Trang

29 tháng 7, 2014

Nghĩ khác về một khẩu hiệu đã quen…


Sắp ĐH Đảng, nhiều hoạt động đã và đang được khẩn trương triển khai. Các việc khác chưa bàn đến, riêng về khẩu hiệu xác định mục tiêu của “toàn đảng, toàn quân, toàn dân” ta trong giai đoạn lịch sử mới liệu có thay đổi hay vẫn giữ nguyên như hiện nay? ( Xây dựng một nước VN “dân giầu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh”?
- Mặc dù nói mãi thành quen đến mức gần như từ trên xuống dưới ai cũng thuộc lòng câu cửa miệng trên nhưng sao tôi vẫn chưa thể tiêu hóa được, thậm chí thấy… vô lý và có hại! Dưới đây là một số suy nghĩ riêng xin được trao đổi ngắn gọn với các vị bô lão trong làng. Để các cụ đỡ đau cái thẩu, mỗ xin cố gắng trình bày ngắn gọn, kẻo bị phê là… lắm mồm hay nói dài! Tuy vậy do vđ quá lớn nên cũng không thể qua loa dăm ba câu là xong. Mong lượng thứ.
1. Từ trước tới nay, bất kỳ khẩu hiệu chiến lược nào do đảng lãnh đạo đưa ra đều vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công – thất bại của CM.
Thí dụ: trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, không có gì quí hơn ĐLTD, Tất cả vì độc lập dân tộc và CNXH, còn hiện nay thì như trên.
2. Vậy câu khẩu hiệu hiện nay có gì không ổn?
Theo tôi có một số điều khiến câu khẩu hiệu mang tính chắp vá, vừa thừa vừa thiếu, không logic, thậm chí phản tác dụng, dẫn đến tình trạng đạo đức suy thoái, văn hóa xuống cấp và kinh tế tụt hậu như hiện thời. Cụ thể, xin nêu ngắn gọn như sau:
- Nhiều người thường bỏ quên vế đầu tiên rất quan trọng “xây dựng một nước VN hòa bình, độc lập, toàn ven lãnh thổ v.v…”, chỉ nhấn mạnh “dân giàu”... bằng mọi giá. Nghĩa là rất dễ làm người ta quên Tổ Quốc, quên độc lập, quên lý tưởng sống cao đẹp nhất của mỗi con người.
- Đưa mục tiêu dân giàu lên đầu tiên và trên hết là làm hư đốn cả dân tộc, tạo ra một xã hội vì tiền: từ quan đến dân chỉ biết làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đạo lý bất chấp pháp luật (chưa bao giờ quan tham dân gian như hiện nay). Thực tế chứng tỏ, không phải bao giờ giàu có cũng đem lại hạnh phúc. Tài sản vật chất chỉ là một trong những điều kiện, một trong những phương tiên để “mưu cầu hạnh phúc”, chứ không phải là mục đích của cuộc sống. Vì vậy, con người cần cuộc sống hạnh phúc chứ không chỉ cần có nhiều tiền của tài sản…”

- Dân có thể giàu nhưng nước chưa chắc đã mạnh nếu cứ tách riêng giữa dân và nước thành hai đối trọng độc lập với nhau. Hơn nữa, nước mạnh cũng là một khái niệm tương đối và trừu tượng. Thế nào là một nước được coi là manh? Nhiều vũ khí, quân đông? chưa chắc nếu “lòng dân không thuận” (Hồ Nguyên Trừng). Ngày nay nếu mất lòng dân thì nhiều tàu bay tàu ngầm có mạnh hơn không nếu người cầm lái cứ loay hoay không thấy đường đi lối lại? Còn người dân cứ lao đầu vào làm giàu theo triết lý riêng rẽ khỏe ăn!
- Một thể chế chính trị chỉ được coi là công bằng khi thật sự dân chủ. Ngược lại, dân chủ chính là biều hiện và là điều kiện để thực hiện công bằng. Bản chất của dân chủ là công bằng (Bác Hồ nói: dân chủ là để cho dân mở mồm). Vậy nói thêm vào là thừa. Hơn nữa điều kiện nào cần thực hiện trước? Dân chủ để công bằng hay công bằng để thực hiện dân chủ? Logic không rõ ràng, thiếu chặt chẽ.
- Một QG văn minh chính là QG thực sự dân chủ và công bằng. Không nước nào được công nhận là văn minh mà không có dân chủ, không có công bằng xã hội. Thử hỏi, một thể chế độc quyền, độc đoán, mất dân chủ, duy trì quyền và lợi của một thiểu số nhờ vào sự đàn áp, truy bức hoặc dối trá, thiếu công khai minh bạch thì liệu có văn minh? Vậy nên kể lể ra hóa thừa. Đồng thời cũng lại thiếu. Bởi một đất nước văn minh trước hết người dân phải được tự do - cái nhu cầu thiết yếu cao đến mức “không có gì quí hơn” như lời Bác Hồ tổng kết. Bởi một lẽ giản dị: có tự do mới có dân chủ thực sự…

3. Qua phân tích sơ sơ như trên, có thể thấy: Khẩu hiệu hiện nay không phù hợp, cần đưa ra khẩu hiệu mới .Vậy các nhà soạn thảo đề cương báo cáo chính trị nên đưa ra câu khẩu hiệu gì để ĐH bàn bạc thông qua? Một cách ngắn gọn, không giải thích, tôi đề nghị chọn câu này

..Xây dựng một nước VN hòa bình - độc lập - toàn vẹn lãnh thổ - tự do - phồn vinh - hạnh phúc.

                                  Chấm hết

1 nhận xét:

  1. Về cái khoản chữ nghĩa thì mình biết cụ Kỳ vào loại kỹ tính và chặt chẽ nhất Làng ta, nên luôn “nhất chí (nâng cốc) chăm phần chăm” với cụ,
    Về ý tứ của câu khẩu hiệu trên, mình nhớ có lần cụ đã “tích phân” rồi. (Cũng lại “nhất chí chăm phần chăm” với Cụ.
    Nên bây giờ xin nói ý khác nhé. Mình thấy ở ta, loạn khẩu hiệu, loạn danh hiệu, “loạn tất tần tật”. Khẩu hiệu cấp xóm phường, cấp quận huyên, cấp tỉnh thành, cấp TW; ông/bà nào muốn “xón ra” thì cứ tự nhiên. Chẳng ai quản lý, bắt bẻ ngoài mấy ông nhà báo và…. Cụ Kỳ. Hơn nữa, chẳng ai thèm quan tâm đến khẩu hiệu. diễn văn đâu; vì nó quá nhàm rồi.
    Vậy xin “khẩn thiết” đề nghị Cụ Kỳ “từ nay trở đi, từ rầy trở lại” để dành hơi sức mà làm thơ (như bài “Đêm trăng” hay “ Gửi Cô gái Sibêri của tôi”) cho Làng đọc nhá.

    Trả lờiXóa