Trang

4 tháng 7, 2014

Chủ nghĩa Quốc tế vô sản có tồn tại?

(Bạn đọc) - Lời Tòa Soạn VHNA:  Rõ ràng là thế giới đang nóng lên bởi hai sự kiện ở hai phương trời, Crimea bên Tây và biển Đông ở bên Đông. Gạch nối hai sự kiện này là Putin thăm Trung Quốc, bắt tay Tập Cận Bình với hàng loạt cam kết về chính trị – kinh tế – quân sự. Địa chính trị toàn cầu thay đổi đã buộc thế giới phải xem xét lại nhiều khái niệm chính trị – kinh tế – văn hóa, quan niệm về giá trị, lợi ích…và các quốc gia – dân tộc đang buộc phải có những nhận thức mới về thời cuộc, bạn bè và cách ứng xử mới phù hợp với thời cuộc. Trên tinh thần đó, Phóng viên tạp chí Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với giáo sư Mạch Quang Thắng, Học viện chính trị – hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

                                            ----------------------------------------


Phan Thắng: Với sự kiện Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương981 trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể nói đã thúc đẩy nhanh chóng sự thay đổi các mối quan hệ quốc tế vốn đã rất nóng trong thời gian gần đây. Địa chính trị thế giới thay đổi suốt từ Tây sang Đông mà hai nút thắt là Crimea và Biển Đông. Ông nhận định và phân tích tình hình địa chính trị châu Á – Thái bình Dương hiện nay như thế nào?

Gs Mạch Quang Thắng:
Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vào tháng 5 năm 2014 chỉ là một sự tiếp nối, một trong những biểu hiện từ lâu của tình hình phức tạp ở Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương. Tình hình ở Biển Đông gần đây không có gì giống với Crimea bên châu Âu cả. Thế giới mấy năm nay vẫn thế thôi, nghĩa là một số phe nhóm, các nước lớn cứ muốn làm bố thiên hạ. Tình hình địa-chính trị châu Á-Thái Bình Dương cũng là nơi các nước lớn thi thố quyền lực với nhau. Chỉ có điều là Trung Quốc càng muốn thể hiện sự trỗi dậy của mình một cách mạnh mẽ hơn trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, ngang ngược hơn, bất chấp luật pháp quốc tế hơn và chà đạp đạo lý hơn.

Phan Thắng: Chúng ta có thể dự đoán về sự can dự của Nga trong bản đồ địa chính trị Châu Á – Thái Bình Dương hôm nay và tương lai gần? Tại sao?

Gs Mạch Quang Thắng: Dự đoán vẫn chỉ là dự đoán. Càng ngày càng thấy khó dự đoán về tình hình thế giới. Thực tế cho hay: rất nhiều dự đoán, ngay cả dự đoán của những người chuyên nghề nghiên cứu chính trị thế giới, vẫn bị trật khấc. Tôi thì thấy rằng, nước Nga dưới thời của ông Putin thì muốn đóng vai trò lớn ở trên thế giới và ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng lực bất tòng tâm. Xét về mọi mặt, Nga còn nhiều hạn chế. Vả lại, hình như là châu Á-Thái Bình Dương không thuộc điểm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga.

Phan Thắng: Ông bình luận gì về sự im tiếng của các quốc gia mà về danh chính ngôn thuận là đang cùng ý thức hệ cộng sản với Việt Nam là Lào, Cuba, và Triều Tiên, và láng giềng thân thiết từng chia sẻ lý tưởng và  xương máu là Campuchia, rồi cả Nga nữa, đối tác chiến lược truyền thống của việt Nam, trong vụ Trung Quốc ngang ngược xâm lấn Việt Nam ?

Gs Mạch Quang Thắng:
Có ý thức hệ hay không thì còn phải bàn. Nếu có thì mấy nước mà anh vừa kể ở bên trên có cùng ý thức hệ với Việt Nam hiện nay không? Tôi nghi ngờ lắm. Mà nếu có cùng ý thức hệ thì bản chất của vấn đề “Trung Quốc ngang ngược xâm lấn Việt Nam” không nằm ở đó.

Phan Thắng:
Đây là sự thất bại của lý tưởng chủ nghĩa quốc tế vô sản hay là sự thắng thế của chủ nghĩa dân tộc? Hay là một sự vận động đúng quy luật giá trị – lợi ích, lợi ích quốc gia – dân tộc phải được đặt lên hàng đầu?

Gs Mạch Quang Thắng: Làm gì có chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đó là một giá trị xa xỉ. Hiện nay chủ nghĩa dân tộc đang ở thế thượng phong. Có nhiều thứ chủ nghĩa dân tộc: Chủ nghĩa dân tộc nước lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, và có chủ nghĩa dân tộc  theo quan điểm Hồ Chí Minh. Tính chân chính này của chủ nghĩa dân tộc ở  Việt Nam hoàn toàn không có gì chung với chủ nghĩa dân tộc nước lớn ỷ thế bắt nạt các nước nhỏ, luôn có âm mưu và hành động bành trướng; thậm chí dùng ảnh hưởng của mình để thỏa hiệp với các thế lực khác làm hại dân tộc ta. Chủ nghĩa dân tộc chân chính theo quan điểm Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn không có gì chung với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi chỉ nghĩ đến lợi ích của dân tộc mình mà không tính đến lợi ích toàn cục, không tính đến lợi ích chính đáng của nước khác.

