông Sinh: - Thôi, thôi, bố mù tịt về lý luận sách vở.Anh nói thế chứ nói nữa cũng bằng đàn gẩy tai trâu.Thời nay, các anh các chị sướng thật, được học hành tử tế,làm gì cũng có lý có lẽ hẳn hoi..Nhng mà thôi, hôm nay bố đến để hỏi anh chuyện khác, tức thị là chuyện lấy vợ, anh định bao giờ thì cưới,hả?
Vinh: - Bố, mấy hôm nay con bận quá, vả lại, bố biết rồi đấy, bọn con đang bị kẹt , chưa biết xoay xở thế nào.
Ông Sinh: -( Bổng nổi nóng to tiếng ) Kẹt kẹt cái gì? chẳng qua tại cái tính anh ương bướng, gàn dở, khăng khăng không chịu nhường nhịn ngời ta nên mới ra nông nỗi. Chứ, dù có sai trái mười mươi thì ông bà ấy cũng vẫn là cha là mẹ; phận con cái không được phép hỗn hào.
Vinh: - Kìa, bố, khe khẽ chứ, người ta nghe thấy..
Ông Sinh: - (Dịu dọng )Cứ như vầy, thì đến bao giờ tao mới có đứa nối dõi, hả...mẹ anh mất sớm, bố gà trống nuôi con..anh định để bố anh chết không nhắm mắt đấy hẳn?
Vinh: - Kìa, bố, con đâu dám thế.Nhưng đã lỡ rồi, đơn thư tố giác con đã gửi đi nhiều nơi, bây giờ rút lại thế nào hả bố?Hơn nữa..
Ông Sinh: - Không hơn thiệt gì hết, ngay ngày mai, anh đến gặp cấp trên xin rút đơn về, có thế thôi, ai người ta ăn thịt anh đâu mà sợ.
Vinh: - Bố, bố nói thế không ổn. Chuyện này liên quan tới nhiều người, không phải chỉ mình con biết.Bây giờ xin rút đơn , người ta sẽ ghép con vào tội đồng loã, bao che sai phạm, có khi còn bị xử nặng hơn đấy.
Ông Sinh: - Vậy anh định thế nào? cứ đẩy bố mẹ người ta vào tù rồi xin cưới con gái người ta hử... thất đức lắm con ạ.. cả đời bố ăn ở hiền lành, lấy cái sự quí nhau làm trọng, chả muốn gây thù chuốc oán với ai..giả dụ cái Vân nó có về làm dâu, bố cũng chẳng mặt mũi nào dám nhìn nó...
Vinh: - Con cũng đau lắm bố ạ, làm sao con biết được họ dám làm cái việc tầy đình ấy, cả Vân nữa, cô ấy cũng có biết gì đâu. Cho nên xét đến cùng, bọn con không tội tình gì...
( Có tiếng xe máy đỗ ngoài sân.)
Ông Phong: - Bố con ông Sinh đâu rồi, có khách nhá.
Ông Sinh: - Ai như tiếng ông Phong, anh ra xem.
Vinh: - (Reo lên phấn khởi) A, chào bác Phong, may quá, bác đến thật đúng lúc,hôm nay bác không đến, cháu cũng sẽ đến nhà bác .
Ông Sinh: - Phải đấy, bố con tôi có việc hệ trọng muốn nhờ ông tháo gỡ cho, chứ ..cứ nh vầy, chắc tôi phải chui xuống lỗ.
Ông Phong: - Có gì mà bi quan thế. Tôi biết cả rồi. Hôm nay đến đây cũng vì việc ấy đấy. Thế nào , Vinh, bác muốn nghe anh trực tiếp trình bày.
Vinh: - Vâng ,chắc bác đã rõ hết ngọn nghành... Chưa bao giờ cháu bị rơi vào hoàn cảnh khó xử như thế này bác ạ. Bác biết đấy, nghề nghiệp mà cháu yêu thích và sẽ theo đuổi đến suốt đời là trồng cây và chăm sóc rừng.Vâng ,đối với cháu, không có niềm vui nào lớn hơn, không có cảnh nào đẹp hơn là được trông thấy những vạt rừng xanh tốt phủ bóng mát xuống những quả đồi trọc. Chính vì thế, cháu rất hận những kẻ đang tay tàn phá những cánh rừng chỉ vì đồng tiền bẩn thỉu của họ.
Ông Phong : - Phải, giờ thì bác hiểu vì sao cháu kiên định đến thế. Nhưng, cháu vẫn phải đối mặt với một thực tế là : nếu không nhượng bộ , cháu sẽ đánh mất hạnh phúc riêng đấy. Cái Vân nó nói với bác, dù rất yêu cháu nhưng nó cũng không thể chung sống với cháu được, nếu ...
Ông Sinh: - Con ơi ,thấy chưa . Thôi, bố xin con, con nghĩ lại đi, đừng có đấu tranh nữa, cuối cùng chỉ thiệt vào mình thôi..
