Trang

15 tháng 4, 2015

Lạm bàn về khái niệm "Tin cậy chính trị”

Trong cuộc đi thăm TQ vừa qua của TBT, người ta thấy hai bên nhấn mạnh đến một khái niệm rất mới và rất quan trọng: “sự tin cậy (hay lòng tin) chính trị”.
Trong bài tổng kết chuyến đi,có đoạn: “Hai bên đã nhất trí ra Thông cáo chung 9 điểm thể hiện các nhận thức chung quan trọng về truyền thống quan hệ 65 năm qua, về quan hệ Việt-Trung, về việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác đầy đủ, thiết thực, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đưa quan hệ song phương phát triển lành mạnh, bền vững”. ( ND số ngày 10/4).
Mọi người còn nhớ, cách đây ít lâu, TT ta đã nói đến “lòng tin chiến lược” giữa các nước và được đón nhận tích cực, nay ông Tổng lại tung ra khái niệm mới hơn: “sự tin cậy chính trị!”.
Dưới góc độ nghiên cứu nội bộ trong làng CL, mỗ tôi xin có vài lời bàn thảo về cái sự "tin cậy chính trị” vừa được các vị lãnh đạo đưa ra . Vì sao cần làm rõ nội hàm đích thực ẩn đằng sau câu chữ ấy? Vì nó liên quan đến chiến lược xác định bạn - thù, địch - ta của cả dân tộc trong giai đoạn lịch sử mới, không đơn giản chỉ là chuyên chơi chữ. Mọi người đều biết, đã đánh giá sai Ta - Bạn - Thù thì mọi việc cũng sai theo, hậu quả thật khó lường…
Theo suy nghĩ riêng,cái ý ẩn đằng sau từ này có thể suy ra là: hai nước V-Tr có cùng hệ thống chính trị, cùng hệ tư tưởng, “vừa là đồng chí vừa là anh em” v.v... thì tất yếu cần và có thể xây dựng được lòng tin vững chắc vào nhau, được gọi là "tin cậy chính trị”; ngược lại, những nước nào không cùng thể chế chính trị thì khó có lòng tin ấy!
Câu hỏi lớn cần được đặt ra: có đúng vậy không?
Tôi cho rằng: Không đúng! Vâng, từ xưa đến nay và từ nay về sau, sự tin cậy giữa các QG, dân tộc chủ yếu chỉ có thể hình thành dựa trên cơ sở lợi ích chung giữa các bên liên quan, chứ không thể căn cứ vào hệ tư tưởng, thể chế chính trị v.v... Theo nguyên lý của phép biện chứng thì mọi hệ tư tưởng,học thuyết, lý luận v.v... chỉ có giá trị trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, do đó, quan hệ bạn và thù cũng sẽ thay đổi theo. Chỉ có lơi ích dân tộc là vĩnh cửu làm nền tảng cho mọi mối quan hệ giữa các Nhà nước.
Khi đã không chung lợi ích thì không bao giờ có lòng tin nói chung, kể cả lòng tin chính trị, kinh tế hay quân sự!
Dưới đây xin tóm lược một vài luận chứng:
1. Về thực chất,xét theo mọi tiêu chí,TQ hiện nay không thể được coi là nước XHCN đích thực; Về bản chất tư tưởng, họ không còn là ML, CS đúng nghĩa v.v..., mà hiện nguyên hình là CN thực dụng cực đoan hòa trộn với CN DT nước lớn, theo hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo của Khổng Tử. (Tu thân …bình thiên hạ). Trong thâm tâm, họ luôn đánh giá VN là nước nhỏ, yếu, lạc hậu kiểu Nam man ngày xưa, lại hỗn láo, bướng bỉnh, cần phải “dạy dỗ” thường xuyên kể cả bằng súng đạn vào bất kỳ lúc nào thấy cần thiết. Vậy đó có phải là quan hệ giữa những người CS theo lý tưởng “bốn phương vô sản đều là anh em” hay không? Điều này không phải do mỗ suy diễn mà căn cứ vào phát biểu của Ô Tâp vào dịp đón đoàn ta. Trong mọi diễn văn, khác với phía VN, ông ta không bao giờ đả động đến việc xây dựng CNXH, tư tưởng ML, tiến lên v.v... mà chỉ nói TQ đang xây dựng một “XH khá giả, theo luật pháp v.v...”. Đó là trên lời nói, còn việc làm thì sao? Dù ai muốn quên đi nhưng nhân dân ta sẽ không bao giờ quên được bài học từ cuộc chiến 1979 để rồi vô tư cùng TQ xây dựng “lòng tin chính trị” khá là mơ hồ. Bởi lẽ đơn giản, về nguyên tắc, đã là CS thứ thiệt thì không bao giờ được đem quân đi xâm lược bắn giết đồng bào của đồng chí mình, lại càng không được dùng xương máu nhân dân hai nước để lấy lòng đế quốc! Chính họ thừa nhận TQ đánh VN cho Mỹ xem ,giết người Việt để rửa hận cho Mỹ, để chứng minh lòng thành nhằm nhận được viện trợ của KH v.v... (Lưu Á Châu). Vậy có nên coi họ là cùng hệ tư tưởng? Để rồi xây lâu đài tin cậy chính trị?

2. Có thể nói, do đặc điểm lịch sử và địa chính trị nên ở tầm vĩ mô, từ hàng ngàn năm nay, hai nước chưa bao giờ có lợi ích cơ bản tương đồng. Thời nay, TQ đã và sẽ là nước siêu cường đang nuôi tham vọng vươn lên thống trị thế giới nên luôn coi VN là trở ngại cần chinh phục bằng mọi cách từ phỉnh nịnh, mua chuộc, làm cho mất cảnh giác, (như vụ đón rước linh đình vừa qua) đến đe dọa, lấn chiếm, chia rẽ, can thiệp, khi thời cơ đến thì chiếm lấy trong vòng 3 ngày đến 1 tuần! v.v... Tất cả nhằm mở thông con đường bành trướng xuống BĐ và ĐNÁ, triển khai kế hoạch “con đường tơ lụa" mới thế kỷ 21 v.v... Trong khi đó VN là nước nhỏ, nghèo, muốn hòa bình để “xây dựng thành công CNXH”, kết bạn với mọi QG, dân tộc, nhằm đảm bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Nhân dân VN lại có ý chí và truyền thống chống ngoại xâm, không muốn phụ thuộc ngoại bang, không muốn trở thành bộ phận của TQ v.v Vậy làm thế nào xây dựng được lòng tin chính trị đây?

3. Trong hành động cụ thể, TQ chưa bao giờ coi trọng lợi ích thật sự của VN, kể cả trong KC chống Pháp cũng như chống Mỹ. Mọi sự giúp đỡ của họ cho ta chủ yếu là vì lợi ích của chính họ! Sau khi ta dành thắng lợi 1975 thì TQ càng cay cú, hậm hực, lập tức xúi bẩy, viện trợ cho Khơme đỏ đánh VN, tạo cớ để “dạy cho VN bài học" v.v... Trong xây dựng hòa bình, các “đồng chí TQ” làm được gì cho sự phát triển của VN? Họ khoe kim ngạch TM hai nước phát triển rất mạnh nhưng VN nhập siêu của TQ 26 tỷ đô, vậy lợi ở đâu? Nếu sắp tới tăng lên nữa thì càng thua thiệt nhiều. Những công trình đầu tư, tổng thầu v.v lại càng tệ: cái thì lỗ vì công nghệ lạc hậu như Boxit Tây Nguyên, cái thì chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư, thi công mất an toàn, buôn bán tiểu ngạch ở biên giới thì làm khổ nông dân (vụ nhãn vải, dưa hấu những năm trước và hiện nay), hàng thực phẩm, đồ chơi trẻ em, dụng cụ gia đình của họ đưa sang VN đều tẩm chất độc hại v.v..., Thương lái vào sâu nội địa đặt hàng độc để triệt hạ hồi, quế, cây nguyên liệu,cây ăn quả quí hiếm v.v... Thật lòng mỗ tôi chưa thấy có hành động nào của TQ có tác động tích cực đến sự phát triển của nước ta.

Còn ở BĐ thì khỏi nói. Ký tuyên bố chung chưa ráo mực, TQ đã tuyên bố công khai quân sự hóa BĐ, tiếp tục mở rộng 7 đảo ở TS của VN v.v.

Vậy thì làm sao có thể xây dựng được sự tin cậy chính trị giữa hai nước nhỉ.

Để thấy rõ hơn vấn đề, có lẽ nên so sánh quan hệ V-TR với Việt - Nga. Rõ ràng, với Nga, VN không bao giờ là lực cản cho sự phát triển của họ. Ngược lại, Nga cũng không có tham vọng lãnh thổ, biển đảo, hành lang kinh tế v.v... của VN. Nói cách khác, lợi ích cơ bản giữa hai bên là thống nhất. Đó chính là cơ sở vững chắc để chúng ta xây dựng sự “tin cậy chính trị" với Nga. (Đáng buồn là trong một thời gian dài, quan hệ hai nước chưa xứng tầm tiềm năng; sau chuyến đi vừa qua của ông Thủ tướng Metvedep, một thời kỳ mới sẽ mở ra chăng?).
Tiến thêm một bước, chúng ta hãy xem xét quan hệ VN - HK trong giai đoạn lịch sử mới. Cá nhân tôi cho rằng hiện nay và trong tương lai, lợi ích của hai nước không có xung đột lớn mặc dù về ý thức hệ không tương đồng. Cần chỉ ra rằng, ngày nay, những cuộc xung đột quốc tế không còn do mâu thuẫn ý thức hệ để hình thành hai phe đối đầu như trước. LX và hệ thống phe XHCN sụp đổ khiến cho bản đồ chính trị thế giới thay đổi theo hướng lợi ích toàn cầu mâu thuẫn với lợi ích cục bộ QG, sắc tộc, tôn giáo, với những mối đe dọa phi truyền thống, biến đổi khí hậu v.v.. Vì lẽ đó, nước ta hoàn toàn có cơ sở để xây dựng lòng tin chiến lược, hoặc tin cậy chính trị với HK, dĩ nhiên có điều kiện đi kèm để tránh biến thành con tốt trong tay bất kỳ nước nào... Liệu trong chuyến viễn du sắp tới ,ông Tổng có làm được việc ấy ? Hãy đợi xem sao.
4. Tuy nhiên, dù không thể “tin cậy chính trị” trong thực tế, nhưng chúng ta cũng không dại gì công khai, chủ động chống TQ như thời kỳ ông LD. Ta mong muốn chung sống hòa bình với họ, tôn trọng lợi ích lẫn nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế nhưng luôn phải nâng cao "cảnh giác chính trị”, không để bị bất ngờ ăn quả lừa như hồi 1979, càng không để mất độc lập tự chủ, lãnh thổ, biển đảo, hy sinh lợi ích dân tộc để chạy theo tình hữu nghị và hệ tư tưởng hão huyền v.v... Phải thế chăng?

*  *  *

2 nhận xét:

  1. nghe CHINA nói về lòng tin chính trị thì khác nào nghe cave nói về hoàn cảnh gia cảnh của mình! tất cả đều bịp bợm,nhưng bao giờ cũng có một cái vỏ tươi đẹp!!!

    Trả lờiXóa
  2. Hoan nghênh cụ KVH. Có lý lắm ! Tin cậy chính trị ? Hai từ "chính trị" đó ma mị lắm, liêu trai lắm ! Mơ hồ và mông lung, không xác định rõ ràng là cái gì hết ! Tin cậy chính trị chỉ là một màn hỏa mù để rồi họ cứ lấn tới và anh cả Tr. cứ việc im mà lùi thêm !

    Trả lờiXóa