Chủ nghĩa dân tộc chân chính theo quan điểm của Hồ Chí Minh là động lực để quy tụ sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc không phân biệt chính kiến, gái trai, giàu nghèo, vùng miền, tôn giáo, lứa tuổi, người Việt Nam ở trong nước hay ở ngoài nước, tức là sức mạnh kết từ tất cả những “đồng bào”, những người từ một bọc của Bà Âu Cơ. Đó cũng là động lực để đoàn kết quốc tế, những ai yêu hòa bình, công lý, tiến bộ trên toàn thế giới. Đúng, thế giới hiện đang “phẳng” hơn, có nhiều điều thánh thiện, nhưng hiện thế giới cũng đang đầy rẫy những điều bất công, đầy sự bất an, thế giới của không ít “ông kễnh” muốn thâu tóm thiên hạ vào mình, biến chủ quyền đất liền và biển đảo của người khác thành của mình. Ngày 2-7-1946, trong buổi tiệc do Thủ tướng Chính phủ Pháp G.Biđôn chiêu đãi dịp thăm nước Pháp, trong lúc Pháp cứ muốn tái chiếm Việt Nam, bất chấp những nỗ lực đàm phán của Việt Nam, Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý  đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, tức là: Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

Phan Thắng:
Trung Quốc, Cuba hay Triều Tiên, cho đến hiện nay, theo ông, có phải vẫn là các quốc gia xã hội chủ nghĩa? Nếu vậy chúng ta phải hình dung về chủ nghĩa xã hội như thế nào, từ các vấn đề lý tưởng chính trị, nhân văn đến hình thái kinh tế – xã hội…?

Gs Mạch Quang Thắng: Thế nào là “quốc gia xã hội chủ nghĩa” thì còn phải bàn. Bàn được vấn đề này ra nhẽ rồi thì mới định được tính chất hay thể chế chính trị của một quốc gia nào đó. Ngay cả tính chất cộng sản của một đảng chính trị nào đó cũng vậy. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, theo lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh, thì là đẹp lắm. Thế nhưng thực tế thật phũ phàng. Trong lịch sử phong trào cộng sản, chúng ta thấy nẩy nòi mấy vị độc tài, thanh trừng rất nhiều người; nẩy nòi những cái quái gở không thể tưởng tượng nổi. Bây giờ nói những người đó là những người cộng sản, những nước đó là những nước xã hội chủ nghĩa, theo nghĩa rất đẹp mà C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã nêu ra, thì xấu hổ lắm.

Phan Thắng: Nếu Trung Quốc không phải là một nhà nước xã hội chủ nghĩa thì chúng ta không cần phải chia sẻ về ý thức hệ, về lợi ích, thậm chí về quan niệm giá trị. Vậy chúng ta cần xác định tư thế quan hệ với họ như thế nào?

Gs Mạch Quang Thắng: Quan hệ của Việt Nam hiện nay với Trung Quốc vẫn là quan hệ giữa một bên là một nước nhỏ với nước lớn láng giềng luôn có ý thức và hành động bành trướng. Lịch sử hàng nghìn năm của nước ta đã cho chúng ta nhiều bài học rồi. Nên học tiền nhân trong cách ứng xử với người láng giềng này.

Phan Thắng: Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, theo tôi, khẩu hiệu “bốn phương vô sản đều là anh em” đã chính thức lỗi thời, ít nhất trong bối cảnh thế giới đương đại. Vậy theo ông, chúng ta có cần phải nghiên cứu để xác lập lại triết lý đối ngoai/ngoại giao của mình?

Gs Mạch Quang Thắng: Không phải đợi đến “sự kiện giàn khoan Hải Dương 981″. Khẩu hiệu đó lỗi thời từ lâu rồi. Triết lý đối ngoại/ngoại giao của nước ta hiện nay? Xem ra, ở nước ta không chuộng những vấn đề triết lý lắm.

Phan Thắng: Lâu nay có khá nhiều người bàn về chiến lược Thoát Trung – thoát khỏi sự ảnh hưởng quá nặng nề và tiêu cực từ Trung Quốc – từ chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của họ. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Gs Mạch Quang Thắng:
“Thoát Trung”, tôi đồng ý nội dung “thoát Trung” như câu hỏi đặt ra. Bàn về chiến lược này thì lớn quá. Tôi nêu một số ý là: (i) Làm cho nước ta cường thịnh, văn minh (chứ bây giờ còn yếu quá); (ii) Làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc hơn; (iii) Làm cho quốc tế ủng hộ ta mạnh và có hiệu quả hơn; (iv) Lãnh đạo phải nghe dân. Nên nhớ lại lời Cụ Hồ:Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được/Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi (10-7-1954). Ngày 10-5-1950, Hồ Chí Minh nói: “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đầy tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò, nếu không, quần chúng sẽ đá đít”. Mùa Hạ năm 1922, Hồ Chí Minh viết: “Tiếng dân chính là truyền lại ý trời”. Đầu năm 1946, Hồ Chí Minh nói: “Đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Tháng 10-1947, Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu…thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”. Năm 1955, Hồ Chí Minh lại viết: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”.

Phan Thắng: Triết lý, đường lối đối ngoại muốn hay không phải phù hợp, và là thể hiện quyết tâm chính trị, thể chế nhà nước, nền tảng và cơ cấu kinh tế – xã hội của quốc gia – dân tộc. Như trên chúng ta đã nói, chủ quyền và lợi ích dân tộc là trên hết. Vậy chúng ta cần tổ chức và quản trị đất nước như thế nào để đảm bảo được điều đó trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt là điều kiện vị trí địa chính trị rất đặc biệt, rất “nhạy cảm” của nước ta?

Gs Mạch Quang Thắng:
Nhà văn hóa Nguyễn Trãi viết: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Tổ chức và quản trị đất nước như thế nào thì cần đối thoại với mọi tầng lớp nhân dân, lúc ấy tôi tin chắc là sẽ có những giải pháp  tốt. Cần lắm năng lực và cả kỹ năng lắng nghe từ các cấp lãnh đạo. Cần lắm cả cái tâm và cái tầm của những đày tớ của dân.


5 nhận xét:

  1. Cám ơn KVH đã cho đọc bài này.
    Cái CNQTVS và CNXH thật sự rất mơ hồ. Làm sao chúng ta cứ ngu muội mã nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  2. Tuy nói gần xa loanh quanh nhưng tựu trung lại thì điều tác giả muốn chốt lại là vấn đề dân chủ. Làm được điều này thì ta tự giải phóng được mình để phát triển , sẽ có nhiều bạn bè làm chỗ dựa và cuối cùng là sẽ bảo vệ được TQ. Không mau chóng giải quyết v/đề dân chủ thì đất nước sẽ có nguy cơ rơi vào vòng nô lệ của tên láng giềng hung bạo.

    Trả lờiXóa
  3. Mình chưa được qua "trường ní nuận" nào, nên không hiểu nhiều về "Chủ nghĩa này nọ". Trước, nghe tuyên truyền về CNQTVS thì thấy HAY và ĐẸP tuyệt vời (nghe thôi chứ có thấy nó méo tròn ra sao, đằng sau sự giúp đỡ "khẳng khái vô tư', che đậy ý đồ gì thì lúc đó mình CHỊU). Càng ngày càng thấy... vô nghĩa và vớ vẩn. Có cái chủ nghĩa nào mà "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ ,công bằng, văn minh và yêu chuộng hòa bình" thì OK. Gọi tên nó là gì cũng được.
    Có gì "biến chất" "lông cạn" để kẻ địch lợ dụng, mong Cụ KYVI đại xá.

    Trả lờiXóa
  4. kyvinhhung20:41 5/7/14

    Xin tâm sự "thật nòng" : lúc đầu đọc, nghe những ý kiến phản biện, mỗ tôi cũng thấy nhiều điều khó chấp nhận, nhưng rồi thực tế cuộc sống khiến suy nghĩ cứ thay đổi từng ngày. Bây giờ thì mỗ không còn là một lão già bảo thủ ôm lấy mấy bài ní nuận xưa cũ nữa mà đang cùng các cụ lột xác hoàn toàn để trở thành những người con của nền dân chủ chân chính như ý kiến cụ Trương..
    Riêng bài này, mỗ thấy đằng sau nó là một ẩn ý sâu hơn : nếu không có CNQTVS thì cũng không thể có CNXH và đảng CS đúng nghĩa. Và như vậy hệ thống lý thuyết ML về bạn -thù-ta v.v. cùng thực tiễn mô hình CN XH mà người ta đang cố níu giữ lấy đều là sai lầm,ảo tưởng, có thể đưa dân tộc đến bờ vực thẳm. Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải từ bỏ mọi thứ danh hão do ta tự phong về chế độ ,đảng này nọ để nhằm vào mục tiêu vĩnh cửu cao nhất như đề xuất của cụ Ba...

    Trả lờiXóa
  5. Em học KTế xây dựng ở Liên xô. Lúc đó đang "xét lại" nên nhà nước không cho học những môn KTCT, triết học Mác Lê, chủ nghĩa XH khoa học...nên em cũng không rành lý luân lắm. Về nước (1968) thấy chương trình của ngành kinh tế nặng về lý luận mà không dạy kỹ năng kinh tế. Sau này có dịp sang Nhật thực tâp, em đã mang môn kinh tế học ( kinh tế thị trường) về và đấu tranh để môn này được đưa vào giảng dạy. Sau nhiều năm KTH đã thực sự thay thế vị trí của môn kinh tế chính trị anh ạ...
    Hoan hô anh đã "lột xác"...Còn Ô X nhà em thì ...còn luyến tiếc lắm!

    Trả lờiXóa