Ô Phong: - Bố cháu nói có lý đấy.
Vinh: - Sao ạ, bác cũng khuyên cháu thoả hiệp? Nhưng những người khác họ không chịu đâu bác ạ, nhất là khi có sự hỗ trợ của trên, họ sẽ chống tiêu cực đến cùng. Họ đã nhờ tới đài báo rồi , lúc ấy thì cháu có tham gia hay không cũng không quan trọng nữa....( Mủi lòng).. Và cháu sẽ mất Vân, mất luôn đứa con của cháu mà em đang nuôi dưỡng bằng máu thịt mình. Chua xót quá...
Ông Sinh: - Hả, Vinh, anh nói gì, nó có mang với anh rồi à, tôi sắp có cháu à? Vậy thì càng phải quyết ngay, không lôi thôi gì hết, anh phải rút đơn ngay, còn ai làm gì là việc của người ta, nghe chửa, nếu anh không nghe lời tôi lần này.. thì tôi... tôi từ anh.. nghe chửa, đừng có bao giờ nhìn mặt tôi nữa...
Vinh: - Khổ quá, bố, đừng làm ầm lên thế , người ta cười cho.
Ông Sinh: - Cười, ai cười, hả?chỉ cần mày cưới vợ về đây thì ai cười ông cũng mặc, nhá?
Ông Phong: - Thôi được rồi, được rồi, Nào, bây giờ, hai bố con chú ý nghe tôi nói đây.Vinh, bác thử lòng cháu chút thôi, chứ bác ủng hộ việc làm của cháu. Nó thể hiện tinh thần dũng cảm dám đấu tranh chống tiêu cực đang rất cần được cổ vũ hiện nay.Ông Sinh ạ, trong thời chiến, tôi với ông không ai do dự đi đánh giặc, còn nay, lớp trẻ như cháu Vinh cũng không sợ mất cái lợi riêng,tích cực tham gia chống tham nhũng. Ông nghĩ xem, nếu không có những người như họ thì tham nhũng còn gây hại đến bao giờ,có khi còn mất nước đấy.Cánh già chúng ta phải dứt khoát đứng về phía họ, ông ạ.
Ô Sinh: - Ông nói thế, nghĩa là, thằng Vinh nhà tôi phải đi gặp cấp trên để tố cáo bố vợ nó?
Ông Phong: - Không, cháu Vinh không phải đi đâu nữa, nó đã làm xong việc cần làm.
Vinh: - Sao thế hả bác?
Ông Phong: - Bởi vì sáng qua, chú Dần nhà tôi đã trực tiếp đến đoàn Thanh tra tường trình sự việc và nhận trách nhiệm về vụ phá rừng. Thật ra chú ấy buộc phải làm thế vì không còn sự lựa chọn nào khác.Đã có mấy tờ báo cả Trung ương, cả địa phương đăng phóng sự điều tra đưa ra những bằng chứng khó lòng chối cãi. Bây giờ đang chờ cấp trên xử lý..
Vinh: - Bác Phong, cháu cám ơn bác, cháu biết, bác đã đóng vai trò quan trọng trong việc này...nhưng giờ đây, thú thật, cháu không biết nên vui hay nên buồn!
(Nhạc)
Dẫn: Khoảng một tháng sau, tại nhà ông Dần.
Ông Dần: - ( Lẩm bẩm nói một mình )…Ông biết ngay mà, thể nào nhà ngươi cũng nhấy mã, chết với ông con ơi, xe vồ mã này...ơ, ơ..thằng này láo,dám lừa ta, vặt dần quân của ta..ừ, xem ra, cuộc cờ cũng giống cuộc đời nhỉ, thua thắng có khi chỉ vì nước nhớ, nước quên.. thế thôi.
Vân: -Bố, bố ơi, nghỉ tay uống thuốc đã.Rõ khổ; suốt ngày đánh cờ với máy vi tính, quên ăn quên ngủ, người gầy rạc đi ( mếu máo).Cứ thế này thì con chịu đựng làm sao nổi hả bố?Bố hãy thương con, bố tĩnh trí laị đi, bố.
Ông Dần: - Hả, Vân đấy à, cái gì đấy?
Vân: -Bố uống thuốc đi.
Ông Dần: - Có ai đến mời bố đi họp không ?
Vân: - Làm gì còn ai, hả bố.Thuốc đây, bố uống đi.
Ông Dần: - Thuốc gì?
Vân: - Bố quên rồi à, hôm nọ ông lang Học đến khám bệnh rồi cắt cho bố mấy thang thuốc bắc, bố chịu khó uống để còn đi hát Karaokê chứ.
Ông Dần: - à, ừ phải, nào đưa đây( Uống). Có tin gì của mẹ mày không con?
