Trang

3 tháng 5, 2015

Hiểu mình, hiểu người để hội nhập thành công (bài 3)

Nhân dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4 năm nay, mỗ tôi xin liều mình “gợi ra để suy ngẫm” thêm một đề tài quan trọng nữa để hầu chuyện các cụ làng ta. Bài này chủ yếu đi sâu tìm hiểu cơ sở lý luận của vấn đề, không liệt kê khuyết điểm cụ thể, không tập trung phê phán chê bai đả kích cá nhân. Mục đích cao nhất là góp một tiếng nói dưới góc nhìn mới của một “người già hay nghĩ ngợi” nhằm làm rõ thêm một số vấn đề rất cơ bản, đáng quan tâm hiện nay, may ra có ích chút đỉnh cho ai đó, thế cũng là vạn hạnh. Về phạm vi đề tài, chỉ xin khoanh lại ở công cuộc xây dựng đất nước, không nhìn về quá khứ chiến tranh đã qua.
Mong lượng thứ vì bài hơi bị dài. Cúi xin các cụ có HA cao chớ nên đọc !

Phần thứ nhất: Hiểu đúng mình mới có thể hội nhập

A. Lý do cần phải hiểu đúng mình (Cơ sở lý luận và thực tiễn)

1. Có thể nói, lịch sử nhân loại đã chuyển sang giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như một xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Thực tế chứng tỏ, trong khi hội nhập, các quốc gia không thể chỉ chọn lấy “miếng ngon” hội nhập về kinh tế. Mọi người đều biết, hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc, lợi ích kinh tế quyết định quan hệ chính trị, ngoại giao, quốc phòng v.v... giữa các quốc gia dân tộc . Vậy, đã hội nhập kinh tế thì tất yếu buộc phải hội nhập về chính trị, văn hóa, quân sự ở những mức độ khác nhau v.v... không thể một mình một đường đi riêng, một luật chơi khác, chẳng giống ai, do đó sẽ không được ai “tin cậy chính trị“ để hội nhập với mình . Muốn vậy , chúng ta buộc phải cân đong đo đếm lại những gì mình có để tự điều chính một cách đúng đắn, không hòa tan nhưng cũng không bảo thủ, khư khư ôm lấy cái tôi cũ kỹ. Không hiểu đúng mình sẽ không có khả năng hội nhập thành công vì dễ mắc sai lầm khuyết điểm…

2. Trong chiến tranh, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, trong xây dựng hòa bình lại càng cần thông tin chính xác để quyết định đúng. Bởi lẽ xét đến cùng, mọi hành động lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đều phải tuân thủ quá trình nghiêm ngặt của điều khiển học (Xibecnetic) gồm 3 khâu: - Thu thập thông tin - xử lý thông tin - ra quyết định. Nếu thông tin sai lệch thì mọi quyết định đều sai. Muốn có thông tin chuẩn lại phải hiểu đúng tình hình, đánh giá đúng bản thân, cấp trên, cấp dưới v.v... để tránh chủ quan, thiếu sót hoặc bóp méo thành sai lệch.

Vừa qua có nhiều quyết định, điều luật, chủ trương sai trái , gây bức xúc trong nhân dân, một phần do tham nhũng, phần khác là do thông tin sai lệch từ phía chủ quan người trong cuộc.

3. Từ khi có đảng CSVN, dân tộc ta đã trải qua ba cuộc chiến vô cùng khốc liệt và đã giành thắng lợi vẻ vang... Nhưng suy cho cùng, chiến tranh kể cả chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng là bất đắc dĩ và là sự lựa chọn không mong muốn để tồn tại, không phải mục đích cao nhất của cuộc sống, lại càng không phải niềm vui, là trang sử vàng đáng tự hào duy nhất của dân tộc. Trong chiến tranh, lợi ích trên dưới dễ tương đồng, phân hóa giàu nghèo chưa sâu sắc, lại không cần nhiều kiến thức toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, KHCN... phức tạp như trong xây dựng hòa bình. Vì thế , xây dựng đất nước là sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ, vĩ đạị, đáng tự hào, là nhiệm vụ trọng tâm lâu dài, gian khổ khó khăn, đòi hỏi huy động toàn bộ trí tuệ và sức mạnh của cả dân tộc, không thể do một số người nào đó “đưa đường dẫn lối”, nhất là khi họ cũng mang nặng những “dấu ấn âm tính” của quá khứ như mọi người dân bình thường. Do vậy, không những chúng ta chỉ cần biết mà phải hiểu kỹ bản thân mình trong quan hệ với cái thế giới hốn mang mà ta đang nhập vào. Có như vậy mới mong tránh được sai lầm, giành lấy thắng lợi.

4. Một luận điểm cơ bản làm chỗ dựa cho những suy ngẫm này xuất phát từ nguyên lý: không thể xây dựng CNXH kiểu mới bằng hệ thống lý luận cũ, càng không thể có CNXH khi chưa có con người XHCN.

Quan điểm này phù hợp với học thuyết Mác và tư tưởng HCM.Bởi theo phép biện chứng duy vật,CNXH không thể ra đời ở những nước lạc hậu. Con người XHCN không thể ở trên trời rơi xuống.phải xuất hiện dần dần từ trong lòng những nước phát triển đã hình thành nhiều nhân tố của CNXH...

- Sự thất bại của LX, khối Đông Âu (văn minh tiến bộ hơn VN nhiều lần), sự chuyển hóa của Cuba v.v... đã chứng minh cho luận điểm đó.

- TQ cũng đã đổi màu, thực chất hệ tư tưởng cuả họ là CN dân tộc Đại Hán bành trướng, lấy lợi ích dân tộc làm mục tiêu tối thượng (giấc mơ Trung hoa) không có điểm gì chung với CNXH (đặt quyền lợi của giai cấp vô sản toàn thế giới lên trên hết v.v...).

- Đã từ lâu trên thế giới không có cuộc CMVS, khởi nghĩa vũ trang nào giành chính quyền về tay công nông thắng lợi như trước đây.

- Trong khi đó, VN chúng ta duy ý chí, nuôi tham vọng đi trước thời đại quá xa, tiến thẳng lên CNXH khi chưa hội đủ điều kiện vật chất và con người phù hợp. Sự thật là ở VN chủ yếu mới chỉ có những người giác ngộ CN yêu nước, tinh thần dân tộc, nguyện vọng ĐLTD, chưa có điều kiện tiền đề để có con người XHCN đích thực với những phẩm chất rất đặc biệt cần có.

5. Trong chiến đấu, Đảng đã rất trong sáng, giỏi giang, vận dụng lý luận, hưy động sức mạnh nhân dân bằng mục tiêu, lý tưởng cao đẹp - độc lập tự do, xóa bóc lột, người cày có ruộng, công nhân làm chủ nhà máy v.v... nên đã thắng lợi. Trong xây dựng cũng đã gặt hái được những thành tựu lớn, làm thay đổi bộ mặt đất nước, không thể phủ nhận. Nhưng giai đoạn sau hòa bình 1954 có nhiều sai lầm, đặc biệt sau năm 75, lại càng có những thiếu sót nghiêm trọng; sau đổi mới, đúng sai xen kẽ. Đến nay, thời kỳ phát triển theo chiều rộng và bằng sản phẩm thô, bằng mọi giá, cả vật chất, tinh thần, môi trường, tài nguyên v.v... đã qua. Nói cách khác, hiện chúng ta đã hết động lực phát triển. Phải tạo xung lực mới, để có những bước ngoặt đột biến, đi lên với tốc độ nhanh hơn, nếu không muốn tụt dốc ngày càng xa, dẫn đến nguy cơ bị phụ thuộc, biến thành con tốt trong tay nước lớn, thậm chí mất nước.Vậy đã đến lúc chúng ta phải dứt khoát đi trên “con đường mới“ (tên một chương trình TV vừa xuất hiện) do chính ta lựa chọn... Để làm điều đó, cần nhìn lại hành trang của mình một cách toàn diện nghiêm túc, không thể thỏa mãn chủ quan, hoặc né tránh được nữa…

Đến nay, có thể nói đã đủ độ lùi lịch sử để những người có trách nhiệm với Quốc gia dân tộc tạm gạt sang một bên mọi ánh hào quang quá khứ để nhìn lại chính mình. 85 năm thành lập Đảng CS, trong đó, 35 năm chiến tranh và 40 năm xây dựng cuộc sống đủ để hiểu ra nhiều điều về mình, về thiên hạ... Những gì xấu tốt, đúng sai v.v... đều đã bộc lộ rồi, không thể che dấu được; đó là kết quả của cuộc sống hiện đại với CNTT, internet, giao lưu quốc tế v.v... Tuyên truyền, lý luận theo kiểu độc quyền chân lý, cả vú lấp miệng em, nhào nặn sự thật, giả dối lừa phỉnh lẫn nhau như trước kia v.v...đều phản tác dụng và chỉ có hại cho sự nghiệp chung.

6. Thực tế lịch sử dân tộc và giai đoạn CM vừa qua cho thấy: Muốn thực sự hiểu mình lại phải nghiêm khắc tự kiểm điểm, tìm cho ra nguyên nhân thiếu sót, không kiêu ngạo cho cái gì cũng đúng, cũng vĩ đại, luôn sáng suốt tài tình trong mọi việc mọi lúc mọi nơi, cũng không thể chỉ nêu hiện tương bề ngoài.

- Cha ông ta đã nêu gương như vậy, những người CS không thể không học tập và làm theo. Chẳng hạn, gần đây mới phát hiện bài bia ký của vua Tự Đức, trong đó Ông tự nhận nhiều tội lỗi của mình với Tổ tiên và thần dân một cách công khai và rất nghiêm khắc. Hồi mới thành lập đảng, TBT Nguyễn văn Cừ đã nêu gương viết cuốn sách “Tự chỉ trích”; Bác Hồ cũng đã tự kiểm điểm, đề cao tự phê, công khai thừa nhận sai lầm trong CCRĐ...

- Kinh nghiệm công tác tư tưởng thời kỳ kháng chiến vẫn rất bổ ích: Trước khi mở chiến dịch quân sự, để thống nhất ý chí, hiểu địch hiểu ta, các cấp thường tổ chức chính huấn, chỉnh cán, chỉnh quân rất nghiêm túc và hiệu quả thiết thực.

Nay sao không thấy nghiêm như vậy nữa, thường né tránh hoặc chung chung, phê tự phê theo kiểu nghe ngóng nhìn nhau, bao che cho nhau để khuyết điểm chìm đi. Phải chăng vũ khí phê - tự phê đã cùn mòn, han rỉ?

Bởi thế, đã đến lúc nghiêm túc nhìn lại mình, để biết mình là ai, ở đâu ra, có những nguyên nhân nào khiến ta phạm sai lầm khuyết điểm; từ đó mới mong sửa từ gốc, không chỉ khơi khơi trên ngọn.

(Còn tiếp)


3 nhận xét:

  1. Hoan hô, bút của cụ Kyvi dạo này không bị tắc nữa, mà "mực chảy ào ào"!. Một seria toàn bài lý luận cơ bản.
    Tôi dạo này rất ngại cái khoản đọc "ní nuận chính chị", nhưng vẫn cố đọc bài của cụ và thực sự nể phục. Mong sao các quan đương chức ở HĐLLTƯ (Hội đồng lú lần TƯ- " theo cách nói dân gian") ngâm cứu và tiếp thu.
    Câu Cụ hỏi ở bài trước, theo tôi :Đúng là.... "DỤ MÔNG" 100%.
    Còn bài này xin hỏi Cụ: TA đã hiểu đúng MÌNH chưa, để mà hội nhập thành công?.
    Cảm ơn Cụ..

    Trả lờiXóa
  2. kyvinhhung21:37 4/5/15

    Xin mời cụ Ba và các Cụ chưa bị HA đọc tiếp phần sau. Tôi sẽ cố dán lên đình làng khoảng dăm baì nữa rồi có bị "nhập kho " cũng cam lòng.

    Trả lờiXóa
  3. Hiểu rõ nhược điểm về mắt của mình sẽ giúp bạn lựa chọn đúng phương pháp thẩm mỹ mắt hiệu quả làm đẹp cho bản thân.

    Trả lờiXóa