Vân: - Mẹ bảo mẹ vào Nam với dì út, khi nào yên yên, sẽ ra Hà nội ở với anh Cả.
Ông Dần: - Hừ, cao cờ thật.
Vân: - Bố, bố đừng nghĩ ngợi gì nữa, nhà ta còn được thế này là may lắm rồi.Bố cứ làm người dân thường, không chức không quyền, thanh thản nhàn nhã, có khi sống thêm vài chục tuổi đấy.
Ông Dần: - Con gái bố khéo động viên nhỉ, nhưng bố đau lắm con ạ. Danh dự, tiền bạc, chức quyền bỗng phút chốc tiêu tan, thanh thản thế nào được hả con?
( Bỗng có tiếng chuông bính boong )
Ai đấy, hay lại có người đến xin việc ?
Vân: - Bố cứ tưởng tượng, chả ai đến xin xỏ gì nữa đâu.
Ông Dần: - Bố không muốn tiếp ai hết. Con ra mở cho người ta vào phòng khách, để bố chơi nốt ván này.
Vân (Mở cửa) - à.. cháu chào bác...chào anh ạ.
Vinh: - Vân à, em..em...có khoẻ không?
Ông Snh : - Bố cháu thế nào rồi?
Vân: - Mời bác và anh uống nước. Sau khi bị khai trừ Đảng, cách chức lãnh đạo Huyện, bố cháu chỉ ở nhà một mình, suốt ngày vùi đầu vào cờ tướng.
Ông Sinh: - Dần dần rồi ông ấy cũng quen cái cảnh làm phó thường dân như bác thôi, cháu ạ. Chả việc gì phải cay cú, cái chính là chúng ta ăn ở với nhau thế nào, đúng không?
Vinh - Lúc này em là chỗ dựa tinh thần của bố, em phải thật vững vàng, anh sẽ luôn ở bên em.
Ông Dần (bỗng xuất hiện) - Nói dễ nghe nhỉ? Các vị đến nhà tôi có việc gì? Anh kia, ai là bố anh, hả?
Vân: - Kìa bố, bố nghỉ đi, bác Sinh và anh Vinh đến thăm bố đấy.
Ông Dần: - Đến thăm hay là muốn xem tôi bị nhận xuống bùn thế nào, hả?
Ông Sinh: - Ông Bung này, dạo nọ tôi đến nhà ông vì biết ông cũng là cựu chiến binh, sau lại nhận ra cùng là bạn đồng ngũ, hôm nay tôi đến cũng với tư cách ấy thôi ông ạ.
Vinh: - Bác Dần, xin bác tha lỗi cho cháu.
Ông Dần (Bỗng nổi nóng quát to)
- Cái gì, hả, mày nói cái gì, tha thứ à, tao tha cho mày thì ai tha cho tao đây, hả? cút, cút ngay khỏi nhà tao, nhanh lên, cả ông nữa., đi ra cho tôi nhờ (Tiếng sập cửa mạnh)
Vân (Luống cuống) -Bố.. bố ơi, anh Vinh.. anh Vinh ơi..trời ơi..sao tôi khổ thế này. (Bỗng ngã xuống, hổn hển, ho và nôn oẹ một chập) .
Ông Dần : - Vân, Vân ơi, con sao thế, để bố đi gọi xe cấp cứu.
Vân: (thều thào, khóc) -Không cần đâu..bố ..bố đuổi anh ấy là đuổi cha đứa bé đang nằm trong bụng con đấy, nó đã gần ba tháng rồi, Chẳng lẽ nó sẽ không bao giờ có cha nữa sao, tội nghiệp con lắm con ơi!
Ông Dần: - (Kêu lên thảng thốt)Hả..Vân.. con nói gì..Thằng Vinh...đứa bé..nó..nó .. ối..sao thế này, tôi.. chóng mặt choáng váng quá..( ngã huỵch xuống đất )
Vân: - (Hét lên) Kìa bố, bố ơi, thôi chết tôi rồi.. có ai không, cứu ..cứu với..
(Nhạc dồn dập rồi dịu dần)
Dẫn : Do những xúc động đột ngột, lại sẵn bệnh cao huyết áp, ông Dần bị xuất huyết não khiến ông nằm liệt một chỗ, không còn gào thét ,quát tháo ai đợc nữa. It lâu sau, tại trang trại ông Sinh, có một đám cưới rất đông vui mà đại diện họ nhà gái là ông Đại tá Phong.Sau khi cưới, Vinh chăm sóc bố vợ rất tận tình. Còn ông Sinh thì thường xuyên đến nhà ông thông gia để đọc cho ông ta nghe những cuốn hồi ký về chiến tranh.Ngày ngày, ông Dần nằm trên xe lăn, mở to mắt nhìn cuộc sống như một dòng sông hối hả trôi đi không ngừng. Dường như ông đang cố nhớ lại những gì đã bị lãng quên..
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét